Nhà báo Dương Đình Tường & Hành trình bóc trần đường đi của thuốc trừ sâu lậu
- 13/09/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 834
Loạt 5 bài “Thuốc lậu rao bán trên facebook, tràn ra đồng ruộng” của nhà báo Dương Đình Tường – Báo Nông nghiệp Việt Nam đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vi phạm trong việc lạm dụng thuốc trừ sâu, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc xử lý những tồn tại.
Tác phẩm “Thuốc lậu rao bán trên facebook, tràn ra đồng ruộng” được Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV – năm 2020 đánh giá cao.
Đường đi của thuốc sâu lậu
Rau, củ, quả vốn là những đồ ăn hằng ngày của người dân Việt Nam, nhưng việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật của người nông dân và sự hám lợi của người bán đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành nông nghiệp trong nước và sức khỏe người tiêu dùng.
Loạt phóng sự điều tra “Thuốc lậu rao bán trên facebook, tràn ra đồng ruộng” đăng tải từ 26/5 đến 5/6/2020 là đề tài mang tính tiên phong của Báo Nông nghiệp Việt Nam, phản ánh bức tranh toàn cảnh về chuyện buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lậu độc hại từ biên giới đi qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác.
Loạt bài phân tích con đường đi của thuốc bảo vệ thực vật lậu, nhiều đối tượng buôn qua mạng xã hội tự ý đăng ký thuốc bằng một cái tên nhưng bán lại bằng một tên khác nhằm kê giá, đánh lừa nông dân. Trong các bài viết được đăng tải, nhà báo Đình Tường sử dụng ngôn ngữ gần gũi với người nông dân, có những hình ảnh trực quan sinh động rõ nét về con đường đi của thuốc sâu lậu và tác hại của nó đến những cánh đồng.
Với cách miêu tả trình bày dễ hiểu đó đã giúp độc giả có cái nhìn khách quan hơn về thực trạng vi phạm và cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ chính quyền. Ngoài việc phản ánh hành vi mua bán sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhà báo Dương Đình Tường còn phân tích tác hại của việc sử dụng thuốc trừ sâu giả quá nhiều, làm những cánh đồng rau bị nhờn thuốc, rau vẫn bị sâu bệnh bạc trắng.
Sâu xa hơn, qua loạt bài, tác giả còn phản ánh thực trạng về ngành nông nghiệp Việt Nam manh mún với vài chục triệu nông dân, hàng trăm triệu mảnh ruộng. Bởi thế chuyện “rau hai luống, lợn hai chuồng” cứ quanh đi quẩn lại, người sản xuất cứ vi phạm còn người tiêu dùng khi bị ngộ độc thực phẩm cấp tính hoặc bị đầu độc mãn tính một cách từ từ cũng chẳng biết kêu ai.
Chấn chỉnh sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
Sau khi loạt bài đăng tải, ngành nông nghiệp và địa phương cùng chính quyền dựa vào hình ảnh trong bài viết đã mời những nông dân liên quan lên để xử phạt mỗi người 1,5 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên người nông dân bị xử phạt vi phạm hành chính vì lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trước đây đã có luật nhưng chưa có vụ việc nào được xử phạt, việc này đã thu hút sự chú ý của nhiều cơ quan báo chí truyền thông khác.
Không chỉ xử phạt những người nông dân ở vùng trồng rau huyện Mê Linh – Hà Nội, ở Bắc Giang, Sở NN&PTNT của tỉnh này cũng đã thành lập ngay đoàn kiểm tra, phát hiện xử lý hàng loạt các cửa hàng bày bán thuốc lậu.
Đặc biệt, Công an huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc điều tra kho chứa của 1 đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, tìm thấy 481 thùng chứa 30.620 lọ thuốc trừ cỏ (6,7 tấn) lậu của Trung Quốc. Đây cũng là một kỷ lục về xử phạt từ trước đến nay ở Việt Nam. Nếu bán trót lọt ra thị trường thì số thuốc trên sẽ đầu độc hàng chục ngàn ha đất canh tác.
