Bài đạt giải Khuyến khích “Cuộc thi Tìm hiểu Văn hóa – Lịch sử Họ Dương Việt Nam”: Dương Bá Trạc – một người Họ Dương lỗi lạc
- 12/08/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 638
Con người sinh ra và lớn lên, rồi cuối cùng cũng về với cát bụi. Nhưng “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh, họ sinh ra là để in dấu trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác”. Và bao giờ, người ta cũng hướng đến “cái gốc” của mình – đó là tổ tiên, dòng tộc, gia đình, quê hương mình.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi: “Thiên Nam nhất đại Dương tộc”, tựa là “Dưới trời Đại Nam (nước Việt) có một dòng họ Dương to lớn”. Và trong dòng Họ Dương to lớn đó có những người vĩ đại mà tôi luôn nể phục và biết ơn sâu sắc.
Họ Dương – hai từ bình dị nhưng mang trong mình niềm tự hào của bao nhiêu thế hệ, nhất là lớp trẻ như tôi. Không phải đến bây giờ, tôi mới tìm hiểu về nguồn gốc của dòng họ mình. Ngay từ khi tập đọc, tập viết tôi đã tò mò về Họ của mình, tại sao tôi và bạn bè lại khác họ tên hay đơn giản là mỗi dịp giáp Tết lại nô nức chuẩn bị váy áo để đi họp Họ cùng ông bà, bố mẹ. Lớn một chút khi mà đã học và đọc qua các trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, tôi lại nao nao và hãnh diện khi thầy cô nhắc đến những cái tên mà sử sách ghi lại vì chiến công hào hùng của họ hay thành tích khoa bảng đáng nể phục. Họ là Dương Đình Nghệ, Dương Khuê, Dương Bá Trạc, Dương Tam Kha…, những cái tên để tôi mường tượng về một dòng họ đáng tự hào và hãnh diện khi mình là con cháu Họ Dương. Và tuổi thơ của tôi trải qua với những ký ức đẹp đẽ, những câu chuyện về dòng họ và xúc cảm của một cô bé luôn đau đáu về dòng họ của mình.
Là một người con Nghệ Tĩnh, được nuôi lớn bởi những làn điệu dân ca ví giặm, được sớm tiếp xúc với những áng văn chương về lịch sử, quê hương, đất nước, tôi luôn yêu và nể phục những nhà thơ, nhà văn của dân tộc mình.
“Giúp dân giúp nước gặp việc phải
Lại cũng hăng hái kề vai mang
Đời công đời tư trọn vẹn cả
Không hổ thẹn với thần thiên lương…”
Tôi tình cờ đọc được những câu thơ trên và trong lòng trào dâng sự tự hào kiêu hãnh bởi khi biết tác giả của những câu thơ đầy hào hùng nhưng mang nhiều tâm tư, lòng yêu nước đó chính là của Dương Bá Trạc – thế hệ cha ông Họ Dương – Dòng họ mình đang mang. Và đó chính là động lực để tôi tìm hiểu về ông, một trong những người đã ghi tên dòng Họ Dương vào lịch sử đất nước.
Dương Bá Trạc (1884-1944) biệt hiệu là Tuyết Huy, quê làng Phú Thị, huyện Khoái Châu (nay là huyện Văn Giang), tỉnh Hưng Yên. Cụ thân sinh là Dương Trọng Phổ (1862 – 1927) tuy không đỗ đạt, nhưng là người sớm rõ trào lưu mới nên dù Dương Bá Trạc sớm đậu cử nhân (1900) nhưng ông vẫn không ép con mình theo đường sĩ hoạn. Dương Bá Trạc không chịu ra làm quan với thực dân Pháp và muốn ra Hà Nội học thêm cái mới, cụ Phổ cũng tán đồng.
