Dương Bá Trạc (1884-1944), lòng son trả nợ giang sơn

Giữa những ngày Hà Nội sục sôi cao trào tiền khởi nghĩa, lễ cầu siêu cho nhà chí sĩ yêu nước Dương Bá Trạc ngày 18/3/1945 tại Quán Sứ càng thổi bùng thêm ngọn lửa đấu tranh của nhân dân giành quyền sống trong độc lập tự do. Lời điếu của cụ Phó Bảng Bùi Kỷ đọc trong lễ truy điệu vẫn còn như vang vọng đến ngàn thu: “Sáu mươi tuổi lòng son tóc bạc, người vị quốc vốn là người bất tử, cốt sao trả nợ giang sơn”.

Ông không chỉ cống hiến tâm trí cho công cuộc Duy Tân của các sĩ phu và hoạt động sôi nổi của trường Đông kinh Nghĩa thục, mà còn góp phần không nhỏ vào các hoạt động văn hóa – nghệ thuật dân tộc trong những năm 40 của thế kỷ XX.

* Thỏa chí trai cứu nước

Dương Bá Trạc, hiệu Tuyết Huy, sinh ngày 27/3 năm Giáp Thân (tức 22/4/1884) tại làng Phú Thị, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Nối nghiệp nhà gia lễ, thi thư của cụ nội Dương Thanh (1804-1861) và Dương Trọng Phổ (1862-1927), 16 tuổi, Dương Bá Trạc đã đỗ cử nhân (1900) và rồi ông sớm dấn thân vào sự nghiệp canh tân đất nước. Ông cùng Phan Chu Trinh đi thăm Đề Thám năm 1904, cùng Tăng Bạt Hổ đi khắp các tỉnh ngoài Bắc trong Nam, tuyên truyền, kêu gọi đồng bào thức tỉnh và liên kết với các anh tài, hào kiệt mưu việc lớn. Cuối năm 1906, ông tham gia sáng lập Đông kinh Nghĩa thục (ĐKNT), phụ trách việc diễn thuyết, bình văn, biên soạn sách lịch sử, địa lý theo cách phổ thông, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ truyền bá. Ngoài ra, ông còn sốt sắng tham gia việc quyên góp cho thanh niên đi xuất dương. Huỳnh Thúc Kháng cảm mến gọi ông là Dương thiếu niên vì ông còn trẻ so với các sĩ phu lớp trước. Và khác hẳn với một số người tham gia ĐKNT, với tính cách sôi nổi, ưa hoạt động, Dương Bá Trạc đã giữ mối liên hệ khá chặt chẽ với nghĩa quân Đề Thám. Sau khi hiệu Hồng Tân Hưng, Đồng Lợi Tế, Đông Thành Xương – những địa điểm liên lạc và cũng là cơ sở gây quỹ của ĐKNT bị đóng cửa, Dương Bá Trạc cùng các đồng chí lập căn cứ ở rừng núi, mua sắm vũ khí, luyện tập quân sự để khi có cơ hội sẽ vùng lên đánh Pháp. Bản thân ông nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ Thái Lan về. Thực dân Pháp theo dõi, bắt thân phụ ông – cụ Dương Trọng Phổ lên tra hỏi, sau đó lại bắt mẹ và  hai em thứ 6, thứ 7 để lung lạc tinh thần ông. Phiên xử tại Hội đồng đề hình của chính quyền thực dân ngày 15/10/1908 được người dân Hà Thành quan tâm đến dự và nổi tiếng trong lịch sử Thủ đô, bởi các sĩ phu lãnh đạo ĐKNT và các lãnh tụ khởi xướng, nghĩa quân tham gia vụ Hà Thành đầu độc 27-6-1908 đều bị kết tội làm loạn chống chính phủ, nhiều người bị kết án khổ sai chung thân. Hai cha con – Dương  Trọng Phổ 5 năm tù, Dương Bá Trạc 15 năm tù. Tháng 8/1908, ông bị còng tay chung với sĩ phu Lê Đại từ Hỏa Lò ra Côn Đảo. Nhưng thảm cảnh đau lòng nhất là cụ Dương Trọng Phổ cũng bị đày ra đây làm “cỏ vê”. Lòng hiếu thảo của ông chỉ còn biết giãi bày trong thơ: “Lòng thảo xót xa trời họa thấu/ Tiếng kêu oan khổ đất khôn vùi”. May sao, 5 tháng sau, cha được về đất Bắc, còn ông 20 tháng sau về đất liền nhưng bị an trí ở Long Xuyên. Các bạn ông, mỗi người bị an trí một nơi: Nguyễn Quyền ở Bến Tre; Võ Hoành ở Sa Đéc, Hoàng Tăng Bí ở Huế. Lê Đại về Hà Nội sau 17 năm biền biệt, bị xiềng xích ở Côn Đảo. Phải thêm 6 năm nữa xa quê hương, tù giam lỏng ở Sa Đéc, ông mới được trở về trong lòng quê ấm áp, gặp lại đồng chí một thuở vẫy vùng.