Ngoài vấn đề thuốc lậu, loạt bài của nhà báo Dương Đình Tường còn đề cập đến những mánh khóe của giới buôn lậu, như: phù phép tên phụ thành tên chính, tên chính thành tên phụ, một sản phẩm đã đăng ký với tên này lại biến thành tên khác để kê khai giá, đánh lừa người nông dân rằng đó là loại hàng mới…
Thấy được vấn đề Báo Nông nghiệp Việt Nam nêu ảnh hưởng tới nguồn tài nguyên đất, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo Bộ NN&PTNT phải có giải pháp chấn chỉnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
Nhà báo Dương Đình Tường cho biết: “Thực tế, dưới sức ép của dư luận, trong mấy năm gần đây từ hơn 4.000 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ Thực vật đã loại bỏ được 838 tên với 1.265 hàm lượng hoạt chất thuốc ra khỏi danh mục. Đó cũng là nhờ một phần đóng góp của báo Nông nghiệp Việt Nam và nhiều báo đài khác trong việc tuyên truyền, cảnh báo không mệt mỏi về vấn đề thuốc lậu, thuốc cấm và sử dụng thuốc sai cách”.
Nhập vai
Là phóng viên phản ánh những vấn đề tiêu cực trong xã hội, thủ pháp “nhập vai” vẫn được cho là có hiệu quả, đó là cơ hội tiếp cận và lấy được những hình ảnh đắt giá. Nếu làm tiêu cực mà khai thác ở góc độ nhà báo sẽ khó có những thông tin mang tính khách quan. Đối với nhà báo Dương Đình Tường, việc nhập vai để anh có thông tin một cách khách quan chân thật, tuy nhiên anh cũng không cho phép mình thu thập chứng cứ bằng cách chủ động gợi ý hay giăng bẫy nhân vật.
Nhà báo Dương Đình Tường chia sẻ: “Để có thông tin về người dân huyện Mê Linh sử dụng thuốc trừ sâu lậu, tôi nhập vai là người đi giới thiệu sản phẩm thuốc trừ sâu của một công ty thuốc bảo vệ thực vật. Tôi có trách nhiệm tư vấn cho người nông dân các loại thuốc mới, sử dụng như thế nào sao cho đúng cách và hiệu quả. Loại thuốc này phù hợp như thế nào, có ảnh hưởng đến các thuốc trước đó không”.
Đối với cơ sở bán thuốc, cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật, anh cũng giới thiệu mình là nhân viên của một hãng thuốc và đi cùng một số nhân viên bán thuốc thật khác. Qua trao đổi anh ghi nhận thêm nhiều sai phạm của cơ sở kinh doanh, nhiều loại không có nguồn gốc, không có hóa đơn, chủ yếu là tên nước ngoài..
“Chính việc nhập vai này người bán và người dùng đã nói thật với mình, nếu như đưa thẻ nhà báo thì không người dân hay đại lý nào tiếp. Vì phần lớn họ sợ bị đưa lên mặt báo, ngại ngùng” – anh Dương Đình Tường tâm sự.
Phản ánh tiêu cực luôn bị sức ép từ nhiều phía, khi tiếp cận và tìm câu trả lời rõ ràng về nội dung này, anh đều gặp nhiều khó khăn. Tất cả các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp đều không muốn nhắc tới. Vì nói ra đồng nghĩa với việc nói về lỗ hổng trong công tác quản lý và trách nhiệm của họ.
Quá trình đăng loạt bài, anh bị một số đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật gọi điện, nhắn tin dọa dẫm. Nhưng điều đó không quan trọng, anh xác định đã theo đuổi đề tài nào thì theo đến cùng, những vi phạm phải được xử lý. Miễn làm sao người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm nông sản sạch theo đúng nghĩa.
Đi hết năm này sang năm kia, từ địa phương này đến địa phương khác, bước chân không mỏi của nhà báo Dương Đình Tường vẫn sải bước trên những cánh đồng ở những vùng quê. Anh không cho phép mình dừng lại vì bạn đọc còn mong đợi những bài viết của anh. Đánh trực diện những tiêu cực, đồng thời tôn vinh những tấm gương nông dân cần cù lao động, sáng tạo, những bài báo của anh qua nhiều năm luôn được Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đánh giá cao.
Nhà báo Dương Đình Tường tâm sự: “Nghề báo là niềm đam mê với tôi, không đi không làm mà ngồi đút chân gầm bàn thì cảm giác khó chịu, khi đi làm tìm kiếm được đề tài hay, dự đoán là sẽ có tác động đến xã hội thì càng là nguồn động viên tinh thần để cố gắng đi và hoàn thiện. Tôi cũng chỉ mong muốn đất nước có một nền nông nghiệp hiện đại hơn, nông thôn văn minh mà vẫn giữ được hồn cốt văn hóa Việt xưa”.
Nguồn: Báo Nhà báo và Công luận