Nhà báo Dương Út và những câu chuyện mang hồn châu thổ trong “Miền Tây dung dị”
- 12/08/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 563
“Miền Tây dung dị” là tập hợp 27 bài phóng sự của nhà báo Dương Út, hiện đang công tác tại Báo Đồng Tháp, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2020.
Chỉ với 27 bài viết nhưng tập phóng sự đã đưa bạn đọc đến xứ bưng biền chín cửa sông với nhiều lớp cảnh sống động về con người, văn hóa, cảnh vật…, khiến độc giả cảm thấy yêu hơn cảnh vật và con người trên dải đất hình chữ S thân yêu.
Dương Út vốn tốt nghiệp thạc sĩ ngôn ngữ học nhưng lại chọn theo nghề báo. Từ năm 2013, khi bước chân vào nghề, với sức trẻ và đam mê nghề nghiệp anh đã rong ruổi khắp miền châu thổ Cửu Long. Những chuyến đi ấy đã được anh thể hiện qua các trang viết với những nhân vật và đề tài gắn bó với mảnh đất dung dị mà hào sảng này. Chỉ mới 8 năm cầm bút, Dương Út đã mang về cho mình khá nhiều giải thưởng: Giải Khuyến khích cuộc thi báo chí về Đồng bằng sông Cửu Long do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức; giải A cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý” năm 2019 với tác phẩm “Ông vua giống lúa miền Tây”; giải Búa liềm vàng giải báo chí về xây dựng Đảng; 2 giải B, 2 giải C, 1 giải khuyến khích của tỉnh Đồng Tháp; 1 giải C báo chí An toàn giao thông…
Đam mê, lăn lộn với nghề, luôn bám sát thực tế cuộc sống, bám sát cơ sở, chịu khó tìm tòi, phát hiện nên những tác phẩm của Dương Út đều mang đậm hơi thở của cuộc sống và có chất lượng. Năm 2019, Dương Út ra mắt cuốn sách đầu tiên mang tên “Nhặt từng con chữ”, tập hợp những bài bút ký – phóng sự trên chặng đường rong ruổi làm báo của mình, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tập phóng sự “Miền Tây dung dị” là cuốn sách thứ hai đánh dấu chặng đường làm báo của Dương Út.
Với 27 tác phẩm, tập phóng sự được chia làm 2 phần: Phần 1 với chủ đề “Ánh sáng giữa đời thường” và phần 2 với chủ đề “Gửi tình vào đất”. 27 câu chuyện trong tập phóng sự là những lát cắt về mảnh đất và con người miền Tây. Dù chưa một lần đặt chân đến mảnh đất này thì qua sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế, ngòi bút chân thật, dung dị của Dương Út bạn đọc sẽ được nhìn thấy một miền Tây mênh mang sông nước bạt ngàn dừa xanh, phù sa bát ngát với sóng lúa rì rào. Một miền Tây với những con người hồn nhiên, vô tư, hào sảng, những giọng dạ thưa ngọt ngào của cô gái xứ bưng biền… Cảnh sắc ấy, con người ấy, chỉ nghĩ đến thôi cũng khiến cho tâm hồn mỗi người cảm thấy thảnh thơi, quên đi hết những mỏi mệt của đời thường.
Những nhân vật trong “Miền Tây dung dị” những con người đôn hậu, chân chất mang đậm bản chất của người miền Tây. Đó là người Bí thư tỉnh ủy “thân dân” Lê Minh Hoan, một người dù là lãnh đạo nhưng luôn gần dân, gắn bó với người dân. Đó là ông Phước “luật sư’, người luôn tham gia thiện nguyện vì cộng đồng. Là bà Tám “hòa giải” ở xứ Long Hậu, Lai Vung , một bà giáo già về hưu đã ở tuổi 81 nhưng luôn trên chiếc xe đạp có mặt ở mọi nơi để làm công tác hòa giải. Bà ôm tất cả mọi việc vào người, từ chuyện tranh chấp đất đai giữa xóm giềng, vợ chồng lục đục, giúp hộ nghèo viết đơn vay vốn…, tất cả chỉ với mong muốn giữ hòa khí xóm làng. Hay đó là ông Huỳnh Khắc Nam, một người có số lần hiến máu lên tới 45 lần, nhiều nhất miền Tây. Đấy là những lão nông hiến hàng nghìn nét vuông đất, góp hàng nghìn công lao động để mở mang đường sá, trường học, dù kinh tế chẳng khá giả, dư dật gì, chỉ với mong muốn duy nhất là quê hương ngày càng khởi sắc, phát triển… Họ, những con người mang đậm nét hào sảng, đôn hậu của người miền Tây, dù là người lãnh đạo hay những con người bình thường nhất đều thật dung dị, luôn dành tình cảm và niềm tự hào về mảnh đất mình sinh ra.
Những nhân vật của Dương Út còn là những con người miền Tây đang góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Những người con của vùng miền Tây sông nước đã trở về vùng đất giáp ranh biên giới – Hồng Ngự – để xây dựng nông nghiệp sạch, bỏ qua rất nhiều cơ hội ở thành phố. Cũng có thể đấy là những người đang cố gắng níu giữ những nghề truyền thống như làm lồng đèn, dệt chiếu cói, làm gốm Chăm… hay những người nông dân đang xây dựng mô hình nông sản sạch, hữu cơ để gây dựng thương hiệu nông sản cho quê hương mình… Vùng đất châu thổ chín rồng vẫn đang vươn lên phát triển, như người mẹ hiền ôm ấp những đứa con sống trên mảnh đất ấy, và họ, những còn người dung dị, đôn hậu, thật thà cũng ngày ngày cố gắng vươn lên để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Thông qua tập phóng sự, với sự quan sát tỉ mỉ và ngòi bút khéo léo của Dương Út, bạn đọc còn được đến với miền Tây cùng những hình ảnh đặc trưng, sinh động như đón lũ, săn chuột đồng, hay về phiên “chợ ma” độc đáo mà chẳng nơi nào có… Dưới ngòi bút của Dương Út, bạn đọc như thấy hiện lên bức tranh đồng quê với không khí săn chuột đồng đầy hào hứng khi những cánh đồng lúa chín vàng đang thu hoạch ở miền Tây. Cùng với đó là nỗi lòng đau đáu của tác giả khi những đặc trưng ấy có thể đang dần mai một.
27 bài phóng sự là 27 bức họa sống động về xứ bưng biền miền Tây sông nước được “vẽ” lên bằng ngòi bút của Dương Út. Đất và người miền Tây hiện lên một cách chân thực, sống động với những con người bình dị, mộc mạc, dễ thương, tử tế và nghĩa tình… tất cả là những câu chuyện cóp nhặt những trải nghiệm từ những chuyến đi của tác giả.
Đam mê, dấn thân với nghề cùng tình yêu sâu nặng với mảnh đất miền Tây đã khiến những câu chuyện Dương Út kể trong “Miền Tây dung dị” lay động trái tim người đọc. Đọc xong tập phóng sự, chắc hẳn sẽ không ít bạn đọc chưa từng được đến miền Tây sẽ mong muốn đến với mảnh đất thương quý này, để được sống với bạt ngàn dừa xanh, mênh mang sóng lúa, phù sa và những con người dung dị, để nghe lòng mình thảnh thơi như sóng nước Cửu Long.
Dương Phạm Ngọc