Anh hùng Dương Đức Thùng – Người giữ lại màu xanh cây rừng giữa lòng thị xã.

         Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT), cựu chiến binh, Thiếu tá Dương Đức Thùng, hiện sinh sống tại xóm 5, ấp 2 xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài. Thành tích của Anh hùng LLVT Dương Đức Thùng trong quân đội đã được Nhà nước ghi nhận và trở thành tấm gương sáng trong đơn vị những ngày ông còn tại ngũ. Thế nhưng, thành tích trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, đóng góp cho màu xanh quê hương của ông Thùng trên mảnh đất Đồng Xoài, Bình Phước cũng xứng đáng được người dân địa phương phong là “Anh hùng”!. Điều đặc biệt là khi đến thăm nhà và khu vườn rẫy của gia đình ông, ai cũng phải ngạc nhiên vì ngoài những vườn cây trồng xanh tươi đang cho sản phẩm như: Cao su, điều, còn có hai khoảnh rừng ở 2 khu vườn rẫy (tổng cộng khoảng gần 4 sào) với những cây rừng quí thuộc loại gỗ nhóm II. Ông cười bảo: “Giữ lại màu xanh cây rừng để làm kỷ niệm”!

 

Ông Dương Đức Thùng-Anh hùng LLVT với khu vườn trồng cây rừng do ông giữ lại và chăm sóc tại ấp 2, xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài

      Ông Dương Đức Thùng, sinh năm 1954, người dân tộc Nùng, quê ở xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, nhập ngũ tháng 8/1974. Ông là một người lính tham gia giải phóng Miền Nam và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ năm 1979 đến 1983 ông là chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Năm 1985, ông được nghỉ chế độ mất sức và cùng gia đình an cư, lập nghiệp ở quê hương mới xã Tân Thành, huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé (cũ), nay là xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước.

       Cũng như những người dân đến lập nghiệp trên đất Bình Phước vào 1980 – 1990, gia đình ông cũng gặp vô vàn gian nan, khó khăn: khí hậu khắc nghiệt, bệnh sốt rét còn hoành hành; đất đai hoang hóa, cỏ tranh, cỏ mỹ thì nhiều nhưng sức người có hạn. Máy móc, rồi thuốc bảo vệ thực vật hồi ấy chưa có để hỗ trợ cho con người. Vì mê đất, yêu quí lao động, sản xuất ông Thùng và vợ cùng 3 đứa con nhỏ vẫn quyết chí bám trụ nơi vùng đất mới. Nhà ở chưa có, ông đi ở nhờ người thân. Vốn liếng không có gì ngoài hai đôi bàn tay đã chai sần vì lao động của hai vợ chồng. Ông Thùng bắt đầu công việc khai hoang, cải tạo đất ở ấp Bưng Sê (xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài). Đó là khu bưng bàu bỏ hoang, chỉ có cỏ lác, cỏ mỹ và những bụi le mọc um tùm. Vậy mà chỉ qua một thời gian, vợ chồng ông đã định hình nên mảnh vườn 6 hec ta, trong đó có 1 hec ta trồng lúa nước, mỗi năm cho thu hoạch 2 tấn. Có đủ lương thực để ăn, ông bà vừa trồng cây lâu năm, xen canh cây ngắn ngày như: Đậu, bắp, rau…kết hợp với chăn nuôi để có nguồn thực phẩm tại chỗ và “lấy ngắn, nuôi dài”. Cuộc sống của gia đình cứ thế khá dần lên qua từng mùa rẫy. Hằng ngày, với cây dao rựa, cây cuốc, đôi chân trần và một ý chí làm việc miệt mài, hầu như lúc nào ông cũng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Có người biết ông là Anh hùng LLVT thì bảo “đúng là anh hùng chân đất, khó ai mà theo kịp được ông !”. Sau nhiều năm, 6 héc ta vườn ở Bưng Sê đã ổn định, cao su rồi cây điều đã lên xanh tốt và cho những sản phẩm đầu tiên. Điều đáng nói là khi khai hoang nơi đây còn có diện tích khoảng 2 sào cây rừng tái sinh, ông quyết định giữ lại để nuôi dưỡng, chăm sóc. Đến nay, sau gần 30 năm những cây lim xẹt, bằng lăng… đã cao lớn, vươn mình lên trời xanh, tỏa bóng mát trong khuôn viên vườn nhà.

 

Ông Thùng kiểm tra ao cá

      Ngoài khu vực vườn rẫy ở Bưng sê, ông Thùng còn đồng thời phát hoang, cải tại đất, lập vườn tại xóm 5, ấp 2 xã Tiến Thành. Hiện ở Bưng Sê, ông giao hẳn cho người con cả, vợ chồng ông và con út về cư ngụ tại vườn rẫy này. Nơi đây tuy chỉ có 4 hec ta nhưng để có được thành quả với vườn cây, ao cá và cả 2 sào cây rừng nguyên sinh như bây giờ quả là không đơn giản chút nào. Nhớ lại những ngày tháng gian khổ trước đây, ông Thùng cho biết, làm vườn là phải có lòng kiên nhẫn và niềm tin vào ngày mai. Ông cùng với cây cuốc, cây dao, bất kể nắng mưa, đào từng cây cỏ tranh, lượm từng cái rễ. Để có những ruộng lúa bậc thang ở bưng cùng với vườn cây và 2 sào ao nuôi cá…như hiện nay công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu của vợ chồng ông đổ ra là không kể xiết. Năm tháng trôi qua, công sức lao động của ông được đền đáp. Vườn nhà được định hình, cao su đã cho những giọt “vàng trắng”; cây điều thơm trái ngọt đầu mùa và dưới ao những đàn cá cứ lớn lên tung tăng bơi lội từng ngày… Hiện mỗi năm tại vườn nhà (ở ấp 2) tổng thu sản phẩm của gia đình ông được từ 70-100 triệu đồng. Dẫn chúng tôi đi dạo dưới vườn cây rừng nguyên sinh sát ngay bên cạnh vườn điều, ông Thùng vỗ vào từng thân cây sao, cây gõ, bằng lăng… đường kính cây lớn nhất đã gần nửa mét, rồi chỉ vào từng hố bom còn hiện hữu bên gốc cây, ông cười thật tươi nói: “ Năm ngoái có một ông Giáo sư người Nhật, được Hội Cựu chiến binh tỉnh dẫn vào đây thăm quan, ông ấy “mê” những cây rừng này lắm”. Đúng vậy, ngay ven đô thị xã, trung tâm của một tỉnh không có sông ngòi như Đồng Xoài nếu có thêm nhiều vườn cây rừng nguyên sinh như vậy thì không khí sẽ càng trong lành. Không những vậy, những cây rừng thuộc loại gỗ này là tài sản rất quí giá, bởi lẽ hiện những loại gỗ này ở Bình Phước chỉ còn tồn tại ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Hỏi ông, khi nào thì khai thác những cây này ? Ông Thùng cười hiền lành bảo: “ Tôi giữ khu cây rừng này lại để làm kỷ niệm, giúp nhớ mãi những tháng ngày trong đời bộ đội đã từng sống chết với rừng, nhờ rừng cây chở che. Tôi sẽ dặn con, cháu dứt khoát không được phá đi khi chưa trồng được một vườn cây rừng khác như thế”./.

                                                                                                                      Ban biên tập 

 

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com