Phía sau kho báu ảnh tư liệu của Dương Minh Long

Cuộc trò chuyện của nhà báo Nguyễn Thế Thanh và nhiếp ảnh gia Dương Minh Long diễn ra giữa hai chuyến bay Hà Nội – TP.HCM và TP.HCM – Huế của anh trước và sau khi khép lại triển lãm ảnh “Trịnh Công Sơn – Lần đầu gặp lại” (3.2023, Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM và Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, Huế). Triển lãm này là lần đầu tiên Dương Minh Long công bố 35 bức ảnh trong số hơn 9.000 tấm phim màu và phim đen trắng anh đang sở hữu về cố nhạc sĩ… 

Không chỉ nói về khoảng thời gian 11 năm Dương Minh Long được gần gũi và chụp hình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cuộc trò chuyện còn dừng khá lâu ở những câu chuyện tản mạn về con đường làm nghề của anh cùng sự đau đáu chưa lúc nào dứt về trách nhiệm tự thân đối với công việc lưu trữ ảnh tư liệu quốc gia.

Ở lễ khai mạc triển lãm “Trịnh Công Sơn lần đầu gặp lại”, anh nói nhà thơ Nguyễn Duy là người bắc cầu để anh đến với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?

Đúng là như vậy.Tôi quen anh Nguyễn Duy từ năm 1988 ở Moscow. Anh Duy sang một thời gian ngắn còn tôi thì ở đó lâu hơn và chưa định ngày về. Xem ảnh của tôi, anh Duy tỏ ra rất quan tâm cách tôi chụp thiên nhiên và con người trong đời sống xã hội. Anh đề nghị tôi làm một triển lãm cá nhân tại Việt Nam trong khi tôi chưa thể thu xếp về nước.

Không sao, anh bảo, tôi chỉ cần gửi ảnh về, còn anh sẽ tự lo hết việc tổ chức cuộc triển lãm ở TP.HCM. Đó là năm 1990. Triển lãm ảnh Dương Minh Long đến ngày khai mạc mà tác giả thì vẫn còn ở Moscow.

Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long tại triển lãm ảnh “Trịnh Công Sơn – Lần đầu gặp lại”. Ảnh: Minh Hòa

Hai tuần sau, khi tôi thu xếp bay về được thì triển lãm đã cận kề ngày bế mạc. Cũng chính anh Duy đã lại ra tay sắp xếp để buổi bế mạc đông vui hơn, trang trọng hơn cả khai mạc với đông đủ những người nổi tiếng trong giới văn nghệ và những người yêu mến nhiếp ảnh.

Chính tại buổi bế mạc triển lãm ảnh đầu tiên của tôi tại Việt Nam năm 1990 đó anh Duy đã dẫn tôi đến giới thiệu với anh Trịnh Công Sơn. Lời giới thiệu thật gọn gàng: “Anh sắp xếp để trước khi Long trở lại Moscow được chụp ảnh anh nhé”. Ngay sau đó, anh Sơn đã đẫn tôi về nhà anh ở 47C Phạm Ngọc Thạch để chụp luôn một số tấm.

Lần gặp nhau thứ hai ở Hội Âm nhạc TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo), anh Sơn nói trước khi tôi chụp ảnh anh thì anh muốn chụp chung với tôi. Bức ảnh đó, hai anh em tôi bá vai nhau thân thiết như đã quen biết từ lâu.

Phải chăng ngay từ buổi đầu quen biết đó anh đã nảy sinh dự án ảnh nghệ thuật và tư liệu về Trịnh Công Sơn?

Ồ không. Lúc đó tôi chỉ muốn thực hiện ảnh chân dung của anh Sơn – người mà tôi dù chưa gặp đã rất yêu mến qua các tác phẩm âm nhạc của anh và các bài anh viết trên các báo. Chưa nghĩ đến một dự án nghệ thuật nào về anh cả. Mọi việc diễn ra muộn hơn, sau đó vài năm khi tôi trở về nước và làm việc ở Báo Lao Động.

