Nhà văn Lê Văn Thảo (Dương Ngọc Huy) – cuộc sống và tác phẩm
- 30/04/2018
- Ban Thông tin truyền thông
- 2277
Nhà văn Lê Văn Thảo là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học chống Mỹ và 30 năm đổi mới, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông tên thật là Dương Ngọc Huy, sinh ngày 1/10/1939 ở Thủ Thừa, Long An và lớn lên ở quê ngoại An Giang, tham gia kháng chiến cứu nước từ năm 1962. Mới đây, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm “Lê Văn Thảo – cuộc sống và tác phẩm” nhằm tri ân công lao của ông. Xin giới thiệu một số ý kiến từ buổi tọa đàm.
NHÀ LÝ LUẬN PHÊ BÌNH HUỲNH NHƯ PHƯƠNG:
Chạm khắc tỉ mỉ tính cách nhân vật
Một xu hướng khác của văn xuôi Lê Văn Thảo là khai thác cái nhạt của đời sống và tái hiện nó với sức ám ảnh như một hiện tượng thẩm mỹ. Cái nhạt trở thành cảm hứng và đối tượng của nghệ thuật. Viết về cái nhạt nhưng văn không nhạt. Nam Cao, Thạch Lam, Hồ Dzếnh… từng viết như vậy. Có gì nhạt trên đời hơn tình cảnh của người diễn viên đóng thế, luôn khuất sau cái bóng của những người nổi tiếng và chấp nhận làm một thứ cây cảnh cho những tình cảm phù phiếm của họ. Có cuộc đời nào lặng ngắt trong đất cát như cuộc đời thằng Cung trong xó tối của một làng quê. Lê Văn Thảo đã đưa cái nhạt vào nghệ thuật bằng một giọng kể chuyện bình thản, đạm mà không nồng, nhưng khi chuyện đã kể hết thì một nỗi buồn sâu thẳm thấm vào gan ruột.
Lê Văn Thảo không thuộc loại nghệ sĩ bay bướm với những nét vẽ xuất thần. Thế mạnh của ông là sự chạm khắc tỉ mỉ, tinh tế những tính cách giống như những hình tượng đắp nổi trên những bức phù điêu bằng kim loại. Truyện ngắn Bà nội tôi đã phát huy cao nhất thế mạnh đó của nhà văn, khi ông tuần tự tách bóc dần từng lớp biểu hiện của tính cách để chạm đến cốt lõi tinh thần của nhân vật. Một bà mẹ ki cóp từng đồng xu, chắt chiu từng hạt gạo, suốt đời tần tảo vất vả để rồi nhắm mắt xuôi tay bỏ lại tất cả trên cõi trần. Những bà mẹ như vậy ngỡ như chẳng mảy may tác động đến đại sự, nhưng cuộc đời thầm lặng của họ đã làm chứng cho sự kết nối vững bền của lịch sử. Hai ông cháu là câu chuyện về lịch sử một miếng đất, qua đó lịch sử một cuộc đời và tình nghĩa giữa những con người, mặc dù cái kết có hậu của thiên truyện không khỏi gợi lên ấn tượng về sự lý tưởng hóa.
