Điền dã tìm hiểu di tích “Địa Muối trang”, làng Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

Ngày 7 tháng 10 năm 2020, Ban nghiên cứu Lịch sử Họ Dương Việt Nam kết hợp với Ban biên soạn bộ sách “Lịch sử Họ Dương Việt Nam” đã tổ chức tìm hiểu khu di tích Địa Muối trang (tục danh là Kẻ Muối) xã Lý Hải, huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây, nay là làng Lý Hải xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đoàn điền dã do ông Dương Văn Đảm – Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Nghiên cứu lịch sử HĐHDVN làm trưởng đoàn cùng các thành viên: Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm – Trưởng Ban biên soạn bộ sách “Lịch sử Họ Dương Việt Nam”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm – thành viên Ban biên soạn, Thạc sĩ Dương Đức Quảng – Phó Ban nghiên cứu lịch sử HDVN và ông Dương Việt Hòa – nhân viên Văn phòng HĐHDVN. Cùng đi với đoàn điền dã về phía HĐHD tỉnh Vĩnh Phúc có: Ông Dương Việt Hồng – Chủ tịch và các ông Phó Chủ tịch ông Dương Văn Hào, ông Dương Việt Hùng, ông Dương Văn Thành Chủ tịch Câu lạc bộ Lão thành họ Dương tỉnh Vĩnh Phúc.

Đoàn điền dã dâng hương tại Nhà thờ họ Nguyễn Duy thờ cụ Nguyễn Duy Tường

Đón tiếp và làm việc với đoàn về phía làng Lý Hải có ông: Nguyễn Duy Thăng – Trưởng họ Nguyễn Duy, ông Nguyễn Duy Quý – Thủ từ đình làng Lý Hải, Trưởng Ban quản lý di tích làng Lý Hải cùng các cụ cao niên Dòng họ: Nguyễn Duy Lạc, Nguyễn Duy Ngọc, Nguyễn Duy Trọng và cụ Nguyễn Duy Trừ – người có nhiều hiểu biết về lịch sử họ Nguyễn Duy và là người đang gìn giữ tấm bia cổ. “Tiền Trần Trạng nguyên Đào Sư Tích tiên sinh cổ mộ”.

Đoàn điền dã trao đổi với cụ Nguyễn Duy Trừ về tấm bia cổ đang được lưu giữ tại nhà Cụ

Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của HĐHD tỉnh Vĩnh Phúc, trực tiếp là ông Dương Việt Hồng – Chủ tịch HĐHD tỉnh, Đoàn điền dã đã được các cụ ông đại diện cho họ Nguyễn Duy tại làng Lý Hải đón tiếp thân tình, cởi mở. Sau lễ dâng hương tại nhà thờ họ Nguyễn Duy làng Lý Hải, đoàn đã tọa đàm thân mật, thẳng thắn và cụ thể từng vấn đề, sự kiện liên quan đến nơi tránh trú, tỵ nạn họa Trần, Hồ của các cụ Tổ họ Lý, họ Dương ở thế kỷ XIII – XIV và nguồn gốc họ Nguyễn Duy ở Lý Hải, đoàn đã dâng hương và khảo sát thực tế các dấu tích lịch sử đang còn lưu giữ tại đình làng Lý Hải – Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh, thành phố, “Đền Quan tiết” – Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh, thành phố và đoàn đã được tiếp xúc với các văn bản cổ: Tiết nghĩa Phả tộc, Thần tích – Thần sắc làng Địa Muối trang, Ngọc phả Lý Hải, Lý Hải chí … thu thập được tại Lý Hải.

Đoàn điền dã dâng hương tại đình làng Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên – Vĩnh Phúc.

