Món quà Trung thu: Nhà thơ Dương Khâu Luông với thiếu nhi vùng cao

Bạn Dương Seo Mẩy (Trường Văn hóa nghệ thuật Thái Nguyên) viết thư về hỏi nhà thơ Trần Đăng Khoa: Chú Khoa ơi….! Cháu là một học sinh vùng cao. Quê cháu có rất nhiều nhà thơ nổi tiếng, như Nông Quốc Chấn, Y Phương, Lò Ngân Sủn, Dương Khâu Luông. Chú đã đọc thơ của Dương Khâu Luông chưa? Chú thấy thơ anh ấy thế nào?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết một bức thư trả lời về nhà thơ Dương Khâu Luông như sau:

Trong số các nhà thơ dân tộc Tày Bắc Kạn mà cháu vừa nhắc ấy, Dương Khâu Luông là tác giả trẻ nhất, thuộc lớp đàn em…

Trên thế giới, có rất nhiều nhà thơ miền núi nổi tiếng. Vào những năm cuối thế kỉ XX, ở Liên Xô, những nhà văn nhà thơ nổi tiếng nhất lại là những người dân tộc thiểu số ở vùng cao, mà tiêu biểu nhất là nhà văn T. Ai-ma-tốp và nhà thơ Ra-xun Gam-gia-tốp. Cả hai tác giả lớn nổi tiếng thế giới này đều đã có nhiều tác phẩm dịch sang Việt Nam.

Khi người dân tộc có trình độ và sự hiểu biết ngang với người miền xuôi thì họ hơn đứt dân miền xuôi cái bản sắc riêng của họ. Qua cuộc đời, sự nghiệp của T. Ai-ma-tốp và Ra-xun Gam-gia-tốp, chúng ta nhận thấy rất rõ điều đó. Dường như cả đời, hai ông chỉ viết về làng bản quê hương mình. Nhưng để viết về con người và làng bản quê hương mình, hai ông phải đi ra với thế giới rộng lớn. T. Ai-ma-tốp đã nhiều năm làm Đại sứ ở nhiều nước trên thế giới. Ra-xun Gam-gia-tốp chỉ sống ở quê, nhưng ông cũng đã đi khắp thế giới. Người ta bảo, không nên hỏi Ra-xun đã có mặt ở những quốc gia nào, mà chỉ nên hỏi còn những nước nào trên thế giới mà ông chưa đến? Ra-xun rất yêu bản làng mình. Đi đâu ông cũng mang theo bên mình nắm đất quê hương. Ông còn đem cái làng quê nhỏ bé của mình ra làm thước đo đánh giá thế giới. Với con mắt Đa-ghét-xtan, ông thấy Thủ đô Mát-xcơ-va là một thành phố méo mó, không hoàn thiện vì chẳng thấy có nhà nào đắp phân bò lên tường để phơi. Cũng tương tự như thế, ông thấy những nhà tắm ở Pháp,  ở Ý chỉ là thứ đồ chơi thảm hại bằng chất dẻo. Chúng không thể sánh được với cái “nhà tắm”  tuyệt vời ở làng ông. Đó chính là con suối đầu nguồn lởm chởm những tảng đá hộc. Sáng sớm có thể ngửi thấy mùi sương non và mùi… nước đái bò.

Ở Việt Nam chúng ta, ngoài những nhà thơ cháu nhắc, cũng còn có nhiều nhà thơ miền núi đặc sắc thuộc các dân tộc khác. Không phải người miền núi nào làm thơ cũng trở thành nhà thơ miền núi. Có người sống trong rừng sâu nhưng thơ họ lại vượt qua những cánh rừng rậm rịt, những dãy núi sừng sững để đến được với bạn đọc cả nước, nhưng cũng có người sống mãi trong rừng rồi thành người rừng, tác phẩm của họ cũng bị lạc trong các hẻm núi, không tìm được lối ra. Có người bỏ núi rừng, về Thủ đô sinh sống, nhưng lại cõng núi theo, và rồi lại tiếp tục lạc trong núi ngay giữa phố phường, không đến được với bạn đọc cả nước. Làm nhà thơ đâu có dễ dàng. Làm một nhà thơ miền núi còn khó hơn nữa cháu ạ.

Nhà thơ Dương Khâu Luông

Dương Khâu Luông là một người rất đỗi hiền lành. Bằng những con chữ chân thành, mộc mạc, anh đưa chúng ta về bản làng anh:

Bản tôi trên núi

Có mấy nhà thôi

Chạy quanh một chốc

Đã hết bản rồi.

