NGHỊ LỰC CỦA “CÔ GÁI TÍ HON”
- 04/09/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 626
Tình cờ biết đến Dương Thị Mỹ Huyền khi xem một chương trình truyền hình, tôi tìm cách liên lạc với cô gái tí hon nhưng đầy nghị lực và năng lượng sống tích cực này. Sau vài phút trò chuyện, Huyền đã trải lòng về mình một cách cởi mở, chân thành.
Vượt lên số phận
Là con gái út trong gia đình có 4 anh em, từ khi lọt lòng mẹ, Dương Thị Mỹ Huyền (sinh năm 1995) đã kém may mắn hơn 3 người anh trai của mình, bởi sinh ra trong một cơ thể không lành lặn. Lọt lòng mẹ, Huyền chỉ nặng 1,5kg, chân tay co quắp do bị teo cơ bẩm sinh – di chứng của chất độc da cam dioxin. Thương con, bố mẹ Huyền tìm thầy tìm thuốc khắp nơi chữa chạy cho con, nghe đâu có thầy thuốc giỏi là bố mẹ lại khăn gói đưa Huyền đi nhưng những khiếm khuyết cơ thể không được cải thiện. Đôi chân của Huyền cong như lưỡi liềm và rất yếu khiến em không thể đứng và đi được. Lên 3 tuổi, Huyền vào học mẫu giáo, sáng sáng mẹ bế Huyền đến trường, chiều tan học cô giáo lại bế Huyền về nhà. Để di chuyển, Huyền dùng 2 chiếc ghế con để lết đi. Nhà nghèo, ba đi làm xa nhà, mỗi lần nhìn Huyền khóc vì bị bạn bè trêu chọc mẹ Huyền lại lén lau nước mắt và quyết tâm tìm chỗ chữa trị cho Huyền. May mắn đến với Huyền khi năm 2002, Bệnh viện Đà Nẵng có chương trình mổ và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, bố mẹ Huyền bán hết của cải, gom tiền đưa Huyền đi phẫu thuật.
Lúc đến bệnh viện, vì sức khỏe yếu, bác sĩ khuyên mẹ Huyền cho con mổ từng chân, nhưng nhà nghèo, lại ở xa nên mẹ Huyền nhờ bác sĩ tìm cách mổ cùng lúc hai chân để đỡ chi phí. Nhìn thân hình gày gò, nhỏ bé của Huyền, bác sĩ không khỏi ái ngại, nhưng rồi quyết tâm của hai mẹ con khiến bác sĩ đồng ý mổ cho Huyền cả hai chân. Sau khi mổ 3 tháng, Huyền bắt đầu tập đi và lần đầu tiên sau 7 năm kể từ khi sinh ra Huyền chập chững những bước đi đầu tiên.
Đi được trên đôi chân mình, cũng là năm Huyền bước vào lớp 1. Suốt 9 năm học cấp 1 và cấp 2, biết sức mình yếu, không giúp được gì nhiều cho ba mẹ nên Dương Thị Mỹ Huyền luôn cố gắng học và đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lên cấp 3 Huyền học ở trường THPT Mộ Đức 2. Dù thân hình nhỏ bé, cao chưa đến 1m30 nhưng Huyền không quản ngại khó khăn, tự đạp xe đi học.
Hãy tin, mình có thể làm mọi thứ
Năm 2014, tốt nghiệp cấp 3, với mong muốn tìm một nghề phù hợp để sau này có thể lo cho cuộc sống của mình để ba mẹ không phải lo lắng, không trở thành gánh nặng cho người thân, Huyền thi vào ngành công nghệ thông tin của Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) và Cao đẳng Công nghệ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh. Khi có giấy báo nhập học cả 2 trường, Huyền chọn Đại học Phạm Văn Đồng vì gần nhà hơn. Sau 3 tháng học ở trường đại học, phải di chuyển qua lại giữa 3 cở sở của trường, đôi chân yếu ớt của Huyền không đủ sức để đạp xe đi học nên Huyền đành gác lại ước mơ của mình.
