Đền thờ Dương Tướng Công, địa chỉ đỏ của con cháu muôn đời

Bút ký của Dương Thanh Biểu

Đã sang Thu nhưng mấy hôm nay trời đất vẫn oi nồng. Ngồi trên xe, đoàn Hội đồng Họ Dương Việt Nam (HĐHDVN) vào kiểm tra tiến độ xây dựng các hạng mục còn lại của Đền thờ Dương Tướng Công, ai cũng tỏ ra lo lắng khi nghe đài thông báo về cơn bão số 4. Theo tin tức dự báo thời tiết mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vào 4 giờ sáng ngày 29/8/2019, vị trí tâm bão số 4 (tên quốc tế là bão Podul) cách đất liền các tỉnh Quảng Trị – Quảng Ngãi khoảng 480km, cách đất liền các tỉnh Nghệ An – Quảng Bình khoảng 680km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên, khoảng 120km tính từ tâm bão. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, đến 4 giờ sáng ngày 30/8, bão mạnh dần. Vị trí tâm bão cách đất liền các tỉnh Nghệ An – Quảng Bình khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Trước đó, vào ngày 29/6/2019, HĐHDVN đã long trọng tổ chức Lễ An vị Thần Tổ và Khai quang Đền thờ Dương Tướng công tại làng Văn Lang, xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Từ đó đến nay, các hạng mục còn lại của Đền thờ được khẩn trương hoàn thiện để khánh thành vào dịp hội thảo 1200 năm ngày khởi nghĩa Dương Thanh do HĐHDVN, Hội Khoa học lịch sử và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức. Dọc đường đi từ Hà Nội vào Nghệ An, qua cửa xe tôi thấy bầu trời xám xịt, những tảng mây đen to như quả núi từ phía Đông cuồn cuộn dâng lên theo gió trôi về phía Tây. Hàng cây ven đường lá đã chuyển sang màu vàng. Mỗi khi có cơn gió thổi qua, những chiếc lá vàng chao liệng rơi xuống đất. Quốc lộ 1A như hẹp lại bởi những đoàn xe hối hả nối nhau xuôi ngược. Không giấu nổi bồn chồn, tôi nói với bác Đảm, Phó Chủ tịch HĐHDVN: “Không biết bão số 4 đổ vào Nghệ An có ảnh hưởng đến công trình Đền thờ Dương Tướng công hay không?”. Bác Đảm mỉm cười gật gật đầu: “Mưa bão có thể ảnh hưởng đến công việc thi công nhưng mình tin Cụ Dương Thanh rất thiêng, sẽ phù hộ cho con cháu chúng ta”. Rồi bác kể, hôm tổ chức Lễ An vị Thần Tổ và Khai quang Đền thờ Dương Tướng công và Lễ khánh thành giai đoạn một, tại Nghệ An nóng tới 41 độ C. Anh em Thường trực Hội đồng Họ Dương tỉnh Nghệ An có làm rạp che nắng giữa sân Đền cho đại biểu và bà con ngồi dự lễ. Đến chiều gió nổi lên rất to, có nguy cơ rạp bị đổ sẽ làm ảnh hưởng một số hạng mục công trình. Ban tổ chức có hai ý kiến, một là cho dỡ rạp ngay kẻo hỏng các công trình; hai, không nên dỡ. Vì nếu dỡ rạp thì các đại biểu và bà con đến dự ngồi giữa trời nóng hơn 41 độ C có chịu nổi không. Cuối cùng, để đảm bảo an toàn, Ban tổ chức quyết định dỡ rạp. Khoảng hơn 2 giờ chiều, khi tiếng trống của Lễ An vị Thần Tổ (Lễ hô Thần nhập Tượng) vang lên thì bỗng nhiên có những cơn gió mát rượi từ biển thổi đến. Không gian trở nên thoáng mát dễ chịu. Bác Đảm kết thúc câu chuyện: “Đúng là nhờ ơn phù hộ của Viễn tổ Dương Tướng công đấy”.