Năm 1904, Phan Châu Trinh ra Bắc để cổ động Duy Tân, Dương Bá Trạc theo cụ đi thăm Đề Thám. Đến năm 1906, Dương Bá Trạc lại cùng Phan Châu Trinh đi nhiều nơi ở Bắc và Trung Kỳ để diễn thuyết về duy tân tự cường, rồi lại cùng Tăng Bạt Hổ vào Nam Kỳ gặp gỡ các chí sĩ Minh Tân như Trần Chánh Chiếu, Xã Định, rồi lại cùng các đồng chí như Nguyễn Quyền, Lê Đại, Lương Văn Can, Hoàng Tăng Bí xin phép mở Đông Kinh Nghĩa Thục. Dương Bá Trạc đảm nhiệm việc dạy học, diễn thuyết, bình văn và biên soạn các tập sách mới, soạn dịch những thơ văn về địa lý, sử ký dễ hiểu dễ nhớ và dễ truyền bá. Vì còn trẻ tuổi lại hoạt động rất tích cực, Dương Bá Trạc được các bạn đồng chí lớn tuổi hơn gọi là “Dương thiếu niên”. Ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục ngày một lớn khiến thực dân Pháp lo sợ. Tháng 12/1907, Đông Kinh Nghĩa Thục bị giải tán. Dương Bá Trạc vẫn tích cực đi khắp nơi vận động, đưa đón các nhân sĩ yêu nước xuất dương. Năm 1908, Dương Bá Trạc bị bắt vì bị vu cho có liên quan đến vụ Hà Thành đầu độc và cũng vì cớ những tài liệu yêu nước bị mật thám tìm thấy trong hiệu Hồng Tân Hưng – một cơ sở kinh tài của các nhân sĩ yêu nước ở Hà Nội – được kết luận là chữ viết của Dương Bá Trạc. Dương Bá Trạc bị bắt giam ở ngục Hỏa Lò rồi đến năm 1909 bị đày đi Côn Đảo.
Ngày 10/7/1910, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định phóng thích một số nhà yêu nước bị giam ở Côn Đảo, đổi thành an trí ở miền Nam. Dương Bá Trạc bị an trí ở Long Xuyên. Mặc dù phải sống dưới sự câu thúc của chính quyền thực dân, Dương Bá Trạc vẫn tìm cách hoạt động.
Bấy giờ, ở Nam Kỳ ngoài Dương Bá Trạc còn có nhiều chí sĩ khác bị an trí rải rác ở khắp nơi như Nguyễn Quyền ở Bến Tre, Võ Hoành ở Sa Đéc, Bùi Văn Tiêu ở Sài Gòn, Phan Châu Trinh ở Mỹ Tho… Các nhóm này đã sớm bắt liên lạc với nhau, hình thành một mạng lưới yêu nước hoạt động rộng khắp Nam Kỳ.
Mặc dù bị thực dân quản thúc, Dương Bá Trạc đã sớm bắt liên lạc với Nguyễn Thượng Khách (còn gọi là Biện Khách, 1872/1945), một nhà nho yêu nước ở làng Mỹ Phước, ngoại ô châu thành Long Xuyên. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê, thời gian bị an trí ở Long Xuyên, Dương Bá Trạc đã ở chung nhà với Nguyễn Thượng Khách.
Tại Long Xuyên, Dương Bá Trạc lấy nghề dạy học, bốc thuốc làm kế sinh nhai. Cũng giống như thời kỳ hoạt động ở Đông Kinh Nghĩa Thục, Dương Bá Trạc đã khéo léo đem tinh thần yêu nước truyền sang các học trò. Năm 1941, nhân dịp trở lại Long Xuyên, Dương Bá Trạc đã có dịp nhắc lại thời kỳ đó trong bài thơ “Tới Long Xuyên gặp các học trò cũ”:
“Nửa là bằng hữu, nửa sư sinh,
Ba chục hơn năm biết mấy tình!
Nhắc lại lời vàng ghi bụng đỏ,
Gặp nhau tóc trắng điểm đầu xanh.
Tử sinh ly biệt đau đòi đoạn,
Gia quốc tình hoài biệt suốt canh.
Nam Bắc một nhà xa cách mấy,
Đồng tâm hai chữ nhớ đinh ninh”.
