Dương Nữ Thùy Dung Tài năng nổi bật của ca kịch Bài chòi
- 10/01/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 4188
Trong Cuộc thi tài năng trẻ nghệ thuật Cải lương và Dân ca kịch toàn quốc những năm 2014 tổ chức tại TP Cần Thơ, Ban tổ chức đã lựa chọn được 7 diễn viên xuất sắc nhất để trao Huy chương Vàng.
Trong số 7 Huy chương Vàng cá nhân đó có nghệ sĩ ca kịch bài chòi của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định Dương Nữ Thùy Dung – là nghệ sĩ duy nhất của Dân ca kịch miền Trung nhận được Huy chương Vàng tại cuộc thi lần này với vai diễn Công chúa Ngọc Hân trong tiết mục “Đêm Phú Xuân”… Đây cũng là Huy chương Vàng đầu tiên của ngành ca kịch bài chòi tại một cuộc thi tài năng sân khấu trẻ toàn quốc và là tấm Huy chương Vàng thứ hai trong đời nghệ thuật của Thùy Dung, trước đó, tại Hội diễn Ca kịch Bài chòi toàn quốc tại TP Quy Nhơn năm 2011 Thùy Dung cũng gặt hái Huy chương Vàng cá nhân…
Tôi được xem Dương Nữ Thùy Dung lần đầu tiên là khi chị xuất hiện trong Liên hoan tài năng sân khấu trẻ toàn quốc 2003 tại thủ đô Hà Nội. Đó là khi Thùy Dung được Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định đưa về tham dự liên hoan với một vai diễn khó trong một trích đoạn ở một vở diễn nổi tiếng của Đoàn. Thanh sắc toàn vẹn, biểu diễn khá chững chạc, chủ động, Thùy Dung đã chinh phục được khán giả thủ đô cùng ban giám khảo khó tính và đoạt ngay giải Ba cuộc thi tài năng quốc gia này. Khi ấy, Dung mới 19 tuổi.
Bốn năm sau, năm 2007, một dịp về Bình Định, tôi lại được xem Thùy Dung. Ấy là khi đoàn của Dung ra diễn phục vụ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Đoàn Văn công Bộ Tư lệnh Liên khu 5 tại xứ dừa cũng là xứ bài chòi Hoài Nhơn, Bình Định. Đêm ấy, đoàn diễn vở được coi là “kinh điển” của ca kịch bài chòi, vở “Thoại Khanh Châu Tuấn”, với một ê kíp trẻ. Thùy Dung vào vai Thoại Khanh rất nhuần nhụy, nhất là những lớp đòi hỏi tài năng ca diễn rất cao như lớp dẫn mẹ chồng đi ăn xin để tìm chồng, bị móc mù mắt, phải róc thịt nuôi mẹ và lớp đàn trong dinh Châu Tuấn “Đàn kêu tích tịch tình tang/ Đàn kêu nỗi vợ cô đơn nhớ chồng”. Xem Dung và các bạn cùng lứa Dung diễn vở diễn mà họ đã thuộc làu, khán giả Hoài Nhơn yêu và rành bài chòi số một cùng các cô chú cựu chiến binh văn công quân đội tóc bạc phơ, hầu hết là những “tay tổ” bài chòi, đều không cầm được nước mắt. Phần vì thương thân phận quá éo le bạc bẽo của nàng Thoại Khanh. Phần vì mừng khi tận mắt một lớp nghệ sĩ tuổi đôi mươi ca diễn bài chòi hay đến bất ngờ…
Gia đình Thùy Dung quê ở An Nhơn, Bình Định nhưng lại lên lập nghiệp ở An Khê, Gia Lai. Mẹ Dung từng là học sinh tuồng của trường văn hóa nghệ thuật Bình Định nhưng phải bỏ ngang vì gia cảnh. Dung là cô bé hay hát và hát hay có tiếng ở An Khê, rất mê dân ca ba miền và cải lương. Nhà Dung có hai chị em, khi rảnh rỗi vẫn thường chia vai hát cải lương học lỏm từ các gánh cải lương đến diễn ở An Khê và qua băng đĩa. Khi Dung vừa học xong cấp hai, quý năng khiếu nghệ thuật của cô cháu gái, ông ngoại ở quê nghe tin Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định tuyển diễn viên, bèn gọi điện lên hỏi Dung có thích đi không. Dung nói thích. Ba má Dung đồng ý: “Ừ! Thì cứ tuyển thử xem sao!”.
