DƯƠNG QUANG ĐÔNG – NGƯỜI HỌ DƯƠNG ƯU TÚ
- 26/08/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 1587
Giáo sư – Nhà sử học Trần Văn Giàu viết: “Phúc, tức Năm Đông người Trà Vinh vào Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội từ 1926, và từ đó công tác Đảng liên tục cho đến ngày hôm nay, nhiều lần vào ra khám lớn, biết nhiều lớp cán bộ ở các tỉnh; Mập mạp tưởng chừng như chậm lụt, nhưng thật ra thật lẹ làng, ít lí luận mà siêng năng, kiên trì, làm gì thì làm tới nơi tới chốn” (1).
Dương Quang Đông (Năm Đông, Phúc) sinh ngày 2/5/1902 tại Ấp Mỹ Cẩm, xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Tham gia hoạt động cách mạng rất sớm, từ thời Đảng ta chưa ra đời. Hành trình đấu tranh cách mạng đầy gian khó nhưng rất tự hào: Từ tham gia Công Hội Đỏ đến trở thành Đảng viên Cộng sản, đảm nhận các chức vụ quan trọng trong Xứ ủy Nam Kỳ, ra nước ngoài mua vũ khí vận chuyển về nước phục vụ kháng chiến chống Pháp; mở tuyến đường chi viện cho chiến trường miền Nam trên biển… Hoạt động của ông thể hiện tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản luôn tận tâm, tận lực vì dân, vì Đảng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Ông Dương Quang Đông đã hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân nói chung, cho Nam bộ, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Ông qua đời ngày 15 tháng 5 năm 2003, hưởng thọ 101 tuổi. Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2020), chúng ta cùng nhau tìm hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của ông, điểm theo những bước đường quan trọng mà ông đã qua, xem như có nén tâm hương thành kính tưởng nhớ một người chiến sỹ cách mạng kiên trung của Đảng, một người Họ Dương ưu tú.
Thân phụ ông, cụ Dương Quang Bắc, thời trai trẻ từng là một nghĩa binh oai dũng của cuộc dấy binh Trần Văn Đề chống lại bước chân xâm lược của bọn Tây. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, cụ trở về quê hương chăm lo việc ruộng vườn, bốc thuốc chữa bệnh giúp dân và truyền tâm chí bất khuất của mình cho các con. Thân mẫu ông, cụ bà Trần Thị An, một đời tảo tần gánh vác chuyện nhà cửa, bếp núc chăm chút cho các con ăn học thành người. Lúc thiếu thời, cậu bé Dương Quang Đông được cha mẹ cho đến trường quận học tiểu học. Ít năm sau, ông được gửi lên học ban Thành chung ở trường Huỳnh Khương Ninh. Nhưng không bao lâu sau, ông bị đuổi học vì có tư tưởng nổi lọan, chống lại nhà đương cục. Rời ghế nhà trường, ông phải làm đủ nghề để sống. May mắn thay, trong những năm vất vả bươn chải ấy, ông gặp và kết thân với một người thợ ở xưởng Đóng tàu Ba Son là Tôn Đức Thắng – người công nhân giàu lòng yêu nước, hăng say hoạt động cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và sau này trở thành Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).
Năm 1920, vinh dự là một trong tám thành viên dự cuộc họp thành lập Công hội Đỏ Nam Kỳ dưới sự chủ trì của đồng chí Tôn Đức Thắng tại đình Bình Đông (nay thuộc Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh), Dương Quang Đông đã được đồng chí Tôn Đức Thắng tin tưởng và giao nhiệm vụ Thư ký và là Trưởng ban Giao liên của tổ chức. Năm 1921, đồng chí Tôn Đức Thắng cử Dương Quang Đông trở về quê hương Trà Vinh vận động, xây dựng tổ chức Công hội Đỏ. Một thời gian sau, Dương Quang Đông đã thành lập được hai tổ chức Công Nông hội Đỏ ở Cầu Ngang (Ba Biện, Hai Kỉnh), tỉnh lỵ Trà Vinh (Nanh, Đức Thịnh), rồi dần dần lan tới các địa phương lân cận như Mỏ Cày, Càng Long, Long Hồ.