*Bầu nhiệt huyết không vơi cạn 

Khác hẳn với một số sĩ phu tham gia Đông kinh Nghĩa thục, sau khi ở Côn Đảo về, lấy văn chương giãi bày tâm tư, không xuất hiện trên văn đàn, Dương Bá Trạc vẫn hoạt động sôi nổi, những mong mang văn bút giúp đời. Ông viết truyện thơ Trai lành gái tốt, rồi xuất bản ở Nghiêm Hàm ấn quán, năm 1924. Ông còn nhiệt tình viết cho tạp chí Nam Phong, báo Trung Bắc tân văn nhiều bài xã thuyết (tức xã luận), bình luận những vấn đề chính trị xã hội nhằm truyền bầu máu nóng cứu nước đến nhân sĩ trí thức Hà Thành và trong nước, sau đó các bài được tập hợp in trong sách Tiếng gọi đàn, NXB Đông Tây ấn hành năm 1925.

Là thành viên của Hội Khai trí Tiến đức – một tổ chức tập hợp những cây bút văn học nổi tiếng của Hà Nội lúc đó – Dương Bá Trạc đã tham gia cùng một số tác giả soạn bộ “Việt Nam từ điển” và “Việt Nam văn phạm”.  Năm 1932-1935, ông làm chủ bút tờ Văn học tạp chí và báo Đông Tây; và em trai ông – Dương Tự Quán, làm chủ nhiệm. Cũng khoảng thời gian này, năm 1937, NXB Đông Tây của Dương Tự Quán tập hợp các bài thơ câu đối của Dương Bá Trạc, in thành sách Nét mực tình. 73 bài thơ nôm – quốc ngữ làm nên nét đặc sắc của tập thơ. Ông đã tự học, tự rèn, nhập cuộc với trào lưu tân học của thời đại. Bài Vào hè là một điển hình thành công của ông trong nghệ thuật thơ – vận dụng thơ Đường luật mà vẫn rất tinh tế uyển chuyển với ngôn ngữ thuần Việt. Dương Bá Trạc đã vẽ nên khung cảnh đầu hè ở quê hương thật sinh động, đầy sức sống: Ngõ trước vườn sau um những cỏ/ Hồng rơi thắm rụng tiếc cho huê/Trên cành gọi bạn chim xao xác/Trong tối đua bay đóm lập lòe. Vì thế, ngay từ khi mới ra đời, Nét mực tình đã được bạn đọc chào đón nồng nhiệt và văn giới đánh giá cao. Vũ Ngọc Phan, trong tác phẩm Nhà văn hiện đại đã đánh giá “trong các nhà văn đi tiên phong, ông vẫn được kể là một người lỗi lạc”.

Phong thái nhập cuộc của ông đã được Hoa Bằng vẽ rất “nghệ” trong bài Nhớ lại một buổi hội đàm với cụ Dương Bá Trạc đăng trên báo Tri Tân năm 1945: “Hôm ấy là ngày 25/10/1935, tại nhà in Đông Tây, tôi gặp cụ Dương Bá Trạc, người vạm vỡ đẫy đà, mặt to, nước da ngăm ngăm, mắt tỉnh táo, vẻ người hùng nghị, đĩnh đạc trong chiếc áo dài không ủi”. Không cố cựu đến bảo thủ, Dương Bá Trạc còn làm câu đối hồ hởi chào mừng nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi trong sự nghiệp kinh bang tế thế, và đó cũng là giúp nước, cứu nước: “Xã hội quý có phú hào, là góp được của đời, để dùng làm việc đời, túi gấm ông Đào nên mở hết/Thế giới xô về thương chiếu, người lấy quyền lực thắng, ta lấy tâm lực thắng, tượng đồng vua Thép há thua ai”

*Viết Việt sử khảo; Việt sử luận và bình thơ

Một di cảo đặc sắc khác của Dương Bá Trạc đóng góp cho văn hóa nước nhà đầu thế kỷ XX, chính là các tác phẩm luận bàn lịch sử Việt sử khảo  Việt sử luận. Nét mới nhất mà ông thể hiện trong cách viết và bố cục của Việt sử khảo, là viết theo vấn đề, trình bày logic chặt chẽ, luận bàn với quan điểm mới, có kế thừa và phê phán: “Sử học đời trước chẳng qua ghi nhớ sự thực; sử học bây giờ phải biết rõ sự thực nó có quan hệ với nhau cùng nguyên nhân kết quả nó ra thế nào. Những sử nước ta chép theo lối sử học đời trước cả, nay muốn lấy lối sử học mới mà đọc sử nước ta, thật là tức giận”(1), Và thế là ông “Tóm hết sự thực chép trong sử, xét riêng từng phương diện mà lược kể ra sau này, gọi là giúp một phần nhỏ mọn cho các nhà đọc sử”(2), theo các tiết:

I – Lập quốc địa vị: địa vị nước ta ở châu Á và Đông Dương.