Nhà văn Lê Văn Thảo
NHÀ THƠ PHAN HOÀNG: Cây bút bền bỉ, sung sức
Là cây bút luôn tỏ ra sung sức, đều tay, ở thời điểm nào, thời chiến lẫn thời bình, Lê Văn Thảo cũng cho ra đời những tác phẩm mới. Kể từ Ngoài mặt trận, gần nửa thế kỷ qua, ông đã xuất bản gần 20 đầu sách. Một sức viết bền bỉ như vậy không dễ nhà văn nào cũng có được. Một sức viết dường như không bị chi phối bởi hoàn cảnh lẫn những biến động thời cuộc. Một sức viết thoát khỏi áp lực bộn bề của đời sống và những giá trị ảo thời thượng. Không gây sốc hay ồn ào trên văn đàn, Lê Văn Thảo làm đúng chức trách của một nhà văn chuyên nghiệp: lặng lẽ viết và lặng lẽ xuất bản tác phẩm mới, mà tác phẩm nào cũng có những giá trị văn học nhất định và có thể đứng vững qua cơn lốc thời gian. Hình như đó cũng là bí quyết của nhà văn gốc Nam Bộ này. Từ kinh nghiệm đời văn bền bỉ của mình, ông đúc kết: “Tôi thấy nhà văn cần có trước tiên là sự chân thật. Sống chân thật để viết chân thật, viết từ lòng mình, sâu thẳm trong trái tim mình, một chút “mạ vàng” sẽ lộ ra ngay. Văn chương rất khắc nghiệt, không chấp nhận sự làm dáng, phô trương, nghĩ thế này nói thế khác. Có thể che giấu với người đời, không thể che giấu với chữ nghĩa. Kế đến là sự tỉnh táo. Tỉnh táo để không bị những chuyện thời thượng làm cho mình nôn nóng. Tỉnh táo để lượng sức mình, nhìn sự đời hiểu ra mặt này mặt kia. Tỉnh táo để nhận ra những rung động trong lòng mình có hòa nhịp với cuộc sống bên ngoài hay chưa. Tỉnh táo để nhìn sự vật một cách khách quan, y như nó đang diễn ra”…
Lê Văn Thảo cũng là một trong số ít nhà văn lớn tuổi chịu khó đọc tác phẩm của các thế hệ đi sau. Không những đọc mà ông còn lặng lẽ tạo điều kiện, khuyến khích họ sáng tác. Và có một điều thú vị, sau khi kế thừa nhà văn Nguyễn Quang Sáng và hoàn thành nhiệm vụ “quan văn” Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, nhà văn Lê Văn Thảo cũng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh như bậc đàn anh của mình.
NHÀ VĂN TRẦN NHÃ THỤY: Chưa bao giờ ngừng nghỉ trong văn chương
Tôi gặp nhà văn Lê Văn Thảo từ khoảng năm 1996, lúc đó tôi vừa ra trường, thường lui tới tòa soạn tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh ở đường Nguyễn Phi Khanh. Lê Văn Thảo lúc ấy là Phó Tổng Biên tập, nhưng dường như ông không có phòng riêng, hay có phòng riêng mà không ngồi, tôi cũng không biết.
Tôi tập tành viết truyện ngắn, nên gặp một sếp lớn, một nhà văn tên tuổi, lại phụ trách mảng văn xuôi của tờ báo, thú thật là cũng hơi khớp. Tuy nhiên, nhà văn Lê Văn Thảo đối với tôi rất gần gũi, chân tình. Thế rồi những truyện ngắn đầu tiên và quan trọng của tôi được đăng ở đây, cùng với việc thỉnh thoảng tôi được ông kêu qua nhà uống rượu. Những bữa rượu như thế đều do ông tự đi chợ rồi vào bếp trổ tài, hầu hết là món rất dân dã, đặc thù Nam Bộ.
Dường như chẳng bao giờ ông bày vẽ hay lên lớp cho tôi về “nghệ thuật viết truyện” hay đại loại. Lê Văn Thảo cũng chưa bao giờ thị phạm cho tôi xem cách làm mấy món nhậu “thần sầu”. Nhưng cứ đi theo ông, ngồi nghe ông kể chuyện, tôi cũng học được rất nhiều. Học cách sống, cách viết, học làm một người đàn ông thực thụ. Nói ra buồn cười, bây giờ dường như chẳng ai dạy chúng ta học làm người đàn ông. Trong khi theo tôi, một người đàn ông thì phải đủ phẩm cách của một người đàn ông thực sự: mạnh mẽ, nhẫn nại, yêu thương, trách nhiệm và độ lượng. Làm một người đàn ông thực sự, có lẽ còn khó hơn cả làm một nhà văn thành công…
Lê Văn Thảo là người viết văn vừa có chuyện vừa có giọng. Có những nhà văn mà đời văn may mắn “tóm” được mấy câu chuyện hay thì thành danh, nhưng văn không giọng riêng. Mà, viết văn muốn có giọng riêng, thiển nghĩ phải cần cù lao động chữ miệt mài, phải say sưa tâm cảm nghệ sĩ, phải đi, phải đọc, phải học, phải chắt lọc không ngừng.
