Nghệ sĩ Dương Thị Thu đưa múa rối gần vối bạn bè quốc tế
- 26/11/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 570
Nghệ sĩ Dương Thị Thu – Đoàn Múa rối Hải Phòng luôn dành hết tình yêu, niềm đam mê của mình cho nghệ thuật múa rối truyền thống của dân tộc. Chị đã góp phần gìn giữ, quảng bá nghệ thuật truyền thống của dân tộc với bạn bè trong nước và quốc tế.
Nghệ sĩ Dương Thị Thu, sinh năm 1980, ở thôn Câu Hạ, xã Quang Trung, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng trong một gia đình có cha hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật quần chúng, chị có may mắn được thừa hưởng từ người cha tình yêu với nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp cấp 2, chị thi tuyển vào khoa hát chèo Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hải Phòng trước đây (nay là Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch).
Thế nhưng cuộc đời lại dẫn chị đến với múa rối như một cái duyên, khi tốt nghiệp chị thi vào đoàn chèo Hải Phòng, nhưng may mắn đã không mỉm cười với chị. Đó là thử thách, nhưng cũng là cơ hội đến với nghệ thuật múa rối của nữ nghệ sĩ trẻ tuổi ngày ấy. Năm 1999, do được thầy Nguyên giới thiệu sang thi tuyển tại Đoàn Múa rối Hải Phòng và được nhận lại công tác. Biết rằng đến với con đường nghệ thuật múa rối nước truyền thống còn sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ chị vẫn quyết tâm vượt qua thử thách này. Miệt mài học tập những nghệ sĩ đi trước và theo học lớp chuyên ngành múa rối, bước đầu chị đã có những thành quả nhất định với vai diễn đầu tiên đội lốt con rối chó đốm khi tham gia diễn vở rối đội lốt “Những ngày hội tuổi thơ”.
Chị tiếp tục khẳng định tài năng của mình khi nhiều năm liền đoạt Huy chương bạc ở các kỳ Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ 3, thứ 4, thứ 5 với các vở “Giai điệu ký ức”, “Đảo giấu vàng” và “Cây đàn kỳ diệu”. Mới nhất nghệ sĩ Dương Thị Thu vừa đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật Đông Nam Á với vai diễn trong tiết mục “Hầu đồng”. Tiết mục được mọi người đánh giá cao cả về kỹ năng và thông điệp mà tiết mục truyền tải. Tiết mục “Hầu đồng” có ý nghĩa quảng bá giá trị nghệ thuật diễn xướng hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Tam Phủ của người Việt đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể, vừa thể hiện được giá trị cốt lõi của nghệ thuật múa rối trên sân khấu, đưa nghệ thuật múa rối dân tộc đến gần hơn tới bạn bè quốc tế.
Với tâm huyết và tình yêu với nghệ thuật múa rối nghệ sĩ Dương Thị Thu là tấm gương cho sự kế thừa, phát huy những giá trị của nghệ thuật múa rối truyền thống, góp phần khẳng định vị thế của múa rối Việt Nam.
Hạnh Dương