Nhà văn Dương Hướng: Đời cầm bút viết được 1 cái hay còn hơn viết 10 cái dở
- 20/11/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 5126
“Một đời cầm bút viết được một cái hay còn hơn viết 10 cái dở. Mọi người càng viết nhiều càng sắc sảo, còn tôi viết thấy nhọc nhằn lắm. Mỗi lần ngồi vào bàn viết, tôi thấy cô đơn khổ hạnh như người đi đày vậy”, trích lời nhà văn Dương Hướng.
Sau gần 20 năm, lần thứ 2, tập tiểu thuyết có giá trị lịch sử “Bến không chồng” đã được chuyển thể thành 34 tập phim lên sóng truyền hình với nhan đề “Thương nhớ ở ai” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh.
Là một tác phẩm văn học hiện đại của Việt Nam thời bao cấp, do đó đến tận ngày nay nó nó vẫn còn nguyên giá trị khi được tái hiện lại bối cảnh làng quê Bắc Bộ sau chiến tranh với những mối quan hệ chồng chéo những ý thức hệ cốt lõi đang bị va đập vào nhau.
Những năm 2000, điện ảnh Việt Nam đã từng đón nhận một tác phẩm xuất sắc của phim Việt cũng được chuyển thể cùng tên với các diễn viên gạo cội như diễn viên Như Quỳnh, Minh Châu, Lưu Trọng Ninh…
Nhà văn Dương Hướng được biết đến trong làng văn học Việt Nam từ những năm 1991 khi ông đã vào độ tuổi ngoại tứ tuần. Ông là người Họ Dương, sinh ra cuối những năm 40 của thế kỷ 20 quê ở thôn An Lệnh, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Bén duyên với văn học từ rất lâu, nhưng mãi đến năm 36 tuổi, nhà văn Dương Hướng mới có tác phẩm đăng trên báo Hạ Long. Cũng giống như thế hệ cùng thời, nghệ sỹ ngày ấy, viết văn là niềm đam mê bên cạnh cuộc sống mưu sinh với công việc chính.
Với ông, ban đầu chỉ “thích thì viết”, chứ đâu nghĩ nghiệp văn chương gì. Ông tranh thủ viết mọi lúc, mọi nơi kể cả những thời điểm được luân chuyển ra Trạm liên hợp km 15 – một chốt chặn quan trọng của các lực lượng liên ngành tại Móng Cái nhằm kiểm soát tình hình buôn lậu. Để rồi lần lượt những tác phẩm ra đời, như “Gót son” (tập truyện ngắn), “Bến không chồng” (tiểu thuyết, 1990), “Trần gian đời người” (tiểu thuyết, 1991), “Dưới chín tầng trời” (tiểu thuyết, 2007)…
Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả để làm nên tên tuổi mà người đời biết đến của Nhà văn Dương Hướng vẫn là cái hay trong tiểu thuyết “Bến không chồng”. Người ta nhắc đến Dương Hướng với cái danh xưng là một nhà văn đúng nghĩa hơn là của một nhân viên Hải Quan.
Tác phẩm đưa ông trở nên “tên tuổi” trong làng Văn học Việt Nam (cũng là tác phẩm đầu tay) khiến giới nghệ sỹ nhắc đến nhiều trong năm 1990 và cả sau này đó là: “Bến không chồng”. Sự góp mặt của “Bến không chồng” năm đó (còn có 2 tác phẩm khác Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh) làm nên một bộ ba sáng giá trong văn học mở đầu thập niên 90, năm năm sau khởi động của công cuộc Đổi mới. Để rồi một năm sau đó, năm 1991 “Bến không chồng” cùng 2 tác phẩm trên “ẵm” giải thưởng của Hội Nhà Văn.
Hơn một phần tư thế kỷ trôi qua, “Bến không chồng” không chỉ có vậy. Nó còn là một mảng chiến tranh diễn ra tại hậu phương và cũng khốc liệt không kém cuộc chiến tranh ở tiền phương, kéo dài từ sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954), qua cuộc “Cải cách ruộng đất”, đến tận ngày Việt Nam thống nhất (1975). Nó cũng mang trong lòng nó thân phận con người của cả một giai đoạn lịch sử trên hai thập kỷ bi tráng của dân tộc.
Điều đáng mừng và đáng bàn nữa: “Bến không chồng” không phải là tác phẩm có giá trị nhất thời. Vì thế mà không phải ngẫu nhiên, trải qua sự thử thách của thời gian, nó đã được tái bản tới 14 – 15 lần, được Nhà xuất bản Trẻ mua bản quyền 5 năm, được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh (phim nhựa hẳn hoi) và mới đây, nó được lần thứ 2 chuyển thể vào phim truyền hình dài 34 tập. Không chỉ có thế, “Bến không chồng” còn được xuất bản ở Pháp, ở Đức. Và từ đó, nhân vật Nguyễn Vạn đã trở thành “nhân vật văn học”. Bên cạnh đó, “Bến không chồng” còn là xuất phát, là căn cứ, là nguồn tư liệu quý cho nhiều luận văn, luận án ra đời.
Quan điểm cầm bút của Nhà văn Dương Hướng: “Một đời cầm bút viết được một cái hay còn hơn viết 10 cái dở. Mọi người càng viết nhiều càng sắc sảo, còn tôi viết thấy nhọc nhằn lắm. Mỗi lần ngồi vào bàn viết, tôi thấy cô đơn khổ hạnh như người đi đày vậy”. Nhìn lại “Bến không chồng”, Dương Hướng bảo: “Trước khi sinh hạ, nó cũng có số phận của nó đấy. Đằng sau việc xuất bản nó là cả một câu chuyện dài, cũng có kịch tính với một số tình tiết hồi hộp, lo âu lắm”.
Sau “Bến không chồng” tác phẩm cùng thể loại cũng làm nên tên tuổi của Dương Hướng như “Trần gian đời người”, sau tái bản đổi tên là “Bóng đêm và mặt trời” và hai tập truyện ngắn nữa. Nhưng tất cả đều bị cái “Bến không chồng” dìm cho chìm nghỉm. Đến 15 năm sau khi “Bến không chồng” ra đời Dương Hướng cũng đau đáu một tác phẩm và được Hội nhà văn xuất bản đó là tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời”, đây cũng là tác phẩm được đạo diễn Lưu Trọng Ninh có ý định chuyển thể đan xem vào trong các tập “Thương nhớ ở ai” tuy nhiên đến phút cuối thì ông lại từ chối vì bối cảnh và nhân vật.
Như Cương