Điền dã tìm hiểu về Trạng nguyên Đào Sư Tích (Gốc Họ Dương) tại làng Lý Hải, tỉnh Vĩnh Phúc
- 04/10/2017
- Ban Thông tin truyền thông
- 20460
Làng Lý Hải nay thuộc xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, có 13 dòng họ, chủ yếu là Họ Nguyễn, không có Họ Đào, Họ Dương, với gần 400 hộ dân sinh sống bằng nghề nông. Thời Lê – Mạc, Lý Hải là làng khoa bảng nổi tiếng với 8 Tiến Sĩ, cùng nhiều cử nhân Nho học đều là người Họ Nguyễn.
Theo các tài liệu và theo lưu truyền trong các dòng họ Đào, Lý, Dương Việt Nam, thì Đào Sư Tích, khi chạy tị nạn Trần, Hồ vào cuối thế kỷ 14 đã về Lý Hải (khi đó là làng Kẻ Mối), là nơi ngày trước các cụ Tổ Họ Lý – Họ Dương (Lý Long Sưởng, Lý Long Tường, Lý Long Tự…), trước họa Trần Thủ Độ đã lấy Lý Hải làm nơi tránh trú an toàn, và từ đây tìm đường chạy ra nước ngoài. Phải chăng vì thế mà Đào Sư Tích đã lấy tên Lý Hải đặt thay cho tên làng Kẻ Mối, nhằm để cho con cháu về sau không bao giờ quên sự kiện, Tổ Tiên xưa từ đây tìm đường chạy ra miền hải ngoại xa xôi ? Đào Sư Tích về đây, xây dựng cơ sở rồi đưa con cháu lên lập nghiệp, đổi sang Họ Nguyễn, lưu truyền mãi về sau.
Đoàn Điền dã Họ Dương Việt Nam thắp hương ở nhà thờ họ Nguyễn Duy
Cho đến nay, mạch nguồn từ Đào Sư Tích dẫn tới các dòng Họ Nguyễn ở đây ra sao, chưa được biết rõ ràng. Vì thế, Ban nghiên cứu lịch sử Hội đồng Họ Dương Việt Nam đã tổ chức chuyến điền dã về Lý Hải vào ngày 27/8/2017. Đoàn do ông Dương Văn Đảm – Phó Chủ Tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam làm trưởng đoàn, Ông Dương Việt Hồng – Chủ tịch Hội đồng Họ Dương tỉnh Vĩnh Phúc và các thành viên.
Nội dung điền dã gồm:
Tiếp xúc, trao đổi với cán bộ, nhân dân địa phương, thăm di tích làng Lý Hải.
Tiếp và làm việc với đoàn về phía địa phương có: Ông Nguyễn Văn Nhật – Trưởng thôn; Ông Nguyễn Duy Quý – Đại diện Họ Nguyễn Duy, Thủ hương đình làng Lý Hải; Ông Nguyễn Văn Thành – Đại diện Họ Nguyễn Văn, Hội trưởng Hội người cao tuổi thôn; Ông Nguyễn Văn Tống – Người có uy tín cao trong làng, được dân mời đứng ra động thổ và đặt nóc đình làng đang được trùng tu, cùng một số vị khác.
Đoàn làm việc với các vị Đại biểu làng Lý Hải về Lưỡng quốc Trạng nguyên Đào Sư Tích
Qua tọa đàm, đã thống nhất một số nội dung sau:
– Cụ Đào Sư Tích là người đầu tiên đến mở mang khai phá và đổi tên làng Kẻ Mối thành làng Lý Hải. Cụ là Trạng Nguyên triều Trần, cùng 8 Tiến Sĩ Nho học của Lý Hải được phối thờ với Thành Hoàng ở đình làng, cụ thể như sau:
1) Nguyễn Bảo Khuê, Đệ nhị giáp Tiến Sĩ, khoa Đinh Mùi (1487). Thành Hoàng Làng.
2) Nguyễn Duy Tường, Đệ tam giáp Tiến Sĩ, khoa Mậu Thìn (1508). Tiết Nghĩa Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần.
