Vai trò của người Họ Dương trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế

          Sáng ngày 16/3/2018, UBND huyện Yên Thế – Bắc Giang đã tổ chức Lễ hội kỷ niệm 134 năm Khởi nghĩa Yên Thế.

          Đây là lễ hội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

          Cách đây 134 năm (ngày 16/3/1884), tại đình làng Hả, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, thủ lĩnh Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) đã làm lễ tế cờ chính thức phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang của nông dân Yên Thế chống lại triều đình phong kiến và thực dân Pháp xâm lược. Tiếp tục giương cao ngọn cờ khởi nghĩa của Đề Nắm, người anh hùng Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám) với tài chỉ huy sắc bén, chiến thuật linh hoạt đã cùng nghĩa quân Yên Thế tổ chức nhiều trận đánh táo bạo, gây thiệt hại nặng nề và làm cho giặc Pháp phải bạt vía kinh hoàng. Trước mỗi trận đánh, Đề Thám đều cho quân thực hiện các nghi lễ tế cờ xuất quân tại Đình Vồng (Nơi thờ 18 vị quận công họ Dương).

          Khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp diễn ra suốt gần 30 năm (1884-1913) và được đánh giá là cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn nhất, bền bỉ nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử chống thực dân xâm lược trước khi có Đảng lãnh đạo. Cuộc chiến đấu vô cùng kiên cường, bất khuất mặc dù không đi đến thắng lợi cuối cùng nhưng đã để lại một trang lịch sử hào hùng về truyền thống chống giặc ngoại xâm, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và sự mưu trí, dũng cảm.

          Hơn một thế kỷ đã trôi qua, hình ảnh người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám với những chiến công lẫy lừng vẫn còn đọng lại trong ký ức, tình cảm của mỗi con người Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã trở thành bản hùng ca đầy tự hào và khát vọng. Tên của người anh hùng Hoàng Hoa Thám và những người bạn cách mạng của ông đã trở thành những địa danh, tên những con đường, khu phố, công viên, quảng trường, nhà máy ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

          Trong những người bạn cách mạng của Hoàng Hoa Thám có hai cụ là người họ Dương: cụ Dương Đình Hậu (Cai Hậu) và cụ Dương Văn Truật (Đề Truật, Đề Hậu).

          Chúng ta cùng tìm hiểu cống hiến to lớn của hai cụ đối với cuộc khởi nghĩa Yên Thế:

          Cụ Dương Đình Hậu (Cai Hậu) sinh ra tại làng Dương Lâm, xã An Dương, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Nay truyền tích về tướng Cai Hậu giúp Đề Thám đánh thực dân Pháp được mọi người dân trong làng Dương Lâm còn ghi nhớ khá rõ và cứ đời này truyền cho đời sau được biết về những chiến tích mà cụ đã đạt được. Để đảm bảo an toàn cho các tướng lĩnh và nghĩa quân Yên Thế, cụ Cai Hậu đã cho đào một hầm bí mật từ hậu cung đình Dương Lâm xuyên ra bờ ao rồi thông đi nơi khác. Đến nay dấu vết vẫn còn. Đình Dương Lâm đã chứng kiến biết bao cuộc họp quan trọng diễn ra giữa thủ lĩnh nghĩa quân với các tướng lĩnh của Hoàng Hoa Thám như Thống Lĩnh (Dương Lâm), Đề Trung (làng Hạ), Đề Thị (làng Thị), Thống Luận (làng Trũng)…

          Trong thời gian này tại làng Dương Lâm đã diễn ra nhiều cuộc đụng độ giữa nghĩa quân Yên Thế với quân Pháp, bọn chúng đã vây làng Dương Lâm. Nhân dân và nghĩa quân đã cùng nhau kề vai sát cánh, dũng cảm chống lại kẻ thù dưới sự chỉ huy của Cai Hậu và Hoàng Hoa Thám buộc chúng phải rút lui.