Lê Văn Thảo cũng là người chưa bao giờ ngừng nghỉ trong văn chương. Thật hiếm có một nhà văn nào mà càng già viết càng trẻ, càng hay, càng mới mẻ như Lê Văn Thảo.
NHÀ LÝ LUẬN PHÊ BÌNH NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THÚY:
Đau đáu, trải nghiệm rất riêng về chiến tranh
Lê Văn Thảo kể chuyện cứ như không, cứ như ông đang ngồi trước mặt người đọc mà kể lại bằng cái giọng Nam Bộ đặc trưng của ông những câu chuyện ông trông thấy, nghe thấy sáng nay. Truyện ngắn của ông ít có dấu vết của sự dụng công, mà nhân vật cứ thế hiện lên rõ nét, lắm lúc rất bất ngờ. Ông kể về người cháu trai của bác Ba Phi, kể về cái háo hức của ông khi tìm ra được nhân vật này, vì tin chắc sẽ sưu tầm thêm được ít thông tin về nhân vật Nam Bộ huyền thoại này. Chi tiết ông cung cấp cụ thể đến nỗi, mặc dầu ở đầu tác phẩm đã cẩn thận ghi thể loại là truyện ngắn, nhưng người đọc vẫn có thể ngờ ngợ cho rằng nó là ký, hoặc ít ra là có tính chất ký. Ông miêu tả rõ sự nghiêm túc của người cháu trai qua nhiều chi tiết và sự kiện, rằng anh không thích nói dóc, rằng anh cũng thấy phiền khi quá nhiều người đến hỏi về bác Ba Phi, và ông không giấu được sự thất vọng. Để khẳng định ông bác của mình không phải chỉ là người biết nói dóc bông lơn, người cháu đã nhắc lại chuyện ông bắt giặc lái cứu người ở vùng U Minh, gian khổ và vô cùng nguy hiểm. Người đọc chia sẻ với tác giả nỗi thất vọng, và cũng mừng vui vì có thêm thông tin về một nhân vật dân gian đặc biệt của đất nước, để rồi cuối cùng bất ngờ vì hóa ra câu chuyện này là một chuyện bịa…
Chiến tranh kết thúc ở ngoài đời thực đã mấy mươi năm, nhưng nó vẫn trở đi trở lại trong sáng tác của Lê Văn Thảo. Các tiểu thuyết của ông Con đường xuyên rừng, Sông nước Vàm Nao, Một ngày và một đời, Cơn giông, Những năm tháng nhọc nhằn… đều có bóng dáng chiến tranh. Trong số các tiểu thuyết nói trên, chỉ có Cơn giông không xây dựng trên bối cảnh chiến tranh, nhưng dấu tích chiến tranh vẫn phảng phất đâu đó. Câu chuyện kể về một người đàn ông Cà Mau bị giông tố cuộc đời quật cho trôi dạt, qua bao nhiêu thăng trầm, nay trở về quê – cũ – xa – lạ với gia tài gồm cả thất bại, đắng cay, trải nghiệm và hy vọng. Những nhân vật trong truyện như Bằng (người đàn ông trở về), ông Sáu Thiên, ông già Trăm tuổi, Thủy, Hai Chất, Sáu Cụt… đều mang nét bi tráng và phảng phất vẻ đẹp đầy nghĩa khí của đất Nam Bộ thuở mang gươm đi mở cõi. Tất cả họ đều trải qua cơn giông thời cuộc. Đành rằng sống ở đất mũi Cà Mau này không dễ dàng gì, nơi lẫn lộn giữa anh hùng với thảo khấu, hoặc một người vừa có thể là anh hùng vừa có thể là thảo khấu, công an và chính quyền vừa mang nét trung chính vừa mang nét lạnh lùng, nhưng người đọc có thể thấy được cuộc đời bấp bênh chìm nổi của người dân ở xứ sở này một phần vì họ ở nơi cùng trời cuối đất, nhưng phần lớn hơn là vì họ đã sống trong chiến tranh quá lâu. Ký ức chiến tranh qua hình ảnh một “cứ” cũ đã mục nát trong rừng, qua câu chuyện của những người về xứ, những nỗ lực hàn gắn nỗi đau… cứ phảng phất và ám ảnh mãi.