II – Nhân chưởng: nguồn gốc giống nòi Giao Chỉ xưa và Việt Nam ngày nay.

III – Tiến hóa trình độ: Luận bàn về địa thế, sản vật, ruộng đất thiên thời địa lợi khiến cho đất nước vẫn ở trong trình độ bán khai. Đến thời đại ngày nay “Năm châu chung chợ, cuộc cạnh tranh trên thế giới như sấm vang, như sét nổ, như gió dập, như sóng dồi”(3), nên dân Việt phải nhận thấy thời cuộc mà đổi mới, ganh đua với năm châu. Đó là tư tưởng tiến bộ của Dương Bá Trạc, hợp với quy luật của kinh tế đã có các thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa do thực dân Pháp áp đặt vào nước ta, bắt buộc ta phải đổi mới trong cách nghĩ và hành động hợp thời cuộc, ích nước lợi dân.

IV – Quốc dân đối ngoại tính chất: luận bàn tính cách của người Việt trong việc đối ngoại, hòa hiếu, trọng người tài nhưng khi bị nô lệ, kiên cường đấu tranh giành lấy tự do độc lập.

V – Lịch triều chính trị: đề cập đến dân đinh chế độ ruộng đất, tài chính, quân đội, hình luật, phép khoa cử, phép dụng nhân.

Tuy tóm tắt cô đọng các vấn đề của lịch sử nước ta từ thời thượng cổ đến thế kỷ XV, thời Lê Thánh Tông trong 5 vấn đề trên, nhưng lấy sự nhìn nhận khách quan để soi vào quá khứ, Dương Bá Trạc rút ra bài học xương máu để trí thức tân học suy nghĩ, lấy vận hội để thực hiện cải cách đất nước. “Việc chính trị nước ta thời xưa, so với các nước văn minh bây giờ, thật là một trời một vực. Nếu không biết tùy thời cải cách mà đổ thừa tại đời xưa chính trị bất lương, thời có phải là cái tội của đời xưa đâu”(4)

Tác phẩm Việt sử luận, Dương Bá Trạc chỉ chọn viết chuyện năm đời: vua Hùng, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, vua Đinh, vua Quang Trung. Cuối mỗi câu chuyện có lời bàn và bài thơ. Cách viết lời bàn, không mới, tựa như Ngô Sĩ Liên viết lời bàn vậy. Mới và đặc sắc là ở phần thơ theo thể 7 chữ, gói được cả hồn cốt câu chuyện và bài học sâu sắc mà lịch sử để lại. Ví như bài thơ về chuyện Nàng Mỵ Châu:

Thành Loa trăm thước chẳng là bền

Móng rùa ba tấc chẳng là thiêng

Nước nhà dấy mất tại người cả

Thành trì không hiểm thần không quyền

Hai Bà Trưng khởi nghĩa, lập đô nước Nam ở Mê Linh, sử thần Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên đều có lời bàn ca ngợi hết lời, nhưng đến Dương Bá trạc, tiếp thu văn minh châu Âu, ông có cái nhìn so sánh với Gian Đa và rất đỗi tự hào: “Ta có thể đem chuyện Hai Bà góp vào lịch sử anh thư trong thế giới mà không thẹn chút nào; sánh với bà nữ kiệt Pháp kia còn bội phần vinh diệu vậy” (Tri Tân số 38, 1942). Hoặc như sự nghiệp anh hùng của Quang Trung – Nguyễn Huệ, ông đem cái nhìn khách quan, công minh của hậu thế vào lời bàn: Gặp lúc triều Lê suy sút, Nguyễn, Trịnh tranh giành, non nước tan tành, nhân dân chìm cháy, ngài có cái chí khí hơn người, cái tài lược xuất chúng, cái độ lượng dung hiền, nạp sĩ, cái quy mô định loạn an bang, ra mà đảm nhiệm cái việc trừ bạo cứu dân lúc ấy, có gì là thất tiếm, là tà tư? vậy há nên cứ gọi là nguỵ triều mãi (Tri Tân số 35, 1942).

