Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng đó lại là cách làm hiệu quả mà thầy giáo Dương Quốc Trọng – Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang) đang hướng dẫn học trò của mình. Vài năm gần đây, Đội tuyển học sinh giỏi Hóa học của TP.Bắc Giang do thầy Trọng phụ trách luôn dẫn đầu toàn tỉnh nhờ có “mẹo” giải các bài tập mà học trò hay mắc.
Thầy giáo Họ Dương tạo say mê học Hóa cho học sinh từ những bài tập khó
- 07/11/2022
- Ban Thông tin truyền thông
- 153
Học Hóa có khó?
Khác với các môn học khác, môn Hóa học chỉ được đưa vào chương trình phổ thông từ năm lớp 8. Với không ít học sinh, Hóa là môn học khó bởi lượng kiến thức khá lớn trong hai năm cuối cấp.
Với học sinh thi học sinh giỏi, điều đó còn khó hơn. Đa số kỳ thi học sinh giỏi môn Hóa học lớp 8 được các huyện, TP tổ chức thi vào tháng 3. Lớp 9 thi học sinh giỏi cấp tỉnh cũng vào khoảng thời gian đó. Như vậy có nghĩa là chỉ vài tháng sau khi tiếp cận môn học, thầy phải phát hiện ra trò có tố chất, trò phải thích ứng và giải được các bài khó.
Theo thầy Trọng, môn nào cũng khó và cũng đều có cái hay riêng. Môn Hóa THCS cơ bản học về cấu tạo các chất và phản ứng cơ bản giữa các chất, ứng dụng nhiều trong cuộc sống nên nếu nắm chắc các định nghĩa, khái niệm; hiểu bản chất của vấn đề; biết cách vận dụng các khái niệm – định luật thì trái lại, không những không khó mà môn Hóa còn rất thú vị, luôn mới lạ.
Trường THCS Lê Quý Đôn (TP.Bắc Giang) được thành lập cách đây 5 năm thì cả 5 năm, đội tuyển Hóa học lớp 8, 9 đều thắng lợi giòn giã, dẫn đầu toàn TP và luôn là nòng cốt của đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Năm học 2021-2022, đội tuyển Hóa 9 của trường bỏ xa các trường bạn với 8/8 học sinh đạt giải Nhất TP. Thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt 7/8 giải, trong đó có 2 giải Nhất. Năm học trước, trường đạt 8/8 giải tỉnh, trong đó có 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba môn Hóa.
Bí quyết để thành công
Là người gắn bó, tâm huyết và có kinh nghiệm bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Hóa học của TP.Bắc Giang nhiều năm, thầy Dương Quốc Trọng cho rằng, cần tạo niềm say mê cho học trò yêu thích môn học, sau đó mới dạy các em phương pháp. Dạng bài nào các em hay mắc, hay bỏ qua thì dạy sâu kỹ để các em hiểu; càng khó càng dạy để khi đã vượt qua, không có gì là làm khó các em được.
Dạng bài về tách chất – tinh chế chất là một ví dụ. Đây là dạng bài tập cơ bản, thông dụng trong chương trình và thi học sinh giỏi; tuy nhiên các phương pháp giải chưa được khai thác một cách triệt để, chưa phong phú khiến học sinh không được tự do tư duy sáng tạo dẫn đến cảm giác nhàm chán, không hứng thú trong việc giải bài tập. Vì vậy khi gặp những bài liên quan các chất phức tạp các em trở nên khá lúng túng.
“Chúng tôi hướng dẫn các em một số bài tập liên quan đến tách chất, tinh chế chất mà không làm thay đổi khối lượng của các nguyên tố. Các em hay mắc sai lầm ở dạng bài này khi chọn chất để tách chất nên khi đã tìm thấy “chìa khóa” giải, các em rất hứng thú và phát huy tích cực khả năng suy nghĩ, thích khám phá của mình”- thầy Trọng cho biết.
Và từ sự hướng dẫn của thầy, nhiều em đã có cách giải sáng tạo, đam mê, hứng thú với môn học. Nhiều phương pháp giải về tách chất- tinh chế chất của thày, trò Trường THCS Lê Quý Đôn đã được học sinh khắp nơi cả trong và ngoài tỉnh vận dụng bởi dễ hiểu, dễ vận dụng và đặc biệt, đã dần giúp các em tự tin khi học môn Hóa học dẫn tới say mê, yêu thích để có thể áp dụng kiến thức vào thực tế.
Sau đây là một số phương pháp giải bài toán tách chất- tinh chế chất mà học sinh hay gặp phải do thầy Dương Quốc Trọng, cô Lương Thị Hương, cô Đỗ Thị Thủy và em Ngô Bảo Khánh, em Đỗ Thị Minh Trang (đều ở Trường THCS Lê Quý Đôn- TP Bắc Giang) biên soạn và dịch ra tiếng Anh.
Nguồn: Báo Bắc Giang