Về Quy Nhơn thi, trúng tuyển, cuối năm 2000 Dung vào Đoàn Dan ca kịch Bình Định. “Lúc đầu, Dung chưa thích lắm, nhưng rồi học lần lần, nhất là được tập các vở, câu xuân nữ nhịp song loan thấm dần vào máu” – Thùy Dung tâm sự.
Ở Đoàn được gần một năm, đến tháng 10-2001, Dung được đưa sang học lớp dân ca Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh nhưng vẫn đều đặn tham gia vào các vở diễn của Đoàn. Vai hoàn chỉnh đầu tiên là Đứa bé trong vở Đứa con tôi. Đây cũng là vở diễn tham dự Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp miền Trung tại Đà Nẵng năm 2002.
Dung kể: “Hồi đó, nghe cô Thu (NSƯT Hồ Thu – diễn viên Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định) nói trong vở mới có vai đứa bé 8 tuổi, Dung cảm thấy rất thích vì hợp với tính cách của mình. Cô Thu nói: Đang mắc học chắc Dung tập hổng được đâu, nhưng Dung vẫn tranh thủ những giờ nghỉ lên xem. May là trường cho nghỉ đúng vào thời gian đó, vậy là chú Huệ (NSƯT Hoài Huệ – hiện là Trưởng Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định) gọi Dung vào tập đúng một tháng. Vai diễn đầu đời nghệ thuật này của Dung để lại nhiều cảm tình trong lòng người xem.
Bây giờ thì Thùy Dung đã là một trong những nghệ sĩ trụ cột của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định với hàng loạt vai chính trong các vở diễn làm nên quang vinh của đoàn như “Thoại Khanh Châu Tuấn “, “Tiếng sấm Tây Nguyên”, “Anh hùng và giai nhân”, “Thời con gái đã xa”, “Huyền thoại và tiếng hát” , “Lời ru của hai người mẹ”, “Huyền Trân công chúa”, “Hồ Quý Ly – nhìn lại một vương triều”, “Cha con người hát rong”. “Hương thầm”, “Biển và tôi”…
Tại hội diễn ca kịch Bài chòi toàn quốc tại TP Quy Nhơn năm 2011, Thuỳ Dung là một trong những tài năng trẻ nổi bật nhất và đã được tặng huy chương vàng với vai Thoại Khanh trong vở “Thoại Khanh Châu Tuấn”. Chiếc Huy chương Vàng cho vai diễn kinh điển của nghệ thuật ca kịch Bài chòi là phần thưởng xứng đáng cho sự phấn đấu không mệt mỏi của Thuỳ Dung trên sân khấu Bài chòi trong hơn 10 năm qua. Thoại Khanh Thuỳ Dung được coi là một tiếp nối rất đẹp những Thoại Khanh Lệ Thị, Thoại Khanh Hạnh Nguyên, Thoại Khanh Tường Vân, Thoại Khanh Hồ Thu… để gìn giữ và phát huy nét đẹp của ca kịch Bài chòi.
Cuộc sống của một nghệ sĩ ca kịch dân tộc còn rất khó khăn. Không ít diễn viên tài năng đã phải bỏ nghề vì không chịu nổi những khó khăn kéo dài về thu nhập và điều kiện sống. Những Thuỳ Dung nguyện gắn bó với bộ môn sân khấu này đến cùng. Dung tâm sự: “Thù lao cho một vai chính chỉ 50.000 đồng, lương một tháng chưa đến 2 triệu đồng nên không thể nói diễn viên có thể sống bằng thu nhập lương, thù lao biểu diễn. Nhưng, chỗ đứng của diễn viên là sân khấu, những vai diễn đã làm nên sợi dây bền chặt gắn chúng tôi với nghề. Ở Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định, lớp trẻ chúng tôi được chăm chút và có nhiều cơ hội thể hiện khả năng của mình qua các vai diễn. Các tấm huy chương vàng tại Hội diễn 2011 và Cuộc thi lần này là niềm vui là nguồn động viên vô giá với tôi. Tôi thấy hài lòng với con đường mình đã chọn và sẽ phấn đấu nhiều hơn vượt qua mọi khó khăn để vươn tới những thành công mới trong nghề nghiệp”…
Dương Hồng Minh sưu tầm theo nghethuatbieudien.vn