NHÀ THƠ LÊ THIẾU NHƠN: Lôi cuốn bằng giọng văn thuần phác
Trong tác phẩm Lê Văn Thảo, không thể trích ra một đoạn văn mẫu để tán tụng, để trầm trồ. Nếu nhìn trên lớp vỏ chữ nghĩa, rất dễ nao núng kết luận ông không có văn. Thế nhưng, bình tâm đánh giá lại, thì chất giọng thuần phác Nam Bộ của Lê Văn Thảo vẫn tạo ra một thứ văn chương có sức lôi cuốn. Vậy, văn của Lê Văn Thảo nằm ở đâu?
Văn của Lê Văn Thảo không nằm ở ngôn từ, không nằm ở lý lẽ, và cũng không nằm ở triết thuyết. Văn của Lê Văn Thảo lặn vào tình tiết, lặn vào nhân vật, lặn vào câu chuyện để rồi khi hữu duyên gặp sự tương tác từ phía độc giả thì lập tức hiển lộ những giá trị thẩm mỹ có sức lay động và ám ảnh. Cho nên, Lê Văn Thảo chinh phục nhiều thế hệ bạn đọc bằng lối kể tự nhiên và nhẹ nhàng. Hầu như không thấy sự gắng gượng hay dàn dựng nào trong tác phẩm của ông. Ông cứ viết tuần tự và mạch lạc như chìm nổi cuộc đời vốn thế, như buồn vui con người vốn thế.
Không khó để nhận ra tác phẩm Lê Văn Thảo tồn tại hai đặc điểm: Thứ nhất, chấm phẩy không theo cấu trúc ngữ pháp mà theo nhịp điệu văn phong, khi trễ nải, khi dồn dập. Thứ hai, tên truyện khá thật thà, ví dụ: Người viết thư thuê, Anh cà khêu ghé qua làng, Chuyện nhỏ tình yêu, Chuyện đời con Mốc, Người Sài Gòn… chả mấy khi tương xứng với nội dung, giống như cô gái đẹp phải mặc cái áo thô, những ai dị ứng với trang phục mộc mạc thì mất cơ hội chiêm ngưỡng dung nhan đằm thắm kia!
Năm 1962, chàng trai Dương Ngọc Huy 23 tuổi rời khỏi giảng đường Đại học Sài Gòn để vào chiến khu, vừa hoạt động cách mạng vừa theo đuổi văn chương với bút danh Lê Văn Thảo. Những trang viết đầu tiên của Lê Văn Thảo đều được tập hợp in trong tập Đêm Tháp Mười do Nhà xuất bản Giải Phóng ấn hành năm 1972. Nếu so sánh Đêm Tháp Mười với hàng loạt tác phẩm sau này của ông, không khó hình dung ra một khoảng cách nhất định. Nói cách khác, văn chương của Lê Văn Thảo trưởng thành mạnh mẽ từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước và sung mãn trong suốt 20 năm qua.
(ST). Đặng Tường