Đoàn kiểm tra hồ phong thủy của Đền thờ

Xe chúng tôi chạy vào địa phận Nghệ An. Gió mây vẫn vần vũ, bầu trời đen kịt, mưa mỗi lúc mỗi to. Không khí phòng chống bão số 4 của bà con hối hả, khẩn trương. Nhưng thật kỳ lạ, khi xe chúng tôi vào Đền thờ thì trời chợt ngớt mưa. Bác Đảm vỗ vai tôi: “Ông thấy chưa, Cụ phù hộ chúng ta rồi đấy nha!.”  Tiếp chúng tôi tại Đền thờ có ông Dương Văn Hùng, Phó Chủ tịch HĐHD tỉnh Nghệ An, Trưởng Ban quản lý Đền thờ, ông Nguyễn Ngọc Huy, Phó Phòng kỹ thuật Công ty CP Him Lam, Chi nhánh Bắc Ninh và ông Nguyễn Tá Đương, phụ trách đơn vị xây dựng. Sau  khi nghe các ông báo cáo tiến độ xây dựng, chúng tôi trực tiếp ra hiện trường kiểm tra thực tế các hạng mục như cổng chính, tường rào đền; hồ phong thủy; cổng phụ…thấy mọi chuyện khá ổn. Tuy nhiên, qua xem xét tại chỗ tôi có kiến nghị với nhà thầu một số chi tiết để hoàn thiện. Cũng xin nói thêm, thời gian qua, việc xây dựng Đền thờ Dương Tướng công do HĐHDVN phát động và được những người con Họ Dương thành đạt và bà con Họ Dương cả nước quyên góp tích cực.

Gần hết giờ chiều, công việc xong, tôi và mấy người lên thắp hương cho Cụ Dương Tướng công. Trong làn hương thơm ngan ngát, tượng Người uy nghi với đôi mắt dịu hiền như đang mỉm cười với con cháu. Tôi thầm khấn: “Chúng con chắp tay kính mong Ngài nơi cõi thiêng liêng luôn phù hộ độ trì cho con cháu gần xa được hạnh phúc thành đạt”. Và tôi tin, những Anh hùng vì nước, vì dân như Tướng Công luôn chở che, nâng dìu cho non sông và con cháu. Các thế hệ mai sau luôn khắc ghi công trạng, kỳ tích của các Anh hùng dân tộc như Dương Tướng Công. Trước khi ra về, tôi đọc thêm một lượt những dòng chữ khắc ghi trên Bia Dương Tướng Công:

Dương Tướng Công tên húy là Trạm Thanh, người Giao Châu vốn dòng dõi hào trưởng lâu đời có nhiều thế lực, làm Thứ sử Châu Hoan.

Vào thời nhà Đường, năm Nguyên Hòa 14 – năm 819, Lý Tượng Cổ, một tôn thất nhà Đường được cử đi làm quan đô hộ An Nam.Y vốn tham lam hung bạo, kéo theo hơn 1000 gia thuộc, bộ hạ sang nước ta hòng đàn áp, bóc lột dân ta.

Khi ấy Dương Thanh là một tù trưởng thế lập của người Việt có lực lượng mạnh. Quân đô hộ Lý Tượng Cổ mặc dù căm ghét ông vẫn điều ông về phủ thành Tống Binh cho làm nha môn tướng, nhằm kiềm chế sức mạnh của ông. Dương Thanh không nguôi lòng căm giận bọn chúng, chỉ chờ thời cơ là vùng lên khởi nghĩa.

Hồi bấy giờ, ở miền Tả Hữu giang, tộc người thiêu số Man Hoàng Động, tức dân tộc Choang, thường xuyên nổi lên chống lại nhà Đường. Vua Đường xuống chiếu sai Lý Tượng Cổ đem quân đàn áp.

Lý Tượng Cổ trao cho Dương Thanh ba nghìn quân sai đi đánh Hoàng Động. Sẵn có lực lượng trong tay, Dương Thanh cùng con trai là Dương Chí Liệt và Đỗ Sĩ Giao một người thân tin bàn kế, kêu gọi binh lính không nên đi đánh nhân dân Hoàng Động mà trở giáo đánh Lý Tượng Cổ và bè lũ đô hộ. Được binh lính yêu nước ủng hộ, ngay đêm hôm xuất quân, Dương Thanh đã cùng nghĩa quân quay lại tập kích phủ thành An Nam, giết Lý Tượng Cổ cùng toàn bộ bộ hạ, gia thuộc của hắn, chiếm giũ được Phủ Thành. Theo sách Cựu Đường thư, đó là ngày 19 tháng Tám, năm Nguyên Hòa 14 – năm 819.

Dương Thanh thiết lập bộ máy chính quyền độc lập tự chủ, làm chủ thành Tống Bình, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến..

