Vĩnh biệt Dương lão gia, chủ ngôi nhà cổ Bình Thủy danh tiếng Nam Kỳ
- 27/05/2024
- Ban Thông tin truyền thông
- 100
Ông Dương Minh Hiển – linh hồn của ngôi nhà cổ 150 năm tuổi Bình Thủy, TP Cần Thơ – qua đời hôm 26-5 ngay tại ngôi nhà thấm đẫm lịch sử này.
Dương Minh Hiển là cháu nội của ông Dương Chấn Kỷ – Ảnh: HỒNG HẠNH
Lão gia Dương Minh Hiển là cháu nội của ông Dương Chấn Kỷ, một trong những gia tộc có công khẩn hoang, khai thiên lập địa mảnh đất xứ Nam Kỳ.
Trên mảnh đất Nam Bộ, những ngôi nhà cổ xưa gắn bó với những dòng tộc lẫy lừng một thuở có lẽ phải còn tồn tại đến hàng trăm cái.
Mỗi một ngôi nhà là một tác phẩm kiến trúc có giá trị mang đậm nét tài hoa của những nghệ nhân hàng mấy trăm năm trước. Trải qua bao dâu bể cuộc đời, không phải dòng tộc nào cũng có duyên may, phúc phần được ở đời này kiếp nọ trên ngôi nhà của mình.
Nhưng ngôi nhà cổ 150 tuổi của gia tộc họ Dương tại đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ lại khác.
Lão gia Dương Minh Hiển là một dấu gạch nối của dòng tộc. Những câu chuyện, những việc làm – lắm lúc như giai thoại – của ông đã góp phần gìn giữ nét phong lưu Nam Bộ và tạo nên hồn vía cho những ngôi nhà cổ xưa này.
Gia tộc họ Dương và ngôi nhà Bình Thủy lừng lẫy
Theo lời kể của Dương lão gia, đâu lối cuối thế kỷ 19, ông nội của ông từ Nha Mân, Đồng Tháp sang Cần Thơ khai khẩn đất đai. Họ được coi là người có công “khai thiên lập địa” ở xứ này.
Khi đất đai bạt ngàn, lúa thóc đầy bồ, gia tộc họ Dương mới bỏ công, bỏ của ra cất một ngôi nhà để… chưng đồ cổ coi chơi.
Ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1870 trên khuôn viên ngót 8.000 mét vuông. Dương lão gia bảo với tôi rằng hồi đó ở xứ này có một ông thầy tên Ba Nghĩa – nhưng dân dã trong vùng quen gọi là ông thầy Lỗ Ban – cất nhà đẹp lắm.
Ông Ba Nghĩa hơi dị hình, dị tướng. Ông cao chỉ độ một thước lẻ mấy phân, xương sống thì cong vòng. Tư niên mãn mùa, ông ở trần vận độc một cái quần ngắn bằng lãnh đen, trên đầu chít một chiếc khăn điều đỏ chót.
Chỉ với một cái nẻ mực và một chiếc rìu, ông thầy đã đẽo không biết bao nhiêu cây cột lim tròn vành vạnh. Nghe đâu gia tộc họ Dương phải mất ngót nghét 20 năm, ngôi nhà mới hoàn thiện.
Ngôi nhà cổ Bình Thủy danh tiếng Nam Kỳ – Ảnh: HỒNG HẠNH
Dân tình xứ Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ đã chắt lưỡi hít hà công nhận ông thầy Ba Nghĩa quả là nghệ nhân khi chỉ với cây rìu đẽo lại cất được một ngôi nhà 5 gian, bề ngang đến 20 mét mộng mẹo khít rim.
Không chỉ có ông thầy Ba Nghĩa, ông Dương Chấn Kỷ còn thuê mướn các nghệ nhân trong Nam ngoài Bắc chạm lộng bàn ghế nhà cửa cho mình. Các bộ tràng kỷ trải qua hơn trăm năm nay nhưng những chi tiết chạm khắc xà cừ cứ óng ánh ngũ sắc không phai.
Cũng như các ngôi nhà đại điền chủ khác ở xứ lục tỉnh, hàng bao lam nối các cột lim trước án thờ luôn được dụng công chạm trổ. Điểm độc đáo khác biệt ở đây các họa tiết trên bao lam không hề có những điển tích Trung Quốc xưa như thông lệ.
