Dịch giả Dương Tất Từ – Người nối cây cầu văn học Séc – Việt Nam
- 27/03/2016
- Ban Thông tin truyền thông
- 1614
Dương Tất Từ là một dịch giả quen thuộc các tác phẩm văn học nổi tiếng của Tiệp Khắc cũ (nay là Czech), với các tác giả J.Fucik, Nesval… Ông có một lối diễn đạt sành điệu tiếng Việt, chẳng những trong từ vựng mà cả trong nhịp điệu. Vì vậy, bản dịch của ông rất dễ vào lòng người, vào tâm hồn Việt.
Có mặt trong buổi lễ trao giải của Hội nhà văn Séc ngày 14/11/2015 dành cho các tác giả trong các lĩnh vực xuất bản, phim hài hước, dịch thuật và các ấn phẩm giữ gìn bản sắc dân tộc mới thấy sự trân trọng của Hội nhà văn Séc với những người lao động nghệ thuật.
Buổi trao giải diễn ra bình dị nhưng ấm cúng, không màu mè với phông màn phô trương, không cần đến micro, người diễn giải nói phải lắng tai mới nghe thấy ấy vậy mà cuộc trao giải diễn ra vô cùng ấn tượng và xúc động.
Được thành lập từ năm 2001 theo sáng kiến của nhà phê bình văn học Daniel Strož, người sau này được bầu vào Nghi viện Châu Âu – nhờ vào sáng kiến này Hội nhà văn có dịp để vinh danh những cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn học nước Séc trong từng giai đoạn.
Dịch giả Dương Tất Từ là người nước ngoài duy nhất 2 lần nhận được giải thưởng của Hội nhà văn Séc. Năm 2009 ông nhận được giải Premia Bohemica và ngày 14 tháng 11 năm nay ông được trao giải cho cống hiến của mình trong việc dịch và giới thiệu các tác phẩm văn học Séc tới bạn đọc Việt Nam.
Dịch giả Dương Tất Từ (thứ hai từ trái sang)
Là một trong số các sinh viên Việt Nam đến Tiệp Khắc cũ vào năm 1955 và năm 1961 ông trở thành công dân Viêt Nam đầu tiên học khoa triết học rồi tốt nghiệp khoa ngôn ngữ. Chính những năm học và nghiên cứu ấy đã đem đến cho ông tự lúc nào tình yêu mà sau này ông gọi là “định mệnh” với thi ca nước Tiệp khắc ngày ấy và bây giờ là nước Séc. Ông đọc và bị mê hoặc bởi giọng văn, bởi tình yêu con người, bởi tính nhân văn cao cả trong tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ Comenius, KJ Erben, Bozena Nemcova, Jan Neruda, Franz Kafka, Jaroslav Hasek, Josef Nesvadba và rồi ông âm thầm chuẩn bị một kế hoạch mà cho mãi tới bây giờ, khi đã đến ngưỡng 80 tuổi rồi mà vẫn chưa thể làm hết, ấy là chuyển dịch những tác phẩm bất hủ kia tới bạn đọc Việt Nam. Tác phẩm”Viết dưới giá treo cổ” của Fučík do ông dịch đã được tái bản tới 7 lần và năm 1975 nó được tái bản tới 15 nghìn cuốn.
Phần lớn các tác phẩm văn học Dương Tất Từ chuyển ngữ là thể loại thơ. Ông thích thần thái thơ của Jaroslav Seifert và ông đã chuyển thể thành công sang ngôn ngữ Việt mà không mất đi sự tinh tế. Như thế đủ hiểu ông phải có một hồn thơ, một tình yêu thế nào với hai đất nước mới thẩm thấu đủ thi vị trong ngôn ngữ của hai nền văn hóa mà chuyển dịch. Dịch văn xuôi đã khó, dịch thơ còn khó hơn nhiều. Ngoài sự hiểu biết, am hiểu tinh tường tiếng mẹ đẻ, người dịch thơ phải có một tâm hồn thơ hay đúng hơn phải có năng khiếu về thơ. Dịch giả Dương Tất Từ đã có khả năng ấy để rất vô tư ông trở thành người bắc cây cầu cho hai nền văn học, cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Séc. Tình yêu nước Séc với ông chưa bao giờ nguôi ngoai. Ông nhớ tới những người bạn đã cùng ông phác thảo dịch”Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những năm 60, nhớ tới những bạn văn, bạn thơ đã cùng ông dạo trên con đường giữa thu lá vàng như mật ngọt để nghe những sáng tác mà họ vừa cho ra mắt hay đang ấp ủ. Hôm trao giải vừa rồi những bạn văn đã nhắc lại kỷ niệm ấy của họ với ông cho chúng tôi nghe. Vui biết nhường nào. Mới biết trong thi ca làm gì có biên giới, có Á có Âu!
Trong phần giới thiệu về dịch giả Dương Tất Từ, nữ tiến sỹ Iva Klinderová ngoài việc đánh giá cao công việc ông đã và đang làm cho nền văn học Séc còn khẳng định ông là nhà dịch giả xuất sắc, là người bạn lớn của nhân dân Séc.
Với hơn 126 bài trong tuyển tập thơ mà ông chọn lựa để giới thiệu thành tuyển tập thơ Séc chắc chắn sẽ mang đến cho bạn đọc yêu thơ Việt Nam những phút giây bình yên và thi vị.
Thời gian trôi đi nhưng thi ca sẽ mãi còn. Công lao của Dương Tất Từ không chỉ nằm gọn trong chiếc cúp kia của Hội nhà văn tặng mà sẽ được nhắc đến bởi mỗi người khi cầm cuốn thơ do ông chuyển ngữ ở trên tay.
Thiều Quang (Tạp chí văn nghệ)