Ông Dương Văn Mạnh – Người “Giữ gìn bóng quê nhà”

     Gần 50 năm giữ gìn, sưu tầm những cổ vật, kỷ vật, ông Dương Văn Mạnh (sinh năm 1958), ở Hội Kỳ, Hải Chánh, Hải Lăng (Quảng Trị) có trong tay hàng trăm cổ vật, kỷ vật quý hiếm, trong đó có nhiều thứ được xem là “độc nhất vô nhị”. Những cổ vật, kỷ vật ấy chứa đựng bên trong một câu chuyện và ý nghĩa khác nhau, phản ánh đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất và truyền thống của quê hương, của nếp nhà xưa… 

     Giữ nếp nhà xưa 

     Ngôi nhà rường với tuổi đời trên 120 năm của ông Dương Văn Mạnh nằm bên dòng sông Ô Lâu thơ mộng, trữ tình. Không riêng gì chúng tôi mà nhiều người khi đến đây đều bị mê hoặc trước những cổ vật, kỷ vật được ông Mạnh lưu giữ. Ông Mạnh sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt làm quan nên ông được thừa hưởng nhiều điều tốt đẹp từ cha ông. “Tôi được dạy bài học về chữ hiếu, đạo làm con để trở thành người sống trọn tình nghĩa, luôn nhớ về nguồn cội. Năm lên 6, 7 tuổi, tôi muốn thể hiện đạo hiếu đó bằng việc giữ gìn những kỷ vật của cha ông để lại”, ông Mạnh kể lại. Nhiều người khi thấy ông có sở thích sưu tầm những vật dụng như ly, chén, bát… là những đồ dùng sinh hoạt phổ biến trong cuộc sống hàng ngày mà nhà nào cũng có, thậm chí cả những thứ người ta bỏ đi thì lấy làm lạ. Có người khuyên nên từ bỏ ý tưởng đó bởi những đồ mà ông sưu tầm không có giá trị gì, lại còn làm chật chội nhà cửa. “Lúc bấy giờ, kinh tế của nhiều gia đình khá giả hơn nên những vật dụng hiện đại trong nhà dần được thay thế, gia đình tôi cũng nằm trong xu thế đó. Tuy nhiên, thay vì vứt bỏ đi thì tôi giữ lại, với suy nghĩ rằng biết đâu vài chục năm sau những đồ vật này sẽ trở nên giá trị”, ông tâm sự. Căn phòng nhỏ của cậu bé Mạnh ngày ấy đã trở thành nơi cất giữ những đồ dùng, vật dụng sinh hoạt còn được sử dụng, hoặc bị vứt bỏ. Bên cạnh đó, ông còn sưu tầm các đồ dùng khác như cối đá, chày giã gạo, khay đồng, nồi đồng… ở khắp nơi trong làng.

Ông Mạnh kể cho người dân về nguồn gốc của những cổ vật, kỷ vật được ông lưu giữ

     Khi lớn lên, vì sự học và mưu sinh, ông Mạnh đã rời xa gia đình, làng quê. Trong khoảng thời gian ấy, ông luôn dặn người nhà khi thay thế đồ dùng gì thì không được bỏ đi. Sau nhiều năm xa quê nhà, ông trở về để tiếp tục làm trọn chữ hiếu với ông bà tổ tiên trong việc thờ tự, chăm lo cho gia đình. “Việc đầu tiên sau khi tôi trở về nhà là đi một vòng quanh ngôi nhà rường, xem lại những nơi nào hư hỏng để lên phương án sửa chữa, kiểm tra lại tài sản của tổ tiên để lại như ấn triện của ông nội khi làm Chánh tổng An Thư, các văn kiện của vua Thành Thái… rồi tiếp tục đến căn phòng lưu giữ các đồ vật, kỷ vật mà tôi cất công sưu tầm. Tôi có cảm giác, những báu vật của cha ông để lại và những kỷ vật mà tôi đầu tư nhiều công sức giữ gìn trước đây khi sắp xếp cạnh nhau như một bức tranh quê hương thu nhỏ. Điều đó khiến tôi rất hạnh phúc”, ông nói. 

