Anh nghiện nói về cà phê, cũng thao thức, trăn trở, mất ngủ không ít về nó. Chính tình yêu với cây cà phê đã khiến bài viết của anh có chiều sâu, được thính giả quan tâm và đem đến cho anh những giải thưởng báo chí. Anh đã chia sẻ về tình yêu của mình với cây cà phê.
PV: Anh “bén duyên” với cây cà phê trong hoàn cảnh nào?
Nhà báo Dương Đình Tuấn: Đó là năm 1988, khi tôi còn là một thiếu niên theo gia đình vào Đắk Lắk. Gia đình tôi khi ấy có một vườn cà phê kinh doanh, một vườn ươm cà phê giống. Mấy gian cửa hàng phía trước nhà, gia đình cho mượn mở bán cà phê. Tôi còn nhớ chị bán cà phê tên Huyền, quê Thanh Hoá, hơn tôi 2 tuổi, rất xinh, pha cà phê rất ngon. Đúng lúc đang nghỉ hè, nên tôi suốt ngày rảnh rỗi ngồi quán uống cà phê, ngắm người đẹp bán cà phê, đọc tài liệu dạy ươm trồng, chăm sóc cà phê. Vậy là chỉ trong 3 tháng nghỉ hè tôi được tiếp xúc từ hạt cà phê giống, cây cà phê mới ươm, vườn cà phê giai đoạn kinh doanh, cho đến việc rang, xay, pha, và bán cà phê ở quán. Gia đình tôi cũng tham vọng trồng vài hecta cà phê ở bờ phía bắc Sông Krông Năng, nhưng đầu tư quá tốn kém và vất vả nên bỏ cuộc. Những thứ đấy dạy cho tôi một cách nhìn từ bên trong đối với ngành hàng đặc thù này của Đắk Lắk và Tây Nguyên.
PV: Anh còn nhớ giải thưởng đầu tiên anh gặt hái được khi viết về cây cà phê?
Nhà báo Dương Đình Tuấn: Đó là giải B Giải thưởng báo chí Quốc gia năm 2007 với tác phẩm “Nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trong môi trường WTO”. Về tác phẩm này, trước đó có nhiều lô hàng cà phê xuất khẩu của Việt Nam bị trả lại vì chất lượng kém. Khi đó, nhà báo Lê Xuân Lãm, là bậc đàn anh của chúng tôi, có viết một bài: “Hương cà phê Việt Nam bay đi đâu”? Bài trình lên lãnh đạo phụ trách chuyên môn là anh Phạm Mạnh Hùng, lúc ấy mới được điều động từ Ban Thời sự vào làm phó giám đốc cơ quan thường trú. Lãnh đạo khen đề tài hay, nhưng đáng tiếc là viết còn hẹp và yêu cầu chúng tôi viết rộng và sâu hơn. Mục tiêu đặt ra là bài viết phải giúp người đọc, người nghe thấy được hiện trạng, thách thức, triển vọng tương lai của ngành hàng quan trọng này khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới – WTO.
Vậy là khởi đầu bằng bài “Hương cà phê Việt Nam bay đi đâu”? của nhà báo Lê Xuân Lãm, chúng tôi viết tiếp hai bài, thành loạt 3 bài, được đánh giá cao tại giải thưởng Báo chí Quốc gia năm 2007. Đó là giải B Quốc gia đầu tiên của cơ quan thường trú Tây Nguyên, cũng là Giải B đầu tiên của người làm báo ở khu vực Tây Nguyên. Và cũng từ đấy, viết các loạt bài sâu về Tây Nguyên được đặt thành phương hướng nhiệm vụ mỗi năm của chúng tôi. Đó cũng là một cách để chúng tôi tự rèn luyện, nâng tầm chuyên môn của mình.
PV: Khi cần bài viết về cây cà phê, các đơn vị trong Đài thường nghĩ ngay đến việc đặt bài anh. Anh có thấy tự hào về điều này?
Nhà báo Dương Đình Tuấn: Tôi thấy rất thú vị và biết ơn sự tin tưởng của đồng nghiệp. Mỗi lần nhận đặt bài là mỗi lần tôi nhận thử thách, để tiếp tục trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và tu rèn bản thân, tránh được nguy cơ mình bị lười và cùn mòn đi.
PV: Gắn bó với ngành cà phê lâu năm như vậy, bây giờ có thể coi anh là chuyên gia về cà phê?
Nhà báo Dương Đình Tuấn: Tôi không dám nhận mình là chuyên gia cà phê, nhưng tôi biết nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này và bị họ ảnh hưởng. Bởi vậy, tôi cũng nghiện nói về cà phê, cũng thao thức, mất ngủ không ít về nó.