Thay vào đó, toàn bộ các chi tiết trên bao lam thể hiện cảnh sinh hoạt dân dã của chính lưu dân khẩn hoang xưa.
Từ con cua, con gà, con tôm, con cá cho đến cành trúc, lùm cây hết sức dân dã. Cảm hứng chủ đạo của các nghệ nhân phải chăng muốn ca ngợi cảnh yên bình của xứ Đàng Trong lúc bấy giờ.
Di vật của ông Dương Chấn Kỷ còn để lại là một bức ảnh truyền thần hiện được treo trang trọng ở sảnh giữa gian nhà cổ. Điểm độc đáo ở chỗ, bức truyền thần này được đúc bằng sành tráng men với những chi tiết thật như ảnh chụp bây giờ.
Bên trái bức ảnh có hàng chữ Hán Nôm tạm dịch sơ là: “Đề Ngạn An Nam Tường Nguyên Án Tạo”. Người ta bảo công nghệ làm ra những bức ảnh bằng sành tráng men như vầy chỉ có ở Pháp và Trung Quốc từ cuối thế kỷ 18.
Nhưng với dòng chữ hiện còn lưu giữ ấy tôi lại hồ nghi, chẳng lẽ nghệ nhân Bến Nghé lại làm được hay sao. Nếu quả vậy thì đây là một vấn đề đáng để nghiên cứu.
Bức ảnh này đã trải qua bao biến cố, có lúc gia tộc phải chôn xuống bùn để tránh bom đạn nhưng vẫn không mảy may suy suyển.
Không như những ngôi nhà khác chỉ còn giữ kiến trúc xưa, khi đến với nhà cổ Bình Thủy, nếu may mắn, thuận duyên, du khách có thể được chủ nhân đem cổ vật ra khoe.
Gia tộc này còn lưu giữ rất nhiều chung, chén, dĩa… toàn bộ đều là đồ nội phủ, ngoạn ngọc. Cổ nhất phải kể đến cái chén Tuyên Đức Niên Phụng từ đời Minh có niên đại 572 năm, một độc bình Thành Hóa Niên Chế với ngót… 533 tuổi.
Rồi một độc bình men lam khác rất độc đáo với những họa tiết phỏng theo điển tích “Tam cố thảo lư” – Lưu Bị ba lần đến lều tranh rước Khổng Minh. Rồi một chiếc lư đồng có 3 chân vạc và 2 đầu nghê rất khó đoán niên đại.
Có điều dưới đáy lư có một dấu triện 6 nét thuộc loại “Đại triện tối cổ”. Nhưng món đồ mà tôi hay mân mê mỗi khi có dịp lên nhà Dương lão gia lại là một chiếc lư đồng mắt tre vô cùng tinh xảo.
Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, thì ngoài chiếc lư mắt tre ở chùa Vĩnh Triều Minh ở Bạc Liêu thì xứ lục tỉnh chỉ còn chiếc này nữa mà thôi.
Có bận, Dương lão khoe một chén cổ, đã có màu thời gian – điểm đáng ăn tiền của đồ cổ. Trên cái chén ngoạn ngọc này ngoài những họa tiết điển tích lại là 4 câu thơ trong bài thơ Đường tứ tuyệt “Đằng Vương Các Tự” của Vương Bột. Tạm đọc là: “Đằng Dương cao các lâm giang chữ. Bội ngọc minh loan bãi ca vũ. Hội đống tiêu phi nam phố vân. Châu liêm mộ quyển tây sơn vũ”.
Người giữ hồn Nam Bộ cho ngôi nhà xưa
Sau năm 1975, lão gia Dương Minh Hiển, cháu nội ông Dương Chấn Kỷ, là người sinh sống và gìn giữ ngôi nhà cổ Bình Thủy. Vậy Dương lão gia là người như thế nào?
Tôi chỉ vắn tắt một câu: Ông Dương Minh Hiển đây chính là một ông già lãng tử còn sót lại giữa đời thường. Nội việc ông gìn giữ ngôi nhà cùng các cổ vật đến vậy đã là chuyện dễ nể.