Chụp ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có khó hơn những người khác không? Trịnh Công Sơn có phải là người kỹ tính về những bức ảnh của mình?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một người rất thích chụp ảnh, được chụp và chụp người khác. Từ khi còn trẻ anh Sơn đã chơi nhiều loại máy ảnh. Những người thân trong gia đình, nhất là các cô em gái, là đối tượng chính để anh chụp. Ở những cuộc gặp gỡ với bạn bè, trong đó có các bạn nữ, anh thường rủ tôi đến chơi và anh luôn tạo điều kiện tốt nhất để  tôi bấm máy một cách tự nhiên nhất.

Trong hơn mười năm quen biết và có nhiều dịp sống bên cạnh anh Sơn, gần như mọi đề nghị  của tôi với anh đều được anh ủng hộ. Anh không chỉ giữ lời hẹn mà luôn chủ động tạo ra một không gian ảnh để tôi thực hiện tốt nhất có thể.

Chụp xong, tráng phim xong, tôi ghi chép các thông tin cần thiết và đóng bao đưa vào lưu trữ. Trước anh Sơn, tôi đã chụp ảnh nhiều nhân vật và tôi đều làm theo cách lưu trữ như thế. Tôi nhớ là chưa bao giờ tôi in ảnh tôi chụp anh cho anh xem. Và anh, cho đến tận khi từ giã cuộc đời, anh cũng chưa lần nào hỏi tôi về những bức ảnh của anh mà tôi đã chụp.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong vườn sớm – (Nhà riêng – Sài Gòn 1996). Ảnh: Dương Minh Long

Trong 9.000 tấm ảnh tư liệu về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chắc còn rất nhiều tấm ảnh anh chưa hoặc sẽ không công bố?

Tôi chụp và lưu giữ rất nhiều ảnh anh Sơn và cũng có rất nhiều những tấm ảnh khó có thể công bố. Lý do rất đơn giản: anh Sơn không muốn làm ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân những người bạn trong ảnh (nhất là những người bạn gái) và tôi có nghĩa vụ tôn trọng mong muốn đó của anh.

Nhưng, trong số 22 người nữ mà anh từng chụp họ với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có những người đã được công chúng biết tới và việc công bố hình ảnh cũng không có vấn đề gì?

Vâng, tất nhiên. Như những tấm ảnh tôi chụp anh Sơn và chị Dao Ánh trong những lần đi phố ở Sài Gòn. Tôi còn nhớ nét mặt anh Sơn lúc đó rất rạng rỡ.

Hay là những bức ảnh anh Sơn với ca sĩ Hồng Nhung thời kỳ anh cho ra đời các ca khúc về Bống. Cả những bức với diễn viên điện ảnh Phạm Linh Đan từ Pháp về sau khi đóng phim Đông Dương.

Bên cạnh những người công chúng biết tới có cả những người là đạo diễn điện ảnh, bác sĩ, giáo viên… mà có người tôi không biết tên và tôi cũng không bao giờ hỏi anh Sơn khi anh không chủ động nói.

Trịnh Công Sơn tặng hoa Hồng Nhung nhân một đêm nhạc tại quán Nhạc Sĩ – Số 7 Nguyễn Văn Chiêm, Q1, TP.HCM 1997. Ảnh: Dương Minh Long

Nhìn lại chặng đường 48 năm cầm máy, kể từ khi 13 tuổi, Dương Minh Long có thể chia sẻ lý do vì sao anh chuyển từ con đường làm phóng viên ảnh của một tờ báo lớn nhất nhì nước để đeo đuổi con đường của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp theo phong cách documentary-photography, tạm gọi là ảnh tư liệu?

Có lẽ tôi phải kể lại hơi ngọn ngành mọi sự để mọi người hình dung được sự tập trung vào nghề, sự đam mê, kiên nhẫn của tôi với nghề.

Tôi mê chụp ảnh từ nhỏ và luôn mơ ước sẽ trở thành phóng viên ảnh chiến trường. Trong 3 năm tham gia quân đội, bất cứ lúc nào có thể tôi đều chụp ảnh sinh hoạt của anh em đồng ngũ và đã từng làm một cuộc triển lãm ảnh khổ nhỏ kiểu dã chiến cho đồng đội xem. Sau khi xuất ngũ tôi sang Nga làm nhiếp ảnh tự do. Đúng lúc tôi đã có chút vốn nghề, đang cộng tác cho AFP tại Moscow, vừa sắp được nhận chính thức thì gặp anh Nguyễn Duy rồi đã nghe lời anh Duy bỏ tất cả để về Sài Gòn.