Năm 1923, đồng chí Tôn Đức Thắng đã giới thiệu Dương Quang Đông vào làm việc ở hãng Ba Son – nơi tập trung rất đông công nhân, thầy thợ của Sài Gòn, với trọng trách hợp sức với các đồng chí khác trong tổ chức, phụ trách Công hội Đỏ tại đây. Trong những năm 1920-1925, Công hội bí mật đã có đến 300 hội viên; ở khắp địa bàn Sài Gòn – Chợ Lớn đều có cơ sở của Công hội. Tiếp đó, năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Dương Quang Đông quay về Trà Vinh để thành lập các chi bộ Cộng sản ở Cầu Ngang, tỉnh lỵ Trà Vinh; đồng thời là Bí thư Quận ủy Cầu Ngang. Cũng trong thời gian này, theo sự giới thiệu của đồng chí Tôn Đức Thắng, Dương Quang Đông được đề bạt tham gia Xứ ủy Nam Kỳ.
Giữa năm 1931, trong sự kiện Lý Tự Trọng bắn chết tên Chánh mật thám Le Grand tại sân vận động Mayer, đồng chí Dương Quang Đông bị bắt, bị đưa về Trà Vinh và kết án 3 năm tù. Thụ án 3 năm, năm 1934 Dương Quang Đông được trả tự do. Đến năm 1935 ông bị bắt lần thứ hai, năm 1937 bị bắt lần ba, năm 1939 bị bắt lần thứ tư, tới năm 1940, được thả. Khi mãn hạn tù, đồng chí trở về tham gia Xứ ủy Nam Kỳ, tiếp tục hoạt động với nhiệm vụ Trưởng ban giao liên của Xứ ủy. Từ năm 1936, Đảng chủ trương ra hoạt động công khai, đẩy mạnh phong trào dân chủ, thành lập các Ủy ban hành động khắp Nam Bộ. Lúc này, đồng chí Dương Quang Đông được chỉ định tham gia Ủy ban hành động Nam Bộ, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban hành động tỉnh Trà Vinh. Đầu năm 1940, Xứ ủy Nam Kỳ được củng cố lại do đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư và Dương Quang Đông nhận nhiệm vụ Thường vụ Xứ ủy. Khi đó, do nhận định thời cơ khởi nghĩa vũ trang đến, Xứ ủy Nam Kỳ đã phát động khởi nghĩa toàn Nam Kỳ và tích cực chuẩn bị cho cuộc “vùng lên” đó. Song kế hoạch khởi nghĩa đã bị lộ, ngày 20/5/1940, Dương Quang Đông trên đường truyền đạt lệnh khởi nghĩa cho các tỉnh miền Tây trở về Sài Gòn đã bị mật thám bắt và đày lên Tà Lài (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) cùng gần như toàn bộ Xứ ủy Nam Kỳ.
Đêm 27/3/1941, Dương Quang Đông cùng 7 đồng chí tổ chức vượt ngục Tà Lài. Cuộc vượt ngục thành công nhưng chỉ có 3 đồng chí trong số 8 đồng chí về được Sài Gòn hoạt động là Dương Quang Đông, Trương Văn Nhâm và Đức.
Ngày 13/10/1943, theo sự triệu tập của Dương quang Đông, 11 đồng chí là Bí thư các tỉnh về Chợ Gạo dự Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Kỳ và 12 đồng chí trở thành Xứ ủy viên. Đồng chí Dương Quang Đông được hội nghị bầu làm Bí thư Xứ ủy nhưng ông chỉ xin nhận tạm chức vụ này (trong khi chờ đợi bắt liên lạc với đồng chí Trần Văn Giàu). Tuy nhiên, trên thực tế, đồng chí Dương Quang Đông đã đảm nhiệm cương vị Bí thư Xứ ủy đến ngày 9/3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp, Xứ ủy mới liên lạc được với đồng chí Trần Văn Giàu. Sau khi đồng chí Trần Văn Giàu đảm nhận chức vụ Bí thư Xứ ủy, Dương Quang Đông là Thường vụ Xứ ủy kiêm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh.
Ngày 24/8/1945, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ tổ chức tại Chợ Đêm, công bố lệnh Tổng khởi nghĩa. Ngay sau đó, đồng chí Dương Quang Đông đã quay về Trà Vinh cùng Đảng bộ và nhân dân Trà Vinh vùng lên khởi nghĩa, giành chính quyền. Trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa, đồng chí đã góp sức mình vào thành công của cuộc tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám ở Trà Vinh.