          Trong những năm tháng này, đình Dương Lâm vẫn là nơi đi về của nghĩa quân. Làng Dương Lâm là pháo đài vững chắc của nghĩa quân Yên Thế ngay trước dinh phủ của Pháp và tay sai ở Nhã Nam. Cũng trong thời gian chiến đấu sinh tử ấy, Đề Thám đã gửi con trai cả của mình là Cả Trọng đến làng Dương Lâm ăn học tại nhà cụ Cai Hậu. Điều đó chứng tỏ tình cảm gắn bó, tin tưởng của Đề Thám với cụ Cai Hậu và nhân dân làng Dương Lâm. Không làm lay chuyển được lòng quyết tâm đánh trả kẻ thù xâm lược của nghĩa quân Yên Thế, thực dân Pháp và tay sai đã kéo về làng Dương Lâm tra khảo cụ Cai Hậu, nhưng vốn là người gan góc nhất làng và hết lòng vì nghĩa quân, chúng đã không khuất phục được con người của cụ Cai Hậu.

          Suốt trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều thanh niên làng Dương Lâm đã gia nhập nghĩa quân Yên Thế như Dương Văn Cảnh, Dương Văn Hành, Dương Văn Đối, Dương Văn Vạn…và đã lập được nhiều chiến công ở trận Trại Cốt, Hố Chuối, Đồn Hom (Yên Thế), Đông Lỗ (Hiệp Hoà)… Trận Ngàn Ván nổi tiếng trong lịch sử cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, Đề Thám đã lập được chiến công lớn. Ông cùng nghĩa quân từ Quỳnh Động, Na Dương kéo về rừng Cầm Ngàn Ván xây dựng căn cứ chống Pháp với sự giúp đỡ của nhân dân địa phương và Chánh tổng Dương Đình Huyện. Giặc Pháp đánh hơi thấy và đã cho hơn 1000 lính khố xanh dưới sự chỉ huy của 4 sỹ quan Pháp bao vây chặt Ngàn Ván. Cuộc tấn công ấy, chính Hoàng Hoa Thám đã tiêu diệt được 12 tên địch và làm bị thương nặng 3 tên khác, gây nỗi kinh hoàng cho quân địch.

          Trong cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, vị thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế vẫn đặc biệt quan tâm tới những công trình kiến trúc tín ngưỡng, đặc điệt là đình Dương Lâm. Đề Thám đã bàn với Cai Hậu chuyển đình về trung tâm làng và Đề Thám đã cùng cụ Cai Hậu trồng cây Dã Hương ở trước sân đình làm kỷ niệm. Từ khi đó đến nay đã hơn 100 năm trôi qua, cây Dã Hương đã trở thành cây cổ thụ quanh năm che mát mảnh đất linh cùng với những câu chuyện kể về một thời kỳ lịch sử oanh liệt còn vang mãi trong tâm mỗi người dân nơi đây.

Đình làng Dương Lâm vẫn còn cây Dã Hương cổ do Đề Thám và cụ Cai Hậu trồng

          Người họ Dương thứ hai có công giúp Đề Thám trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế là cụ Dương Văn Truật (Đề Truật, Đề Hậu). Cụ sinh tại Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

          Chắt ngoại đời thứ 4 của cụ Đề Truật là ông Dương Văn Đãi (75 tuổi), ông Dương Văn Dự, ông Dương Văn Phong cho biết: Đến đời chúng tôi không ai được chứng kiến cụ Đề Truật năm xưa dựng đồn, đắp lũy đánh giặc thế nào song cũng được nghe các thế hệ cha ông truyền lại rằng: Cụ Đề Truật có tên gọi đầy đủ là Dương Văn Truật (Đề Thuật, Đề Hậu, Hội Thuật), sinh ra ở làng Chuông, Nhã Nam giữa thời kỳ đất nước loạn lạc, chiến tranh triền miên. Cụ có thân hình nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn, thông minh, võ nghệ tài ba, đặc biệt tài bắn cung nỏ bách phát bách trúng làm cho giặc Cờ Đen (giặc Tàu), bọn thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai phải khiếp sợ khi nhắc đến tên cụ.

          Giai đoạn Cờ Đen (1865-1885): Đề Truật là người có công lớn trong việc tập hợp, lãnh đạo tổ chức dân binh địa phương xây dựng đồn lũy đánh trả giặc cướp do Ngô Côn, Lý Dương Tài cầm đầu sang cướp phá nước ta. Đề Truật đã cùng với dân binh đánh thắng nhiều trận càn quét, cướp bóc, tàn phá của giặc vào khu vực làng Chuông, Nhã Nam bảo vệ tài sản, tính mạng người dân. 

