Đọc thơ ngẫm với tình người
- 10/05/2018
- Ban Thông tin truyền thông
- 2323
Anh Dương Xuân Tấn, tác giả tập thơ này là Kiến trúc sư, chúng tôi có dịp làm việc với nhau trong nhóm tuyển chọn thơ cho Tuyển tập thơ Đường nhân 10 năm (2005 – 2015).
Tôi biết anh rất yêu thơ Đường, một thể thơ khó làm, từng chữ, từng câu phải cân nhắc – niêm luật phải phân minh, đối cần chỉnh, kết cấu cần chặt chẽ. Phải chăng nghề nghiệp của anh cũng đòi hỏi sự kỹ lưỡng, chặt chẽ khi cầm bút làm một bài thơ Đường. Lòng yêu nghề, yêu thơ cùng với tình người, nhãn quan và sự từng trải đã tạo nên một tập thơ Đường “Cảm tác”.
Đọc thơ, trước tiên thấy Anh là người yêu thích lịch sử, yêu mến và kính trọng những yếu nhân của đất nước:
Với Đức Thánh Trần
“Ba lần đuổi giặc giữ quê hương”
Rồi:
“Hiển thánh trong lòng dân Đất Việt
Ngàn năm rạng rỡ tựa vầng dương”
– Với Đức Thánh Gióng, ngòi bút của tác giả rất sảng khoái cùng thần tích:
“Ba tuổi vươn vai hóa chiến thần…
Loang loáng gươm vung tan xác giặc
Tơi bời Tre quật thỏa lòng dân
Vinh quang vạn thủa giang sơn Việt
Nhục nhã muôn đời tướng sỹ ân…”
Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
“Thế giới vinh danh tài dũng tướng
Trời Nam cảm phục chí anh hùng…
…Phấp phới ánh sao cờ quyết thắng
Ngàn năm sống mãi với non sông.”
– Với anh hùng, liệt sỹ Võ Thị Sáu, tác giả có 2 câu luận rất ý nghĩa:
“Tiếng hát trung kiên vang hậu thế
Tầm cao khí phách vút trời mây.”
Và đặc biệt với Bác Hồ, trong tập 88 bài thơ này, tác giả có đến 3 bài viêt về Bác rất xúc tích và trân trọng:
NOI GƯƠNG BÁC
“Tấm gương đất nước lấy soi chung
Trong sáng thiêng liêng đến lạ lùng
…Con cháu noi gương Người tiếp bước
Ngàn năm chẳng thẹn với non sông.”
Thơ Dương Xuân Tấn có nhiều bài thơ tự hào về truyền thống văn hóa Dân tộc:
TRẨY HỘI ĐỀN HÙNG
“Phong Châu vang vọng hồn Dân tộc
Nghĩa lĩnh tưng bừng thế núi sông
Gió mới nhân lên miền khát vọng
Tích xưa nuôi dưỡng chí anh hùng.”
Bên cạnh những bài thơ ca ngợi lịch cử và Vĩ nhân của Đất nước, tác giả cũng có đôi bài mang tính suy ngẫm. Thói hư tật xấu đời nào chả có, với bài Tranh Đông Hồ, tác giả đã mượn ý tranh xưa mà nhận xét hôm nay:
“Nhà Chuột tưng bừng vui lễ cưới…
Chẳng phải thiện tâm mà kễnh bụng
Vật còn đút lót để mưu sinh”
Bài “Rối Tễu” và bài “Suy ngẫm”, tác giả dùng phương pháp ẩn dụ để nói những điều muốn nói.
Một mảng đề tài khác mà “Cảm tác” đã đề cập là truyền thống gia đình và nhắc nhở con cháu, tôi muốn nới tới bài “Mái ấm thư hương” và bài “Nói với cháu sau khi tu nghiệp”.
Trong tập thơ của riêng mình ai cũng có đôi bài tự sự, ghi lại những dấu mốc trong cuộc đời, tình yêu quê hương, nói hộ những cảm xúc của người khác… “Cảm tác” của Dương Xuân Tấn cũng không ngoại lệ. Đây là tập thơ Đường nên tôi muốn đi sâu phân tích bài đầu tiên “Quê tôi” (Bài đã được chọn trình bày tại Sân thơ chính ngày Nguyên tiêu năm 2014):
“Quê tôi Lạc Thổ chợ liền sông
Buôn bán quanh năm thạo việc đồng.”
Ở câu khai (câu 1) ta thấy được vị trí địa lý làng Lạc Thổ, sang câu thừa (Câu 2) ta biết được tập quán sinh sống của người dân Lạc Thổ.
Và 2 câu chưa nói đủ về mảnh đất, con người nơi đây, nên đến cặp thực, tác giả đã mở rộng ra, nói cho rõ thêm:
“Nổi tiếng từ xưa làng hiếu học
Vang danh thời mới đất anh hùng”
Đến cặp luận, tác giả đã bình kỹ hơn người Lạc Thổ, người đi thì ra sao, người ở lại thì thế nào tất cả đều tô bồi cho quê hương:
“Kẻ đi thành đạt càng ra sức
Người ở làm nên vẫn gắng công”
Một xứ sở có những con người như vậy thì sao lại không thịnh vượng cho được, ta hãy nghe 2 câu kết:
“Hạnh phúc ấm no về ngõ xóm
Nghĩa tình đằm thắm nếp cha ông”
Vâng! Yêu làng mình, yêu nơi chôn rau cắt rốn của mình là phải rồi, đó là nề nếp của tiền nhân. Cái kết trong trịa nhân bản quá, nó cảnh tỉnh cho bao người…
Hiện nay có một số người ăn gạo Việt Nam, mặc áo Việt Nam, uống nước Việt Nam nhưng một khi được dân ta cho đi Âu, Mỹ thì vồ vập với văn minh nước ấy quay lại với Cha ông, hộ quên khuấy cái điểm bắt đầu, quên khuấy cả quê hương bản quán. Nên chăng? Ai đó hãy đọc kỹ bài thơ này!
Còn phải nói thêm, ở cặp thực và cặp luận, Anh Tấn đã tỏ ra một tay “sành” đối, đối chữ, đối ý, đối thanh cứ dóng vào nhau chầm chập. Bài thơ nhờ đó như một tòa biệt thự vuông vức, hài hòa cân đối mà kích thước đã đạt đến tỷ lệ vàng.
Và đó cũng là thơ luật Đường của anh Dương Xuân Tấn, cân đối khắc họa như chính cái nghề Kiến trúc sư của Anh. Xin có đôi lời trân trọng giới thiệu tập thơ Đường “Cảm tác” của Kiến trúc sư Dương Xuân Tấn cùng các bạn yêu thơ
Nguyễn Văn Thụ – Phó chủ tịch Hội thơ Đường luật Việt Nam