Ôi! Tinh thần quật khởi thật là mãnh liệt..

Rõ là trong cuộc chiến ở Phủ Thành, Dương Thanh và nghĩa binh là người chiến thắng.

Vua Đường ban chiếu chỉ giả vờ tha tội cho Dương Thanh, cử ông đi giữ chức Thứ sử Quỳnh Châu đảo Hải Nam, nhằm đẩy ông đi biệt xứ rồi tìm cách ám hại ông. Không mắc mưu giặc, Dương Thanh chống lại lệnh nhà Đường, kiên quyết ở lại giữ thành Tống Bình.

Quyết liệt lắm thay! Tráng sĩ một đi không trở lại.

Quế Trọng Vũ, tên đô hộ mới An Nam, cho chiêu dụ hào phú, tù trưởng, dùng kế ly gián Dương Thanh với các thủ lĩnh nghĩa quân khác, chia rẽ nghĩa quân và Dương Thanh, mua chuộc binh sĩ dưới quyền ông. Rồi cất đại quân tiến đánh thành Tống Bình. Theo sách Tân Đường Thư, thành Tống Bình thất thủ vào ngày Tân Mùi, 29 tháng Ba năm Nguyên Hòa 15 – năm 820. Cuộc khởi nghĩa Dương Thanh kết thúc.

Ôi! Đây hồi bi tráng

Lại ngẫm: Xưa nay, việc làm của bậc anh hùng cứu thế, không thể lấy thành hay bại mà bàn luận. Việc làm của Dương Tướng Công càng không thể lấy thành bại mà luận bàn.

Để 1200 năm trôi qua, sử sách Việt Nam và Trung Quốc đều còn ghi về khởi nghĩa Dương Thanh. Ý nghĩa cuộc khởi nghĩa và Công lao của Tướng Công thật là to lớn.

Ngày nay con cháu Họ Dương Việt Nam kết nối đồng lòng xây dựng ngôi từ đường  thờ Tổ trên đất thôn Văn Lang, xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An – xưa là đất Châu Hoan để đời đời hương khói, lại lập bia ghi tạc công đức của Tướng Công…’

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ

Lòng tôi trào dâng niềm tự hào về đất nước, cha ông. Sự quật cường của bao nhiêu thế hệ dựng nước và giữ nước đã làm nên non sông Việt Nam yêu dấu này. Họ Dương chúng tôi cũng đã có những đóng góp tự hào cho Tổ quốc trong hàng nghìn năm qua mà khí phách và tài trí của Dương Tướng Công trước kẻ thù tàn bạo phương Bắc là một tấm gương tỏa sáng. Kẻ thù nào, dẫu đến từ đâu, dù to lớn tới mấy nhưng khi xâm lược đất nước này cuối cùng vẫn bị đánh tan tành. Dân tộc Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình nhưng cũng sẵn sàng xả thân khi Tổ quốc bị xâm lăng. Đây là một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục, chịu đầu hàng trước kẻ thù xâm lược.

Mọi công việc xong xuôi thì cơn bão ập đến. Gió mỗi lúc một to và thổi giật từng cơn làm cho những hàng cây nghiêng ngả. Mưa giăng giăng phủ kín cả bầu trời. Mặt sân Đền lát bằng đá granit màu đỏ được rửa sạch trở nên đỏ au, trông thật đẹp. Ngắm ngôi Đền uy nghi, lung linh trong mưa, tôi thầm nghĩ, chỉ còn ít thời gian nữa thôi, Đền Dương Tướng Công sẽ được khánh thành. Đền thờ Dương Tướng công không chỉ là nơi để bà con thập phương tụ hội về tham quan, chiêm ngưỡng, thành kính thắp hương dâng Người mà còn là địa chỉ đỏ đáng tin cậy để giáo dục cho các thế hệ trẻ, nhất là thế hệ trẻ Họ Dương Việt Nam về truyền thống yêu nước, quật cường chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, nguyện đem hết sức mình rèn luyện, học tập, công tác tốt, trở thành những người có ích trong thời đại mới. Có những năng lượng từ quá khứ bi tráng được truyền dẫn kỳ diệu vào cuộc sống bộn bề hôm nay. Trong đó không thể không kể đến Dương Tướng Công, một con người đã được lịch sử khắc ghi tên tuổi và đời đời sống mãi với non sông đất nước./.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com