Nhà thơ Dương Thuấn: "Tôi luôn viết bằng kỷ niệm"
- 21/06/2016
- Ban Thông tin truyền thông
- 6544
Với bộ Tuyển tập Dương Thuấn đồ sộ vừa ra mắt dày đến 2.000 trang được đông đảo bạn đọc cũng như giới viết quan tâm, có thể nói đây là dấu mốc quan trọng để nhìn lại quá trình lao động sáng tạo của ông suốt thời gian qua. Sắp tới nhà thơ có dự định nào cho việc in ấn nữa không?
– Nhà thơ Dương Thuấn: Thường khi người ta làm xong một việc lớn quan trọng thì hay tự cho mình có quyền xả hơi. Tôi cũng rất muốn nghỉ ngơi nhưng lòng lại không cho nghỉ. Bởi trong tôi luôn có nhiều dự định, nhiều đề cương về những tập sách mới bao gồm cả sáng tác và nghiên cứu về văn thơ cũng như các lĩnh vực khác.
Tôi không sốt ruột khi viết, chỉ luôn sợ lãng phí thời gian. Cuộc đời nếu có sống trăm tuổi vẫn ngắn, vẫn không đủ thời gian cho mình viết. Tôi sợ đến lúc nào đó mình không còn sức mà viết nữa. Trong năm tới tôi đã có kế hoạch sẽ in một tập thơ mới và một cuốn sách về văn hóa Tày mà tôi đã trình bày một số vấn đề ở đại học của Mỹ và được họ đánh giá cao.
Nhà thơ Dương Thuấn
Ngoài những tác phẩm viết cho người lớn, nhà thơ dành khá nhiều công sức cho những tập thơ thiếu nhi như Chia trứng công, Bà lão và chích chòe… Phải là người yêu trẻ và tâm huyết lắm mới có thể làm được điều đó, nhà thơ có thể chia sẻ những cảm xúc mỗi khi làm thơ thiếu nhi?
– Tôi cũng có một phần sáng tác rất đáng kể viết cho thiếu nhi vì tôi hay chơi và quan sát trẻ con. Tôi thấy rất thích thú làm thơ cho trẻ con đọc. Tôi cảm thấy trong lúc sáng tác mình là một con người khác, bởi lúc đó hoàn toàn ở trạng thái phân thân. Tôi sáng tác cho cả người lớn và sáng tác cho cả trẻ em. Tôi có thể viết bất kỳ lúc nào, cứ cảm hứng đến là tôi viết. Tứ thơ nào cho người lớn, tứ thơ nào cho trẻ em, tự nó hình thành rất nhanh và đến cũng rất nhanh trong ý nghĩ.
Mỗi khi làm thơ cho thiếu nhi tôi đều thấy như mình đang chơi với trẻ con. Chỉ chơi thôi nhé, nếu trẻ con đang chơi mà biết ai đến định dạy bảo là chúng sẽ chạy đi liền. Cảm xúc của tôi luôn tràn đầy, không có cảm giác bị chia sẻ giữa viết cho người lớn và viết cho trẻ con. Nếu hết cảm xúc thì mình phải biết tạo ra cảm xúc, vì vậy cảm xúc sẽ mãi mãi bất tận…
Sinh ra và lớn lên ở vùng núi cao, hẳn tuổi thơ của nhà thơ có rất nhiều kỷ niệm?
– Tôi luôn viết bằng những kỷ niệm của mình. Kỷ niệm đối với người sáng tác quan trọng vô cùng. Từ những kỷ niệm sẽ hình thành tác phẩm văn học. Rất nhiều kỷ niệm đã đi vào thơ tôi. Những buổi sáng đi học từ gà gáy canh hai, những buổi chiều tan trường về trời tối, những hôm mưa rừng suối lũ…
Tôi có vô vàn và đầy ắp kỷ niệm của tuổi thơ hoặc cả khi mình đã lớn. Tôi đã viết hàng trăm bài thơ về bản Hon mà mình sinh ra ở đó là đều từ kỷ niệm. Có khi buồn, có khi vui, nhưng đã là kỷ niệm thì đều đáng yêu, đáng nhớ. Tôi cũng chỉ làm thơ về nơi khác khi đã có kỷ niệm với nơi đó.
