Hồi ức về người kéo cờ ngày Độc lập năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình

Giáo sư Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa), một trong hai người kéo cờ trong Ngày Độc lập 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), bà qua đời ngày 28/8/2020,  hưởng thọ 95 tuổi, hình ảnh người kéo cờ ngày độc lập thường được nhắc đến mỗi dịp tết độc lập của dân tộc.

Bà Thi  là con gái của nhà trí thức, Giáo sư Dương Quảng Hàm. Bà Lê Thi được nhiều người nhớ tới tại sự kiện kéo cờ trong Ngày Độc lập 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình. Người kéo cờ cùng bà Lê Thi là bà Đàm Thị Loan – vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái.

Giáo sư Lê Thi (ảnh do phóng viên Dân trí chụp năm 2015).

Trước đó, khi còn sống, trò chuyện với phóng viên  bà Thi cho biết: Năm 1943 bà học xong trường Đồng Khánh (nay là trường Trưng Vương), sau đó bà tham gia cách mạng và làm công tác phụ nữ tại phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm – Hà Nội). Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1945 cả nước nô nức hướng về Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) dự Lễ Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam).

Bà Thi kể, cách ngày 2/9/1945 khoảng 1 tuần, bà nhận được lệnh của cấp trên đi vận động tất cả phụ nữ trong phố Hàng Bông tập hát Quốc ca, đi đều bước, chọn trang phục quần áo để chuẩn bị đi dự ngày trọng đại của đất nước.

Sáng ngày 2/9/1945, bà Thi cùng với số chị em trong hội phụ nữ phố Hàng Bông đi vận động các gia đình đóng cửa hàng để đi ra Quảng trường Ba Đình: “Tôi dẫn 1 số chị em phụ nữ phố Hàng Bông đi lên Quảng trường Ba Đình, chúng tôi mặc quần trắng áo dài, đi giày ba ta trắng. Riêng tôi cầm cây gậy vừa đi vừa hô “1, 2…1, 2” để cho chị em đi đều. Đến quảng trường Ba Đình tôi thấy các đoàn thể đứng theo giới, phụ nữ, thanh niên, công nhân, viên chức… Đoàn phụ nữ Hàng Bông chúng tôi đứng đầu đoàn phụ nữ của Thủ đô” – bà Thi kể lại.

Chân dung bà Lê Thi – người phụ nữ kéo cờ Tổ quốc trong Lễ Tuyên ngôn độc lập năm 1945 được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (ảnh: Đức Anh)

Bà Thi kể tiếp, khi sắp đến giờ khai mạc, người của Ban tổ chức xuống khu vực nơi bà Thi đang đứng và bảo “các chị cử 1 người lên kéo cờ”; ngay lúc đó tất cả đều im lặng, khoảng 1 lúc sau thì nhiều phụ nữ đồng thanh hô “Thi lên đi”, thế là bà Thi bước lên lễ đài làm nhiệm vụ kéo cờ Tổ quốc.

“Lúc tôi bước lên lễ đài, tôi vừa đi vừa run, vì sợ kéo không được ở dưới nhiều người sẽ trách vì đó là sự kiện trọng đại của đất nước và tôi cũng không được tập trước. Khi bước tới gần lễ đài, tôi gặp 1 phụ nữ ăn mặc trang phục người Tày, sau đó chúng tôi dắt tay nhau bước tới lễ đài. Khi tới nơi, tôi bảo với chị ấy là em cao để em kéo, còn chị đỡ cờ. Khi bài hát Quốc ca vang lên, chúng tôi từ từ kéo lá cờ Tổ quốc lên cao, khi cờ vừa lên đến đỉnh tung bay trước gió cũng là lúc bài hát Quốc ca kết thúc. Lúc đó tôi biết tôi đã hoàn thành nhiệm vụ” – bà Thi từng xúc động kể.

Ảnh bà Lê Thi chụp năm 1947.

Bà Thi cho biết, khi vừa hoàn thành nhiệm vụ kéo cờ Tổ quốc xong, bà lùi lại phía sau và quan sát xem trên lễ đài là ai. Đó là lần đầu tiên bà Thi được nhìn thấy Bác Hồ, bà rất bất ngờ trước phong cách giản dị của Bác. “Lúc nhìn thấy Bác Hồ, tôi nghĩ sao Bác ăn mặc giản dị thế, Bác mặc bộ kaki trắng, đi đôi dép cao su. Bác khác hẳn với tưởng tượng của tôi, vì trong trường tôi học những ngày lễ trọng đại người ta thường mặc comple veston và đi giầy đen bóng loáng. Tôi thấy Bác giản dị quá”.

Bà Lê Thi (trái) chụp ảnh cùng bà Đàm Thị Loan ở Quảng trưởng Ba Đình năm 1997.

Người phụ nữ kéo cờ cho biết thêm, trước đây bà cũng đã từng tham gia kéo cờ, nhưng chưa bao giờ bà kéo cờ một cách “tử tế”, vừa kéo vừa “trêu tức” đối phương. Bà Thi dí dỏm kể lại: “Khi tôi còn học tại trường Đồng Khánh, họ cũng tập hợp chúng tôi lại để kéo cờ Pháp và cờ bù nhìn thì chúng tôi kéo cái thấp, cái cao, hoặc kéo cho 2 cái tắc tị lại không lên được để trêu tức chúng, nhưng chúng không làm gì được chúng tôi. Cũng chính vì chưa bao giờ kéo cờ 1 cách tử tế nên hôm được cử tham gia kéo cờ ngày 2/9, tôi mới run, sợ kéo không thành công”.

Sau ngày độc lập, năm 1956, bà Lê Thi được cử đi học lớp lý luận cao cấp đầu tiên của trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Tốt nghiệp loại ưu, bà được giữ lại làm giảng viên.

Bà được phong giáo sư triết học, sau đó làm Viện trưởng Viện Triết học Việt Nam. Khi về hưu, bà cùng một số người sáng lập trung tâm nghiên cứu phụ nữ và gia đình, sau này chuyển thành Viện Gia đình và Giới và giữ chức Giám đốc cho tới khi nghỉ hưu (1987-1999). Bà có nhiều công trình khoa học của cá nhân: 3 cuộc cách mạng và vấn đề giải phóng phụ nữ, NXB Phụ nữ 1976; Bác Hồ với phong trào phụ nữ Việt Nam, NXB Phụ nữ 1982; Tìm hiểu việc xây dựng chế độ làm chủ tập thể XHCN ở Việt Nam, NXB KHXH 1983; Vai trò gia đình trong việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam, NXB Phụ nữ 1998; Việc làm đời sống phụ nữ trong chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam, NXB KHXH 1999; Cuộc sống của phụ nữ đơn thân ở Việt Nam, NXB KHXH 2002; Cuộc sống và biến động của hôn nhân gia đình Việt Nam hiện nay, NXB KHXH 2006; Hỏi đáp về hôn nhân gia đình ở Việt Nam hiện nay, NXB Thế giới 2006; Sự tương đồng và khác biệt trong quan niệm về hôn nhân gia đình giữa các thế hệ người Việt Nam hiện nay, NXB KHXH 2009.

Dương Mão sưu tầm

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com