Sùng Nham Hầu Dương Văn An: Chí sĩ yêu nước – danh nhân văn hóa xuất sắc của dân tộc

Cách đây vừa đúng 505 năm, quê hương Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình – vùng đất địa linh nhân kiệt, đã sinh ra một người con mà cuộc đời và sự nghiệp của ông đã để lại dấu ấn tài ba, sâu sắc trong lịch sử văn hóa – giáo dục của dân tộc, mang lại niềm tự hào cho bà con dòng tộc Họ Dương, quê hương làng Tuy Lộc, nhân dân xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đó là ngài Sùng Nham hầu – Tiến sĩ Dương Văn An.

I. Tiểu sử

Ngài Dương Văn An tên tự là Tĩnh Phú, sinh ra ở làng Tuy Lộc, tục gọi là Kẻ Tuy thuộc làng Đại Phúc Lộc, phủ Tân Bình, lộ Thuận Hóa, nay là làng Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sau khi đỗ đạt làm quan triều đình, Ngài đến định cư tại làng Đình Quán, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, nay thuộc thành phố Hà Nội.

Ngài sinh ra vào ngày 20 tháng 02 năm 1514

Mất ngày 16 tháng 7 năm 1582, thọ 68 tuổi.

Ngài sinh ra trong một gia đình nho giáo, cha ngài là cụ Dương Văn Nhân làm nghề dạy học, nên ngài sớm được cha và chú rèn luyện, học hành đến nơi đến chốn. Năm 1543 đi thi Hương đỗ Hương Cống, năm 1546 đi thi hội đỗ giải nguyên, năm 1547 đi thi đình đỗ đồng tiến sĩ xuất thân (khoa thi này Dương Phúc Tư đỗ trạng nguyên). Sau khi đỗ Tiến sĩ, Ngài được bổ làm quan triều đình, 7 năm sau (1553) mẹ ngài mất, Ngài về quê chịu tang mẹ (3 năm) và trong thời gian này Ngài đã viết và hoàn thành tác phẩm “Ô Châu Cận lục” – một tác phẩm nổi tiếng đã đưa ngài lên vị trí các nhà khoa học của đất nước. Năm 1557 Ngài trở lại triều đình và được tin tưởng giao nhiều trọng trách hàng Sùng Nham hầu, chức Thượng Thư bộ lại (như tể tướng).

Ngày 16 tháng 7 năm 1582, khi hộ giá nhà vua làm lễ Vu Lan (rằm tháng 7) về nhà Ngài bị cảm nặng và mất. Thi hài của ngài được triều đình đưa bằng thuyền về quê an tang theo nghi lễ quốc tang bậc Công hầu.

II. Tài năng và học vấn

Để có sự nhìn nhận, đánh giá về tài năng và học vấn của các bậc Đại khoa thời xưa nói chung và của Ngài Dương Văn An nói riêng, xin được giới thiệu với bạn đọc về đề thi đình, khoa thi năm 1547.