          Giai đoạn chống ách đô hộ của thực dân Pháp (1884-1893): Trong thời gian tham gia Khởi nghĩa Yên Thế, Đề Truật đã đóng góp nhiều công lao to lớn cùng với Đề Nắm lãnh đạo nghĩa quân chống trả thực dân Pháp. Với uy tín và tài quân sự của mình, Đề Truật nhanh chóng được Đề Nắm tin tưởng và giao cho ông giữ đồn số 3 ở Đồng Vương, Yên Thế gọi là đồn Đề Hậu. Sau khi Đề Nắm bị hãm hại. Đề Thám mật lệnh cho Đề Truật mang 12 nghĩa quân về làng Sặt vây bắt Đề Sặt dẫn về đồn Hố Chuối để trị tội. Với uy tín của mình, Đề Truật đã nhanh chóng quy tụ được các tướng lĩnh từ Thái Nguyên hội quân về Yên Thế cùng Đề Thám đánh trả giặc Pháp. Song rất tiếc trong chuyến đi Thái Nguyên, cụ đã bị sát hại (khoảng năm 1893).

Cụ Đề Truật (trái) cùng con rể của Đề Thám

          Đề Truật mất đi nhưng tấm gương vì nước, vì dân của cụ vẫn được nhân dân Nhã Nam nhắc nhở lưu truyền. Nơi cụ đóng quân vẫn còn dấu vết chưa phai mờ. Hương khói thờ cúng cụ vẫn được con cháu duy trì. Năm 2010, đồn Đề Hậu ở La Sa, xã Đồng Vương, huyện Yên Thế đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Đây là một trong số bảy đồn lũy kiên cố của Đề Nắm và đồn ở La Sa gọi là đồn số 3 do Đề Truật chỉ huy.

Nơi cụ Đề Truật đóng quân

          Tại nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế ở Phồn Xương, tên tuổi của cụ được trưng bày lưu truyền hậu thế. Sau khi Đề Truật mất con cháu trong dòng họ cùng nhân dân địa phương đã đưa cụ về đình làng Chuông để thờ cúng cùng Thành Hoàng làng. Sau đến khoảng thập kỷ 70 của thế kỷ trước con cháu trong dòng họ đã cho dựng một gian nhà nhỏ trên khu đồi Mã Giới để thờ phụng. Năm 1995, xây dựng thêm 3 gian tiền tế phía trước làm nơi hành lễ khang trang. Trong đền còn lưu giữ được một số hiện vật là dụng cụ chiến đấu năm xưa của cụ như kiếm, cung nỏ, rìu, yên ngựa bằng da. Đây là số hiện vật tuy ít ỏi song là hiện vật minh chứng cho một con người có thực đã hết mình vì quê hương, vì nền thái bình của đất nước.

          Dưới đây là một số hình ảnh của cuộc khởi nghĩa Yên Thế:

Anh hùng Ðề Thám (giữa 1898 và 1905)

Ðề Thám và mấy người con cháu

Những bạn cách mạng của Ðề Thám

Những bạn cách mạng của Ðề Thám

Ðại gia đình của Ðề Thám trước khi bị bắt hết

Gia đình cha vợ của Ðề Thám bị bắt

Yên Thế, 2 nghĩa quân bị bắt (1911)

Một cái thành lũy của Ðề Thám

Phía trong của thành lũy

Một đồn lính Pháp trong vùng Yên Thế

Ðường hào của quân đội Pháp để chống lại Ðề Thám

Khởi nghĩa Yên Thế

Khâm Sai Lê Hoàn, kẻ thù truyền kiếp của Ðề Thám

Nhóm quân của Phạm Quế Thắng

Một người trong nhóm Ðề Thám đang bị hỏi cung

Nghĩa quân bị bắt làm tù binh

Một người trong nhóm Ðề Thám bị bắt

Tù binh Ðề Thám trên hải cảng Alger trước khi vào tù ở Guyane

Tù binh Ðề Thám tới hải cảng Alger

Những anh hùng của nhóm Ðề Thám bị xử tử (1908)

Tù nhân bị bắt trong vụ “Ðầu Ðộc” (1908)

Bị xử trảm (1908)

Dương Loan tổng hợp

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com