Chuyện người con gái họ Dương

       Không ngờ có một ngày, tôi lại được gặp một người phụ nữ đã từng khiến nhiều nhà hoạt động chính trị và thông tin báo chí tại nước Pháp kính nể khi bà tham gia công tác tại Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán với Mỹ ở Paris từ năm 1968 đến năm 1970 – bà Dương Thị Duyên, con gái Giáo sư Dương Quảng Hàm. 
       Trong ngôi nhà 17 Phan Đình Phùng, Hà Nội, hồi ức những ngày gian khổ mà vinh quang bùng lên trong trí nhớ khi bà lần giở từng trang album ảnh xưa, từ Hội nghị Paris đến Hà Nội tháng chạp năm 1972.

 

 

Bà Dương Thị Duyên ở Paris năm 1968

 

Tham gia cách mạng khi còn nhỏ

       Sinh năm 1929 ở Hà Nội, Dương Thị Duyên được cha cho học Trường nữ sinh Đồng Khánh từ cấp tiểu học và luôn nằm trong số học sinh giỏi nhất lớp. Năm học 1943-1944, Hà Nội bị ném bom nên các trường phải đi tản cư. Trường trung học Đồng Khánh ở phố Hàng Bài tản cư về thị xã Hưng Yên. Cái thị xã nhỏ rợp bóng nhãn lồng mà người chết đói đầy đường, khiến Duyên và bạn học hằng ngày bớt từng nắm cơm đến cho người tha phương cầu thực. Thấy tấm lòng “bầu ơi thương lấy bí cùng” ấy, các cán bộ Việt Minh đã đến gặp gỡ, tuyên truyền giác ngộ bà tham gia hoạt động. Chép tài liệu bí mật, làm liên lạc đem thư từ, tài liệu Việt Minh đến các cơ sở trong thị xã… những hoạt động đó đã đem lại nhận thức mới cho cô tiểu thư dòng họ Dương. Sau ngày Nhật đầu hàng Đồng minh, từ nơi tản cư trở về Hà Nội, Duyên tiếp tục học Đồng Khánh, đỗ bằng đíp-lôm rồi học tú tài ở Trường Đỗ Hữu Vị. Gần đến Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Duyên cùng mẹ và các em tản cư về quê Mễ Sở (Hưng Yên). Vài tháng sau, giặc đánh Hưng Yên, gia đình lên Vĩnh Yên rồi ly tán mỗi người mỗi nơi. Duyên học tiếp lớp Đệ nhất ban Tú tài Trường Chu Văn An sơ tán lên Đào Giã (Trường Trung học kháng chiến Đào Giã). Vừa học tập, vừa tích cực tham gia Đoàn Học sinh Cứu quốc, tháng 10-1948, Duyên được kết nạp Đảng. Tháng 5-1949, bà thi tốt nghiệp loại ưu rồi nhận công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam ở Tuyên Quang. Lúc này, Đài và TTXVN cùng chung cơ quan. Năm 1953, TTXVN tách khỏi đài, bà chuyển sang cơ quan mới này, chuyên mảng tin bài. Gắn bó hơn 20 năm ở đó với bao vui buồn của nghiệp làm báo cho đến khi nhận quyết định chuyển sang Trung ương Hội LHPNVN làm Trưởng ban Quốc tế.
Nhiệm vụ đặc biệt ở “Đoàn 37”
       Năm 1968, ta chủ trương mở mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris. Một đoàn cán bộ 37 người được tuyển chọn đi đợt đầu tiên nên mang bí số là “Đoàn 37”.
       Chuẩn bị khai mạc Hội nghị Paris về Việt Nam, bà Duyên ở trong đoàn tiền trạm, sang trước để lo mọi mặt. Tháng 5-1968, khi mới sang bỡ ngỡ, chưa liên hệ được chỗ ở, đoàn tiền trạm phải ở khách sạn loại xoàng cho đỡ tốn kém, vất vả nhất là luôn phải tìm cách thoát khỏi sự đeo bám của phóng viên báo chí các nước tập trung rất đông ở Paris để moi tin, vì lúc đó cuộc đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ là một trọng tâm chú ý của dư luận thế giới, thậm chí ngay trong phòng khách sạn muốn trao đổi công việc với nhau phải viết ra giấy vì sợ bị cài máy ghi âm nghe trộm. Sau đó, Đảng Cộng sản Pháp cho đoàn ta mượn địa điểm Trường Đảng ở Choisy le Roi, ta mới có chỗ ở ổn định. “Đoàn 37” lúc đó có các đồng chí Hà Văn Lâu, Phó Trưởng đoàn; Phan Văn Xoàn, phụ trách bảo vệ, các luật sư: Trần Công Tường và Phan Hiền; các cán bộ nghiên cứu và chuyên viên về nhiều mặt.