Năm 1547, Mạc Vĩnh Định Nguyên Niên – cháu của Mạc Đăng Doanh mới ít tuổi đã được kế vị ngôi vua. Để bậc đế vương cai trị được thiên hạ, các quan nhiếp chính đại thần họ Mạc như: Mạc Kính Điển, Phạm Tứ Nghi cùng các trạng nguyên khoa trước đã ra đề và tổ chức khoa thi với chủ đề “Chế sách của Hoàng Thượng”. Đề thi đã được ra như sau: (Bản dịch do ông Nguyễn Hữu Tưởng – viện Hán nôm dịch ngày 4/4/2005) “Bậc đế vương cai trị thiên hạ, tất phải lấy nhân nghĩa, giao xã, đồn điền, thủy lợi, lục nghệ, đồ thư, học hiệu, văn chương làm điều cốt yếu trong việc cai trị. Thế nào gọi là động? thế nào gọi là tĩnh? Động tĩnh có đúng là tương thông với nhau chăng? Thế nào gọi là hợp? thế nào gọi là phân? Phân hợp cái nào là thích hợp, có phương pháp việc phòng thủ, giảm bớt sự vất vả của việc vận chuyển, làm cho đất nước đủ cái chi dùng, thực quận xa nữa là nơi biên giới, ai là người có thể khai thác nguồn lợi những nơi đó? Cái nghĩa cơ bản của ngũ nhạc, ngũ xạ, ngũ ngự, lục thư, cửu số có thể trình bày rõ được không? Mối liên quan, sự vững bền và biến hóa của bát quái, cửu trù, sinh số, cơ số, ngẫu số có thể trình bày đầy đủ được không? Phương pháp học của tiểu học, đại học, thượng tường, hạ tường, đông tự, tây tự, tả học, hữu học đều không giống nhau. Có thể chỉ ra thực chất việc thiết lập chúng và ý nghĩa của từng loại trường đó được không? Các thể thiên văn, nhân văn, sách vở, từ phú, văn chương, chế cáo không giống nhau. Có thể chỉ ra người tiêu biểu đứng trong giới văn chương sách vở được không? Những thể văn trên đúng là có thái thể cái chung, cái trước, cái sau chăng? Trẫm nối nghiệp tiên tổ, ngay buổi ban đầu đã thi hành chính sách nhân nghĩa. Kẻ gian tà chưa được giáo hóa thì chỉnh đốn việc tế giao, tế xã. Việc thường ngày chưa được hài hòa thì quy định lại. Hạn hán, lũ lụt chưa chặn được thì nghiên cứu lục nghệ, đồ thư. Nền giáo hóa trong thiên hạ chưa được thuần nhất thì coi trọng việc học hiệu, văn chương. Thế mà hiện nay phải chăng cái học của người lục nghệ học chưa được đúng đắn, hành động của họ chưa hợp với đạo? có phải vì cái đạo ở đời có khi lên, khi xuống mà dẫn đến như vậy chăng. Là bậc đại phu trong thời nay, đứng trong triều thi hành mọi việc, làm thế nào để ở bên trên thì đạo được thịnh vượng, ở bên dưới thì phong tục được tốt đẹp, khiến cho trẫm có được một nền chính sự trong sáng, có phúc lành như bậc đế vương Hy Dao xưa. Hãy trả lời tất cả những điều trên để trẫm đích thân đọc xét”.

Thật là “kinh khủng” vĩ đại, phong phú mà sâu xa, cần phải có kiến thức uyên thâm trong nhiều lĩnh vực mới có thể trả lời được đề thi này. Thế mà cụ Dương Phúc Tư đậu trạng nguyện, Ngài Dương Văn An đậu đồng tiến sĩ xuất thân. Thật vinh dự tự hào cho Họ Dương chúng ta có những bậc tài ba, kiệt xuất.

III. Tác phẩm để đời

Hơn 450 năm qua khi nhắc đến Ngài Dương Văn An các nhà khoa học của các thời đại đều gắn liền ông với tác phẩm “Ô Châu Cận Lục”. Tác phẩm mà lúc mới ra đời nó được coi là tác phẩm dư địa chí nhưng khi đọc và nghiên cứu nó các nhà khoa học mới thấy hàm lượng kiến thức khoa học trong tác phẩm “Ô Châu Cận Lục” là quá lớn, quá phong phú với nhiều chuyên ngành khoa học khác nhau như: địa lý, dân tộc học, nông học, văn hóa, giáo dục học…mà sau này nhiều nhà khoa học đã tham khảo, trích dẫn trong các công trình nghiên cứu của mình. Nhất là các sử thần triều Nguyễn hết sức ca ngợi và lấy “Ô Châu Cận Lục”  làm tư liệu dẫn giải trong các tác phẩm của mình.

