Bài viết đạt Giải Khuyến khích cuộc thi Tìm hiểu Lịch sử – Văn hóa Họ Dương VN: Dương Tự Minh và công cuộc giữ yên bờ cõi Đại Việt
- 12/08/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 1150
Sinh ra và lớn lên bên bờ sông Cầu, ngay từ khi còn là một đứa trẻ trăn trâu ở mỏm đất bồi giữa sông, tôi đã được nghe người lớn kể về những ngôi Đền thờ cụ Dương Tự Minh ở dọc bờ sông, có Đền to, Đền nhỏ nhưng tất cả đều thờ một người. Tôi của ngày ấy chưa đủ khả năng để thắc mắc tại sao lại có nhiều Đền thờ một người dọc bờ sông đến thế, chỉ lờ mờ hiểu rằng chắc là người có công lớn lắm, hay là người quan trọng lắm.
Sau khi học cấp 2, những bài học Lịch sử dần dần khiến tôi quen thuộc hơn với cái tên Dương Tự Minh. Hồi đó, tôi học trường cấp 2 ở xã, xã tôi thì đâu đó toàn người Họ Dương, rất ít người mang họ khác, bố mẹ tôi, ông bà nội ngoại đều là những người mang Họ Dương nên cái tên Dương Tự Minh khiến tôi có cảm giác gì đó rất gần gũi, thân thuộc giống như cách tôi gọi một người họ hàng trong dòng họ vậy. Đó cũng là lý do tôi luôn muốn tìm hiểu về cụ để biết về những việc cụ đã làm cho đất nước, để thêm tự hào về một nhân vật lịch sử mang Họ Dương.
Vào học cấp 3, lần đầu tiên tôi được đến thăm Đền Đuổm tại chân núi Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, là Đền thờ Đức Thánh Đuổm Dương Tự Minh trong một buổi thực tế môn Lịch sử. Tại đây, tôi một lần nữa được nghe thầy cô kể về cuộc đời, sự nghiệp của người Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh.
Điều đặc biệt nhất về cụ Dương Tự Minh mà nhiều bạn trẻ ngày nay biết đến có lẽ chính là việc cụ là người duy nhất hai lần được phong phò mã. Điều đó chứng tỏ cụ là một người có công lớn đối với việc quốc gia đại sự.
Vào thời nhà Lý, sau khi dời đô từ Hoa Lư về Đại La, rồi đổi tên thành Đại La sang Thăng Long, với chính sách khôn ngoan dựa vào lòng dân hơn là vào sức mạnh quân sự. Vì thế, ngay từ khi xây dựng cơ đồ nhà Lý rất cần sự hẫu thuẫn từ các vùng biên ải để giữ yên bờ cõi. Lúc bấy giờ, Dương Tự Minh người dân tộc Tày, quê vùng Quán Triều, phủ Phú Lương, nơi có địa bàn rất rộng, tương ứng với các tỉnh ngày nay là Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn. Dương Tự Minh là người có sức khỏe phi thường, thông minh lại giỏi cai trị, biết thu phục lòng dân nên ông được các thổ quan, tù trưởng nể phục.
Vào thế kỷ XI, khi các vùng biên ải phía Bắc là nơi thường xuyên xảy ra những vụ tranh chấp căng thẳng giữa triều Lý và Nhà Tống. Để chính sách nhu viễn phát huy hiệu quả, nhà Lý đã thi hành biện pháp lấy hôn nhân để ràng buộc các tù trưởng. Mục đích các vua triều Lý thực hiện những cuộc hôn nhân giữa các công chúa với các thủ lĩnh, tù trưởng nhằm kéo các dân tộc thiểu số để tăng cường, bổ sung cho lực lượng bảo vệ những vùng đất nơi biên ải quốc gia.
Trong 9 lần hôn nhân nhu viễn đó, tù trưởng Dương Tự Minh – Thủ lĩnh phủ Phú Lương là một trường hợp đặc biệt khi chỉ trong vòng 17 năm đã được hai đời vua, Lý Thái Tông và Lý Anh Tông cho phép cưới hai công chúa ở hai thời điểm khác nhau. Sử sách ghi lại: “Tháng 12/1127, Vua Lý Nhân Tông đem công chúa Diên Bình gả cho Thủ lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh” và “đến tháng 2/1144, Vua Lý Anh Tông), đem công chúa Thiều Dung gả cho Dương Tự Minh, phong Tự Minh làm Phò mã”.