Thái độ khách quan, trung thực của người cầm bút, không chỉ trong các bài báo mang tính chính luận như trên mà còn thể hiện cả trong một số bài thơ khi ông cảm xúc trước các nhân vật lịch sử. Đối với Lê Văn Duyệt, ông đánh giá trong bài Yết miếu ông Lê Văn Duyệt: “Triều đại phế hưng thay đổi mấy/ Danh ông vẫn dậy đất Đồng Nai” và :“Hai chục năm ngoài công kiến thiết/ Dấu thơm để lại với sơn hà” (Dương Bá Trạc – NXB Phụ Nữ. H.2004, tr 144). Và thực tế, trong tâm thức nhân gian, mọi người dân Nam Bộ từ xưa đến nay vẫn gọi Lê Văn Duyệt trân trọng – Lăng Ông. Đối với Phan Thanh Giản, ông dùng những lời thống thiết mà hết sức đúng người, đúng cảnh: “Cả triều như ngủ, ngủ mê man/ Bức sớ Tây về họng luống khan/ Nam Bắc phận bài bao cực nhọc/ Mất còn thân hệ với giang sơn/ Thành  trì sáu tỉnh đành đi đứt/ Tính mạng muôn nhà  nỡ giết oan? Thôi thế một mình cho trọn tiết/ Tiếng thơm còn để lại nhân gian”. Phương pháp đánh giá vai trò cá nhân trong lịch sử, công tội phân minh, phải đặt vào bối cảnh lịch sử cụ thể, Dương  Bá Trạc đã thể hiện ở ngay cả trong thơ.

Giữa lúc người Pháp cai trị, bày ra các trò vui vẻ trẻ trung “Khoẻ để phụng sự”, phát xít Nhật nêu cao thuyết Đại đông Á, Khối thịnh vượng chung, cho trí thức, thanh niên học sinh các đô thị quên đi gông xiềng nô lệ, thì những bài của Dương Bá Trạc đăng trên Tri Tân, rồi tập hợp trong Việt sử luận, Việt sử khảo, là tiếng chuông thức tỉnh, gọi hồn Việt trở về hâm bầu máu nóng, giành lại giang san. Ông nhập thế bằng ngòi bút văn chương tài hoa, chứ không chịu ở ẩn như một số nhà nho cuối mùa, lấy văn thơ để thỏa tâm tư mà đau lòng nhìn thế cuộc.

Có thể nói rằng, thời gian này, ba anh em ruột Dương Bá Trạc – Dương Quảng Hàm – Dương Tự Quán, làm nên một hiện tượng văn hóa khá độc đáo: cả ba anh em đều mang bầu tâm huyết nhiệt thành yêu nước và trở thành những cây bút có danh tiếng trên văn đàn, báo chí, góp phần to lớn vào sự phát triển của nền văn học, báo chí Việt Nam những năm 40 của thế kỷ XX.

Nhà văn hoá yêu nước chân chính

Thật đáng tiếc và đau xót, bầu nhiệt huyết của Dương Bá Trạc, đến lúc đó, vẫn không gặp ánh sáng của mặt trận Việt Minh. Cuối năm 1943, ông cùng ông Trần Trọng Kim, bị người Nhật nhốt vào một nơi ở  Hà  Nội, để bảo vệ hai ông khỏi bị mật thám bắt, rồi đưa sang Chiêu Nam (tức Xinh-ga-po) cho “ngồi chơi xơi nước”. Ra đi, ông ôm một bầu tâm sự ngổn ngang bao nỗi, nhưng vẫn nhắn nhủ “đồng bào mau đứng dậy/ Xuân sang ta đón quốc hồn về”. Trong tình cảnh hổ bị nhốt trong cũi, lại thêm khí hậu nóng bức, sức khoẻ yếu, rồi ung thư phổi ủ bệnh  đã lâu, ngày 11-12-1944, Dương Bá Trạc mất ở nơi đất khách quê người, để lại tuyệt bút Nhớ mẹ và Lưu gửi các bạn trong và ngoài nước cùng Di bút cho con cháu

Giúp dân giúp nước gặp việc phải

Lại cũng hăng hái kề vai mang

Đời công đời tư trọn vẹn cả

Không hổ thẹn với thần thiên lương  

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, tro cốt nhà yêu nước chân chính mới được về tới Hà Nội. Ngày 17-3-1945, lễ truy điệu được tổ chức tại Nhà Hát lớn, sau đó, Hội Phật giáo Bắc kỳ làm lễ cầu siêu tại chùa  Quán Sứ, Chí sĩ Lê Long Đại, Bùi  Kỷ đọc bài văn tế thống thiết.

Văn thơ và sự nghiệp của Dương Bá Trạc còn ở lại mãi với hậu thế trong niềm trân trọng và ghi nhớ công lao của nhà văn hoá yêu nước  chân chính.

(1), (2), (3), (4): Nam Phong số 15, 1918

Dương Việt Hòa sưu tầm (Theo Ths. Phạm Kim Thanh – baotanglichsu.vn)

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com