Nếp nhà – nét văn hóa người Họ Dương Đồng Kỵ
- 10/02/2022
- Ban Thông tin truyền thông
- 4144
Đồng Kỵ là một phường vừa cổ kính vừa mới mẻ. Cái cổ kính ẩn chứa bên trong nếp nhà, dòng tộc… Cái mới mẻ là sự phồn thịnh, tấp lấp, phát triển, đổi mới của lớp trẻ, nơi mặt phố.
Nằm trong vùng đất ngàn năm văn hiến, soi mình bên dòng sông Thiếp Thương (nay là Ngũ Huyện Khê) Đồng Kỵ là một làng Việt cổ xuất hiện rất sớm. Qua các cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ học năm 1966, di chỉ Từ Sơn được phát hiện 196 hiện vật phong phú gồm: rìu, đục, vòng tay bằng đá, suốt chỉ, nồi gốm, chì đồng, mũi tên đồng,.. Những phát hiện trên đã minh chứng cách đây hàng nghìn năm mảnh đất này là điểm dừng chân, quần cư của người Việt cổ. Nơi đây hội tụ đầy đủ những truyền thống văn hóa đặc sắc của làng Việt cổ, biểu hiện rõ nét qua đời sống thời ngày của nhân dân. Những truyền thống đó luôn được vun đắp, gìn giữ và phát triển qua các thời kỳ lịch sử. Trong quá trình lao động sản xuất chinh phục thiên nhiên, xây dựng và bảo về quê hương, người dân Đồng Kỵ, sớm hình thành nên truyền thống đoàn kết, tương thân – tương ái, tạo nên một cộng đồng bền chặt vừa mang yếu tố láng giềng, vừa mang yếu tố huyết thống dòng tộc. Tổ chức làng xóm luôn được các dòng họ quan tâm, xây dựng. Làng xưa được bao bọc bởi lũy tre dày và có hào sâu xung quanh, mỗi xóm có một cổng xây, ban đêm đóng kín. Các ngõ trong xóm có cổng riêng, các gia đình lại có cổng trước khi vào nhà, tạo nên một pháo đài, một chiến lũy vững chắc, an toàn và riêng biệt, người ngoài khó có thể xâm nhập. Khi cư dân và nghề nghiệp trong làng phát triển, hệ thống hào lớn xung quanh trở thành hệ thống thoát nước cho cả làng, đến nay hệ thống này vẫn còn sử dụng.
Truyền thống văn hóa của Đồng Kỵ còn được thể hiện qua những bản hương ước của làng vẫn còn lưu lại như: Bản Ước Thúc có từ thời Đinh Tiên Hoàng (968-979) với những quy ước chung về quan hệ cộng đồng, đất đai, thờ Thành hoàng… được sao chép và thường xuyên bổ sung cho phù hợp từng dòng họ, qua từng thời kỳ. Năm 1935 dân làng lập bản hương ước cải lương gồm 33 khoản quy định về chính trị và tục lệ riêng, trong đó có nhắc những tục lệ như cưới xin, sinh đẻ, lên lão, tang ma… Những phong tục này đã đưa các thành viên trong cộng đồng vào trong một khuôn khổ chung của làng, và cũng đã của dòng Họ Dương đưa vào quy ước Dòng tộc, Nó đã góp phần củng cố sự bền vững của cộng đồng làng xóm, dòng họ trước mọi thử thách của cuộc sống. Người dân Đồng Kỵ có tục thờ cúng tổ tiên theo huyết thống, Dòng tộc. Gia đình có bàn thờ gia tiên, dòng họ có Từ đường là nơi thờ cúng Tổ tiên và cao hơn là giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên – những người đã khuất.
Nếu đã đến Đồng Kỵ, bạn sẽ thấy nơi đây với một hệ thống đình, chùa, đền, miếu… uy nghi, theo thư tịch cổ thì các công trình này được xây dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ X), và các phong tục, tập quán, nề lối sinh hoạt từ xa xưa vẫn được duy trì nhất là trong dòng họ Dương. Theo sử sách còn lưu tại Từ Đường Họ Dương và thực tế hiện nay thì người Họ Dương tại Đồng Kỵ, là một trong các dòng họ có số dân nhiều nhất của làng. Từ Đường Họ Dương Đồng Kỵ được xây dựng cùng với thời kỳ phát triển của các công trình của làng, phía trước là Hồ bán nguyệt, đến sân, 2 dãy nhà 10 gian với hàng loạt câu đối, hoành phi, hương án, thiều châu, cửa võng, xà mâu, bát bửu… cổ kính, trang nghiêm, đặc biệt tại nhà thờ còn lưu giữ “Bài vị” của các cụ Tổ được thờ và bản sơ đồ mộ cổ của các cụ từ đời cụ Dương Đình Thiện (Tự Phúc Thiện); cụ Dương Tín (Tự Trung Tín); cụ Dương Long Sưởng tức Lý Long Sưởng (Tự Trung Hiền)… còn các đời tổ tiên trước thì đã mất dấu tích cùng nhiều đồ thờ khác… Họ Dương Đồng Kỵ vẫn duy trì đều đặn, nề nếp lịch sinh hoạt tụ họp dòng tộc tại nhà thờ vào ngày mùng một, ngày rằm hằng tháng và các ngày lễ, tết, đặc biệt ngày giỗ Tổ là ngày con cháu Họ Dương về báo cáo với Tổ tiên những thành tích sau một năm lao động sản xuất, ngày vinh danh các cá nhân đạt thành tích cao, ngày tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ thọ 70, 80 và các cụ từ 90 trở lên trong năm. Đặc biệt, từ năm 2013, khi Hội đồng Họ Dương Việt Nam thực hiện công tác khuyến học – khuyến tài và mừng thọ cho các cụ cao niên hằng năm với số tiền hàng trăm triệu đồng, Hội đồng Họ Dương Đồng Kỵ đã tổ chức vinh danh và mừng thọ cho học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 và các cụ có độ tuổi ngoài quy định của Hội đồng Họ Dương Việt Nam.
