Chuyện về người Chính trị viên đầu tiên của Quân đội ta với Bắc Kạn

Ông Dương Mạc Thạch, bí danh Xích Thắng (1915-1979) quê ở bản Thôm Phát, Gia Bằng (nay là xã Minh Tâm), Nguyên Bình, Cao Bằng là Chính trị viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2023), xin chia sẻ một số tư liệu về thời kỳ hoạt động cách mạng của ông Dương Mạc Thạch ở tỉnh Bắc Kạn.

Chân dung ông Dương Mạc Thạch.

Ông là một cán bộ am hiểu địa bàn, nắm chắc phong trào cách mạng, người có uy tín ở địa phương, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc. Vì vậy, trong suốt thời gian dài kể từ sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (1941) đến trước Cách mạng Tháng Tám, ông Dương Mạc Thạch được tổ chức phân công, bám trụ hoạt động ở vùng Nguyên Bình và vùng giáp ranh với Bắc Kạn. Tại những vùng này, ông đã kiên trì xây dựng và phát triển cơ sở, vận động được nhiều đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao vào Hội Cứu quốc; tổ chức Mặt trận Việt Minh ở các xã, tổng; cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp “Nam tiến” xuống vùng Bắc Kạn phát triển phong trào, tổ chức các đội tự vệ.

Thời kỳ này, đồng chí Dương Mạc Thạch là Tỉnh ủy viên Cao – Bắc – Lạng và là một đối tượng săn lùng gắt gao của địch. Tháng 02/1944, trên đường Nam tiến xuống Bắc Kạn, đến núi Phja Bjoóc gặp địch khủng bố gắt gao, đồng chí Dương Mạc Thạch buộc phải ở lại hoạt động tại các xã phía Bắc Ngân Sơn. Tại đây, đã hai lần ông thoát chết trong gang tấc, do bọn phản động chỉ điểm và bị địch phục kích.

Một trong những lần đó được ghi trong hồi ký “Con đường Nam tiến” của ông Nông Văn Quang, đại ý: Năm 1944, đồng chí Đồng Văn Hàm (tức đồng chí Bằng) cùng đồng chí Dương Mạc Thạch đi công tác ở Quan Làng, xã Bằng Đức, Ngân Sơn, đến đây bị lính bao vây. Trong giây phút nguy kịch, hai đồng chí và người nhà cơ sở phải lao ra giữa đường đạn. Cả hai người đều đã lọt tới bờ suối an toàn. Đồng chí Bằng vượt qua suối, nhưng vừa lên khỏi nương ngô thì bị trúng đạn hy sinh.

Đầu năm 1945, khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (TTGPQ) đã phát triển thành nhiều đại đội, Dương Mạc Thạch trực tiếp chỉ huy một đại đội hoạt động dọc đường 3B, vừa vũ trang tuyên truyền, vừa chặn đánh quân Nhật trong một số trận như ở Nà Phặc, Hà Hiệu, Đèo Giàng, hỗ trợ du kích phá kho thóc ở Bạch Thông, Na Rì.

Tại Hội nghị cán bộ ở Thuần Mang (Ngân Sơn) tháng 5/1945, đã kiểm điểm tình hình chung và tình hình tại Bắc Kạn, tiến hành thảo luận Chỉ thị ngày 16/4/1945 của Tổng bộ Việt Minh về việc thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng và Ủy ban nhân dân cách mạng, công tác củng cố các đoàn thể Cứu quốc, xây dựng lực lượng vũ trang… Tỉnh ủy lâm thời Bắc Kạn được kiện toàn gồm 5 đồng chí và phân công mỗi người phụ trách một châu; trong đó ông Dương Mạc Thạch, phụ trách châu Hoa Thám (huyện Bạch Thông). Dưới sự lãnh đạo Tỉnh ủy lâm thời Bắc Kạn và Ban Chỉ huy Việt Nam TTGPQ, phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh chóng, hòa vào cao trào kháng Nhật, cứu nước tiến tới Tổng Khởi nghĩa.

Trong Cách mạng Tháng Tám, ông cùng đơn vị tham gia giải phóng thị xã Bắc Kạn. Ngày 23/8/1945, toàn bộ quân Nhật rút khỏi thị xã, Bắc Kạn sạch bóng quân xâm lược. Cách mạng toàn thắng. Ngày 25/8/1945, cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại thị xã, đại diện Tỉnh bộ Việt Minh tuyên bố xóa bỏ toàn bộ chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng và giới thiệu thành phần UBND lâm thời tỉnh.