     “Bảo tàng” hồn quê 

     Nhìn từng cổ vật, kỷ vật mà ông Mạnh đầu tư nhiều tâm huyết, công sức giữ gìn, sưu tầm mới thấy hết tấm lòng của ông đối với gia đình, quê hương. Ông Mạnh cũng như những người sưu tầm đồ cổ có một điểm chung đó là đam mê với những món đồ xa xưa. Tuy nhiên, khác với họ, ông sưu tầm những món đồ cổ, kỷ vật gắn bó chặt chẽ với cuộc sống hàng ngày của gia đình, quê hương. Theo ông Mạnh, những đồ vật đó đều có những sự tích, câu chuyện riêng của nó, phản ánh quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất, phong tục tập quán của làng quê, gia đình…

Ngôi nhà rường cổ kính trên 120 năm

     Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà rường, ông Mạnh tự hào kể, ngôi nhà được xây dựng vào năm 1889 với kiến trúc 3 gian, 2 chái, 4 mái lợp so le 9 lớp ngói liệt với hơn 10 vạn viên. Nhà có bề ngang 12,3 m, rộng 9,5m, hình chữ đinh, 18 lá cửa ban khoa được chia thành ba cụm tạo sự cân đối cho ngôi nhà… Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian, ngôi nhà vẫn được ông giữ gìn nguyên vẹn. Bước vào ngôi nhà rường, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi chính là bức hoành phi Tích Khánh Đường, viết bằng chữ Hán (tạm dịch Hội tụ niềm vui) được treo ở vị trí trang nghiêm chính giữa ngôi nhà. Bàn thờ tổ tiên được sắp xếp hợp lý, hài hòa ở gian giữa. Trên bàn thờ vẫn còn nguyên nhiều bộ lư đồng, chân đèn, bát nhang… của cha ông để lại. Bốn bức liễn được treo ngăn nắp ở bốn cột trụ chính trong nhà, với những dòng chữ khuyên dạy con cháu bằng chữ Hán, tạm dịch là: “Con cháu xây dựng phúc ấm vĩnh cửu. Để tiếng thơm lưu truyền cõi thiên thu. Sống có hiếu mang đức sáng truyền lại. Thi thơ vẹn toàn xứng danh gia tộc”. Trong ngôi nhà cổ, ông Mạnh còn bố trí từng gian phòng trưng bày đồ cổ, kỷ vật nhằm giúp người xem có thể dễ dàng quan sát, hiểu rõ về từng cổ vật, kỷ vật. Nhiều cổ vật của ông xác định mốc thời gian cụ thể nhưng cũng có cổ vật, kỷ vật chưa xác định được thời gian, bởi có từ thời xa xưa. Như các bức trướng treo trang trọng trên bàn thờ, hay các văn bằng, bút tích chữ Hán từ thời vua Thành Thái… mà ông chỉ nghe kể là có trước khi ngôi nhà được xây dựng. Vì thế, ông dốc hết sức hết lòng để sưu tầm, giữ gìn cổ vật tổ tiên để lại, xem như tài sản vô giá. Ông chia sẻ: “Không có gì vui và hạnh phúc hơn khi được giữ gìn và phát huy những tinh hoa của cha ông để lại. Đây chính là cầu nối đưa tôi trở về với truyền thống gia đình, với nét đẹp văn hóa quê hương”. 

Các văn bằng, bút tích chưc Hán từ thời vua Thành Thái được ông Mạnh tâm huyết giữ gìn

     Nhiều người khi tận mắt chứng kiến “bảo tàng” của ông Mạnh đã không kìm nén được cảm xúc, bày tỏ lòng tự hào và khâm phục. Ông Mạnh đã giúp nhiều người mở rộng tầm hiểu biết, trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích thông qua những cổ vật, kỷ vật. Ông Dương Văn Cho, trưởng thôn Hội Kỳ, cho biết: “Mỗi cổ vật, kỷ vật mà ông Mạnh sưu tầm đều có nét độc đáo khác nhau, giúp mọi người hiểu thêm mảnh đất và con người Hội Kỳ ngày xưa cũng như nhiều vùng miền, quê hương khác. Riêng tôi, khi bước chân vào trong ngôi nhà rường, nhìn những cổ vật, kỷ vật quý hiếm có cảm giác như ngược dòng thời gian, trở về với cuộc sống làng quê ngày trước”. 

     Nâng niu từng đồ cổ, kỷ vật trên tay, ông Mạnh tâm sự: “Những việc làm này là sự tri ân, báo hiếu với ông bà tổ tiên và giúp đời sau biết rõ về làng quê xưa, từ đó hiểu thêm về nét đẹp văn hóa của làng quê mình”. Với những việc làm của ông Mạnh, nếp nhà xưa và vẻ đẹp làng quê truyền thống đã được lưu giữ hôm nay và chắc sẽ còn giữ mãi trong tâm khảm nhiều thế hệ, trường tồn trong dòng chảy thời gian… 

Theo báo Quảng Trị – Dương Thanh sưu tầm

 

 

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com