Ông có một đam mê lạ lùng là sưu tập các đồng tiền cổ và cũng chỉ những đồng tiền được sản xuất vào năm 1926 – năm sinh của Dương lão mà thôi.
Nhờ những nét xưa còn lưu giữ mà ngôi nhà cổ này từng được chọn làm phim trường cho rất nhiều bộ phim.
Bộ phim đầu tiên là Bão U Minh vào năm 1985 của đạo diễn Lâm Mộc Khôn, quay phim Đường Tuấn Ba.
Và sau đó là một loạt phim khác khi đạo diễn Trần Phương chọn làm bối cảnh cho Bẫy ngầm, Đội nữ biệt động mùa thu, Dòng sông hoa trắng.
Rồi hàng loạt các phim khác như: Những nẻo đường phù sa, Công tử Bạc Liêu, Câu chuyện tình dòng kinh Phán, Vòng hoa Chôm pay... hay loạt phim chuyển thể tác phẩm Hồ Biểu Chánh như Nợ đời, Con nhà nghèo hoặc Chuyện cổ tích Việt Nam của Hãng phim Phương Nam.
Ngôi nhà cổ Bình Thủy, Cần Thơ đã là phim trường của rất nhiều bộ phim. Nhưng với phim Người tình (L’Amant) thì Dương lão gia – Dương Minh Hiền mới có quá nhiều kỷ niệm thú vị.
Poster có bút tích của đạo diễn phim Người tình
Với bộ phim lừng danh L’Amant, bối cảnh làng quê miền Nam năm 1929 vô cùng huyền bí, lãng mạn sẽ không có nơi đâu hạp bằng những ngôi nhà cổ xứ Nam Kỳ và ấn tượng nhất là ngôi nhà có tuổi đời trên trăm năm này.
Khi nhớ về những ngày tháng đoàn làm phim của Jean-Jacques Annaud đến đây, ông Dương Minh Hiển đã thốt lên: “Thiệt là hết sức vĩ đại”.
Nhiều chi tiết mà ông còn nhớ, tỉ như chuyện cơm nước cho đoàn làm phim, họ đã nhọc công tốn 4 chiếc xe đông lạnh chở thức ăn và nước suối từ… bên Pháp sang.
Tính ra nội tiền nước suối đã đủ cho Việt Nam làm hẳn một bộ phim khá hoành tráng. Chi phí cho mỗi ngày nghe đâu lối 100 triệu đồng.
Họ cũng mời hẳn nhà văn Sơn Nam đi theo để sắp xếp lại bàn thờ trong ngôi nhà cho phù hợp bối cảnh phim, hay để tư vấn một loại vải gấm để may màn.
Hoặc để thực hiện bối cảnh một đêm mưa trắng trời trắng đất – đêm mà chàng trai Hoa Kiều (nam diễn viên Lương Gia Huy) quỳ lạy cha mình xin lấy bằng được cô gái Pháp – họ đã căng vải trắng lên toàn bộ khu vườn rộng mất mẫu đất rồi dùng vòi rồng phun nước lên. Kết quả là khung cảnh thơ mộng não lòng mà khán giả đã nhìn thấy trên phim.
Quá hài lòng về những bối cảnh tuyệt vời cho bộ phim, quá xúc động trước tấm thịnh tình vô vụ lợi của chủ nhân ngôi nhà, Jean-Jacques Annaud đã ướm hỏi món quà gì mà ông Dương Minh Hiển thích nhất.
Thật hóm hỉnh, Dương lão gia đã liếc mắt về nữ diễn viên chính Jane March khiến Annaud cười phá lên mà rằng: “Ô là la, làm sao ông có thể đủ tiền để đảm bảo cuộc sống vương giả cho một cô đào”.
Đùa vui một chút và Annaud đã lấy mảnh màn cửa bằng gấm nơi Jane March từng lướt qua đế tặng cho Dương lão gia như để lưu một chút… mùi hương của mỹ nhân.
