Anh Dương Văn Bình – tấm gương người khuyết tật vượt lên hoàn cảnh
- 17/08/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 1063
Ảnh hưởng di chứng chất độc da cam từ người bố nên anh Dương Văn Bình, sinh năm 1976, ở tổ dân phố Khu Yên, phường Bách Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên bị tàn tật bẩm sinh. Mặc dù vậy, anh Bình đã cố găng vươn lên phát triển kinh tế, có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc.
Khi sinh ra hai bàn chân anh Bình bị quặt lại phía sau, cột sống lưng gồ lên. Đôi chân không lành lặn và thân hình bé nhỏ khiến anh đi lại vất vả, khổ cực. Dù vậy, anh Bình vẫn cố gắng đến trường để học hành, không chịu thua kém bạn bè cùng trang lứa. Hằng ngày, anh Bình dùng giẻ buộc chặt chân mình vào bàn đạp, hai tay giữ và điều khiển tay lái để có thể đi xe đạp tới trường. Đôi chân không lành lặn nhưng anh Bình lại có đôi tay khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ. Không muốn là bản thân là gánh nặng cho gia đình nên học xong phổ thông, anh Bình đi học nghề ở Sơn Tây, Hà Nội, rồi tiếp tục học ở Trường Cao đẳng Bách khoa. Ra trường năm 2000, anh Bình đi làm thuê cho các cửa hàng sửa chữa đồ điện ở Hà Nội để kiếm tiền. Sau 2 năm làm ở Hà Nội Bình tích cóp được chút vốn liếng và quyết định về quê nhà ở xã Tân Quang, nay là phường Bách Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên mua đất ở và xây dựng cửa hàng để sửa chữa đồ điện dân dụng. Chăm chỉ, cẩn thận, tay nghề giỏi nên rất đông đảo khách hàng đến với cửa hàng của anh Bình. Nhờ sự cố gắng, nỗ lực năm 2006 anh Bình đã được nhận Bằng khen của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam về thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, sản xuất.
Chăm chỉ, hiền lành, lao động giỏi nhưng anh Bình luôn mặc cảm về những khiếm khuyết của cơ thể mình, không bao giờ nghĩ sẽ có hạnh phúc riêng. Thế nhưng, năm 2006, qua mai mối anh Bình quen và tìm hiểu chị Tạ Thị Thu Hà, một cô gái khỏe mạnh, đảm đang, duyên dáng quê ở Phổ Yên, Thái Nguyên đang làm công nhân may gần đó. Cảm phục nghị lực của anh Bình, chị Hà đã quyết định tiến tới hôn nhân cùng anh sau 6 tháng tìm hiểu mặc những gièm pha, dị nghị và cả những phản đối từ phía gia đình. Đến nay, hai anh chị đã có một gia đình hạnh phúc với hai đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn, khỏe mạnh.
Có gia đình riêng, anh Bình càng tích cực phát triển kinh tế để vợ con có cuộc sống đầy đủ. Bên cạnh cửa hàng sửa chữa đồ điện tử, năm 2011, vợ chồng anh xây dựng khu trang trại để nuôi lợn thịt với quy mô gần 100 con/lứa. Ngoài ra anh Bình còn trồng cây ăn quả, nuôi bò… Nhờ vậy, nguồn thu nhập của gia đình ngày càng tăng lên.
Không chỉ cố gắng vươn lên phát triển kinh tế gia đình, anh Bình còn luôn mong muốn những người không may mắn như mình cũng có được cuộc sống ổn định. Trước đây, anh Bình thường xuyên gia sinh hoạt tại Hội Người khuyết tật của Hà Nội, sau đó về sinh hoạt tại Thái Nguyên. Chính vì vậy anh luôn đã nung nấu ý định vận động thành lập tổ chức Hội tại Sông Công để những người kém may mắn như anh cùng sinh hoạt, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Khi gặp hai vợ chồng ông bà Yên – Hùng cung hoàn cảnh, anh Bình đã bàn bạc việc thành lập Hội và được ông bà đồng tình.
Để tiến tới việc thành lập Hội của người khuyết tật ở Sông Công, anh Bình và vợ chồng ông bà Yên – Hùng đã dành thời gian đến thăm, trò chuyện để hiểu thêm về hoàn cảnh những người khuyết tật trong thị xã. Được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền thị xã, năm 2011, Ban Chấp hành lâm thời Hội Người khuyết tật thị xã Sông Công đã được thành lập với 13 người. Tháng 12/2012, Hội Người Khuyết tật thị xã đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ đầu tiên (2012 – 2015) với gần 70 hội viên tham gia, anh Bình được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội, bà Yên được bầu là Phó Chủ tịch Hội.
Từ khi có Hội người khuyết tật, ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Bình luôn cố gắng để giúp đỡ các hội viên, vượt lên hoàn cảnh. Điều anh Bình mong muốn nhất hiện nay là được các cấp, các ngành ở địa phương quan tâm mở các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật để những thành viên trong Hội người khuyết tật Sông Công có thể tự tin hòa nhập cộng đồng và nuôi sống được bản thân.
Dương Thùy Dịu