Thầy giáo Họ Dương thích cầm viên phấn tròn hơn làm lãnh đạo

Từng làm lãnh đạo và có cơ hội thăng tiến lên các vị trí cao hơn nhưng thầy giáo Dương Văn Cẩn lại từ chối tất cả xin về làm bạn với bảng đen, phấn trắng.

Đối với thế hệ giữa 9x đổ về trước, cụm từ “lò luyện thi Chùa Bộc” đã trở thành huyền thoại trong ký ức những cô cậu học sinh cấp 3 miệt mài ôn thi Đại học. Ở đó, mỗi một môn học lại có những thầy cô giáo vô cùng giỏi và nổi tiếng, từng dìu dắt bao học sinh bước qua cánh cổng của những ngôi trường lừng lẫy như Bách Khoa, Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân… Với môn Vật lý, người được rất nhiều thế hệ học sinh yêu quý ở Hà Nội đặt cho các danh xưng như: “Thiên hạ đệ nhất Vật Lý”, “Huyền thoại dạy Lý”, “Thánh thơ Vật Lý” hay Dương Văn Cẩn (DVC – DỊCH VỤ CƯỜI)…

Sở dĩ học sinh gọi như vậy là vì những lớp học của thầy Cẩn chưa bao giờ thiếu tiếng cười, dường như ngoài cho đi con chữ, thầy còn bán cả nụ cười. Ví như khi dạy đến bài “Dây dọi” trong sách giáo khoa, thay vì dùng một vật nặng bằng sắt buộc vào dây, thầy sử dụng một vật thể hình trái tim có trọng lượng tương tự để thả xuống thay thế, rồi bảo rằng: “Đây mới là “thả tim” đúng nghĩa, chứ không phải kiểu “sống ảo” như các anh chị đâu nhé!”. Thế là lớp học lại được một trận nắc nẻ.

Trong nghề giáo, người ta thường hay nói quan trọng nhất là cơ sở kiến thức và thần thái của người giáo viên. Với thầy Cẩn, thứ quan trọng phải là “thần thái”, đây là triết lý mà thầy theo đuổi trong bao nhiêu năm giảng dạy, thần thái tạo ra luồng sinh khí vui vẻ trong lớp học. Cứ thử suy nghĩ mà xem, nếu tâm trạng bạn đang căng thẳng, mệt mỏi thì những điều đơn giản còn chẳng muốn nghĩ đến, chứ đừng nói đến hàng tá công thức loằng ngoằng Vật lý. Thế nên khi vào lớp, thầy giáo “Dịch Vụ Cười” luôn cố gắng đem lại cho học trò tâm thế thoải mái nhất để nghe giảng.

Thầy bảo rằng đừng nghĩ cuộc sống của học sinh là đơn giản, cuộc đời lúc nào cũng tồn tại nhiều biến động, ai mà biết được ngoài kia các bạn đang gặp phải khó khăn bế tắc gì. Vậy nên việc đưa những câu chuyện cười, những ví dụ đời sống thực tế vào bài giảng không chỉ để hút hồn học sinh vào môn học, mà còn là giúp học sinh có được những phút giây thoải mái vui vẻ đúng tuổi học trò.

Thuở còn nhỏ Dương Văn Cẩn vốn là cậu bé thông minh, ham học, đặc biệt cậu thích học các môn tự nhiên. Cậu còn là niềm tự hào của gia đình khi từng bước sưu tầm các giải thưởng về toán học ở các kỳ thi khu vực.

Những năm tháng học phổ thông tại quê nhà Thái Bình với tố chất thông minh cũng như thành tích cao, cậu học trò Dương Văn Cẩn luôn dẫn đầu lớp về học tập, được bầu làm lớp trưởng trong suốt quá trình phổ thông. Tốt nghiệp trung học phổ thông, chàng thanh niên Dương Văn Cẩn dự thi và đỗ vào khoa Toán – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I (nay là Đại học Sư phạm Hà Nội).

Đang là sinh viên theo nghiệp Toán, Dương Văn Cẩn được giảng viên Khoa Vật lý- Trường Đại học Sư phạm là Th.S Phan Văn Đồng (người mà sau này trở thành hình tượng mẫu mực về đạo đức để thầy giáo Dương Văn Cẩn noi theo) phát hiện và nói “Tôi thấy em sang khoa Vật lý thì phù hợp hơn, em có tố chất Sư phạm Vật lý”. Vâng lời thầy, Dương Văn Cẩn nộp đơn xin vượt rào sang Khoa Vật lý và được tuyển thẳng.

Học tập tại khoa Vật lý Đại học Sư phạm, sinh viên Dương Văn Cẩn cũng có những thành tích đáng nể: Là thành viên đội tuyển Olympic Vật lý Sinh viên toàn quốc của Đại học Sư phạm đạt giải 3, công trình sinh viên nghiên cứu khoa học với đề tài “CCD – trắc quang và trắc đạc” được “Hội nghị Quang học Quang phổ toàn quốc lần II” tổ chức tại Thái Nguyên mời tham dự, nhiều lần đạt giải trong các kì thi nghiệp vụ sư phạm cấp khoa, cấp trường…

Tốt nghiệp Cử nhân Sư phạm Vật lý tại Đại học Sư phạm và sau đó là Thạc sỹ Viện Vật lý Đại học Bách Khoa Hà Nội, thầy giáo Dương Văn Cẩn được nhận về làm việc tại Trường PTTH Trí Đức.

Sau đó thầy chuyển về làm Lãnh đạo Trường Xiếc và Tạp kĩ Việt Nam, kiêm Phó Trưởng Khoa Văn hóa phổ thông. Trong 4 năm thầy Dương Văn Cẩn làm lãnh đạo, nhà trường hai lần đạt cờ thi đua Chính phủ, Huân chương Độc lập hạng 3, cá nhân thầy cũng là chiến sỹ thi đua. Tuy vậy, với thầy dạy học vẫn là đam mê, thầy nghĩ rằng: “Cầm viên phấn trắng còn thích hơn là làm lãnh đạo”. Vì thế, thầy quyết định xin chuyển công tác về trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Trước đó, cũng một vài trường dân lập mời thầy làm lãnh đạo, làm hhiệu trưởng nhưng thầy từ chối vì thầy sợ “phải xa viên phấn”.

“Cả cuộc đời tôi úp mặt vào bảng đen, 
Để đem lại cho đời bao khuôn mặt tươi sáng.
Cả cuộc đời tôi cầm viên phấn bạc
Viết cho đời những dòng chữ ân tình!”.

(Trích thơ Thầy Dương Văn Cẩn)

Như Cương

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com