Để hiểu sâu hơn về việc hai lần được Vua ban thưởng lớn, thầy cô đã kể cho chúng tôi nghe về những công lao của cụ Dương Tự Minh trong 2 lần đánh đuổi phỉ tặc giữ yên bờ cõi Đại Việt.
Theo truyền thuyết, Dương Tự Minh sinh ra trong một Dòng tộc thế lực của người Tày ở phủ Phú Lương. Cha ông cũng từng là thủ lĩnh trong vùng, lập nhiều chiến công chống quân Tống xâm lược lần thứ hai trên chiến tuyến sông Cầu (dưới thời Lý Thường Kiệt). Là người vốn người trung hậu, giàu lòng nhân từ có bao nhiêu bổng lộc đều chia sẻ cho mọi người nên về già không có nhà cao cửa rộng và của cải. Mãi đến năm 70 tuổi mới hạ sinh ra Dương Tự Minh. Lúc hạ sinh Dương Tự Minh, bỗng thấy từ túp lều bừng lên sáng rực, lấp lánh như ánh hào quang, ánh sáng ấy tỏa ra từ đứa con trai. Do đó ông đặt tên con là Tự Minh (tự mình sáng lên).
Sử sách đến nay vẫn chưa làm rõ thân thế của vị tướng có công dẹp giặc giữ yên bờ cõi giang sơn một vùng Dương Tự Minh. Nhưng chỉ biết năm 20 tuổi ông đã là tù trưởng cai quản một vùng rộng lớn Phú Lương.
Năm Dương Tự Minh ngoài 20 tuổi, trong vùng bọn phỉ tặc hoành hành cướp phá. Tù trưởng Dương Tự Minh thành lập đội dân binh và đã chặn được sự hung hãn của bọn phỉ tặc đuổi chúng ra khỏi bờ cõi, làng bản trở lại yên bình. Đội phỉ tặc ấy được cầm đầu bởi Đàm Hữu Lượng người từ nước Tống đồng thời sang cướp bóc, chiếm giữ động Cát Khê của châu Quảng Nguyên(Cao Bằng ngày nay) vào tháng 8/1145.
Với chiến công đó, Dương Tự Minh đã giải phóng dân nghèokhỏi ách cướp bóc, lấy được lòng dân cả vùng Quảng Nguyên rộng lớn. Sau đó, Vua Lý Nhân Tông mời Dương Tự Minh về triều ban thưởng nhiều của cải vàng bạc, gả con gái là công chúa Diên Bình, phong cho chức Châu mục vùng thượng nguyên và trấn trị cả phủ Phú Lương, một vị trí chiến lược quan trọng trong công cuộc bảo vệ biên cương của đất nước. Không phụ lòng Vua, ông chăm lo xây dựng phủ Phú Lương ngày càng phồn thịnh và có công lớn giữ yên bờ cõi phía bắc Đại Việt tránh sự nhòm ngó của các thế lực bên ngoài.
Sau khi thất bại, Đàm Hữu Lượng vẫn nuôi mưu kế sang phá phách Đại Việt từ bên trong. Theo đó, Đàm Hữu Lượng nói dối là vâng lệnh vua Tống đi sứ để dụ nước An Nam, từ lãnh thổ Trung Quốc Đàm Hữu Lượng đã trốn sang châu Tư Lang (vùng Cao Bằng của ta ngày nay) tự xưng là Triệu Tiên sinh (biết sử dụng yêu thuật). Sau khi sang Đại Việt, Đàm Hữu Lượng đã dụ người dọc các khe động ở khu vực châu Tư Lang theo hắn. Biết được việc này, vua Vua Lý Anh Tông sai Phò mã Dương Tự Minh và một số văn thần đi đánh. Sau đó lại sai Thái sư Mâu Du Đô đem quân tiếp đánh dọc biên giới. Đàm Hữu Lượng bị đánh bại ở ải Lũng Đổ, châu Thông Nông (huyện Thông Nông, Cao Bằng ngày nay) tất cả thuộc hạ bị bắt chỉ có Đàm Hữu Lượng trốn thoát, Vua sai đem các thuộc hạ bị bắt trao trả lại cho quan quân nhà Tống. Cuối cùng quan quân nhà Tống truy đuổi và bắt được Đàm Hữu Lượng và đem chém.
