Phút mềm lòng trước người đẹp của “ông trùm” hoa hậu – Dương Kỳ Anh
- 04/01/2018
- Ban Thông tin truyền thông
- 2875
Nhà báo Hà Sơn: Thưa nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh, là người sáng lập và gắn bó với các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã nhiều năm, điều gì khiến ông tự hào nhất?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Trước khi đến với nghề báo, tôi là một người làm thơ. Tôi sáng tác thơ và gắn bó với thơ từ khi còn thiếu nhi bởi vậy tôi rất yêu cái đẹp.
Tôi nhớ vào những năm 70, một lần tôi lên Sapa và được hai cô gái bán đào mời về nhà chơi. Buổi tối hôm đó trời rất lạnh, chúng tôi ngồi sưởi ấm quanh bếp lửa. Hai chị em cô gái thật sự rất đẹp, nhất là cô em, lúc ấy tôi đã cảm thấy xao xuyến. Trước khi tôi trở về Hà Nội, cô gái đưa một tờ giấy yêu cầu tôi về đến Hà Nội mới được mở ra xem. Về đến nhà, tôi háo hức mở tờ giấy ra xem thì thấy hai câu ca dao:
“Em như cây quế giữa rừng/ Thơm tho ai biết ngát lừng ai hay”.
Đêm đó tôi đã không thể ngủ được vì tiếc cho một cô gái đẹp như vậy mà ở một nơi không ai để ý tới. Ngay lúc ấy, tôi nghĩ tại sao mình không tổ chức một cuộc thi sắc đẹp để những người đẹp trên cả nước có thể về Thủ đô, tất cả mọi người có thể chiêm ngưỡng sắc đẹp của họ. Tôi tổ chức cuộc thi Hoa hậu cũng nhằm mục đích tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Cả cuộc đời tôi dành để yêu và viết về cái đẹp.
Liên quan đến người đẹp, chân dài thường dễ vướng thị phi, vậy những phiền phức về hoa hậu có còn đeo đẳng ông?
– Việc gì cũng có cái hay và cả những phiền phức, mệt mỏi. Khi tôi thôi không làm Tổng biên tập báo Tiền Phong, thôi làm trưởng ban tổ chức và trưởng ban giám khảo các cuộc thi hoa hậu, tôi cảm thấy nhẹ người. Công việc tổ chức cuộc thi hoa hậu vô cùng khó khăn và vất vả. Biết bao nhiêu cô gái, mỗi người đẹp một vẻ khác nhau, để chọn ra một người đẹp tiêu biểu quả thực không dễ dàng. Vì yêu cái đẹp tôi mới có thể làm công việc mệt mỏi ấy nhiều năm như vậy.
Ông đã từng viết những bài báo, thậm chí ra sách về hoa hậu. Ngoài những hoa hậu quen thuộc ông hay viết như Bùi Bích Phương, Diệu Hoa,… có người đẹp nào không đoạt giải cao thậm chí chẳng được giải gì để lại nhiều tình cảm ấn tượng trong ông?
– Suốt mấy chục năm làm giáo khảo các cuộc thi hoa hậu trong và ngoài nước, tôi luôn thích vẻ đẹp của những thiếu nữ khác lạ. Có người nói tôi chỉ thích chân dài nhưng không hẳn là vậy. Tất nhiên chiều cao là yếu tố cần phải có để có thể tham gia trinh chiến đấu trường quốc tế.
Tôi nhớ vào năm 1996, trong lần xuống Cần Thơ để tổ chức cuộc thi “Người đẹp Đồng Bằng Sông Cửu Long” cùng NSND Trà Giang, tôi bị cảm vì không quen với khí hậu. Khi thí sinh tới, tôi mặc dù đang sốt vẫn cố gắng ra ngoài quan sát. Các thí sinh lần lượt đi qua và có một cô gái khiến tôi sững người. Sau khi trò chuyện với cô gái đó cảm giác tôi đã khỏi ốm. Cả tôi và chị Trà Giang đều ngây người trước vẻ đẹp của cô gái ấy. Tên cô ấy là Hồng Yến.