Trong năm 1990 ấy, cũng qua sự giới thiệu rất nhiệt tình của anh Nguyễn Duy, tôi đã vào làm việc cho Báo Lao Động rồi trở lại đất Nga với tư cách phóng viên thường trú của báo tại Nga. Giai đoạn này tôi đã trở thành phóng viên Việt Nam trực tiếp chứng kiến nhiều sự kiện của thời Gorbachev từ năm 1985 – 1993.

Khi chính biến và giao tranh vũ lực xảy ra, tôi là người đầu tiên lọt vào nhà Quốc hội của Nga lúc ấy đã bị phong tỏa, sau đó có thêm 4 người khác là  phóng viên của các hãng CNN, Reuters và báo Newsweek.

Chúng tôi đã nằm ở đó trong sự bao vây của xe tăng và và bị nã pháo thẳng vào tòa nhà trong suốt ngày 3.10.1993 (tôi đã lọt vào trong tòa nhà này trước đó 2 ngày, chạy tránh pháo từ tầng này qua tầng khác, sinh hoạt chỉ có nước lã và bánh mì khô).

Cùng với các đồng nghiệp nước ngoài, tôi đã chụp được những bức ảnh vô cùng hiếm hoi về sinh hoạt hỗn loạn bên trong nhà Quốc hội. Khi nhận thấy thiếu hình ảnh từ ngoài chụp vào, tôi đã theo một nhóm 12 lính đầu hàng đang giương cờ trắng đi ra rồi chớp thời cơ lăn ra giữa thảm cỏ quay ngược máy lại chụp luôn toàn cảnh nhà Quốc hội đang bốc cháy. Chùm ảnh phóng sự nóng hổi và hiếm có này sau đó đã được gửi ngay về nước cho Báo Lao Động đăng đầy đủ về cuộc binh biến ở Moscow năm 1993.

Trước đó tháng 3.1991 tôi đã gửi một chùm phóng sự ảnh đặc biệt tại thủ đô Vilnius (nước Cộng hoà Lithuania) khi tôi là phóng viên ảnh duy nhất lọt vào được phủ tổng thống đang bị bao vây, trong đó có Tổng thống Lithuania Vytautas Landsbergis cùng với 3 trợ lý và tôi là người thứ 5 có mặt. Tôi ở trong đó hai ngày (21-23.3.1991) cùng tất cả các thành viên, chụp mọi hoạt động trong ánh sáng nến trước khi Tổng thống chấp nhận đầu hàng.

Chính biến Moscow, 16g30, 3.10.1993.Ảnh: Dương Minh Long (trích từ sách “Dương Minh Long – ảnh màu và đen trắng” NXB Văn Nghệ TP.HCM 1994).

Tôi vẫn còn giữ tấm thẻ được phép ra vào. Phóng sự này ngày 26.3.1991 đã có mặt trên bàn của ban biên tập Báo Lao Động, nhưng vì một lý do nào về quan hệ quốc tế tại thời điểm ấy đã không được đăng tải.

Và một hình ảnh hoạt động ảnh đáng nhớ nữa là trước khi nhà Quốc hội Nga bị tấn công, trưa 26.9.1993, tôi đã may mắn là người có lẽ duy nhất trong số 400 phóng viên có mặt tại Quảng trường Đỏ chụp được Tổng thống Boris Yeltsin ở cự ly chỉ hơn một sải tay. Chỉ vì có linh cảm nghề nghiệp và dám mạo hiểm xông tới một vị trí cao 1,8m, nằm phục im lìm dưới chân người quay phim của Đài truyền hình Nga. Khi Tổng thống Yeltsin đến gần tôi đã bấm liền 15 kiểu, kiểu cuối cùng là bàn tay trái của Yeltsin mất hai ngón. Bức ảnh có một không hai này của tôi được in trên Báo Lao Động số Xuân 1994.

