Dương Thị Thu Hường: Một bông hồng thầm lặng
- 14/09/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 1080
Có một người con gái Thái Nguyên đến với Đồng Nai bằng sự lựa chọn rất riêng, và cũng “bén rễ xanh cây” với vùng đất này một cách rất đặc biệt. Đó là Dương Thị Thu Hường, một bông hồng tỏa hương thầm lặng trong khu vườn văn chương Đồng Nai.
Thầm lặng và khát khao
Câu chuyện bắt đầu từ nhiều năm trước, khi Dương Thị Thu Hường (sinh năm 1971) còn rất trẻ, nhưng ở độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, chị đã dứt khoát không đi theo cuộc sống nhẹ nhàng như cha mẹ, gia đình muốn an bài cho mình. Một thân một mình vào đất Đồng Nai, ở nhà trọ, đi làm công nhân và say mê đọc sách, sự lựa chọn của chị thật “không bình thường”.
Và cho đến thời điểm hiện tại, khi cuộc sống riêng và hoàn cảnh gia đình gặp nhiều biến cố, chị vẫn một mình kiếm sống phụ giúp gia đình vốn ở xa hàng ngàn cây số, vẫn sống một cuộc sống vất vả và vẫn miệt mài, say mê với sách vở, văn chương.
Tình yêu của Dương Thị Thu Hường có lẽ được chị dồn hết cho chữ nghĩa, một cách vô điều kiện. Chị đọc rất nhiều, tiền dành dụm cho bản thân chị tiêu hết vào việc mua sách và cho những chuyến đi. Có lần chị vô tình kể mới biết, sách chất đầy gian nhà trọ, bị mưa ngập không biết cất vào đâu… Là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, những hoạt động, những chuyến đi đã chắp cho Dương Thị Thu Hường đôi cánh sáng tạo, chị rất tâm huyết và tích cực tham gia các trại sáng tác, khai thác các đề tài và cho ra đời nhiều tác phẩm độc đáo, trong đó viết nhiều về công nhân Đồng Nai.
Không bằng lòng với những điều mắt thấy, tai nghe, chị tự mình làm những chuyến đi, gần thì Vĩnh Cửu, Long Khánh; xa thì Tây Bắc, rồi biên giới Việt – Lào, Campuchia, Thái Lan… Tất cả những gì chị thu hoạch được chính là tác phẩm và những niềm vui riêng của người cầm bút, một niềm vui rất cô đơn, thầm lặng. Và hơn 10 năm qua, cái tên Dương Thị Thu Hường đã trở nên quen thuộc với giới văn chương Đồng Nai với một phong cách, một cái nhìn rất riêng.
Sự bứt phá ngoạn mục
Thật vậy, những năm qua, Dương Thị Thu Hường đã gặt hái một số giải thưởng văn học nghệ thuật như giải tư cuộc vận động sáng tác đề tài công nhân và Công đoàn Việt Nam do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức giai đoạn 2010-2014. Năm 2013, chị đoạt giải ba cuộc thi thơ Tuổi trẻ và Tổ quốc do Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai và Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tổ chức. Gần đây nhất, tại cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật chào mừng 30 năm đổi mới (1986-2016) cũng do Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai và Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tổ chức, chị đã đoạt giải nhì với truyện ngắn Chiếc hộp bí mật… Điều đó cho thấy Dương Thị Thu Hường đã dấn thân với cả thơ, văn xuôi và đã có những thành công nhất định.
Về xuất bản sách, năm 2015 tập thơ Đất mẹ ra đời đánh dấu những nỗ lực của Dương Thị Thu Hường dành cho thơ. Chị đã mạnh dạn sáng tác nhiều bài thơ về, Tổ quốc, về những miền đất mình đã đi qua. Thơ của chị đa phần là thơ tự do, thể hiện một cá tính riêng nhìn cuộc sống khá sắc cạnh. Bên cạnh đó, mối quan tâm của chị cũng tập trung vào người công nhân Đồng Nai với những cung bậc đời sống, tình yêu, khát vọng…
Năm 2017, tập bút ký Tuyệt đỉnh Phnôm Pênh của chị với bút danh Bích Trà lại gây thêm sự tò mò, hấp dẫn đối với người đọc. Vì Tuyệt đỉnh Phnôm Pênh là một tập sách mỏng nhưng chuyên nghiệp, chững chạc, ghi lại những chuyến đi của tác giả. Vẫn là người độc hành viết nên những ký sự dài, Dương Thị Thu Hường – Bích Trà đã kể lại nhiều câu chuyện trong nước (Hà Tiên, Bình Phước, Lạng Sơn…) cho đến chuyện của những đất nước lân cận như: Lào, Campuchia, Thái Lan… Chị kể lại tỉ mỉ, chi tiết chuyến đi, đồng thời đưa ra nhiều nhận xét về văn hóa, kinh tế, xã hội của các vùng đất, chứng tỏ tác giả có một tâm hồn và cái nhìn khoáng đạt, rộng mở.
Tuyệt đỉnh Phnôm Pênh còn thể hiện một bút pháp văn xuôi rất cá tính của Dương Thị Thu Hường, bởi ký sự của chị có nhiều chi tiết liên tưởng rất phong phú, táo bạo, cộng với lối diễn đạt giàu chất thơ.
Cuối năm 2018, tập truyện Bông hồng đen ra đời góp thêm một mảnh ghép độc đáo, giúp hoàn chỉnh hơn chân dung văn học của cây bút nữ Dương Thị Thu Hường. Và có lẽ ở tập này, phong cách sáng tạo của chị được thể hiện tập trung, rõ nét nhất với 18 truyện ngắn viết về những đề tài đương đại. Đây là một tập sách không dễ đọc, nhưng đã đọc thì bị cuốn hút vào những câu chuyện đời thường song được khai thác ở góc nhìn rất lạ, trong đó đặc biệt thành công là những trang viết mô tả đời sống tâm lý, tình cảm của người nữ công nhân. Chị viết về những sinh hoạt đời thường, những yêu ghét, ước mơ của những thế hệ công nhân trong ca kíp, trong nhịp sống công nghiệp hối hả; và điều đáng quý là Dương Thị Thu Hường đã phát hiện ra những khoảng lặng sâu thẳm làm nên sự mạnh mẽ và những nét đẹp trong tinh thần người công nhân thời hiện đại.
Ngôn ngữ là một thế mạnh của tác giả, bởi chị phác họa rất giỏi chân dung và tâm lý những người phụ nữ bằng sự ẩn dụ và sự hài hước hóa. Bên cạnh 2 truyện ngắn Trúc Quỳnh và Chiếc hộp bí mật đã tạo nên “thương hiệu truyện ngắn” của Dương Thị Thu Hường, tập truyện Bông hồng đen của chị còn có nhiều truyện ngắn tạo được dấu ấn như: Nhan sắc, Người tình, Hội chứng cung cầu, Thiên đường là đâu, Bông hồng đen…
Say với trí tưởng tượng và khát khao sáng tạo, chị cũng đã viết tiểu thuyết và gửi bản thảo cho bạn bè thưởng thức, góp ý. Vì vậy, người đọc có thể hy vọng vào sự đột phá mới mẻ hơn nữa trong những sáng tác của Dương Thị Thu Hường.
Nguồn: Báo Đồng Nai