Trong số tất cả những cô gái đẹp tôi từng gặp, trong nước hay kể cả trên thế giới, chưa một ai đẹp bằng cô ấy. Mọi thứ của Hồng Yến từ làn da trắng đến đôi mắt đen, hàng lông mày, dáng vóc đều không chê được điểm nào. Cô ấy chỉ mặc một chiếc váy ngắn đỏ và áo sơ mi nhưng khiến chúng tôi mê mẩn. Tôi và chị Trà Giang đặt rất nhiều kỳ vọng Hồng Yến sẽ trở thành Hoa hậu Việt Nam thậm chí được giải cao tại Hoa hậu Thế giới. Thế nhưng cuối cùng cô ấy chỉ đạt á hậu vì phần thi ứng xử chưa đủ sức thuyết phục.
Việc đo đạc hình thể các thí sinh thi hoa hậu luôn được bàn tán và thắc mắc. Nhiều đồn đoán rằng thành viên ban giám khảo là những người được ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của các thí sinh ở phòng đo nhân trắc học. Là trưởng ban giám khảo nhiều cuộc thi ông có thể tiết lộ hậu trường này?
– Trong hội đồng giám khảo chỉ có một giám khảo nữ nhân trắc học được vào phòng kín của các thí sinh. Ngay cả trưởng ban giám khảo như tôi cũng không được vào. Chúng tôi đều thu thập thông tin qua nữ giám khảo nhân trắc học.
Trong suốt quá trình thi từ vòng sơ khảo, chung khảo rồi đến chung kết, chúng tôi đều đã ngắm nhìn các cô gái rất kỹ. Lúc họ mặc đồ tắm trình diễn ngoài đời, đi qua mặt ban giám khảo, chúng tôi nhìn rõ vẻ đẹp của họ hoàn toàn không son phấn từ vóc dáng, làn da… Bởi vậy, không cần trực tiếp đo đạc kiểm tra chúng tôi cũng có thể nhận ra vẻ đẹp của từng người.
Tôi từng làm giám khảo cho nhiều cuộc thi và tôi công nhận thiếu nữ Việt Nam rất đẹp, đẹp không kém gì các cô gái nước ngoài. Đó là cảm nhận vẻ đẹp của tư cách một giám khảo chứ không phải một người đàn ông bình thường.
Có một lần tôi đến nhà Hoa hậu Bùi Bích Phương khi cô ấy mới đăng quang. Cô ấy mới làm mất giải thưởng chiếc xe đạp, một thứ giá trị thời bấy giờ nên tôi đến thăm động viên. Khi tôi đến, nhìn thấy cô ấy trong bộ đồ ngủ mặc ở nhà đang giặt quần áo ở bề nước công cộng và thấy Bùi Bích Phương thực sự quá đẹp, một vẻ đẹp thuần khiết, tinh khôi và tự nhiên hết mức như một bông hoa đồng nội.
2017 được gọi là năm “loạn hoa hậu” vì có quá nhiều cuộc thi thậm chí có những người từng phẫu thuật đến 20 lần vẫn có thể đăng quang một cuộc thi nhan sắc. Ông thấy ra sao về việc tiêu chí lựa chọn hoa hậu ngày càng dễ dãi và danh xưng hoa hậu đang dần mất giá trị?
– Đó là một điều đáng buồn. Một người gần 30 năm gắn bó với các cuộc thi nhan sắc như tôi cảm thấy chưa bao giờ cái đẹp, cái không đẹp, cái tự nhiên và cái không tự nhiên lại bị lẫn lộn đến như vậy. Việc tổ chức quá nhiều cuộc thi chất lượng không tốt khiến công chúng mất dần niềm tin vào các cuộc thi sắc đẹp. Tôi cho rằng sự đi xuống này bị ảnh hưởng một phần bởi yếu tố thương mại.
Ngay từ năm đầu tiên tổ chức cuộc thi hoa hậu, chúng tôi quan điểm đây sẽ là cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam, định hướng về cái đẹp cho các bạn trẻ và khán giả sẽ coi đây như một ngày hội về sắc đẹp. Các cuộc thi sắc đẹp ngày nay đang bị thương mại hóa, họ không đặt tiêu chuẩn cái đẹp lên hàng đầu và ngay cả những người đi thi cũng vậy. Rất nhiều người cố gắng có được danh hiệu hoa hậu để vào showbiz, để kiếm nhiều tiền…Tôi thấy buồn vì khi cái đẹp mang tính chất vụ lợi sẽ không còn là cái đẹp.