Dương Bá Trạc cùng với Nguyễn Thượng Khách đã hình thành nên một nhóm hoạt động tích cực ở Long Xuyên. Dương, Nguyễn liên lạc với đồng chí Võ Hoành bị an trí ở Sa Đéc đồng thời vận động các điền chủ, hội đồng yêu nước thành lập một công ty canh nông làm cơ sở kinh tài cho phong trào yêu nước. Để ủng hộ công ty, người hằng sản cho ruộng, kẻ hằng tâm giúp công sức. Nhóm Dương Bá Trạc đã thành lập được hai trại ruộng: một ở Ba Thê (Thoại Sơn), một ở rạch Mương Khai (giáp với ngọn Tầm Bót, làng Mỹ Phước, nay thuộc thành phố Long Xuyên). Để che mắt nhà cầm quyền, Dương Bá Trạc viết thư xin phép cho người em thứ tư của mình từ Bắc Kỳ mang một số điền tốt vào hợp tác làm ruộng, mục đích là để người em này thay ông trong việc giao thiệp. Bởi vì theo thủ tục an trí, Dương Bá Trạc không được tự do đi lại mà mỗi tuần phải hai lần trình diện viên chủ tỉnh.
Công việc vận động đang tiến hành thuận lợi thì đến năm 1914, nhân có vụ phá khám lớn Sài Gòn, Dương Bá Trạc bị tình nghi nên bị bắt giam mấy tháng. Người em thứ tư của ông cũng bị trục xuất về Bắc. Mấy tháng sau, Dương Bá Trạc bị đưa ra tòa. Với lời lẽ xác đáng, Dương Bá Trạc tự bào chữa cho mình. Viên chánh án đuối lý, đành phải phán ông vô tội, được tha về an trí ở Long Xuyên như cũ. Lần này Dương Bá Trạc phải ở một căn nhà gần kề tòa bố để tiện theo dõi. Tuy công ty bị giải tán, hoạt động của trại ruộng vẫn duy trì ngay cả sau khi Dương Bá Trạc đã trở về Bắc Kỳ.
Dương Bá Trạc tiếp tục sống và hoạt động ở Long Xuyên thêm hai năm. Đến ngày 19/1/1917, chủ tỉnh Long Xuyên thông báo: theo Điện tín số 112 ngày 16/1 của Thống đốc Nam Kỳ, Dương Bá Trạc được Toàn quyền Albert Sarraut ký nghị định ân xá, cho về Hà Nội.
Năm 1939 ông được Việt Nam Phục quốc Đồng minh Hội, một tổ chức thân Nhật với hội chủ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để giao nhiệm vụ tổ chức nhân sự ở Bắc Kỳ để chống Pháp. Năm sau quân đội Nhật Bản tiến vào Đông Dương. Ngày 29 tháng 10 năm 1943, ông cùng Trần Trọng Kim vào Sài Gòn và sống ở đó một tháng, sau đó người Nhật đưa hai ông sang Singapore.
Ở xứ người, hai ông luôn mong tìm một kế sách giúp nước nhà sớm được độc lập, nhưng ý nguyện chưa thành, thì Dương Bá Trạc mất vì bệnh ung thư phổi vào ngày 26 tháng 10 năm Giáp Thân (11 tháng 12 năm 1944). Sau đó, thi hài ông được hỏa táng để đem về nước.
“Sáu mươi tuổi lòng son tóc bạc, người vị quốc vốn là người bất tử, cốt sao trả nợ giang sơn” – Lời điếu của cụ Phó Bảng Bùi Kỷ đọc trong lễ truy điệu Dương Bá Trạc vẫn còn như vang vọng đến ngàn thu.
Được tìm hiểu về Dương Bá Trạc, tôi như thêm sáng mắt, sáng lòng bởi một người Họ Dương lỗi lạc. Mỗi lần được đọc, được thấy tên của những anh hùng dân tộc là người Họ Dương tôi lại nao nao hãnh diện.
Tôi tin rằng khi tôi tham gia các hoạt động của dòng họ sẽ là cầu nối để xây dựng một Dương gia đoàn kết, nối tiếp truyền thống hào hùng, giúp đỡ con cháu, xây dựng đất nước phồn vinh và thể hiện bản lĩnh của thế hệ trẻ.
Tương lai trước mắt, tôi biết còn có nhiều khó khăn chông gai đang đợi, nhưng tôi chắc chắn sẽ vượt qua bởi hai từ Họ Dương luôn rực cháy ở trong tim. Các thế hệ đi trước sẽ là động lực để tôi cố gắng, để tôi thấy trách nhiệm của mình thật lớn lao, và để công sức gây dựng dòng họ của ông cha được đền đáp.
Dương Thị La
Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh Hà Tĩnh