Và sau đó không lâu, khi bộ phim ra mắt, Annaud đã tặng cho Dương lão gia một tấm áp phích bộ phim kèm theo những dòng thư rất nhiều từ ngữ ngợi khen:
Bút tích của đạo diễn phim Người tình – Jean-Jacques Annaud
“Je suis ébloui par la splendeur spectaculaire de cette sublime demeure. J’espère pouvoir, grâce au cinéma, la faire connaitre autour de la Terre! Merci de votre accueil délicieux” – JJ. ANNAUD, 27 Mars 1990. (Tạm dịch: Tôi choáng ngợp bởi sự đẹp lộng lẫy rất ấn tượng của ngôi nhà này. Hy vọng rằng qua bộ phim nó sẽ được nổi danh khắp thế giới. Xin cảm ơn sự tiếp đãi tuyệt vời của các bạn”).
Dương lão gia rất ít khi kể ai nghe những câu chuyện này, mặc dù chính Annaud thú nhận, ông ta đã choáng mắt trước sự tráng lệ, kỳ vĩ của ngôi nhà và Annaud muốn nhờ vào điện ảnh để khiến khắp hành tinh biết đến nơi đây.
Cái lý của các nhà làm phim khi chọn nơi đây làm phim trường vẫn là vì nó mang đậm dấu ấn văn hóa xưa, riêng vị chủ nhân lại vô cùng ý nhị, lịch lãm khi tiếp đón.
Ông kể có đoàn phim sắm phục trang cho nhân vật bá hộ mặc áo nâu, tay ngắn có túi kiểu miền Bắc, ông đã nói liền: “Mấy chú ơi, hổng phải mặc vậy. Hồi đó, ông nội tui mặc áo tơ tằm màu mỡ gà, nút bằng đồng đỏ lại đeo thêm sợi dây chuyền gắn đồng hồ quả quýt mới đúng bộ”.
Riêng cảnh, mấy chú nhóc đeo bao bố tuột từ trên xuống để lau cột nhà trong mấy phim cổ tích thì ông già cười ngất: “Quỷ thần ơi, ai đâu mà làm kỳ cục vậy. Hồi đó, nhà tui mướn người trong ruộng ra lau bằng nùi giẻ với xơ dừa từng ly từng tí đó chớ”.
Hoá ra, chính vị chủ nhân này đã là một pho tư liệu sống về văn hóa Nam Bộ xưa mà các đoàn làm phim cần tham khảo đối chứng khi kể chuyện xưa.
Lại nhớ, hồi đầu năm 2001, khi đến đây họa sĩ tài danh Lê Bá Đảng đã cho biết: “Nhà vườn và chủ nhân rất quý. Tất cả có thể trở nên hiếm có nếu chen vào đây mỹ thuật, văn hóa mới. Sẽ là thật cũ và thật mới thì quý hóa vô cùng. Và tất nhiên chỉ có văn hóa mỹ thuật và lòng người mới vĩnh viễn sang trọng”.
Ý định của họa sĩ Lê Bá Đảng là sẽ đầu tư tiền bạc để có một cuộc triển lãm, trưng bày phía sau ngôi nhà cổ – những vật dụng như mô hình bồ lúa, bụi lúa, cái cày, con trâu… mà người ta có thể vào ngồi trong đó để hưởng thú vui ẩm thực.
Dương lão gia đã suy gẫm rất lâu và rồi… chối từ ý định đó. Dường như với ông, cái văn minh tân tiến sẽ mãi không chạm được đến cửa ngõ căn nhà này. Ông không muốn kiếm tiền bằng cách lăng xê kỷ niệm, kỷ vật để rồi lũ lượt những dòng du khách kéo đến – phá vỡ đi một không gian rất thuần Việt.
Dương lão gia tâm sự với tôi hồi những năm 2000 rằng ông rất thích một câu nói của Napoléon: “Tôi không cần biết anh làm gì nhưng khi anh sanh ra nơi nào, anh chết nơi đó là anh đã thành công rồi”.
Hai mươi năm sau, Dương lão gia đã đạt được hơn thế với ngôi nhà thấm đẫm chất văn hóa phong lưu đặc sệt xứ Nam bộ xưa. Ông đã trút hơi thở cuối cùng trên chính ngôi nhà ông sinh ra và gìn giữ hồn vía gần trăm năm nay.
Theo Tuoitre.vn