PV: Anh có thể cho biết một số chuyên gia cà phê mà anh bị ảnh hưởng?
Nhà báo Dương Đình Tuấn: Bỏ đi những yếu tố xã hội, đến thời điểm này tôi vẫn coi ông Đặng Lê Nguyên Vũ là một chuyên gia về cà phê. Tôi rất thích ý tưởng của ông ấy về xây dựng một thiên đường cà phê tại Đắk Lắk, dù nhiều người chê ý tưởng này hoang đường. Bài cuối trong loạt bài “Nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trong môi trường WTO” được chúng tôi đặt tít “Cà phê Việt Nam: Tìm một thiên đường” là lấy cảm hứng từ việc ông Vũ truyền thông về ý tưởng của ông ấy xây dựng thiên đường cà phê thế giới tại Việt Nam.
Tiếc rằng, một mình ông Vũ và Trung Nguyên khó có thể làm gì được. Đến khi nào có đủ nhiều DN cà phê Việt Nam bước qua giai đoạn “ăn lợi nhuận, ngủ lợi nhuận”, đến khi tham vọng và trí tưởng tượng thăng hoa, thì thiên đường cà phê thế giới tại Việt Nam sẽ được xây nền.
Một người khác, không phải là chuyên gia cà phê, nhưng đã rất thấu hiểu và định hướng cho chuyên gia của lĩnh vực này. Trong phát biểu khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột năm 2017, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định: “Nông nghiệp, du lịch và cà phê phải thống nhất trong một chiến lược và ý chí”.
Nhiều người đặc biệt ấn tượng về gợi mở này và cho rằng, nếu thực hiện tốt sẽ tạo ra tương lai bền vững cho địa phương. Cá nhân tôi thì thấy ở đây có sự giao thoa một phần nào đó với ý tưởng về thiên đường cà phê, nhưng toàn diện và hiện thực hơn.
Chúng tôi tin tưởng rằng không lâu nữa sẽ thấy 3 thế mạnh của Tây Nguyên được phát triển trong một chiến lược và ý chí thống nhất, như Thủ tướng đã chỉ ra.
PV: Là phóng viên đoạt được nhiều giải thưởng báo chí, trong đó có nhiều giải thưởng viết về cây cà phê. Anh có thể chia sẻ bí quyết?
Nhà báo Dương Đình Tuấn: Tôi nghĩ rằng làm ở lĩnh vực nào cũng cần có tình yêu. Tình yêu sẽ thúc đẩy trách nhiệm, tự nguyện trả giá mà không thấy mệt mỏi. Tôi yêu cây cà phê, yêu anh nông dân trồng cây cà phê, yêu chị bán quán cà phê… với tình yêu chân thành, vì thế bài viết tôi có nhiều tâm tư, mong đợi… Có lẽ những cái đó đã đưa bài báo đến được đích của nó là được sự đón nhận của thính giả và độc giả.
PV: Khi một phóng viên lần đầu được phân công đi thường trú, anh có lời khuyên nào cho họ?
Nhà báo Dương Đình Tuấn: Câu này, tôi đã hỏi người khác và nhận được lời khuyên mang tính định hướng: Đến địa phương nào, hãy trở thành công dân của địa phương ấy. Đến tổ chức nào, hãy trở thành thành viên của tổ chức ấy. Nếu làm được điều này, tôi nghĩ mọi việc sẽ trôi chảy.
PV: Xin cảm ơn anh và chúc anh tiếp tục có nhiều tác phẩm được đánh giá cao!
“Trong tác phẩm báo chí, cái tôi chủ quan của người viết thường được thể hiện rất kín đáo. Cho dù nhà báo hiểu vấn đề kỹ đến đâu đi chăng nữa thì họ cũng không thể trực tiếp cho nhận xét của mình vào bài viết mà phải sử dụng nhân vật phù hợp. Điều đó cho thấy cho dù nhà báo không chuyên sâu về một lĩnh vực, nhưng sử dụng nhân vật phù hợp, đúng lúc đúng chỗ, thì vẫn ra được tác phẩm báo chí đạt yêu cầu. Tất nhiên, càng hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mình phụ trách thì càng tìm được vấn đề nổi bật, tìm được nhân vật điển hình, càng nêu được câu hỏi, thu được câu trả lời xác đáng, qua đó có được tác phẩm báo chí hay” – nhà báo Dương Đình Tuấn.
Nguồn: Báo Tiếng nói Việt Nam