Phải chăng Trạng nguyên Đào Sư Tích có cùng nguồn gốc với Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ và Cổ Lễ (Nam Định), nơi dung thân của hai thế hệ một dòng họ?

Phải chăng Trạng nguyên Đào Sư Tích có cùng nguồn gốc với Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ và Cổ Lễ (Nam Định), nơi dung thân của hai thế hệ một dòng họ?

PGS.TS, Nhà giáo nhân dân: Dương Hồng Quý

        Theo sử các triều đại Việt Nam và gia phả họ Lý họ Dương thì vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127) không có con trai, lập con của Sùng Hiền Hầu, Dương Hoán làm Thái tử kế vị ngôi hoàng đế, tức vua Lý Thần Tông. Như vậy Thần Tông mang quốc tính họ Lý, tên thật là Dương Hoán, con ông Dương Công Khanh (1) làm quan được phong Tước Sùng Hiền Hầu thời Lý Nhân Tông. Ông Dương Công Khanh sinh 1 gái là : Dương Thị Huệ Nương, 2 trai là Dương Hoán và Dương Tự Minh.

        Lý Thần Tông (Dương Hoán) sinh được 2 người con trai là Thiên Lộc (con trưởng) và Thiên Tộ (con thứ). Khi Thần Tông mất có di chiếu lại cho Thiên Tộ lên ngôi vua, kế vị khi mới 3 tuổi, hiệu là Anh Tông. Lý Thần Tông lập Thiên Tộ làm vua, bỏ Thiên Lộc là bỏ trưởng lập thứ. Thường tình, như vậy triều đình dễ lục đục, nhưng vì có di chiếu của vua cha và các công thần giỏi nên vẫn giữ được ổn định.

        Lý Anh Tông có 2 con trai là Long Sưởng và Long Hãn (hay Long Trát). Khi Vua mất có di chiếu cho Long Hãn con thứ lên ngôi lúc mới 3 tuổi, hiệu Lý Cao Tông. Long Sưởng con cả đành lui về quê sinh cơ lập nghiệp. Ông sinh được 7 người con trai là: Lý Long Cao, Lý Long Chính, Lý Long Tích, Lý Long Tính, Lý Long Tình, Lý Long Tường, Lý Long Tự.

        Như vậy triều Lý do Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ) khởi dựng từ 1010 tới khi Lý Nhân Tông mất 1127 thì chuyển sang cho Dương Hoán mang quốc tính họ Lý, kế vị vua tức Lý Thần Tông 1128, cho tới lúc kết thúc triều đại là Lý Chiêu Hoàng 1225. Giai đoạn đầu có 4 đời vua họ Lý kéo dài 117 năm, giai đoạn sau có 5 đời vua họ Lý gốc Dương kéo dài 98 năm.

        Tôi đọc một tộc phả của làng Dương Phạm – Ý Yên – Nam Định thì biết Dương Hoán là cháu 6 đời của cụ Dương Đình Thiện. Cụ Thiện sinh được 2 người con trai, cả là Dương Đình Tín, thứ là Dương Đình Nghệ (có tài liệu nói còn người thứ ba là Dương Đình Nghiệp). Dương Hoán là đích tôn, hậu duệ dòng cụ Dương Đình Tín.

        Khi Lý Chiêu Hoàng phải nhường ngôi cho Trần Cảnh, tức vua Thái Tông triều Trần với sự thu xếp của Trần Thủ Độ, và thực sự cũng là người điều hành triều chính. Trần Thủ Độ một mặt thu phục các thế lực đối địch, mặt khác ông tìm  cách triệt hạ những người mà ông cho là có thể phản nghịch, là người họ Lý, họ Dương. “Sử sách phong kiến thường coi Trần Thủ Độ như một quyền thần vô học, có tài mà không có đức, có công với triều Trần nhưng có tội với triều Lý. Chuyện rằng: Năm Nhâm Thìn (1232) nhân làm lễ Tiên hậu nhà Lý ở thôn Thái Đường (Đông Ngàn – Bắc Ninh), Thủ Độ sai làm nhà lá ở trên các hố để đến  khi các tôn thất nhà Lý vào tế thì bị sụt cả xuống, rồi lấy đất đổ lên chôn sống.” (2)

        Bảy anh em con Lý Long Sưởng thì Lý Long Cao, Lý Long Chính, Lý Long Tính, Lý Long Tình bị giết, người con thứ ba là Lý Long Tích chạy lên vùng Yên Dũng – Bắc Giang và đổi tông tích, đấy chính là Đào Dương Bật, còn 2 người Lý Long Tường và Lý Long Tự chạy sang Trung Quốc, sau chạy sang Hàn Quốc.