Việc của tôi được giao ở Báo Lao Động là lo nguồn ảnh cho báo, tự set-up mọi thứ, làm việc trong căn phòng gần 50m2 rộng nhất cơ quan, có toilet riêng, ngay cửa có bảng miễn vào, chỉ có sếp mới vào, ai vào còn bị phạt, vì đây là phòng dữ liệu ảnh. Một bên là phòng anh Trần Trọng Thức, một bên là anh Nguyễn Đức Nhu, họa sĩ thiết kế. Chỉ có Chánh Trinh, Trần Trọng Thức, Tám Đăng (Trương Anh Dũng – Phó TBT) được vào phòng ảnh dữ liệu.

Đang trong những năm tháng được ưu ái, làm trưởng phòng ảnh, lương cao, lại còn được cộng tác ảnh cho AFP, năm 1998, vào một ngày đẹp trời trước ngày thành lập QĐND Việt Nam ba ngày, tôi quyết định xin nghỉ việc, trả thẻ nhà báo. Đây chính là thời điểm chín muồi cho những suy nghĩ từ lâu của tôi về công việc ảnh tài liệu (documentary – photography). Đây cũng là lúc tôi đã có khoảng thời gian 4 – 5 năm ở trong nhà anh Sơn, chụp được rất nhiều ảnh anh Sơn.

Tôi nghĩ, nếu còn tiếp tục làm báo, tôi sẽ không thể nào thực hiện được công việc chụp ảnh tài liệu di sản thiên nhiên và con người – một mơ ước lớn của đời tôi. Đó là một công việc phải toàn tâm, toàn ý mới thực hiện được chứ không thể tranh thủ các chuyến đi công tác của báo để làm thêm. Chụp nhân vật thì phải dành cho nhân vật một ngày, ít nhất nửa ngày, trò chuyện với nhân vật, gần gũi rồi mới có sự chia sẻ sâu sắc của nhân vật. Lúc đó chân dung nhân vật mới bộc lộ.

Cơ quan tiếp nhận đơn của tôi và bảo đợi ba ngày nữa, sau kỷ niệm ngày thành lập quân đội rồi hãy nghỉ vì trong Báo Lao Động lúc đó chỉ có tôi là bộ đội xuất ngũ, từng làm phóng viên quân đội trong hơn ba năm, sẽ có các quyền lợi tuy nhỏ dành cho cựu chiến binh. Tôi nói, tôi đến làm việc cùng báo không phải để nhận các quyền lợi mà muốn được làm nghề. Giờ đây, tôi muốn được theo đuổi công việc mơ ước của tôi nên tôi nghỉ. Vả lại, cũng còn một lý do khác là tờ Báo Lao Động thời điểm đó không còn những tiêu chí phù hợp để tôi làm nghề.

Thời gian anh gần gũi với anh Trịnh Công Sơn, hình như cũng có những thông tin về quan hệ giữa anh và Trịnh Vĩnh Trinh?

Năm 1995, lúc ấy Trịnh Vĩnh Trinh về nước thăm anh Sơn. Trinh có mời tôi đi chụp một số hình ảnh video của đạo diễn Đinh Anh Dũng thực hiện. Sau đó Trinh về lại Mỹ, khi quay trở lại ít tháng sau Trinh có mời tôi thực hiện nối tiếp một số ca khúc trong video Ru tình.

Chúng tôi đã có một khoảng thời gian thực hiện video này ở nhiều thành phố theo gợi ý từ anh Sơn: Tây Nguyên, Hà Nội, Ninh Bình… Sau 1996 chúng tôi có các hợp tác ra các băng đĩa khác. Và từ đó đến nay tôi vẫn giữ mối liên hệ với Trinh và với các anh chị em trong gia đình.

Ngoài triển lãm Trịnh Công Sơn dịp này, anh chắc hẳn sẽ có những cuốn sách ảnh về Trịnh Công Sơn?

Năm 1993, anh Trần Huy Hoan làm thiết kế xong cho quán Tib, thì tôi gần như ngay lập tức vừa làm phóng viên ảnh của tòa soạn, vừa theo sát anh Sơn, vừa hỗ trợ nhà hàng, khoảng hơn một năm. Ngoài giờ cho công việc ở báo, gần như các buổi tối tôi ở quán Tib. Gia đình các anh chị em lúc ấy còn đang ở xa.

