Lễ Cầu Siêu – Cầu An cho toàn Dòng tộc
- 22/02/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 2886
Với với tôn chỉ “Hướng về cội nguồn, tri ân tổ tiên, đền ơn đáp nghĩa”, Lễ Cầu Siêu – Cầu An hằng năm luôn được Họ Dương Việt Nam quan tâm và tổ chức một cách trang nghiêm nhất trong Ngày hội văn hóa Mùa xuân Họ Dương Việt Nam.
Đây là dịp để thế hệ các con cháu Họ Dương dành hướng tâm, tri ân sâu sắc đến Tổ tiên, ông cha, các thế hệ người Họ Dương đi trước. Cùng cầu nguyện những điều tốt lành và hạnh phúc nhất đến với mỗi con người, mỗi gia đình Họ Dương trên toàn quốc và nước ngoài.
Lễ Cầu Siêu – Cầu An năm nay được tổ chức vào 16h30 phút ngày 22/2/2019 tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Vĩnh Phúc do Thượng tọa Thích Đức Thiện: Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam – cùng các thầy đến từ Trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam chủ trì. Tham dự buổi lễ còn có Thượng tọa Thích Giác Chí.
Tham dự buổi Lễ có ông Dương Công Minh – Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam, các ông bà Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam: Ông Dương Quốc Trọng, ông Dương Thanh Biểu, ông Dương Trung Quốc, ông Dương Văn Đảm, bà Dương Phạm Thị Thu Hằng, ông Dương Văn Canh, ông Dương Ngọc Lương, ông Dương Đào Hồng Tuyển, ông Dương Trần Quang Nghị, ông Dương Huy Linh, ông Dương Tấn Cường, ông Dương Quốc Sỹ, ông Dương Quốc Tiến, ông Dương Thanh Tương, ông Dương Công Đức, ông Dương Văn Bé Hai và gần 10.000 bà con Họ Dương Việt Nam cả nước về dự.
Theo truyền thống đạo Phật, con người sống trên thế gian này dù nghèo hay giàu, dù ở thành thị hay thôn quê, có ai mà không mong cầu sự bình an. Mong cầu bình an cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho bà con Dòng tộc mình, cầu bình an trong công việc làm ăn của mình. Rộng lớn hơn, là cầu mong cho đất nước quê hương mình được bình an và cả quốc gia đang cưu mang mình ở đây cũng luôn được bình an. Ý nghĩa bình thường của các khoá Lễ Cầu An là cầu nguyện cho người sống thoát khỏi bệnh tật hay tai qua nạn khỏi.
Lễ cầu an tại Ngày hội văn hóa mùa xuân Họ Dương Việt Nam với mục đích cầu ước sự may mắn, khỏe mạnh, an lành, hạnh phúc cho mọi người Họ Dương Việt Nam trên toàn quốc và nước ngoài. Tùy hoàn cảnh của mỗi người, chúng ta có những mong muốn an lành riêng tư trong cuộc sống của mình.
Cũng theo đạo Phật, cầu siêu có nghĩa là cầu nguyện để ông bà cha mẹ, những người thân đã khuất cũng như Tổ tiên của mình, được siêu thoát, để sinh về cõi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà, phù hộ, độ trì cho con cháu và gia đình. Cũng như cầu an, chúng ta cần có thái độ kính trọng và thương mến tất cả những vong linh mà ta cầu nguyện. Khi ta cầu an, cầu siêu, ta hãy nguyện tu tập để thành chính quả.
Theo triết lý của Nhà Phật, muốn có sự an lành trong cuộc sống, một trong những việc cần làm là tu hành (ngày nay, ta hiểu tu là học hành, rèn luyện bản thân mình). Tu có 2 loại cần tu, đó là tu tuệ và tu phúc. Công hạnh tu tập nhằm giảm thiểu, hóa giải phiền não của bản thân được gọi là tu tuệ. Tu tuệ là tụng kinh, niệm phật, sám hối, ngồi thiền là những biện pháp tu nhằm thức tỉnh, cải thiện, thay đổi những tập khí, những phiền não trong tâm của mình để giúp trí tuệ của mình tăng trưởng, hóa giải phiền não để cuộc sống của mình được an lành. Song song với việc tu tuệ, chúng ta cần phải tu phúc. Tu phúc là giúp đỡ chúng sinh, mà chúng sinh ở đây là những người đang sống quanh ta; những đồng nghiệp, bạn bè, anh em ruột thịt; những người cùng chung dòng máu, cùng chung nguồn gốc, cùng chung một chí hướng… Giúp đỡ nhau là biện pháp tu phúc và giúp người khác là tạo ra phúc. Gieo trồng nhân lành, tích góp công đức để thoát khổ, thoát nghèo, thoát nạn kiếp; để cùng nhau đến bến bờ hạnh phúc, bình an. Làm được điều đó tất yếu ta sẽ nhận được phúc (theo luật nhân quả: gieo nhân nào, sẽ nhận được quả đó).
Họ Dương Việt Nam luôn đề cao tinh thần “Đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Trong nhiều năm qua, với tinh thần ấy, Hội đồng Họ Dương Việt Nam, Hội đồng Họ Dương các tỉnh/thành phố đã có nhiều đợt quyên góp làm từ thiện giúp đỡ những bà con có hoàn cảnh khó khăn như gặp nạn trong thiên tai, bệnh tật; những học sinh nghèo khó. Thanh niên tổ chức nhiều phong trào cho thiếu nhi vùng sâu, vùng xa… Đấy là việc làm như đạo phát quan niệm là tu phúc và nếu cứ luôn làm như thế, chúng ta cũng sẽ luôn nhận được phúc, sự an lạc trong cuộc sống.
Lễ Cầu Siêu – Cầu An của “Ngày hội văn hóa mùa xuân Họ Dương Việt Nam năm 2019” được tổ chức để cầu mong các linh hồn được siêu thoát về miền cực lạc, cầu cho toàn thể Dòng tộc một năm bình an.
Thạc Sơn – Dương Hòa