        Trong một bài viết về các nhà khoa bảng Nam Hà của Mai Khanh và Trần Văn Bình (Bảo tàng Nam Hà) trong tập kỷ yếu hội thảo “Thời Trần và Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn trên quê hương Nam Hà, 1995” có viết “Đào Sư Tích không rõ ông sinh và mất năm nào, người xã Cổ Lễ, huyện Tây Chân (có tài liệu nói huyện Nam Chân), phủ Thiên Trường, nay là thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Nguyên quán vốn làng Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang ngày nay, về sau mới di cư về sinh sống ở Cổ Lễ cùng cha. Căn cứ vào ý kiến trên thì Đào Sư Tích là cháu 4 hoặc 5 đời của Lý Long Tích.

        Hiện nay ở Cổ Lễ có ngôi đền thờ Đào Sư Tích, thờ chung với cha ông là Đào Toàn Bân (có sách chép là Đào Toàn Mân, Đào Kim Bản). Đào Sư Tích là con thứ của ông. Ngôi đền 3 gian, quay lưng hướng Tây, chính giữa thờ hai ông Đào. Hai bên thờ Tiến sĩ Dương Công Bật và vị Hương Cống. Tháng sáu, niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1856), đệ tam giáp đồng tiến sĩ Ngô Thế Vinh soạn bài văn khắc bia, tuyên đương Đào Sư Tích, Đào Toàn Bân:

“Bến sông Cổ Lễ

Thờ hai hiền tài

Tiến dâng hương hỏa

Quân tử đời sau

Nay có đền mới

Mọi người nhớ ghi

Để mong nhiều phúc

Noi gương sáng đẹp”

        Khoa thi Giáp Thìn đời Trần, Đào Toàn Bân đỗ hương cống. Rồi về sau, không thấy sách nói rõ ở khoa thi nào, ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ. Được bổ nhiệm chức Tri thẩm hình viện sứ cùng với Đào Sư Tích hai cha con là quan đồng triều. Ông thọ 76 tuổi.

        Đào Sư Tích dự kỳ thi Hương, tiếp đến thi Hội đều đỗ đầu, tháng hai năm giáp Dần niên hiệu Long Khánh (1374) đời vua Trần Duệ Tông, ông dự kỳ thi Đình đỗ Trạng nguyên cùng với hai vị tam khôi là Lê Hiến Phủ bảng nhãn, Trần Đình Thâm Thám hoa. Tháng 5 – 1381 Đào Sư Tích được bổ giữ chức Nhập nội hành khiển hữu ty lang trung. Khoảng niên hiệu Quang Thái, đời vua Trần Thuận Tông (1388 – 1398), chán cảnh nghịch thần chuyên quyền, ông bỏ quan về quê, mở nghề làm thuốc và dạy học. Ông mất năm 49 tuổi tại quê, ghi nhớ công đức của ông, vua phong là Phúc Thần.

        Lại nói về Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, ông sinh được hai người con, gái cả là Dương Thị Như Ngọc (vợ Ngô Quyền), trai là Dương Tam Kha. Ông làm Tiết độ Sứ 6 năm (từ 931-937), bị nha tướng Kiều Công Tiễn – hào trưởng đất Phong Châu giết hại. Kiều Công Tiễn còn cầu cứu nhà Nam Hán sang xâm chiếm nước ta, đã bị Ngô Quyền, được Dương Tam Kha trợ giúp, đánh tan quân Nam Hán tại trận Bạch Đằng, sau đó xưng Vương (938).

        Sau khi Ngô Quyền mất, con là Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn còn ít tuổi, Dương Tam Kha đã giành lại ngôi vua và xưng là Bình Vương, tại vị 6 năm (945 – 950). Khi Ngô Xương Văn được Dương Tam Kha sai đi dẹp loạn thì đã cùng tướng Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc quay về bắt Dương Tam Kha. Nể tình cậu cháu nên Ngô Xương Văn không giết mà giáng xuống làm Chương Dương công, ban cho một vùng đất phía nam thành Cổ Loa, Dương Tam Kha đã cải tạo vùng hoang hóa thành vùng quê, tức xã Chương Dương, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông cũ.