Sau khi dẹp yên giặc phương Bắc, Dương Tự Minh củng cố lại các vùng biên ải, ổn định tinh thần nhân dân, rồi dẫn đoàn quân chiến thắng về Kinh đô. Vua Lý Anh Tông sai các quan đại thần ra khỏi thành đô 10 dặm để đón, nhân dân khắp các bản làng, phố thị mở hội khao quân. Vua thiết triều ban yến và tác thành Dương Tự Minh cùng công chúa Thiều Dung tài sắc vẹn toàn. Sau đó ông cũng được điều về kinh thành Thăng Long để phò Vua giúp nước.
Nhờ công lao to lớn trong công cuộc giữ yên bờ cõi biên cương, dân chúng được an cư lạc nghiệp mà khắp vùng đất kéo dài từ Thái Nguyên đến Cao Bằng, Bắc Kạn và qua Bắc Giang đầu con sông Cầu, đâu đâu cũng có đền thờ vị tướng được dân làng phong Thánh. Ở nhiều nơi thờ tự đã minh chứng được bởi các bản sắc phong, thần tích…về vị tướng tài ba Họ Dương trong lịch sử.Đây cũng là cơ hội để những người trẻ như chúng tôi sinh ra tại vùng đất này có cơ hội được bày tỏ lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ và tự hào với người anh hùng dân tộc.
Hình tượng Dương Tự Minh không chỉ được người đời tôn sùng vì có công giữ yên bờ cõi giang sơn mà còn được nhân dân lưu truyền đi vào thơ ca, văn chương dân gian: Sách Thoát Hiên vịnh sử thi tập của Đặng Minh Khiêm, thế kỷ XVI có 4 câu thơ ca ngợi ông, Việt sử diễn âm (khuyết danh) thế kỷ XVI, có 78 câu thơ ca ngợi Dương Tự Minh, sách Thiên Nam minh giám (khuyết danh) thế kỷ XVII có 10 câu thơ ca ngợi ông và sách Liệt tỉnh phong vật phú của Trần Danh Lâm, thế kỷ XVIII chép sự tích công đức của Dương Tự Minh. Một loạt các giai thoại, thần tích, sự tích như: Chiếc áo tàng hình, Thủ lĩnh Dương Tự Minh, Bản thôn thần thành hoàng sự tích, sự tích ao chuông lăn, Thánh Đuổm trị tà thần… mỗi câu chuyện một vẻ nhưng đều có nội dung ca ngợi đức tính tốt đẹp, tấm gương sáng như tên của vị tướng tài ba Họ Dương mang tên Dương Tự Minh.
Ngày nay, thế hệ trẻ chúng tôi nhiều người dần không còn coi trọng Lịch sử, môn học Lịch sử đã dần trở thành môn không được học sinh yêu thích. Nhưng những năm vừa qua, nhờ tham gia vào hoạt động của Thanh niên Họ Dương Việt Nam mà tôi cũng như nhiều bạn được tham gia các cuộc thi tìm hiểu Lịch sử dưới nhiều hình thức khác nhau, từ thi Rung chuông vàng, thuyết trình, thi trắc nghiệm và hôm nay là viết bài luận về nhân vật, sự kiện lịch sử để lại nhiều dấu ấn trong lòng mỗi người. Thông qua những hoạt động này, góp phần giúp chúng tôi say mê tìm hiểu và yêu thích Lịch sử và thôi thúc bản thân mình đọc những tài liệu về lịch sử, về văn hóa và truyền thống của người Họ Dương, để thêm yêu và tự hào Dòng tộc, để coi đó là những tấm gương sáng để mỗi chúng tôi, những thanh niên thời đại mới của đất nước phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với Tổ Tiên, các vị anh hùng của Dòng tộc, cùng góp sức xây dựng đất nước ngày một lớn mạnh hơn.
Dương Thị Hạnh
Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương TP. Hà Nội