Cuối năm 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng lan rộng. Do tương quan lực lượng chênh lệch, đặc biệt là trước những khó khăn về vũ khí, đạn được, Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương tự lực kháng chiến và quyết định tổ chức một đơn vị công tác sang Thái Lan tìm mua vũ khí. Ba đồng chí gồm Vũ Đức – Khu ủy khu 9, Phạm Trọng Tuệ – Chánh trị Bộ, Ủy viên Khu 9 và Phạm Thái Bường cùng thảo luận sôi nổi mới đi đến thống nhất. Năm Đông được chỉ định làm việc ấy. Nhận trọng trách mới, tạm gác nhiệm vụ Người đại biểu nhân dân tại Quốc hội khóa I, Dương Quang Đông cùng 14 đồng chí của mình đã mở đường xuyên Tây sang Thái Lan tìm và mua vũ khí. Theo chỉ đạo của Phan Trọng Tuệ, đồng chí Nguyễn Văn Xô giao 25 ký vàng cho Dương Quang Đông lên đường sang Thái Lan với 5 nhiệm vụ then chốt: 1) Dựa vào Việt kiều, vận động nhân dân và Chính phủ Thái Lan ủng hộ cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của ta. 2). Mở đường biển rồi sau đó mở đường bộ từ Thái Lan tới Nam Bộ ngang qua Campuchia để đưa vũ khí về. 3) Vận động và tổ chức nhân dân Campuchia làm cách mạng giải phóng dân tộc. 4) Mở mặt trận thứ hai đánh Pháp trên đất bạn. 5) Bốn nhiệm vụ trên phải được tiến hành theo nguyên tắc triệt để bí mật.
Năm 1946, trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Dương Quang Đông lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy đã được nhân dân Trà Vinh tín nhiệm bầu làm đại biểu. Tuy nhiên, do ngay sau đó, cả miền Nam đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ, đồng chí Dương Quang Đông được Xứ ủy cử ra nước ngoài sưu tầm vũ khí rồi trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến ở những điểm nóng nên đồng chí Dương Quang Đông không thể ra Hà Nội dự họp.
Ông tâm sự: “Là đại biểu mà không dự họp Quốc hội lần nào là khuyết điểm rất lớn nhưng cũng do hoàn cảnh chiến tranh, chiến đấu phải có vũ khí mà lúc đó vũ khí rất thiếu, cấp trên giao cho mình mở đường vượt biên sang Xiêm mua súng đạn mang về đánh Tây. Mặc dù cả nhiệm kỳ Quốc hội chưa dự họp lần nào nhưng trong trái tim mình vẫn luôn mang theo danh hiệu cao quý ấy và trong công việc hằng ngày mình luôn ý thức trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội”.
Từ năm 1946 đến năm 1949, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Dương Quang Đông, ta tìm mua vũ khí, khí tài quân sự và các trang thiết bị phục vụ chiến tranh khác ở Thái Lan và Malaysia chuyển về Nam Bộ. Ngoài ra, đơn vị còn vận động bà con Việt kiều ở Campuchia, Lào, Thái Lan ủng hộ nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến trong nước. Hàng trăm thanh niên tình nguyện chiến đấu trong các đơn vị bộ đội hải ngoại chi Cửu Long I, Cửu Long II… Không những thế, đơn vị còn làm nhiệm vụ xây dựng lực lượng cách mạng giúp nước bạn Campuchia kháng chiến chống Thực dân Pháp.
Về đường bộ cũng tổ chức xong, xây dựng nhiều cơ sở và trên đường vận chuyển vũ khí bằng voi, ta liên quân bộ đội Khmer Issarak đánh phá các đồn bót hẻo lánh của địch. Trận đánh ngày 20/4/1946, Sơn Ngọc Minh chỉ huy đánh trận Xiêm Riệp mở màn cho cách mạng Campuchia.
Về sau chính quyền thân Mỹ ở Xiêm trở nên phản động hơn, xét nhà nhiều lần, lấy cớ cửa hiệu có cờ đỏ sao vàng, mời anh Năm Đông tới Nha Công an. Chúng tố Năm Đông thông đồng với cựu Thủ tướng Pradit ăn cắp vũ khí Nhà nước bán hoặc cho Việt Nam đánh Pháp. Năm Đông nhất định không chịu ký biên bản nên bị giữ lại Nha Công an một thời gian.
Sau đó, Xiêm quyết định trục xuất anh Năm. Về quyết định này, anh Năm cũng được “tay trong báo trước nên đã chọn phương án tối ưu. Anh đề nghị cho về cảng Mayluột. Đại úy cảnh sát Couvich đích thân hộ tống anh Năm xuống tàu khách tới đảo Long Yài rồi cảng Mayluột, nơi ta có cơ sở. Cũng trong những ngày hoạn nạn này, Năm Đông may mắn gặp một đồng hương – Bà Song Ngam – một mệnh phụ, là người Nam Bộ, gốc Sài Gòn. Chồng bà là nhà doanh nghiệp có tham gia hoạt động chính trị, là người ủng hộ chí sĩ Nguyễn An Ninh. Khi Nguyễn An Ninh bị bắt, chồng bà phải chạy sang Xiêm lánh nạn, lập nghiệp tại tỉnh Chamburi, không may ông mất sớm. Vài năm sau bà tục huyền với tỉnh trưởng Thái, sinh hai con: một trai, một gái. Khi gặp anh Năm Đông, bà rất vui, đúng như người xưa có câu, “tha hương ngộ cố tri”.