Trong lời tựa “Ô Châu Cận Lục” tác giả nêu rõ ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa đạo lý của việc biên soạn địa phương chí: “Một câu đồng dao trẻ hát lên, một lời khen chê xóm làng nhắc tới, thánh nhân còn chép lấy huống chi tập sách này ghi chép cả núi sông khúc chiết, hình thế hiểm trở, vật sản tài nguyên có ích cho quốc dụng, chiếc cầu, nhà trạm, quan hệ đến vương chính, thành nào có thể chống đỡ quanh ngoài, đền nào có thể ngăn trừ tai họa đều ghi chép cả. Một phụ nữ có nết na trong sạch cũng chép mà cả đến thói dâm tục bạc cũng không quên, để ngụ ý yêu ghét, một kẻ sĩ có khí tiết cao cũng chép mà đến cả loạn thần tặc tử cũng không bỏ là để ngụ ý khuyên răn”.

Dương Văn An – ngài là một học giả yêu nước, một tâm hồn nghệ sĩ chính chuyên. Ngài đã ghi lại những người con quê hương Thuận Hóa – Quảng Bình đó là những Đặng Tất “thắng trận Bô Cô quân uy lừng lẫy” Bùi Dục Tài “đỗ tiến sĩ khai khoa cho một địa phương danh tiếng tuyệt vời”. Ô Châu Cận Lục nói đến sự đi lên phát triển của Quảng Bình “từ đời Lý Trần về trước thuộc cương vực Chiêm Thành, từ đời Hồ, đời Lê trở về sau là phủ huyện của triều đình, sau thời nhà Trần, nhà Hồ cho dân di cư đến miền Hoan Diễn, phong tục có khác người Chiêm, nhân tài phong thổ xứ Thuận Hóa chẳng kém mọi nơi…”. Tác phẩm Ô Châu Cận Lục ngài còn viết về quê hương “mặt đất thì non sông tốt đẹp, bể cả thì song nước mênh mông, sông Bình Giang trong treo, sông Lĩnh Giang bao la, núi Hoàng Sơn hùng vĩ…núi Thượng Sơn xanh tốt chót vót như phượng vờn mây, thật là những nơi kỳ lạ của trời đất. Địa linh đã như thế có lẽ nào không chung đúc ra những người tuấn kiệt, không kết tinh lên những đấng tài hoa”.

Với tấm lòng yêu quý quê hương đất nước cùng những trang văn tráng lệ, chứa chan tình cảm chất thơ, những hình tượng hung vĩ và mỹ lệ ca ngợi quê hương đất nước được thể hiện trong Ô Châu Cận Lục đã làm lên vinh dự của Sùng Nham hầu tiến sĩ Dương Văn An, đã khẳng định vị trí xứng đáng của Ngài trong lịch sử khoa học, lịch sử văn hóa Việt Nam. Với tâm hồn cao đẹp của Ngài, với công trình học thuật có giá trị văn hóa lớn như Ô Châu Cận Lục, Ngài được xem là một nhà soạn địa phương ký xuất sắc, một danh nhân văn hóa xuất sắc của Quảng Bình và dân tộc Việt Nam, như đôi câu đối của Họ Dương Quảng Xá lấy phong thủy ở Ô Châu Cận Lục khẳng định:

“Tựa núi thần Đinh Quảng Xá muôn năm trời đất

Xuôi dòng Nhật Lệ Dương Gia vạn đại nhân gian”

Nhân kỷ niệm 505 năm ngày sinh của Sùng Nham hầu tiến sĩ Dương Văn An – một chí sĩ yêu nước, danh nhân văn hóa xuất sắc của dân tộc xin có đôi dòng thông tin về Ngài tới bạn đọc như một nén tâm hương thắp lên tri ân người con Họ Dương ưu tú của dòng tộc, quê hương và dân tộc như một truyền thống tốt đẹp truyền lại đến hôm nay.

Dương Đức Quảng sưu tầm và giới thiệu

Tài liệu tham khảo: 

1. Trích lược “Các cụ thuộc dòng Họ Dương đỗ tiến sĩ các thời kỳ được lưu danh trên Văn bia Quốc Tử Giám, Hà Nội” (Trung tâm Văn hóa Văn miếu Quốc Tử Giám).

2. “Ô Châu cận lục” do Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc chú dịch, hiệu đính (Nhà xuất bản Thuận Hóa năm 2001).

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com