Sau một ngày khảo sát thực tế, tọa đàm trực tiếp, cụ thể và cẩn trọng, Đoàn điền dã Ban nghiên cứu lịch sử HDVN, Ban biên soạn bộ sách “Lịch sử Họ Dương Việt Nam” cùng với đại diện HĐHD tỉnh Vĩnh Phúc và các cụ, các ông đại diện họ Nguyễn Duy ở Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã thống nhất:

– Địa Muối trang (tục danh Kẻ Muối) xã Lý Hải, huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây nay là làng Lý Hải. xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, từ xa xưa đã là nơi tránh trú, tụ họp của các cụ Tổ họ Lý, họ Dương sau sự kiện năm 1232 Trần Thủ Độ vờ cho tổ chức Lễ khánh thành Thái Đường nhằm thu hút con cháu họ Lý, họ Dương đến làm lễ rồi thực hiện âm mưu tàn sát, tru diệt họ Lý, họ Dương tại Bãi Sập, để thay tên, đổi họ (sang họ Đào, họ Nguyễn…) và tìm đường ly tán đi nhiều nơi sang cả đảo Xương Cuồng – Triều Tiên …

– Theo tương truyền (các cụ để lại) cụ Đào Sư Tích quê ở Cổ Lễ, huyện Tây Chân (nay là thị trấn Cổ Lễ, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) lấy vợ người Kẻ Muối và chuyển họ cho con, cháu từ họ Đào thành họ Nguyễn Duy (họ Nguyễn Duy gốc từ Đào Sư Tích) – dòng họ Nguyễn Duy là họ Nguyễn có sớm nhất ở Lý Hải và là họ có truyền thống khoa bảng nhất ở Lý Hải. Sau khi cụ Đào Sư Tích mất con cháu họ Nguyễn của cụ ở Lý Hải đã lập Lăng mộ trên cánh đồng làng nay đã bị san phẳng chỉ còn giữ lại được tấm bia đá cổ. Hiện nay Trạng nguyên Đào Sư Tích và các đại khoa khác của làng Lý Hải được phối thờ cùng Thành hoàng làng tại đình làng Lý Hải.

– Tên làng Lý Hải là do cụ Đào Sư Tích đặt thay thế cho tên làng Kẻ Muối khi cụ từ quan về ở ẩn tại đây trước khi bị bắt đi sứ sang Trung Quốc và đã đổi từ họ Đào sang họ Nguyễn cho con cháu để tránh truy sát của nhà Hồ. Theo lời cụ Nguyễn Duy Trừ – Hậu duệ dòng họ Nguyễn Duy ở Lý Hải thì tính từ năm 1374 đến năm 1703 là 329 năm làng Lý Hải có 2 người đỗ Trạng nguyên và 6 người đỗ Tiến sĩ. Khởi đầu cho Bảng vàng khoa cử ấy là cụ Đào Sư Tích vốn là người làng Cổ Lễ, huyện Tây Chân (nay là thị trấn Cổ Lễ, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), nhưng đã có thời gian dài sống tại Kẻ Muối quê mẹ (sau là Lý Hải, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây, nay là làng Lý Hải).

Cuối cùng đoàn điền dã đã đến thắp hương và khảo sát dấu tích lịch sử nơi thờ tự “Đệ nhị ả nương Khoan Khoáng Đại vương Mỹ Mạo linh dung” tại làng Dương Cốc, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc – Theo tư liệu sưu tầm của ông Khổng Đức Thiêm – Trưởng Ban biên soạn bộ sách “Lịch sử Họ Dương Việt Nam”, Khoan Khoáng Đại Vương là người họ Dương.

Đoàn điền dã dâng hương tại nơi thờ “Đệ nhị ả nương Khoan Khoáng Đại vương Mỹ Mạo linh dung” làng Dương Cốc, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

Đoàn điền dã xin chân thành cảm ơn sự cộng đồng trách nhiệm và sự giúp đỡ nhiệt tình chu đáo của HĐHD tỉnh Vĩnh Phúc, cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu chân thành của các cụ, các ông đại diện dòng họ Nguyễn Duy – gốc họ Đào tại làng Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

            Dương Đức Quảng                      Ảnh:  Dương Việt Hòa

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com