PGS.TS Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An: Cháy sáng ngọn lửa nghề
- 15/03/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 825
Nghề y được coi là một ngành nghề đặc biệt, cao cả, đồng thời cũng hết sức nhạy cảm… Nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với PGS.TS Dương Đình Chỉnh – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An.
PV: Được biết, ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay, ngành Y tế Nghệ An không tổ chức các hoạt động kỷ niệm để tập trung phòng, chống Covid-19. Xin ông cho biết cụ thể hơn về chủ trương này?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là một ngày quan trọng, rất ý nghĩa đối với ngành Y tế. Theo truyền thống hàng năm, thì ngày này, ngành Y sẽ tổ chức mít tinh, kỷ niệm, các hoạt động chào mừng, ôn lại truyền thống của ngành. Tuy nhiên, cũng như năm 2020, ngày 27/2 năm nay đến trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội. Ngành đã tham mưu cho tỉnh ban hành những văn bản hạn chế việc tập trung đông người, trong đó có việc hạn chế hội họp… Vậy nên, ngành Y tế chúng tôi thiết nghĩ bản thân phải làm gương cho tất cả các cấp, ngành khác.
Ngoài việc không tổ chức các hoạt động mít tinh, tọa đàm tại Sở Y tế, ngành Y tế cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị dừng tất cả các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa văn nghệ, thể thao chào mừng. Hoạt động ý nghĩa lớn nhất trong dịp 27/2 này chính là toàn ngành tập trung toàn lực cho việc phòng, chống dịch bệnh. Ngay từ những ngày đầu năm, ngành đã tổ chức họp trực tuyến 33 đầu cầu đơn vị y tế triển khai công tác phòng, chống dịch và các hoạt động khám chữa bệnh. Các nhiệm vụ đã được quán triệt một cách cụ thể. Từ đó, tất cả các hoạt động trong lĩnh vực y tế đều đã được vào guồng một cách mạnh mẽ. Các cấp độ phòng, chống dịch đã được kích hoạt ở tất cả các địa phương, đơn vị trong ngành. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng sao nhãng tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” hay vui ngày kỷ niệm mà lơ là chống dịch, khám chữa bệnh.
PV: Việc không được tham gia các hoạt động kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam chỉ là một phần rất nhỏ trong rất nhiều sự thiệt thòi mà mỗi người hành nghề y phải trải qua. Ông có thể cho biết rõ hơn về những sự hy sinh lặng thầm của người thầy thuốc?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Nghề y là một ngành nghề đặc biệt, cao cả khi thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung. Bên cạnh đó, nghề y cũng hết sức nhạy cảm khi mà người hành nghề luôn phải tiếp xúc với bệnh nhân đang ở một trạng thái đặc biệt (trạng thái đau ốm, mệt mỏi, tổn thương về thể chất và tinh thần).
Ngành Y có nhiều lĩnh vực, trong đó có 2 lĩnh vực chính là dự phòng và điều trị. Với những người thầy thuốc làm trong lĩnh vực dự phòng có những sự hy sinh thầm lặng rất riêng. Họ vẫn hàng ngày âm thầm chiến đấu với hàng trăm loại dịch bệnh. Thực tế đã thấy chỉ khi nào dịch bệnh bùng phát chúng ta mới “thấy rõ” phần nào vai trò của họ, mà không biết những người thầy thuốc lĩnh vực dự phòng đã bao vây, dập dịch thành công nhiều loại, ổ dịch trước đó. Chẳng kể đêm ngày, lễ, tết, khi có những trường hợp nghi ngờ dịch bệnh thì lập tức họ có mặt ngay, mặc bản thân cá nhân và gia đình còn nhiều việc quan trọng khác.
Đơn cử như những người thầy thuốc ở các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TX Hoàng Mai và các địa phương khác trong Tết vừa qua đã lăn xả, quên Tết để phòng, chống dịch Covid-19 khi có các trường hợp nghi ngờ… Phải nói rằng sự hy sinh của người thầy thuốc dự phòng rất thầm lặng, nhiều khi xã hội chưa chắc đã nhìn nhận ra và tôn vinh phù hợp. Dẫu vậy, mang cái tâm sáng với nghề, người thầy thuốc dự phòng vẫn mạnh mẽ, lặng lẽ tiến lên, xem nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh là mệnh lệnh từ trái tim để nỗ lực và chiến thắng.