Chính vì gần gũi anh Sơn nên tôi chụp anh rất nhiều. Tôi dự định sẽ có 6 cuốn sách ảnh về Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn với Văn Cao, Trịnh Công Sơn với Khánh Ly, Trịnh Công Sơn với Trịnh Vĩnh Trinh, Trịnh Công Sơn với Hồng Nhung, Trịnh Công Sơn với Trịnh Công Sơn. Riêng cuốn Trịnh Công Sơn với bạn bè, tôi định làm hai tập. Tập 1 là với những người bạn, tập 2 là với những người  phụ nữ.

Tập 2 này đang gặp khá nhiều khó khăn vì trong số 20 nhân vật phụ nữ trong đời anh Sơn có người hiện giờ là vợ một chính trị gia, có người là con gái cưng của một người bạn của anh Sơn, cô ấy hiện đã có gia đình. Không phải người chồng nào cũng rộng lượng và sẵn sàng nghe câu chuyện quá khứ của vợ, mặc dù những mối quan hệ của anh Sơn với những người phụ nữ ấy cũng chỉ dừng lại ở mức độ trò chuyện, tâm giao.

Riêng về Hồng Nhung, có người hỏi sao không có hình cô ấy với anh Sơn trong triển lãm ảnh “Trịnh Công Sơn – Lần đầu gặp lại” tại đường sách lần này, tôi trả lời vì có lý do riêng, nhưng dù sao cũng sẽ có cuốn sách ảnh anh Sơn và Nhung, thêm vào đó là ảnh của tôi chụp Nhung và anh Sơn đã có mặt tại sự kiện đêm nhạc của Hồng Nhung tháng 3 năm nay chủ đề nhạc Trịnh Công Sơn.

Tôi không bàn đến việc Hồng Nhung có tình cảm với anh Sơn hay không, nhưng anh Sơn có tình cảm với Hồng Nhung là thật. Cho nên mới có hai bài dành tặng Bống đấy, chỉ đến khi xuất hiện bài “Bống không là bống, bống nhảy bên bờ, bống đi chơi phố, mọi người ủng hộ, cho bống căn nhà” thì tình cảm trong anh Sơn mới có thay đổi…

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trò chuyện về nhiếp ảnh với nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh – Sài Gòn 25.10.1990. Ảnh: Dương Minh Long

Quay lại con đường chụp ảnh tài liệu, Dương Minh Long đã bắt đầu như thế nào?

Như tôi đã nói ở trên, tôi đã trả thẻ nhà báo năm 1998 nhưng oái ăm là tôi chưa có sự chuẩn bị tài chính cho việc theo đuổi con đường documentary – photography. Tôi nằm nhà ba tháng liền, chỉ để nghĩ ra phải làm gì để có tiền thực hiện dự án documentary – photography của đời mình. Đúng lúc đó tôi gặp họa sĩ thiết kế Từ Phương Thảo, chúng tôi cưới nhau và thành lập một công ty thiết kế, quảng cáo.

Lúc đó tôi đã 37, 38 tuổi. Ông Hồng Đăng có xem tử vi bảo, hai người làm việc hợp nhau, nhưng sống với nhau không hợp. Nhưng mà nói thế chứ chả khúc mắc gì nên chúng tôi vẫn cưới nhau. Công ty ký hợp đồng được với Hãng phim Trẻ, Hãng phim Phương Nam, tôi chụp thuê, chụp mướn đến mờ mắt để lấy tiền thực hiện dự án của mình. Sau đó, tôi nhận một show chụp  ảnh cho ngành dầu khí, trong 45 ngày, bay 38 chuyến, chụp từ trên cao xuống.

Khi vừa nhận được số tiền từ dự án đó, tôi triển khai liền dự án documentary – photography trong 6 năm, kinh phí dự toán lúc đó khoảng 1 tỷ. Tôi đi chụp từ Lạng Sơn đến Hà Nội, chụp các khu đô thị, chợ, sinh hoạt đô thị, sau đó kéo xuống Trung bộ, Nam bộ, đến Cần Thơ thì tạm dừng vì cạn kinh phí.