Bà mời Năm Đông về nhà cho biết gia đình con trai và con rể. Tư lệnh hải quân – Đại tá Prakam rất mến bạn đồng hương của mẹ và mời ông tới căn cứ Hải quân tham quan và mua giúp mấy thùng lựu đạn, một số hóa chất. Bà Song Ngam cũng tham gia phong trào nuôi quân tình nguyện Việt Nam trong tỉnh Chanburi, là tỉnh giáp ranh với Campuchia.
Trong cuộc tranh chấp giữa Lục quân (thân Mỹ) và Hải quân (có cảm tình với Việt Nam), Đại tá Hải quân Prakham tiên đoán một trận thư hùng quyết liệt nên tiếp xúc với anh Năm Đông và hai anh Bông Văn Dĩa, Lâm Quang Nhị xin gửi 10 tàu hải quân trên đất Việt Nam nếu xảy ra chiến sự. Ta hứa hẹn giúp đồng minh khi gặp khó khăn.
Riêng bà Song Ngam thường tới cửa hàng của anh Năm để mật báo nhiều tin quan trọng mà con rể là Đại tá Hải quân biết trước.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp, ông đã thực hiện một nhiệm vụ vô cùng khó khăn trên đất Thái Lan là mua vũ khí mang về nước phục vụ cho cuộc chiến đấu anh dũng của đồng bào Nam Bộ. Để thực hiện công việc, Dương Quang Đông là người thông minh, khéo léo và đầy mưu mẹo, sáng tạo. Năm Đông đóng vai doanh thương có cửa hàng xuất nhập khẩu lớn tại Thủ đô Bangkok để che mắt địch, thuận lợi cho hoạt động cách mạng. Hoàn cảnh sống đầy gian nguy giữa hàng ngũ mật vụ Pháp bố trí dày đặc ở Xiêm, dưới cái tên Nai Chran (tên Xiêm) ông vẫn bình tĩnh làm tròn sứ mạng của mình cho tới ngày bị phe đảo chính bắt.
Năm 1949, đồng chí Dương Quang Đông được Xứ ủy cử dự lớp chính trị cao cấp Trường Chinh, khóa III. Sau đó, ông được Xứ ủy phân công tham gia Khu ủy khu Tây Nam Campuchia. Do thông thạo địa hình am hiểu tiếng nói, phong tục tập quán các nước bạn, ông được Xứ ủy cử kiêm luôn nhiệm vụ kiểm tra các cơ sở hoạt động bí mật của ta ở Thái Lan…
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ vào năm 1954, Dương Quang Đông được Đảng giao phụ trách công tác tập kết các đơn vị đóng ở Campuchia về khu IX. Sau đó, ông được phân công ở lại miền Nam, trực tiếp đấu tranh với địch, chuẩn bị cho ngày Hiệp thương Tổng tuyển cử như Hiệp định đã quy định. Chấp hành sự phân công của Xứ ủy, ông tham gia vào Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, phụ trách công tác binh vận.
Đến đêm Trung thu năm 1957, Dương Quang Đông bị địch bắt ở gần chợ An Đông, chúng đưa Năm Đông về giam giữ và tra tấn dã man tại bót cảnh sát Lê Văn Duyệt (Catinat cũ) rồi chuyển lên nhà lao Biên Hòa. Lợi dụng sơ hở của địch, ông vượt ngục, quay về hoạt động ở vùng Phú Nhuận.
Thời gian này, tuyến giao liên giữa Trung ương với Nam Bộ thường bị gián đoạn, Xứ ủy tín nhiệm điều động ông sang nước bạn mở lại tuyến giao liên huyết mạch này với phiên hiệu là Đoàn A53. Một hệ thống cơ sở thông suốt trên tuyến đường bộ từ Nam Bộ qua Campuchia, Lào, Thái Lan ra đến Hà Nội. Đoàn A53 đã tổ chức và đảm bảo an toàn nhiều chuyến vào Nam ra Bắc cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp Trung ương trong những năm khó khăn nhất của chiến tranh.
Sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, tuyến giao liên Bắc – Nam đã hoạt động ổn định, Trung ương Cục quyết định điều ông sang nhận nhiệm vụ mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam phục vụ nhu cầu của cuộc chiến tranh vũ trang đang ngày càng phát triển mạnh của nhân dân miền Nam.
