Dương Thị Mến người “nông dân chính hiệu” làm du lịch cộng đồng
- 17/03/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 2160
Tự tin trò truyện với khách du lịch nước ngoài bằng tiếng Anh khi làm hướng dẫn viên, khi lại đằm thắm duyên dáng trong những làn điệu dân ca ngọt ngào, thuần thục trong công việc của nhà nông khi làm vườn và quyết đoán trong vai trò quản lý…
Đó là công việc thường ngày của chị Dương Thị Mến, người nông dân làm du lịch cộng đồng tại làng quê Yên Đức, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Từ nhiều năm trở lại đây cái tên “người nông dân chính hiệu” làm du lịch đã được cộng đồng đặt cho chị Dương Thị Mến.
Là một người con Họ Dương sinh ra tại làng Yên Khánh, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cũng giống như đại đa số người dân ở đây. Do hoàn cảnh gia đình nông dân gắn với nông nghiệp quanh năm khó khăn và không được theo học ở các bậc học cao, tốt nghiệp phổ thông, chị Mến ở nhà làm nông nghiệp để phát triển kinh tế gia đình.
Bước ngoặt trong cuộc đời của chị Dương Thị Mến là năm 2011, Yên Đức được Công ty Du thuyền Đông Dương đưa vào khai thác du lịch và trở thành điểm du lịch cộng đồng làng quê hấp dẫn. Đây chính là cơ hội cho chị, một nông dân vốn quen lam lũ với ruộng đồng.
Chị Mến chia sẻ: “Mới đầu cũng lo lắng là không biết mình có thể làm được cái gì trong du lịch hay không, nhưng nhờ sự quan tâm của các đơn vị dưới Hạ Long, đặc biệt là sự phát triển của nghệ thuật múa rối nước – loại hình nghệ thuật tôi rất yêu thích nên tôi đã dành nhiều tâm huyết cho việc phát triển du lịch cộng đồng”.
Những ngày đầu tiên chị Mến đã đi vận động bà con tham gia làm du lịch cùng doanh nghiệp, nhận được sự tin tưởng từ doanh nghiệp chị Mến đã được giao trách nhiệm quản lý và đào tạo rèn luyện kỹ năng về biểu diễn múa rối nước, nhạc cụ dân tộc và cách đón tiếp các đoàn du khách nước ngoài.
Từ những người nông dân trước đây chỉ quen với việc đồng áng, nhưng được sự hướng dẫn tận tình của chị Mến những nông dân “chính hiệu” ở đây đều trở thành những người làm du lịch chuyên nghiệp. Chị Dương Thị Mến cho biết, trước đây cả xã chỉ có 6 người làm du lịch nhưng đến nay đã có cả trăm người với mức thu nhập bình quân cao so với người làm nông dân. Mô hình này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn quảng bá những sản phẩm từ đồng quê, giúp bà con tiêu thụ được sản phẩm của quê hương mình, như: Gạo nếp cái hoa vàng, chổi lúa, quạt mo cau, hành, tỏi. Thoạt đầu, những sản phẩm này chỉ để trưng bày cho phong phú nhưng khách hàng lại thích và muốn mua. Ngoài gạo, hành tỏi, chổi lúa thì sản phẩm quạt mo cau có lẽ chưa ở đâu có sản phẩm này để bán cho du khách. Chính vì sự khác biệt như vậy đã khiến khách hàng tò mò tìm đến để thỏa ước ao tìm lại những ngày xa xưa.
Tay thoăn thoắt bên những chiếc chổi lúa, bà Nguyễn Thị Nhót – thôn Yên Khánh, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều cho biết: “Cô Mến đến vận động tôi làm du lịch cộng đồng, đầu tiên chúng tôi thấy bỡ ngỡ lắm, nhưng bây giờ tôi thấy bình thường thôi. Những sản phẩm tôi làm ra vừa là để khách đến xem và học làm, vừa bán cho khách mua làm quà lưu niệm, vì vậy thu nhập ổn định hơn, tôi rất phấn khởi”.
Chị Trịnh Thị Hồng Hạnh, diễn viên chèo (thôn Đồn Sơn, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều) cho hay: “Từ khi tham gia cộng tác viên du lịch đến nay, từ một người dân bình thường chúng tôi đã tự tin giao tiếp và hát trền thuyền như một người chuyên nghiệp”.
Chị Dương Thị Mến cũng chính là người truyền lửa cho bà con nơi đây và đào tạo làm du lịch cộng đồng một cách chuyên nghiệp và phát triển bền vững, theo chị Mến, hai yếu tố quyết định đến việc khiến du khách hấp dẫn khi đến Yên Đức chính là người dân hiền hòa và việc giữ gìn các giá trị văn hóa bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên xanh sạch đẹp.
Chính vì thế chị Mến đã cùng với người dân trong thôn chung tay bảo vệ môi trường làng quê và là người tiên phong trong việc học tập ngoại ngữ để giao tiếp với khách quốc tế. Vừa làm việc vừa học hỏi, đến nay chị Dương Thị Mến đã nói tiếng Anh thông thạo đồng thời là một trong những thành viên tích cực hỗ trợ bà con trong thôn trong xã xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ giao tiếp với khách nước ngoài.
Sức hút của làng quê và những sự nhiệt huyết chân tình từ những người nông dân như chị Dương Thị Mến càng làm cho bức tranh làng quên Việt thêm phần nào sống động.
Như Cương