Sự Kinh hóa trong giọng điệu và ngôn ngữ của một số cây bút trẻ dân tộc thiểu số đã làm mất sự tự nhiên vốn có. Ngay cả người viết cũng không có chút vốn liếng nào về văn hóa dân tộc mình, họ phải xoay xở ra sao?
– Một số cây bút trẻ người dân tộc thiểu số hiện nay bị Kinh hóa cũng giống như một số các cây bút trẻ người Kinh bị Tây hóa. Đó là chuyện bình thường. Nhưng muốn gì thì trước tiên anh phải là nhà thơ của dân tộc anh. Khi đã là nhà thơ của dân tộc mình rồi thì tất nhiên anh sẽ là nhà thơ của nhiều dân tộc.
Đối với người sáng tác, anh phải hiểu thật sâu về dân tộc mình từ kiến thức xã hội, lịch sử, nhân chủng, văn hóa, nghệ thuật, đời sống tâm linh… Anh hãy luôn luôn sống và tìm hiểu trong lòng dân tộc anh.
Nhà thơ có trăn trở gì khi những đồng nghiệp người dân tộc thiểu số ít sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ?
– Tôi sáng tác bằng tiếng Kinh và tiếng Tày đều thành công. Nhưng phải sáng tác bằng tiếng Tày thì mới cảm thấy thật sự là của mình. Tôi luôn có ý thức làm phong phú cho văn học và ngôn ngữ dân tộc Tày. Thực tế hơn 20 năm qua, tôi đã sáng tác bằng song ngữ Tày – Kinh. Sáng tác như vậy sẽ khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều cả trong tư duy, in ấn, phát hành.
Tôi thật sự muốn khuyên các bạn trẻ dân tộc thiểu số hãy sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Qua nhiều năm quan sát, nghiên cứu tôi thấy ngôn ngữ dân tộc Kinh mà người miền núi đang dùng hiện nay từ ngữ rất nghèo nàn, ngữ pháp cũng không chuẩn. Nếu dùng thứ tiếng đó để sáng tác văn học sẽ rất khó hay.
Hơn 20 năm sống ở Hà Nội, những dịp lễ tết nhà thơ và gia đình có đón tết theo truyền thống của người Tày ở Bắc Kạn, quê hương của nhà thơ?
– Không phải chỉ có ngày tết mà cả những ngày lễ khác tôi cũng không bao giờ bỏ. Tất cả mọi mỹ tục một cái tết của người Tày tôi vẫn làm đầy đủ. Đơn giản như đêm giao thừa trên bản cao các gia đình đều đun bếp lửa thật to để ông bà tổ tiên biết nhìn vào đó tìm về thì ở Hà Nội tôi sẽ bật hết các loại đèn. Từ đèn ống, đèn chùm, đèn trang trí… Thắp hương liên tục, rót rượu, rót trà mời tổ tiên ông bà và trên bàn thờ có đủ mọi thứ như ở quê.
Chúc nhà thơ năm mới nhiều thành công mới!
Nhà thơ Dương Thuấn sinh ngày 7-7-1959, dân tộc Tày, quê quán ở bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Đã in các tập thơ: Đi tìm bóng núi, Đi ngược mặt trời, Lủc pjạ hết lùa (Con côi làm dâu) – NXB Văn Hóa Dân Tộc 1995; Mười bảy khúc đảo ca (trường ca) – NXB Quân Đội Nhân Dân 2000, Hát với sông Năng – NXB Văn học 2001, Slíp nhỉ tua khoăn (Mười hai con vía) – NXB Văn Hóa Dân Tộc 2002, Đêm bên sông yên lặng – NXB Hội Nhà Văn 2004, Lính Trường Sa thích đùa – NXB Quân Đội Nhân Dân 2006, Soi bóng vào tôi – NXB Hội Nhà Văn 2009, Tuyển tập Dương Thuấn (tập I, tập II, tập III).
Các tập thơ viết cho thiếu nhi: Cưỡi ngựa đi săn, Bà lão và chích chòe, Trăng mã Pì Lèng, Dương Thuấn – Thơ với tuổi thơ, Chia trứng công.
Giải thưởng: Giải A Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1992.
Theo Báo Tuổi Trẻ
Sưu tầm: Dương Văn Thành