Ngày 2/11/1961, nhóm công tác của Dương Quang Đông băng rừng lội suối, ăn củ rừng, ngày đêm theo đường giao liên của Khu 7, bắt đầu từ Mã Đà, qua sông Đồng Nai, xuyên rừng Tà Lài, qua núi Cậu tới Gia Ray… để tìm bến bãi. Tuyến đường vận tải bí mật trên biển được thành lập để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho quân Giải phóng miền Nam và bãi tập kết hàng từ Bắc vào chính là Lộc An. Với kinh nghiệm và bản lĩnh của một người chỉ huy đã từng tìm mua và vận chuyển vũ khí từ ngước ngoài về nước thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Dương Quang Đông lại được Trung ương Cục miền Nam tin tưởng giao trọng trách Chỉ huy phó kiêm Chính ủy Đoàn tàu không số mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Những chuyến tàu không số chở vũ khí, đạn dược đã lần lượt cập bến Lộc An (xã Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nay thuộc ấp Lộc An, xã Phước Long Hội, huyện Long Đất – tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đều được trang bị cho quân dân các tỉnh miền Đông Nam Bộ tham gia các chiến dịch, góp phần làm nên những thắng lợi vang dội sau đó như: Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, góp phần làm thất bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ…
Năm 1963, đồng chí Dương Quang Đông lại được Trung ương Cục miền Nam cử sang công tác kinh tài với cương vị Thường trực Hội đồng cung cấp tiền phương của Trung ương Cục miền Nam. Sau đó, ông lại được điều về nhận nhiệm vụ Phó ban Giao bưu Miền.
Sau năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trung ương Cục điều đồng chí Dương Quang Đông về công tác tại Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và được phân công phụ trách ngành Giao thông công chánh. Năm 1977, ông bước sang tuổi 75, với gần 60 năm cống hiến liên tục vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, ông được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu.
Năm 1981, nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông – người có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng Campuchia trong giai đoạn khó khăn nhất được Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia mời đích danh vào đoàn khách danh dự sang thăm đất nước Campuchia.
Năm 1986, ông Dương Quang Đông là đại biểu chính thức của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Tại Đại hội đổi mới này, đồng chí thay mặt thế hệ cách mạng lão thành trình bày tham luận về tình hình đất nước và những yêu cầu bức xúc của công cuộc đổi mới. Tại Đại hội lần thứ VII, năm 1991, ông được Bộ Chính trị và Ban Tổ chức Đại hội mời tham dự với tư cách là khách mời danh dự.
Nhà lãnh đạo lão thành Dương Quang Đông là người cộng sản kiên cường, nhiều lần bị tù đày; hai lần làm nhiệm vụ “mở đường” quan trọng; hơn 10 năm hoạt động ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Malaysia đầy khó khăn nhưng mưu lược, sáng tạo và đảm nhận nhiều chức vụ trong Đảng. Ông đã thể hiện tấm gương người cộng sản trung kiên, trung thành với con đường cách mạng đã chọn, vượt mọi khó khăn để thoát khỏi nhà tù của địch, là nhà cán bộ dân vận tài tình, dựa vào dân và được nhân dân che trở, giúp đỡ khi hoạt động bí mật; luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Đối với nhân dân, ông tâm sự “muốn trả ơn nghĩa với nhân dân, chúng ta phải sống xứng đáng, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân vô điều kiện, làm đầy tớ cho nhân dân như bác Hồ đã dặn”.
Kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, được sưu tầm, tìm hiểu về thế hệ Cách mạng lão thành đã đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp cách mạng nước nhà, làm rạng danh dân tộc Việt Nam trên trường Quốc tế, trong đó có người Họ Dương là một vinh dự lớn. Thế hệ trẻ chúng ta là con cháu của Họ Dương rất tự hào về người chiến sĩ cộng sản tiền bối Họ Dương càng thấm thía và nguyện học tập từ nơi ông, luôn rèn luyện đạo đức cách mạng, một lòng kiên trung với Đảng, tận tâm, tận lực, dũng cảm, mưu lược trong công tác và luôn đặt lợi ích của tập thể, nhân dân lên trên hết.
Chú thích: (1): Năm 1989, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước tổ chức cuộc gặp mặt các Đại biểu Quốc hội khóa I tại Nhà khách Quốc hội , 165 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh có mời Giáo sư Trần Văn Giàu (Nhà hoạt động Cách mạng, Nhà Khoa học, Nhà nghiên cứu Lịch sử, Triết học và Nhà giáo nổi tiếng với tài diễn thuyết).
Ban Biên tập sưu tầm