Chị Dương Mộng Linh làm giàu từ trồng nấm
- 25/12/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 720
Bén duyên với cây nấm khi còn là một công nhân, chị Dương Mộng Linh (ấp Phú Thứ, xã Phú An, TX.Bến Cát) quyết định khởi nghiệp bằng nghề trồng nấm. Không chỉ làm giàu cho bản thân mà chị còn giúp cho nhiều người dân nơi đây có việc làm ổn định.
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng nấm của chị Linh, khi cả 2 vợ chồng chị cùng 5 người làm công đang tất bật đóng những bịch giá thể để chuẩn bị cho khách đặt hàng. Trong câu chuyện với chị, chúng tôi được biết trước đây, gia đình chị cũng khó khăn, thu nhập từ công nhân làm thuê không đủ trang trải cuộc sống. Để vươn lên thoát nghèo, anh chị quyết tâm vay mượn vốn, xây dựng trại nấm, khởi nghiệp ngay chính trên quê hương mình. Chị Linh chia sẻ: “Nhiều năm liền chị cùng chồng làm công nhân cho trang trại trồng nấm của người họ hàng nên tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm. Khoảng 15 năm trước tôi đã tự trồng nấm tại nhà nhưng chưa đạt hiệu quả cao”.
Sau những thất bại, từ năm 2011 chị tiếp tục đầu tư trồng nấm với số vốn ban đầu là 50 triệu, quy mô là 1 trại nấm 70m², sau đó chị tiếp tục mạnh dạn đầu tư tổng cộng 800 triệu đồng (2 đợt) đầu tư xây dựng lò sấy, phòng nuôi cấy meo giống, nhà xưởng làm phôi giống, đến nay chị mở rộng với tổng diện tích gần 1.500m², tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 lao động tại địa phương.
Hiện nay, trang trại của chị cung cấp phôi giống nấm bào ngư và nấm linh chi cho nhiều hộ dân và các tiểu thương trong vùng. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình chị còn lãi từ 200 – 400 triệu đồng/năm. Dự kiến trong thời gian tới, chị sẽ mở rộng thêm diện tích trồng nấm để phát triển kinh tế gia đình, góp phần tạo điều kiện giúp đỡ những người dân có công ăn việc làm ổn định.
“Trồng nấm không tốn nhiều diện tích, không phải xử lý bằng các loại phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, người trồng phải tuân thủ đúng kỹ thuật từ khâu xây dựng trại, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp. Muốn nấm phát triển tốt, mọc dày, đạt chất lượng, người trồng phải mua phôi nấm ở những nơi đáng tin cậy; trong quá trình chăm sóc, thường xuyên theo dõi nhiệt độ, nhất là khâu tưới nước”, chị Linh cho hay.
Trong số những người làm công cho chị, chúng tôi dễ dàng nhận ra một vài bạn đang là học sinh, sinh viên. Khi hỏi vì sao chị không nhận tất cả là những người lao động làm nguyên ngày, mà phải tuyển sinh viên làm theo ca, chị bảo: “Phải tạo điều kiện cho các cháu làm thêm để có tiền trang trải việc học”.
Từ những khó khăn về kinh tế trước đây, chị rất cảm thông với những hội viên, người dân nghèo. Chính vì thế những năm qua, chị luôn giúp đỡ cho ai có nhu cầu trồng nấm, nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, tư vấn xây dựng trại nấm. Từ suy nghĩ này, hiện đã có một số người đã mở trang trại nấm ở các địa phương khác nhờ học hỏi kinh nghiệm từ gia đình chị. Nhận thức được chủ trương thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, gia đình chị đã đăng ký thi đua do Hội Nông dân xã khởi xướng. Từ năm 2014 đến nay, gia đình chị được bình xét là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Không dừng lại ở việc sản xuất nhỏ lẻ, chị Linh tham gia vào tổ hợp tác trồng nấm xã Phú An. Tổ hợp tác có 8 thành viên, sinh hoạt hàng tháng vào ngày 10, với diện tích sản xuất trên 7.000m2.
Nhận xét về hướng phát triển kinh tế của gia đình chị Linh, Chị Nguyễn Thanh Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú An, nói: “Bằng sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, gia đình chị Linh trở thành hộ có kinh tế khá giả nhờ nghề trồng nấm. Đây cũng là mô hình phát triển khởi nghiệp, đem lại hiệu quả để bà con trong ấp, trong xã học tập và làm theo”.
Nguồn: Báo Bình Dương