Cảm nhận tại đền Thánh Mẫu Dương Thị Liễu
- 17/11/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 1626
Vào trung tuần tháng 11/2021 tôi cùng các bác trong Hội đồng Họ Dương, Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh Ninh Bình, Hội đồng họ Dương huyện Yên Khánh có dịp về dâng hương “Tri ân”, dọn vệ sinh môi trường sân đền, xung quanh ngôi mộ Thánh Mẫu Dương Thị Liễu ở thôn Bùi, làng Yên Xuyên, xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tìm hiểu về lịch sử hào hùng và văn hóa truyền thống quê hương đất nước và của Dòng tộc Họ Dương. Ông Đỗ Ngọc Anh – Trưởng Ban quản lý di tích làng Yên Xuyên cho biết: Làng Yên Xuyên chỉ có khoảng gần một ngàn hộ dân với hơn ba ngàn khẩu, nhưng lại là một trong những địa phương có đền, chùa nhiều nhất xã Khánh An nói riêng, huyện Yên Khánh và tỉnh Ninh Bình nói chung. Với 12 ngôi đền thờ các vị thánh, thần và 2 chùa thờ Phật, trong đó Đền Thánh Mẫu Dương Thị Liễu được coi là một trong những đền linh thiêng nhất của làng theo tín ngưỡng quê hương. Tương truyền, khi qua đời, thể theo nguyện vọng của bà Dương Thị Liễu, Đinh Điền đã đưa thi hài của mẹ về an nghỉ tại khu rừng Miễu, nơi bà sinh ra và lớn lên, đồng thời là nơi bà có công lập căn cứ hậu cần giúp con trai bà (Đinh Điền) cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt, do vậy nhân dân trong vùng đã lập đền thờ phong Thánh cho bà theo tín ngưỡng dân tộc.
Theo lý lịch di tích đền lăng xã Khánh An, huyện Yên Khánh, bà Dương Thị Liễu có chồng là Đức Đinh Thân sinh ra Đinh Điền là quan cùng cờ lau tập trận với Đinh Bộ Lĩnh. Trong lúc Đinh Điền chiến đấu ngoài chiến địa thì gia đình ngày đêm xây dựng căn cứ hậu cần, vận động nhân dân cày cấy, trồng rau, săn bắt thủy sản để cung cấp lương thảo, thực phẩm cho quân sĩ, xây dựng các lán trại quang khu rừng Miễu, rừng San để tích lũy thóc gạo, chăm sóc các thương sĩ bị thương, vận động thanh niên trai tráng ngày đêm luyện tập, sẵn sàng ra chiến trận. Với những chiến công quan trọng, Đinh Điền đã đóng góp to lớn cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập nên nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử nước ta.
Hiện nay, tại di tích này còn lưu giữ được những tư liệu, hiện vật quý giá như: Sắc phong, đại tự, câu đối, đồ thờ bằng sứ, đá có giá trị về lịch sử và văn hóa, trong đó quan trọng nhất là sắc phong (ngày 18/3 niên hiệu Khải Định thứ 2 năm 1917) sắc phong cho xã Yên Xuyên, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, thờ phụng vị thần “Dương Thị Liễu” là thánh mẫu của vị Hưng Quận công Đinh Tướng quân triều Đinh đã có công cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, định đô ở Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình), đặt tên nước Đại Cồ Việt. Năm 971 Đinh Tiên Hoàng định phẩm các quan văn, võ, Đinh Điền con trai bà được giao giữ chức quan ngoại giáp, được liệt vào những người có công “Khai quốc công thần”, một lòng trung quân ái quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vùng đất xã Khánh An thường xuyên bị thực dân Pháp mở các cuộc càn quét từ Yên Mô sang, Kim Sơn lên, phía Ninh Bình xuống nhằm mục đích mở rộng vùng chiếm đóng và phá vỡ các căn cứ cách mạng của ta. Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, khu dích tích là cơ sở hoạt động bí mật, cơ sở đi, về, hội họp của các cán bộ cách mạng, là điểm tập kết của du kích xã Khánh An và tiếp nhận thông tin để chuyển ra ngoài vùng địch hậu, nhiều chiến sĩ cách mạng đã về bám đất, bám dân. Đền lăng Thánh Mẫu Dương Thị Liễu là căn cứ cách mạng tiếp nhận thông tin, thương binh là bộ đội địa phương và dân quân du kích chiến đấu chống các cuộc càn quét của thực dân Pháp, năm 1949 khi giặc Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm mở nhiều cuộc càn quét vào địa bà xã Khánh An, khi đến ngôi đền phát hiện thấy nhiều băng ca (tức võng cáng thương binh bằng tre), giặc Pháp tức giận đốt ngôi đền. Sau năm 1954 nhân dân tiếp tục tu sửa để hương khói thờ cúng.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đền lăng lại một lần nữa là cơ sở phục vụ các hoạt động công cộng của làng xã, đồng thời được chọn làm tổng kho hậu cần chiến lược của các đơn vị huấn luyện bộ đội địa phương, là nơi đặt trận địa pháo 37 ly của đơn vị pháo binh Quân khu 3 sẵn sàng chiến đấu nhằm bảo vệ tuyến hành lang vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược theo tuyến quốc lộ 10 từ Ninh Bình đi Nga Sơn, Thanh Hóa vào chiến trường miền Nam.
Đền lăng được xây dựng từ lâu, trải qua nhiều biến cố lịch sử, những trận lụt lội thiên tai, chiến tranh, nhưng di tích đền lăng vẫn được nhân dân quan tâm tu sử tôn tạo. Năm 2015, Ban khánh tiết của làng đã quyên góp vận động nhân dân, đặc biệt là những con em công tác, làm ăn xa quê, những nhà hảo tâm công đức ủng hộ xây lại đền thờ và lăng mộ bà với tổng giá trị hơn 5 tỉ. Năm 2016, đền lăng được cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Thể theo nguyện vọng của nhân dân trong vùng và nhân dân làng Yên Xuyên, hằng năm có tổ chức lễ kỵ bà Dương Thị Liễu vào ngày 19/11 âm lịch theo phong tục văn hóa truyền thống của địa phương, vì vậy nhân dân nơi đây lập đền, tạc bia thờ tự trang nghiêm, đồng thời đây cũng là tín ngưỡng dân gian độc đáo mang tính bản địa của dân tộc, phong tục thờ cúng tổ tiên, thờ các vị tiền nhân có công với dân với nước, là một truyền thống ngàn đời của cha ông, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn tổ tiên của nhân dân ta. Hằng năm di tích còn lưu giữ được các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đây là giá trị truyền thống to lớn ông cha để lại, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của quê hương. Ngoài giá trị là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân, di tích còn có giá trị tinh thần rất lớn, thể hiện sự “Tri ân”, tấm lòng thành kính của nhân dân đối với những bậc tiền nhân và những vị thần linh có công phù giúp nhân dân.
Được cùng các bác trong trong Hội đồng họ Dương, Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh Ninh Bình, Hội đồng họ Dương huyện Yên Khánh tham gia quét dọn xung quanh sân đền, khu lăng mộ Thánh mẫu Dương Thị Liễu, dâng hương tỏ lòng thành kính, được tìm hiểu lịch sử văn hóa truyền thống, tín ngưỡng dân tộc, tôi có cảm nhận sâu sắc, việc làm dù nhỏ nhưng đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay. Đó không chỉ là sự “Tri ân” của thế hệ hôm nay với thế hệ tiền nhân, mà còn được tìm hiểu những bài học lịch sử vô giá, được nhắc nhở, được tiếp thêm nguồn sức mạnh tinh thần để vững tin bước tiếp, trưởng thành hơn trong cả nhận thức và hành động”, thể hiện lòng biết ơn của thế hệ trẻ người Họ Dương Việt Nam đối với tổ tiên, tìm hiểu về lịch sử hào hùng văn hóa quê hương, đất nước và của dòng tộc.
Dương Đức Phòng