Khi tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên đến nay đã vài chục năm, ông có hình dung sự bát nháo, những scandal, thói háo danh ngày càng bộc lộ đậm nét nhiều khi đến mức nực cười như thời gian gần đây?
– Tôi không hình dung nổi. Tôi nghĩ có thể sau này các cuộc thi hoa hậu sẽ ngày càng nhiều và ngoài mục đích về cái đẹp sẽ còn có những mục đích khác nhưng mức này tôi thật sự không tưởng tượng nổi.
Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh thăm và nói chuyện cùng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp
Quan điểm về cái đẹp thời xưa và thời nay khác nhau rất nhiều. Nhưng ông nghĩ sao khi nhiều người nói rằng cái đẹp có thể cảm hóa được con người?
– Đúng là cái đẹp có khả năng cảm hóa con người rất lớn. Vào những năm 90, một lần tôi cùng Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga đến thăm một anh thương binh trẻ bị liệt ở biên giới phía Nam. Anh ấy trước đây có người yêu, nhưng khi anh trở về với cơ thể bị liệt, cô gái ấy không còn yêu anh nữa và đi lấy chồng. Sau đó anh thương binh buồn chán, nhiều lần muốn tự tử.
Mới đầu khi tôi và Hoa hậu Thiên Nga đến, anh ấy nhất quyết không tiếp. Nhưng sau khi Hoa hậu Thiên Nga nắm tay, thuyết phục anh trò chuyện, anh đã đồng ý vì Thiên Nga quá đẹp. Chúng tôi biết được sau lần gặp gỡ với Thiên Nga, anh trở nên yêu đời, bỏ ý định tự tử và hàng ngày tập luyện để có thể di chuyển. Sau đó một thời gian, anh đã có thể mở một cửa hiệu sửa chữa đồ điện tử.
Danh hiệu hoa hậu mang lại rất nhiều thuận lợi cho các người đẹp sau cuộc thi. Nhiều thí sinh tham gia các cuộc thi nhan sắc thừa nhận muốn trở thành hoa hậu để kiếm được nhiều tiền, bởi vậy ngày càng nhiều cô gái khao khát danh hiệu đó. Ông nghĩ sao về chuyện danh hiệu hoa hậu mang lại sự đổi đời cho một cô gái?
– Người ta thường nói hai mặt của một tấm huân chương, có mặt phải và có mặt trái. Thời các Hoa hậu như Bùi Bích Phương, Nguyễn Diệu Hoa, Nguyễn Thiên Nga, những thứ về vật chất dành cho họ rất ít, gần như không có. Bùi Bích Phương đăng quang Hoa hậu chỉ có giải thưởng một chiếc xe đạp. Thời điểm ấy truyền hình chưa phát triển, không được đi đóng phim, đóng quảng cáo, tham gia showbiz…
Nhưng thời nay, danh hiệu hoa hậu gắn liền với thu nhập. Giải trí phát triển khiến họ dễ dàng bước chân vào showbiz và được hưởng nhiều thuận lợi. Trước đây các cô gái đi thi với mong muốn được tham gia vào một ngày hội sắc đẹp đúng nghĩa, không hề vụ lợi. Nhưng thời nay không còn như vậy, họ đến các cuộc thi vì danh hiệu và vì lợi ích bản thân. Thậm chí có người nói với tôi có những thí sinh được gọi là “thí sinh chuyên nghiệp” vì họ đi thi hết cuộc thi này đến cuộc thi khác, thi đến khi nào đạt mới thôi.
Tôi muốn gửi đến những thí sinh các cuộc thi Hoa hậu hiện nay “Đừng chỉ nhìn thấy vinh quang mà quên đi trách nhiệm nặng nề mình phải gánh vác. Nếu bạn không thể hiện tốt, không làm tốt, bạn sẽ tự biến mình thành thảm họa”.
Dương Thu sưu tầm – Hà Sơn