Bản tôi nhỏ thế

Nhưng rộng lòng người

Khách quen, khách lạ

Đều được đón mời.

Người Bắc Kạn, Cao Bằng là thế đấy cháu ạ. “Mời rượu cả chum, mời quả cả cây”. Ta gặp trong thơ Dương Khâu Luông rất nhiều người bạn rừng: Chim bìm bịp, chú nhện, chú ốc, mẹ con nhà nhện, chú tê tê, hươu và khỉ, cùng bao nhiêu hoa quả của núi rừng. Rồi cả ông bạn Núi nữa chứ. Có những trò chơi của tuổi ấu thơ mà ta vẫn chơi, rất quen thuộc mà vẫn lạ:

Mặt trời làm quả bóng

Hai bạn núi cùng chơi

Bạn núi đằng Đông đá

Quả bóng bay lên trời

Mới được một đường bóng

Ngày hết veo mất rồi

Núi phía Tây đem cất

Đợi đến mai lại chơi.

 Và cũng thật thú vị, khi em bé ngủ:

Trong rừng tiếng chim

Hót ru em ngủ

Bông hoa cũng nở

Ru bằng mùi hương.

Chú rất yêu những câu thơ chân thật như thế này:

Đi tìm trâu

Phải biết nghe tiếng mõ

Tiếng mõ gõ đều đều

Trâu đang gặm cỏ đồng thấp

Tiếng mõ gõ thưa thớt

Trâu đang gặm cỏ đồi cao

Tiếng mõ lặng im

Trâu đang nằm nhai đó

 

Giữa trập trùng núi biếc

Biết nghe mõ mới tìm thấy trâu.

Cháu đã thả trâu trên núi bao giờ chưa? Có thể xem bài thơ này như một kinh nghiệm tìm trâu lạc. Chú nghĩ rằng, nếu anh Dương Khâu Luông không đi chăn trâu, không có những phen bổ sấp bổ ngửa đưa trâu về chuồng, thì không thể có đôi tai tinh như thế.

Và đây nữa, những dãy núi quen thuộc từ ngàn đời, mà qua con mắt của anh Dương Khâu Luông, chúng cũng hiện lên trong trẻo và ấm áp:

Núi con giúp núi bố

Chắn bão gió sương sa

Cho bốn mùa trên núi

Chim hót múa reo ca

Chỉ thương cho núi con

Quanh năm đứng một chỗ

Không bước được như em

Đi tới trường học chữ.

Chú cũng rất yêu sự phát hiện này của anh Dương Khâu Luông:

Lên Cao Bằng mới thấy người thật cao

Người đi như chạm vào mây trắng

Mới thấy lửa Cao Bằng

Củi nghiến reo thật ấm

 

Lên Cao Bằng

Khách lạ hóa người thân.

Thơ anh Dương Khâu Luông là thế, cháu ạ. Không phải bài nào của anh ấy cũng hay. Có bài cũng thật thà một cách ngô nghê. Đừng nghĩ cứ ngô nghê là thành con trẻ. Cũng đừng nghĩ ngô nghê là người miền núi. Người miền núi đâu có thế. Nhiều người không thạo tiếng Kinh. Họ ọ ẹ nói tiếng Kinh như ta nói tiếng Tây, như ông Tây nói tiếng Việt. Không ít người lại tưởng cứ ọ ẹ là ngôn ngữ của người miền núi. Một thời trên đài phát thanh hay đài truyền hình, trong các vở kịch hay hoạt cảnh, ta cứ thấy người miền núi nói những câu rất lạ tai: “A lúi! Cái cán bộ hiểu đúng cái bụng ta rồi à. Ta yêu cái cán bộ lắm lố…”. Ông Tráng A Pao cười sặc sụa: “Cái người Kinh cứ hay đùa dai. Người dân tộc mình không ngố như người Kinh đâu nhá!”. Anh Dương Khâu Luông cũng có lúc tạo cho người đọc cái cảm giác hình như anh cũng đang đùa. Nhưng những bài đạt được sự thành công nào đó thường giản dị. Chân thành. Mộc mạc và trong trẻo. Đọc anh, ta thấy mát lành như vừa lội qua một con suối trong buổi sáng sớm còn đầy tơ nhện giăng. Váng vất đâu đó là hương hoa rừng cùng với mùi sương non và cả mùi lá mục, cỏ dại và củi mục. Sức hấp dẫn của thơ anh đối với bạn đọc là thế. Và đó cũng là đóng góp của anh trong mảng văn học dành cho các em thiếu nhi ở vùng cao.

Trần Đăng Khoa

Theo Sức khỏe và Đời sống

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com