Nghỉ học, nhưng không muốn trở thành gánh nặng cho bố mẹ nên Huyền vào Thành phố Hồ Chí Minh đỡ đần anh trai chăm cháu nhỏ. Đến năm 2017, khi con của anh trai đi học mẫu giáo, anh chị khuyên Huyền tiếp tục đi học nên Huyền nộp đơn thi và đỗ Cao đẳng Dược Asean. Thời gian học Cao đẳng dược của Huyền cũng đầy gian nan bởi sức khỏe không được tốt. Giữa năm học thứ 2 Huyền bị ốm phải nằm bệnh viện hơn 1 tháng. Ba má từ Quảng Ngãi vào chăm thấy sức khỏe Huyền ngày càng yếu nên bắt nghỉ học về Quảng Ngãi để tiện chăm sóc. Về quê, Huyền thấy buồn, nhớ trường, nhớ bạn, lại được bạn bè, thầy cô động viên quay lại học nên Huyền xin phép ba má quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh học tiếp. Khi Huyền trở lại học, các bạn đã thi xong các môn của kỳ 1 và bước sang học kỳ 2. Huyền vừa học các môn của kỳ 2, vừa học trả nợ các môn của kỳ 1 và đến cuối năm đã hoàn thành chương trình năm học.
Tốt nghiệp cao đẳng dược, Huyền gõ cửa nhiều nơi xin việc làm nhưng đều bị từ chối. Huyền tâm sự: “Tìm được việc làm với người bình thường đã khó. Với những người khuyết tật như em càng khó khăn gấp bội. Em đã tìm đủ trên mạng, đến cả Trung tâm người khuyết tật để đăng ký nhưng cũng chỉ nhận được những lời hứa mà mãi không thấy được gọi đi làm. Nhiều lúc em cũng thấy nản lắm nhưng không muốn gia đình phải lo cho mình nên em lại quyết tâm tìm”.
Giữa lúc tưởng chừng như bế tắc thì Huyền đọc được thông tin tuyển dụng của cơ sở sản xuất tranh bằng dây đồng Uma và liền gửi đơn qua email cho Trung tâm và được gọi đi làm.
Thế nhưng, ngay ngày đầu tiên làm quen với công việc, Huyền tưởng phải bỏ cuộc. Việc làm tranh bằng dây đồng cần sự kiên nhẫn và đôi tay khéo léo để tạo hình. Tay Huyền quá yếu, cầm chiếc kìm bẻ dây đồng mà run, không thể nào điều khiển được khiến chiếc kìm rơi xuống. Người quản lý thấy vậy liền nói với cô giáo, cũng là chủ cơ sở sản xuất tranh Nguyễn Nhật Minh Phương rằng Huyền không thể nào làm được công việc này và trả Huyền lại cho cô giáo.
Tối đó, Huyền vừa khóc vừa nhắn tin cho cô giáo Phương: “Cô ơi, con sợ con không làm được, nhưng con thích nơi này, con thích mọi người và môi trường ở đây”. Cô giáo nhắn lại: “Con hãy cố gắng vì không có nơi nào vui vẻ được như ở đây, cô sẽ cố gắng để tìm ra điểm mạnh của con”. Được những lời khích lệ, động viên của cô giáo, Huyền lại tiếp tục đến làm và cố gắng tập làm từng chút một. Dù sau mỗi ngày làm việc, về đến nhà đôi tay không cầm nổi đôi đũa nhưng Huyền vẫn không từ bỏ. Sau mỗi buổi làm việc tại xưởng sản xuất, Huyền lại mang đồ về nhà để tranh thủ làm thêm vào buổi tối cho quen. Sau nửa tháng, từ chỗ không cầm nổi chiếc kìm, Huyền đã thành thạo việc tạo hình bằng dây đồng và còn được cô giáo khen ngợi. Huyền tâm sự: “Lúc đó em vui sướng lắm, em không nghĩ mình làm được như vậy mà tất cả cũng là nhờ có sự động viên của cô giáo, giúp em tự tin hơn vào bản thân mình để cố gắng vượt qua tất cả”.