Muốn chụp được ảnh tài liệu thì phải ăn dầm nằm dề, rồi tiền các loại phim rất tốn. Chưa kể lúc đang quyết liệt xông vào cuộc chơi tốn kém thì có con, lòi ra những vấn đề cơm áo gạo tiền. Líu ríu mất một lúc nhưng tổng thể việc thực hiện dự án vẫn quyết tâm đi tới, không thay đổi. Tôi bền bỉ chụp theo hai mảng, đó là mảng di sản được UNESCO công nhận và mảng di sản con người.

Chỉ có một điều duy nhất để lý giải cho công việc này của tôi, đó không chỉ là đam mê mà còn là một thứ tình yêu điên rồ, tình yêu vô điều kiện. Bằng mọi giá phải tìm ra tiền để mua phim, có tiền để đi chụp. Phim đen trắng các loại, các loại khổ phim, phim dương bản… Riêng số tiền mua phim của tôi từ 1985 đến 2020 ước tính không dưới 2 triệu USD, chưa kể tiền ăn ở. Rồi tiền thuê xe ô tô.

Tôi từ xưa giờ đi chụp ảnh hoàn toàn bằng ô tô, lúc nào cũng có người đi theo hỗ trợ để tôi dồn sức cho công việc. Rất nhiều bạn bè nhiếp ảnh bây giờ chạy xe máy, thấy cái gì hay tấp vô chụp liền, tôi rất thích như vậy nhưng nó lại không phù hợp với công việc mình đang làm.

Sau này, đi châu Âu, đi Mỹ tôi cũng lái xe ô tô để chụp hình. Thời gian đầu, chưa có xe thì tôi thuê. Và rất tốn kém cho việc đó. Tuy nhiên, thuê xe ô tô để đi lại cũng là để bảo toàn an ninh của mình và của sản phẩm mình công phu tạo dựng được (thời điểm năm chín mấy đó giang hồ đông lắm).

Sau này tôi còn tốn tiền cho việc chơi máy ảnh. Tôi có một cái tính là mua một cái máy, trong hai tuần mà không chụp tấm nào ra hồn từ cái máy đó thì tôi cho máy “lên đường” ngay. Nếu tôi mua không được cái máy tôi ưng thì tôi sốt, mà mua rồi không chụp được ảnh như mong muốn hoặc chưa bán được còn sốt hơn. Tôi chỉ giữ lại cái máy nào chụp được hình như ý. Chi phí cho máy ảnh rất tốn kém. Về di sản con người, trong tất cả khoảng hơn 10 năm tôi ở Moscow, tôi cũng đã chụp được hơn 600 nhân vật từ Việt Nam qua, họ ăn ở tại nhà tôi, hoặc tôi đi gặp khi biết họ sang Nga. Các nhân vật đó hầu hết là nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ. Con số chung tính tới giờ này, tôi đã “bóp cò” được hơn 1.700 nhân vật của nhiều ngành nghề.

Vô cùng đáng tiếc là có hai nhân vật tôi chưa chụp được và đã không bao giờ còn chụp được nữa. Một là ông Nguyễn Hữu Đang (một trí thức cách mạng, từng làm Trưởng ban tổ chức Lễ Tuyên bố độc lập ngày 2.9.1945 tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, sau 1954 bị quy Nhân văn giai phẩm suốt 15 năm, đến năm 1993 mới được khôi phục). Lý do của sự đáng tiếc này là vì lần nào tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội đều có việc gấp của báo nên không kịp chụp ảnh ông. Quá đau đớn. Người thứ hai đó chính là thi sĩ Bùi Giáng. Bùi Giáng mà không có được 100 – 200 ảnh thì quá tội lỗi.

Về mảng di sản Việt Nam được UNESCO công nhận, tôi chụp hết, đặc biệt chụp rất kỹ Hà Nội, Hội An, Sài Gòn. Ba thành phố này đủ ảnh để mỗi thành phố xuất bản được từ 4-6 cuốn sách. Riêng về Hội An, tôi chụp từ tháng 4.1991 đến trước ngày 4.12.1999 (là ngày Hội An được công nhận di sản văn hóa thế giới). Ở góc độ documentary – photography thì đó là những tấm ảnh đáng quý. Tôi chụp rất nhiều ảnh Hà Nội, Sài Gòn trong gần 10 năm (1990 – 1999).