        Sau một thời gian ở Chương Dương, Dương Tam Kha đã đưa gia quyến dời về phía nam, đến miền Giao Thủy, nay là Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, Nam Định. Gặp nơi phong cảnh hữu tình, dân thuần tục hậu, ông đã dừng chân ở lại nơi đây và đổi tên là Dương Tùng Khê để dấu tông tích. Ông đã dạy dân canh tác, đắp đê phòng lụt, khai sông ngòi làm thủy lợi, được mùa liên tiếp để lại nhiều công đức. Sau khi mất dân làng lập đền thờ tôn làm “Đương cảnh phúc thần”. Đền thờ có nhiều sắc phong, tính đến đạo sắc phong ngày 21 tháng 5 niên hiệu Cảnh Thịnh thứ tư (1790) Tùng Khê Đại vương đã có tới 54 mỹ tự. Duệ hiệu của thần là: Hậu đức, Chí nhân, Anh Du, Cảnh Lược Tùng Khê Đại Vương”. Gia tặng “Đoan túc, Dực bảo Trung hưng tôn thần”. Trong đền có nhiều câu đối như:

Đằng giang nhất trận, kiếp phong thanh, uy chấn nam nhi bắc

Cổ Lĩnh tứ thời, hướng trở đậu, linh thanh cổ cập kim.

Tạm dịch:

Sông Bạch Đằng một trận, sóng yên gió lặng, oai hùng dội nam bắc làng Cổ Lĩnh (tên gọi xưa, nay là Cổ Lễ) bốn mùa hương khói, thờ cúng nổi tiếng linh thiêng xưa đến nay.

Hay:

Khuông phù Ngô chủ, lập Nam bang thiên thu hách trạc

Trảm diệt Hoàng Thao, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong.

Tạm dịch:

Dốc phù Ngô chủ (Ngô Vương Quyền), dựng nước Nam, nghìn thu hiển hách

Chém diệt Hoàng Thao, trừ giặc Bắc, lịch đại bao phong.

        Thế là giữa và cuối thế kỷ thứ X (khoảng từ 960 đến 980) mảnh đất Cổ Lễ đã đón nhận Dương Tam Kha khi ông đã bị giáng chức, lấy hiệu Dương Tùng Khê, lui về ẩn dật, lập tam ấp. Rồi tới giữa và cuối thế kỷ 14 mảnh đất đầy lòng nhân ái và giàu văn hiến lại đón người trung thần lập nghiệp, với những biến động to lớn, cũng phải thay tên đổi họ. Đó là Đào Sư Tích, trước nạn tru di tam tộc, diệt những người họ Lý, họ Dương của Thái sư Trần Thủ Độ. Cho mãi về sau, khi thời thế đã yên bình thì con cháu họ Đào mới lấy lại họ gốc là họ Dương.

        Hiện tại ở Cổ Lễ có hai nhà thờ của 2 dòng họ Dương, con cháu của 2 dòng họ này có thể lấy nhau được. Một lịch sử phức tạp, tranh giành quyền binh, sát hại lẫn nhau, phải thay đổi nơi ở, thay đổi họ tên mà không biết được cội nguồn. Sự ngộ nhận ấy qua bao thế kỷ không được minh xét.

        Nếu việc khảo sát và nghiên cứu những tư liệu bảo tàng, cũng như những tộc phả trên đây (trước mắt là tộc phả làng Dương Phạm, Ý Yên, Nam Định và tộc phả 2 dòng họ Dương ở Cổ Lễ) sẽ là những cái nút để minh chứng lịch sử. Đó là:

        – Dòng họ Dương Tam Kha ở Cổ Lễ còn gọi là Dương Cả. Phải chăng Dương Tam Kha về lập ấp trước (thế kỷ thứ X) so với gia đình Đào Sư Tích (thế kỷ XIV) nên gọi là “cả”.

        – Dòng họ Đào Sư Tích là họ Đào – Phạm – Dương đến sau nên gọi là Dương Nhì.

        Như vậy hai dòng họ này có cùng một cội nguồn. Cụ Tổ chung là Dương Đình Thiện, sinh ra 2 người: con Trưởng là ông Dương Đình Tín, Tổ của Dương Hoán Lý Thần Tông, có hậu duệ là Đào Sư Tích; thứ là Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, thân phụ của Bình vương Dương Tam Kha.

Chú thích:

(1) Tộc phả họ Dương Phạm, Ý Yên, Nam Định

(2) Các triều đại Việt Nam – Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng trang 94

Hà Nội, tháng 10 – 2002

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com