Sau một tháng thử việc, Huyền chính thức trở thành nhân viên của Công ty sản xuất tranh bằng dây đồng Uma. Hiện nay, với mức lương bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/tháng Huyền đã tự lo được cho bản thân mình “và còn một chút để dành, vì em là người biết tính toán chi tiêu lắm” – như lời Huyền vui vẻ tâm sự. Huyền là một trong những nhân viên có tay nghề và là người truyền cảm hứng cho những người khuyết tật khác ở trong Công ty. Huyền luôn được cô giáo, Giám đốc Công ty Nguyễn Nhật Minh Phương lựa chọn tham gia các chương trình từ thiện và các chương trình truyền cảm hứng của Công ty. Trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Huyền xuất hiện cùng cô giáo của mình, cô giáo của Huyền đã nói, sau thời gian làm việc tại Công ty thì chính Huyền lại là người truyền cảm hứng cho cô giáo. Từ tấm gương nghị lực của Huyền đã mang đến cho mọi người một thông điệp, không có gì là không thể.
Hạnh phúc đơm hoa
Niềm vui của Huyền càng trọn vẹn hơn khi tháng 10/2019, Huyền tổ chức đám cưới với anh Nguyễn Thanh Định, quê ở Xuân Lộc, Đồng Nai – cũng là một người khuyết tật như Huyền.
Huyền kể: “Em đến với anh Định giống như một mối nhân duyên. Lúc học dược em có tham gia nhóm dược sĩ trên facebook. Khi em học năm thứ 3 nhóm có tổ chức cuộc thi ‘Nét Việt blouse trắng’ với yêu cầu đang là sinh viên dược và chụp một tấm ảnh mặc blouse trắng để đăng lên đó. Em cũng đăng ảnh của mình và thấy anh Định vào bình luận. Em trả lời bình luận đó rồi anh nhắn tin làm quen. Một thời gian sau thì hẹn gặp mặt, rồi dần dần yêu nhau lúc nào không hay”.
Có được người đồng cảm, yêu thương đến với nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc của hai vợ chồng Huyền không dễ dàng. Khi Huyền và Định nói với gia đình chuyện cưới xin thì vấp phải sự phản đối từ cả hai gia đình. Là người sinh ra Huyền, hơn ai hết mẹ Huyền hiểu những vất vả của người làm vợ nên mẹ Huyền lo với cơ thể yếu ớt, không thể lo cho bản thân mà xây dựng gia đình rồi Huyền sẽ khổ. Phía nhà chồng Huyền cũng lo lắng những điều tương tự. Không nản lòng, Định và Huyền vẫn son sắt với tình yêu của mình và kiên trì thuyết phục gia đình. Dần dần, thấu hiểu được tình cảm của các con, hai gia đình đồng ý để Huyền và Định đến với nhau.
Giờ đây, cuộc sống của vợ chồng Huyền đã tương đối ổn định. Huyền yên tâm với công việc làm tranh còn chồng Huyền làm việc cho một cơ sở kinh doanh máy tính. Huyền tâm sự: “Em rất vui vì giờ đây em có công việc để tự lo cho cuộc sống của mình, không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Hơn nữa, môi trường làm việc ở đây rất vui vẻ, hòa đồng. Có những lúc ở nhà thấy buồn nhưng chỉ lên Công ty một chút là hết buồn ngay, bởi tất cả các thành viên ở đây đều ngập tràn năng lượng”.
Những việc Huyền đã làm, dù không phải quá lớn lao, nhưng với một người khuyết tật như Huyền lại là cả một sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Người bình thường, nhiều khi chỉ một lần thất bại đã gục ngã, nhưng với Huyền, sự quyết tâm và nghị lực của mình đã vượt lên, chiến thắng số phận. Dương Thị Mỹ Huyền xứng đáng là một tấm gương truyền cảm hứng cho không ít bạn trẻ vươn lên trong cuộc sống.
Dương Phạm Ngọc