Tinh thần chụp ảnh của tôi là “một góc nhìn, hai con phố”. Khi người xem nhìn hình, họ sẽ thấy thông tin ngồn ngộn. Ví dụ như hình ảnh Hội An năm 1993, 1994, ai xem cũng xúc động rơi nước mắt. Rõ ràng là bao nhiêu người đến Hội An chụp ảnh nghệ thuật thì đều phải thừa nhận chỉ có ảnh tư liệu mới được người ta quan tâm, mới có giá trị, còn ảnh nghệ thuật chủ yếu chỉ để đi dự thi và rồi trôi vào quên lãng. Vì ảnh nghệ thuật thì sẽ có lớp sau chụp còn hay hơn. Chỉ có giá trị của đời sống tư liệu mới bền bỉ theo thời gian.

Hội An 1994. Ảnh: Dương Minh Long

Quay ngược về những năm tháng mới theo đuổi con đường ảnh tư liệu, khi đặt ra vấn đề phải chụp ảnh tư liệu bài bản, lưu trữ cẩn thận thì hầu hết mọi người đều bỏ qua. Lúc đó tôi rất muốn lập một nhóm, chia đều ra các chuyến đi, các tỉnh thành, sẽ tạo ra một khối tài sản về tư liệu vô cùng hay ho cho đất nước. Bây giờ có bỏ cả trăm triệu đô la cho 500 nhiếp ảnh gia thực hiện cũng không được bởi vì mọi thứ đã qua rồi, giá trị hình ảnh tư liệu mất tất cả rồi.

Nào các công trình kiến trúc của người Pháp còn lại, hệ thống nhà thờ từ Bắc chí Nam, hệ thống cầu đường người Pháp làm, các hầm rượu, hầm hồ sơ của các cha cố, nhà cổ của các nhân vật lịch sử – văn hóa… Rồi đình, chùa ở cả ba miền… Lúc đó, tôi cần có ngay 10 người tâm huyết cùng làm trong hai năm. Thế nhưng khi tôi chia sẻ điều này ai cũng bảo ông điên à, họ chỉ muốn chụp ảnh nghệ thuật thôi. Thế là tôi lặng lẽ làm một mình.

Chính vì không coi trọng ảnh tư liệu nên giai đoạn trước 1945 thì đành thôi, không bàn vì người Pháp đã lưu giữ toàn bộ, nhưng giai đoạn 1945-1954 gần như toàn bộ hình ảnh dữ liệu của cả hai miền đều qua ống kính nước ngoài. Người Việt sở hữu rất ít. Mất mát nhất là 1954 – 1975, những gì chúng ta cần xem, đất nước ta cần lưu giữ thì gần như hầu hết đã thuộc về tài sản của nhiếp ảnh gia nước ngoài. Phía miền Bắc thì xem như mất toàn bộ và kéo luôn từ đó đến giờ.

Phóng viên nhiếp ảnh một thời gian dài chỉ làm nhiệm vụ chính trị là chính. Nói đơn giản thôi, giờ cần một bộ ảnh gồm 100 ảnh thời thanh niên xung phong sinh hoạt, ăn, ngủ như thế nào trong lúc chiến tranh, để hình dung nét mặt, dáng dấp của họ trong chiến khu, trong bệnh xá… Hoàn toàn không có. Vì lúc đó chúng ta quan niệm ảnh chỉ làm nhiệm vụ chính trị (chiến đấu). Đó là một khoảng trống lớn.

Khi tôi tâm sự với nhiều đàn anh, nhiều nhiếp ảnh cao thủ, các anh nói, các anh nhìn thấy hết, anh Ngọc Thái – Hà Nội, anh Long Thành – Nha Trang, đã có lúc các anh chụp rất nhiều nhưng thấy không được ủng hộ và ít người quan tâm (anh Ngọc Thái đã bỏ cả bao tải phim dìm xuống hồ Trúc Bạch, buổi sáng thả, buổi chiều nổi lên lại phải bỏ gạch vào để dìm xuống)…

Chân cầu Long Biên,Hà Nội năm 1995. Ảnh: Dương Minh Long

Làm thế nào để Dương Minh Long có thể bảo quản và lưu trữ nổi kho ảnh đồ sộ sau gần 30 lần chuyển nhà, qua các thành phố trong và ngoài nước?