Ông Nông Văn Lạc ghi lại trong Hồi ký “Ánh sáng đây rồi”[1] về sự kiện này: “Cuộc mít tinh hàng vạn người ở thị xã gồm đại biểu năm châu và tất cả các xã châu Bạch Thông kéo vào như thác đổ, mà có tổ chức, có đội ngũ chỉnh tề. Đồng chí trưởng ban tổ chức mít tinh mời đại diện UBND lâm thời là đồng chí Xích Thắng và đại diện quân đội lên phát biểu. Đồng chí Xích Thắng nói, từ năm 1942, châu Ngân Sơn và một số xã ở Bạch Thông, Chợ Rã, Chợ Đồn, đã sôi nổi làm cách mạng dù địch khủng bố ác liệt, dồn dân, đốt làng, bắt bớ, bắn giết. Từ ngày Tây bại, Nhật đến, Nhân dân vẫn một lòng đi theo đoàn thể. Ngay ở trong thị xã, dù dưới sự kiểm soát của địch, Nhân dân vẫn hướng theo đoàn thể. Chúng ta cùng nhau chào mừng thắng lợi, chấm dứt cuộc đời nô lệ. Từ hôm nay, toàn tỉnh Bắc Kạn được hoàn toàn giải phóng, mọi người dân được làm chủ đất nước và có trách nhiệm bảo vệ đất nước của mình”.

Tháng 10-1945, Tỉnh ủy Bắc Kạn họp phiên đầu tiên phân công bộ máy lãnh đạo cấp tỉnh, ông Nông Văn Quang giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, ông Nông Văn Lạc làm Chủ nhiệm Việt Minh, ông Dương Mạc Thạch làm Chủ tịch UBND lâm thời tỉnh. Thời gian này, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng, cùng với các cộng sự của mình triển khai tiến hành cuộc chiến tranh Nhân dân chống thực dân Pháp khi chúng nhảy dù xuống Bắc Kạn và dẹp tan các nhóm phản động.

Trong hồi ký “Chiến đấu trong vòng vây”,[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nhắc về ông trong thời gian ở Bắc Kạn: “Hạ tuần tháng Tám (1947), tôi đi Bắc Kạn và Cao Bằng. Tại thị xã Bắc Kạn, tôi gặp lại nhiều người thân. Chủ tịch tỉnh, anh Thạch vốn là Chính trị viên đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Anh Doanh Hằng, Thường vụ Tỉnh ủy, đã tham gia Ban Cán sự đảng tỉnh Bắc Kạn từ trước Tổng khởi nghĩa. Chị Thanh, cán bộ phụ nữ, cũng là một nữ chiến sĩ giải phóng quân đã cùng hoạt động trong một tiểu đội bí mật với tôi từ năm 1942. Từ Bắc Kạn đi lên luôn luôn nhìn thấy dãy núi Cứu Quốc cao ngất trời. Chưa hết mùa hè. Tiết trời Việt Bắc còn oi ả. Nhưng qua khỏi Nà Phặc, khí hậu cao nguyên mỗi lúc càng trong trẻo, tươi mát”. Đến tháng 12-1947, Khu điều động ông về Bộ Tư lệnh Khu làm Đặc phái viên các tỉnh miền Bắc…

Ông Dương Mạc Thạch (người đầu tiên trái sang) và gia đình, ảnh chụp năm 1965.

Với Bắc Kạn, ông để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng Nhân dân, nhất là đồng bào người Dao trên núi Phja Bjoóc. Năm 1947-1948, nhà văn Nam Cao lên làm báo Cứu quốc ở vùng núi Phja Bjoóc (thuộc xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể) kể trong tác phẩm “Nhật ký ở rừng”: “Nếu Tư (Tô Hoài) đi là tôi với Khang (họa sĩ Trần Đình Thọ) gặp khó khăn ngay. Bởi vì ở Vằng Kheo người ta không biết tiếng Kinh. Tiếng “Thổ” cũng biết ít thôi. Chúng tôi cũng chẳng biết được bao nhiêu. Họ nói hơi dài, ngoài mấy tiếng thường dùng, là mình ngẩn mặt ra. Mình nói, họ cũng lắc đầu: Nắm chắc! (không biết!). Nhưng hỏi đến Cụ Hồ thì ai cũng “chắc” (biết). “Chắc” cả đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), “chắc” cả đồng chí Mạc Thạch”.

Cuộc đời hoạt động của người Chính trị viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân Dương Mạc Thạch-Xích Thắng (và cả người em ruột của ông là Dương Mạc Hiếu, Bí thư Chi bộ Chí Kiên) là những tấm gương sáng về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với đất nước và Nhân dân. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của ông Dương Mạc Thạch luôn in đậm trong lòng người dân tỉnh Bắc Kạn./.

Theo Báo Bắc Kạn

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com