       Trong những năm tháng công tác tại Paris, bà Duyên đã hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ: nhiệm vụ phóng viên TTXVN thường xuyên gửi tin, bài kịp thời về Tổng xã ở Hà Nội và nhiệm vụ một thành viên đóng góp tích cực vào công tác của “Đoàn 37”. Bà được phân công tham gia vận động quần chúng, tiếp các đoàn khách, nhất là phụ nữ, từ các địa phương của nước Pháp và các nước khác đến tìm hiểu tình hình; đồng thời đi các địa phương của nước Pháp, nói chuyện tại các cuộc hội họp, mít tinh để giúp nhân dân Pháp hiểu rõ tình hình Việt Nam, ủng hộ lập trường đúng đắn của Việt Nam tại Hội nghị Paris. Bà đã đi nói chuyện tại nhiều địa phương khắp các vùng, miền của nước Pháp, đến cả một số nước lân cận như Italia, Bỉ, Thụy Điển, CHLB Đức… Qua những chuyến đi ấy, bà thu thập được nhiều thông tin, tư liệu quý về phong trào nhân dân các nước ủng hộ Việt Nam để viết tin, bài cho TTXVN. Nhiều nhà trí thức, nhà báo Mỹ đến tận trụ sở đoàn ta, bày tỏ chính kiến của họ về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam như bác sĩ nhi khoa nổi tiếng của Mỹ Benjamin Spock, diễn viên điện ảnh Jane Fonda… Bà cùng một số cán bộ trong đoàn tiếp họ, với thái độ cởi mở, chân thành và phân tích cho họ những điều chưa rõ.
       Kỷ niệm sâu sắc, ấn tượng mạnh nhất trong những năm tháng bà làm việc ở Paris là tình cảm nồng hậu của nhân dân thế giới dành cho Việt Nam, chống đế quốc Mỹ. Báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp tổ chức ngày hội báo đã dành hẳn một gian cho đoàn ta trưng bày Báo Nhân Dân. Đó là điều chưa từng có của báo chí Pháp. Ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè khắp năm châu thông qua các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, mít tinh của Việt kiều và nhân dân các nước. Báo của Đảng Cộng sản Pháp và báo của Hội Phụ nữ Pháp thường xuyên đăng bài ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Có thể nói, từ khi có đoàn ta ở Paris, không khí chính trị ở Châu Âu đã được nóng lên qua những hoạt động vì Việt Nam của những người tiến bộ, dân chủ, hòa bình. Cuốn đi trong công việc như thế, mùa thu năm 1970, bà được bố trí về nước, bà phụ trách bộ phận biên tập Tin thế giới của TTXVN.
Làm báo dưới làn bom B52 rải thảm
       Những ngày Mỹ rải thảm bom B52 xuống Hà Nội, bà cùng nhiều đồng nghiệp vẫn ở lại số 5 Lý Thường Kiệt tác nghiệp. Con đi sơ tán, bà ăn ngủ tại hầm cơ quan, viết và duyệt tin, bài. Nhịp sống thời chiến quen với những kham khổ thường ngày. Mờ sáng, bản tin TTXVN đã phát hành đi khắp các địa chỉ, phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc và các cơ quan nghiên cứu. Vốn tiếng Pháp và tiếng Anh thông thạo của bà thật đắc dụng trong những ngày này. Khi kẻ thù muốn hủy diệt Hà Nội, muốn bưng bít bằng được tiếng nói của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì báo chí vẫn ra đều đặn, thông tin và định hướng kịp thời cho nhân dân, cung cấp tin tức cho bạn bè quốc tế… Không thể kể hết những việc thầm lặng mà bà đã làm ở căn hầm số 5 Lý Thường Kiệt cùng anh em TTXVN, mà đến hôm nay, trong trí nhớ của bà “tiếng bom dội ùng oàng trên đầu, còn tôi vẫn phải làm việc đêm đêm, đáp ứng yêu cầu gấp rút của cấp trên”.
       Đất nước hòa bình thống nhất, bà làm Trưởng ban Quốc tế ở Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho đến ngày về hưu. Cuộc đời của một người phụ nữ họ Dương, trong gia tộc có nhiều danh nhân văn hóa, vì thế có thể ít người biết đến vai trò của bà trong những ngày đầu cuộc đấu tranh ngoại giao ở Paris. Có thể bà bị khuất lấp đi sau những Dương Quảng Hàm, Dương Bích Liên, Dương Thị Xuân Quý chăng? Và như phu quân của bà, ông Đặng Quốc Bảo, nguyên Bí thư Thứ nhất TƯ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã hóm hỉnh bảo tôi: “Lúc bà ấy đi “chiến đấu” ở Paris, tôi thay bà ấy chăm sóc con cái, bây giờ vẫn phục vụ bà ấy đấy”.

 

Sưu tầm Hanoimoi.com.vn

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com