3) Nguyễn Sư Phổ, Đệ tam giáp Tiến Sĩ, khoa Mậu Thìn, năm Đoan Khánh 4 (1508). Là anh em thúc bá với Nguyễn Duy Tường.
4) Nguyễn Công Truyền, Đệ nhị giáp Tiến Sĩ, khoa Mậu Thìn (1508).
5) Nguyễn Hoành Xước, Đệ nhị giáp Tiến Sĩ, khoa Mậu Tuất (1538). Là con Nguyễn Duy Tường, là cha Nguyễn Thế Thủ.
6) Nguyễn Công Phục, Đệ tam giáp Tiến Sĩ, khoa Tân Mùi (1511).
7) Nguyễn Thế Thủ, Đệ tam giáp Tiến Sĩ, khoa Bính Tuất (1586).
8) Nguyễn Quang Luân (Nguyễn Công Luân), Hoàng giáp Tiến Sĩ, Nhất danh, khoa Chính Hòa 24 (1703). Là cháu 6 đời của Nguyễn Duy Tường.
Bia mộ Trạng Nguyên Đào Sư Tích ở xứ Đồng Đống.
– Mộ Đào Sư Tích ngày trước nằm trên một gò đất cao ở xứ Đồng Đống, nay đã mất chỉ còn lại tấm bia mộ bằng đá kích thước 30cm x 45cm, có khắc dòng chữ Hán “ Tiền Trần Trạng Nguyên Đào Sư Tích cổ mộ ”, nghĩa là “Ngôi mộ cổ Trạng Nguyên triều Trần Đào Sư Tích ”, hiện do ông Nguyễn Duy Chừ bảo quản. Đó có thể là ngôi mộ do con cháu Cụ ở Lý Hải tạo nên để tưởng nhớ Tổ Tiên, bởi vì Lăng Miếu quan Trạng hiện ở cánh đồng xóm 2, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
– Trong các dòng họ Nguyễn ở Lý Hải, họ Nguyễn Duy là họ lớn có lịch sử lâu đời nhất, gần 700 năm, có nhiều người đỗ đạt cao; tiếp đến là họ Nguyễn Văn cư trú 14 đời; các Họ Nguyễn khác (Nguyễn Đình, Nguyễn Hoàng…) và một số ít họ khác, như Họ Lê là những họ đến sau.
Tiến Sĩ Nguyễn Duy Tường (hay Nguyễn Tiết Nghĩa) là Thủy Tổ Họ Nguyễn Duy.
– Tiến Sĩ Nguyễn Sư Phổ (1508) hay còn có tên là Nguyễn Sư Phó, Nguyễn Sư, tương truyền gốc là Họ Đào, dòng dõi Trạng Nguyên Đào Sư Tích.
Kết quả tìm hiểu bước đầu đó cho phép nghĩ rằng: Họ Nguyễn Duy ở Lý Hải có liên quan đến dòng dõi Trạng Nguyên Đào Sư Tích.
Để làm sáng tỏ điều này đòi hỏi có sự kết hợp sưu tầm, nghiên cứu giữa Ban nghiên cứu lịch sử Họ Dương Việt Nam và nhân dân Lý Hải.
Nhà thờ họ Nguyễn Duy thờ Thủy Tổ Nguyễn Duy Tường
Về di tích: Lý Hải trước kia có nhiều di tích nhưng hiện nay chỉ còn 3 di tích chính là nơi thờ cúng, như sau:
1) Nhà thờ Nguyễn Tiết Nghĩa (tức Nguyễn Duy Tường) Thủy Tổ Họ Nguyễn Duy.
2) Đình thờ Thành Hoàng Nguyễn Bảo Khuê, phối thờ Trạng Nguyên Đào Sư Tích và 8 Tiến Sĩ Nho học của Lý Hải.
3) Đền Quốc Tế (hay đền Quan Tiết) do vua Lê Huyền Tông cho lập vào năm Bính Ngọ Cảnh Trị 4 (1666) thờ quan Tiết Nghĩa Nguyễn Duy Tường.
Dương Duy Anh