Theo thông lệ từ xa xưa vào các ngày này là các cụ thượng, cụ hạ quần áo chỉnh tề: Cụ ông vận quần áo dài khăn xếp, cụ bà quần áo dài khăn vấn kéo có mặt tại nhà thờ tổ. Cùng nhau làm lễ tổ tiên, gặp gỡ trao đổi thăm hỏi, động viên nhau và bàn một số công việc cần thiết của dòng tộc, thông lệ ấy đến nay vẫn được duy trì nề nếp. Ngoài ra khi trong Dòng tộc có người qua đời, Từ Đường là nơi tập trung để chi họ phân công công việc cho từng gia đình, tổ chức đoàn đi phúng viếng theo quy định gồm: Mâm ngũ quả, phong bì tiền, cau trầu, thẻ hương, điếu văn và bức chướng mang dòng chữ: Dương tộc đại tôn kính viếng. Đối với bà con trong dòng tộc gặp khó khăn, hoạn nạn…Các cụ trong dòng tộc họp bàn kêu gọi sự chung tay giúp đỡ, chia ngọt sẻ bùi – những phần quà giúp các gia đình Họ Dương nghèo có tết năm nào cũng có… Vì vậy bà con Họ Dương nơi đây ngoài tình nghĩa xóm làng “Tối lửa, tắt đèn, có nhau”, là tình nghĩa dòng tộc, huyết thống từ xa xưa để lại, đoàn kết, đùm bọc, sẻ chia, yêu thương, nhân ái… càng thấm đậm hơn.
Chính vì vậy, khi biết tin các vị tiền bối thành lập Ban liên lạc Họ Dương Việt Nam, chi Họ Dương Đồng Kỵ đã cử người tìm hiểu kết nối. Tháng 3 năm 1995 tại gia đình ông Dương Văn Lạc các ông Dương Phúc Hiệu (Ủy viên Ban liên lạc, phụ trách kết nối), ông Dương Đình Chiến, ông Dương Văn Vinh, ông Dương Văn Phúc và một số cụ đại diện Họ Dương Đồng Kỵ cũng có mặt để nghe ông Dương Phúc Hiệu tuyên truyền về mục đích, yêu cầu và những vấn đề về công tác Họ. Cũng tại cuộc gặp mặt này ông Dương Phúc Hiệu đã giao và cử ông Dương Văn Lạc chịu trách nhiệm kết nối, xây dựng cơ sở chuẩn bị cho việc ra đời Ban liên lạc Họ Dương Châu Cổ Pháp. Tháng 9 năm 1998, Ban liên lạc Họ Dương Châu Cổ Pháp chính thức được thành lập và cũng như Ban liên lạc Họ Dương huyện Quế Võ và Ban liên lạc Họ Dương Bắc Ninh đã quan tâm đến công tác khuyến học – khuyến tài và mừng thọ cho các cụ cao niên, xây dựng quỹ hoạt động,… Mọi chủ trương, kế hoạch hoạt động của Ban liên lạc (Hội đồng) đều được bàn bạc thông qua lấy ý kiến dân chủ được sự đồng thuận của các thành viên Họ Dương tại nhà thờ Đồng Kỵ. Chính vì vậy mọi hoạt động của Họ Dương Từ Sơn đều lấy chi Họ Dương Đồng Kỵ làm trung tâm, là xuất phát điểm để triển khai và thực hiện. Năm 2019 Hội đồng Họ Dương Từ Sơn xin ý kiến và được sự nhất trí của Hội đồng Họ Dương Bắc Ninh, sự giúp đỡ tạo điều kiện của Câu lạc bộ Thanh nên Họ Dương Bắc Ninh, sự đồng thuận của bà con Họ Dương Đồng Kỵ đã thành lập Võ đường Dương Minh Thắng để tập hợp các con em Họ Dương tham gia rèn luyện thể chất và tinh thần trong những dịp nghỉ hè; ngày nghỉ. Qua 3 năm hoạt động Võ đường Dương Minh Thắng đã thu được nhiều thành tích đáng khích lệ: Đã 2 lần tổ chức thi nâng đai cho: 50 võ sinh năm 2019 và 98 võ sinh năm 2020. Mặc dù mới thành lập nhưng tại giải thi đấu võ thuật trẻ do Trung tâm Võ thuật tài năng trẻ Việt Nam tổ chức tại Học viện Quốc tế Hà Nội (năm 2019), Võ đường Dương Minh Thắng đã giành giải nhất toàn đoàn (18 Huy chương Vảng, 8 Huy chương bạc, 6 Huy chương Đồng của các võ sinh). Ngoài ra Hội đồng Họ Dương Từ Sơn cũng lấy Họ Dương Đồng Kỵ làm nòng cốt trong xây dựng các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ Doanh nghiệp – Doanh nhân, Câu lạc bộ bóng đá,… nhằm gắn kết các thành viên trong dòng tộc trong phát triển kinh tế và rèn luyện thể chất, tinh thần một cách lành mạnh.
Với những truyền thống và nét đẹp văn hóa ngàn đời của người Họ Dương Đồng Kỵ cần được gìn giữ lưu truyền cho các thế hệ.
Dương Yến Thanh