Đúng là rất khó vì điều kiện khí hậu nhiều vùng cực kỳ ẩm như Hội An. Điều quan trọng nhất không phải là bấm được một bức ảnh hay mà là phải giữ được nó với đầy đủ thông tin thời gian, tên tuổi, địa danh. Phải có kỷ luật sắt đá mới làm được. Khi chụp một bức ảnh, tôi phải ghi chú ngày tháng năm, chụp ở đâu, với ai…

Tính tới giờ này, có thể hình dung tôi lưu giữ kho phim, ảnh tầm 16 tủ lạnh loại 150 lít. Việc sắp xếp, phân loại, lưu dữ liệu phải cực kỳ tỉ mỉ. Chuyện ghi chú thời gian rất quan trọng vì chân dung một nhân vật liên quan nhiều đến tính thời điểm, năm 1995 là khác năm 1996, xã hội mở cửa lúc nào, xã hội cởi trói hay chưa, giải tỏa Nhân văn giai phẩm hay chưa.

Ví dụ tôi chụp được chân dung Phùng Quán ở Sài Gòn, rất lâu sau Nhân văn giai phẩm, đẹp tê tái. Tôi cũng chụp rõ chỉ tay anh Văn Cao, với chiếc nhẫn mỏng dính sắp rơi ra khỏi tay, để biết đâu có người nghiên cứu vân tay tìm thấy có liên hệ gì đó giữa chỉ tay người viết quốc ca Việt Nam và vận mệnh đất nước. Việc gắn mã số vào từng cuốn phim, từng đoạn phim là cách quản lý ảnh khoa học mà tôi luôn tuân thủ. Nhờ đó, mặc dù lượng phim, ảnh rất đồ sộ nhưng khi cần cung cấp ảnh cho triển lãm hay cho các báo, tôi có thể lôi ra ngay bức ảnh cần tìm.

Nghe những câu chuyện anh kể về cách anh suy nghĩ trước khi bấm máy, cách anh xử lý thông tin ảnh và bảo quản phim sau khi chụp, tôi lại nhớ có nhà báo đã gọi anh là “Một nghệ sĩ dấn thân, một tay chơi ở đẳng cấp cao có tinh thần khoa học, một huyền thoại về lòng yêu nghề và sự xả thân của làng nhiếp ảnh”. Còn anh, anh thấy mình là ai trong những cách gọi ấy?

Khi ngoài hai mươi tuổi tôi đã bấm nhiều khuôn hình “nhìn thấy”. Ngoài ba mươi, ống kính lại quay ngược “về mình” để tìm những khung hình “cảm thấy”. Tôi thấy mình là người – lao – động – ảnh, đồng hành cùng các giá trị di sản của đời sống mà bản thân “đọc” được, với hành trang duy nhất mang theo là lòng yêu Người, yêu Nghề.

Dương Minh Long

Sinh 1962 tại Hà Nội

Những bức ảnh đầu tiên về Hà Nội 1975

Phục vụ quân đội 1980 – 1982

Tham gia các sự kiện báo chí tại châu Âu 1986 – 1994

Phóng viên ảnh Báo Lao Động 1991 – 1998

Triển lãm cá nhân:

1984-2004: 25 triển lãm ảnh cá nhân tại Việt Nam và châu Âu

2007: Ý; 2008: Thụy Điển; 2009: Hà Lan;

2010: Canada; 2011 – 2013: Ukraina (Kiev – Kharkov – Odessa); 2012:

Czech; 2014: Washington DC – Mỹ; 2018: Moscow – Nga

Các dự án ảnh (1990-2022):

Di sản thế giới tại Việt Nam: Hội An (4.1991 – 4.12.1999); Vịnh Hạ Long (1992 – 2009); Huế (1993 – 2008); Hà Nội (10.1990 – 2022); TP.HCM (10.1990 – 2022)

Nhân vật Việt Nam: 1988 – 2022 (1.725 gương mặt văn nghệ, nhân vật các ngành nghề)

Nguồn: Báo Người Đô Thị

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com