Trong lĩnh vực điều trị, sự hy sinh của người thầy thuốc được nhìn nhận rõ nét hơn. Đó là để cứu sống một bệnh nhân “thập tử nhất sinh”, người thầy thuốc và cả ê-kíp đã phải ngày đêm vất vả. Rồi người bác sĩ phải đứng mổ xuyên ngày; công việc đó cứ liên tục, liên tục mà họ phải quên đi dịp lễ, tết, ngày nghỉ. Tuy nhiên, đây chỉ là sự hy sinh “bên ngoài”, trong sâu thẳm tâm hồn những người thầy thuốc còn có những mất mát khác. Như chúng ta đã biết, trong quá trình hành nghề y vẫn luôn có những rủi ro ngoài mong muốn, đó là tai biến y khoa. Những tai biến xảy ra phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chính những tai biến y khoa do nguyên nhân khách quan hay chủ quan đó đã, đang và vẫn luôn ảnh hưởng đến tâm lý, ám ảnh người thầy thuốc…
Bây giờ, xã hội đã có những sự ghi nhận đúng, xác đáng về ngành Y. Bản thân người thầy thuốc đã thấy mình đỡ thiệt thòi, vẫn luôn cảm ơn về sự ghi nhận đó. Tuy nhiên, những người thầy thuốc vẫn mong muốn được nhận thêm những sự động viên từ cộng đồng xã hội… Ngành Y đã, đang có nhiều bước phát triển. Song trong bức tranh tươi sáng đó vẫn còn có những mảng tối, những “con sâu làm rầu nồi canh”. Ngành Y tế Nghệ An sẽ kiên quyết xử lý, dẹp bỏ những mảng tối và con sâu đó. Nhưng ngược lại, mong rằng xã hội có thêm cái nhìn độ lượng, thông cảm đối với những cán bộ ngành Y tế trong thời điểm hiện nay.
PV: Trong thời điểm hiện nay, bộ máy biên chế ngành Y thu gọn mà lượng công việc càng nhiều, phức tạp hơn. Nhiều đơn vị thực hiện tự chủ tài chính, có đơn vị thành công, có đơn vị chưa đạt kết quả mong muốn. Thu nhập của cán bộ y tế thực tế không cao, xuất hiện tình trạng “chân ngoài, chân trong”. Ngành Y tế đã, đang và sẽ có những giải pháp nào nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần qua đó để giúp đỡ cán bộ, nhân viên y tế chuyên tâm, chuyên chú với nghề?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Tâm nguyện của một người hành nghề y là có một môi trường làm việc có nhiều điều kiện thực hành, hành nghề và được cống hiến. Chính vì vậy, lâu nay, các đơn vị công lập vẫn thu hút được nhiều bác sĩ mới ra trường hơn. Các đơn vị ngoài công lập thì số lượng bệnh nhân, mặt bệnh không phong phú bằng, cũng như điều kiện để hành nghề chưa tốt bằng.
Các bác sĩ vẫn luôn mong muốn có một môi trường để yên tâm công tác. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành Y tế Nghệ An đã rất chú trọng đến việc cải thiện môi trường làm việc. Trong đó, tạo điều kiện tối đa cho các bác sĩ được hành nghề với khả năng của họ; cải thiện điều kiện ăn, ở, điều kiện hoạt động tại các cơ sở y tế; cùng với đó là nâng cao chất lượng quản lý bệnh viện. Ngành vẫn đặt việc xây dựng môi trường làm việc tốt là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Nếu các đơn vị y tế không đầu tư tốt cho môi trường làm việc thì tình trạng chảy máu chất xám, “chân trong, chân ngoài” sẽ còn diễn ra nhiều.
Bên cạnh vấn đề môi trường làm việc, thì vấn đề thu nhập và đời sống của cán bộ, nhân viên y tế là điều mà ngành Y tế Nghệ An đang trăn trở, lo lắng. Song, để nâng cao thu nhập, đời sống thì vẫn phải chờ thời gian chứ không thể cải cách, cải thiện trong một sớm một chiều. Ở những bệnh viện lớn, bệnh nhân đông thì việc thực hiện tự chủ rất tốt. Ở những đơn vị khác thì ngành, lãnh đạo đơn vị cần cố gắng hơn nữa. Ngành đã và đang khuyến khích các bệnh viện cần triển khai nhiều mô hình dịch vụ chính đáng trong quy định pháp luật cho phép, cố gắng tiết kiệm, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh thu hút bệnh nhân để nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên, giữ chân và thu hút bác sĩ giỏi. Để làm được điều này, người đứng đầu đơn vị cần phải thật năng động, quản trị thật tốt, tạo nên cơ sở y tế hiện đại, bền vững. Ngành sẽ chú trọng công tác đào tạo, bố trí nhân sự phù hợp.
PV: Cũng như nhiều ngành nghề khác, bên cạnh vấn đề đời sống, các cán bộ ngành Y đều có nhu cầu được động viên và tôn vinh. Ngành Y tế Nghệ An đã xây dựng phương hướng, giải pháp như thế nào để đáp ứng nhu cầu chính đáng đó?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Thực tế lâu nay, việc khích lệ, tôn vinh người tốt, việc tốt dẫu đã được chú trọng nhưng cần phải được thực hiện tốt hơn nữa. Thời gian tới, ngành sẽ đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về các tấm gương điển hình trong ngành, ví dụ như việc cán bộ y tế hiến máu cứu người bệnh… để cho toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động trong ngành và toàn xã hội được biết.
Qua việc truyền thông để thắp lên ngọn lửa yêu người, yêu nghề tạo nên sự lan rộng, lan tỏa. Bên cạnh đó, ngành sẽ quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên, người lao động trong ngành Y tế “vừa hồng, vừa chuyên”, “Lương y như từ mẫu”, luôn sẵn sàng hy sinh vì người bệnh. Ngoài ra, tiếp tục tổ chức nhân rộng các mô hình hay, các phong trào thi đua và hoạt động biểu dương, khen thưởng.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Nghệ An