Những ngày đầu xuân năm mới Nhâm Dần, tôi có hẹn với nhà thơ Dương Soái tại nhà riêng ở phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái. Nhấp ngụm trà nóng, ông chậm rãi trò chuyện về những kỷ niệm khi còn là chàng thanh niên làm công nhân địa chất ở Lào Cai.
Ông chia sẻ: “Tôi nhớ lần đó, khi đang trên đường đi làm thấy cảnh núi rừng, mây trời hùng vĩ, bao la là tự nhiên những câu từ, những vần, những ý, tứ thơ cứ hiện lên trong đầu. Ngay khi xong công việc, tôi xin được vỏ bao thuốc lá của đồng nghiệp và vội vàng ghi lại những cảm xúc khi ấy”. Cứ ngỡ công việc kỹ thuật khô khan tưởng chừng không liên quan tới lĩnh vực văn học nghệ thuật mà ông đã theo đuổi đến bây giờ. Thế nhưng, với những tố chất sẵn có trong tâm hồn đã tạo nên một Dương Soái thật đặc biệt và thành công như hiện tại.
Nhà thơ Dương Soái chia sẻ: Ngày ấy, cảm xúc đến với tôi bất chợt. Mọi thứ trong cuộc sống khi chạm đến cảm xúc đều có thể viết ra thành những vần thơ để bộc bạch và thổ lộ những nỗi niềm của bản thân…
Với đam mê học hỏi, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã dành dụm tiền để mua rất nhiều sách, báo, truyện. Ông đọc mỗi ngày tích lũy kiến thức cho mình, để rồi những hồn thơ của ông đều thật bình dị với những ngôn từ đời thường, trong trẻo, là nỗi niềm tâm sự của biết bao người.
Ngày ấy, thơ của Dương Soái đã xuất hiện rất nhiều trên các mặt báo như: Nhân Dân, Tiền Phong, Lao Động, Đại Đoàn Kết… “Theo đoàn người đi mở cửa núi non/ Cho đất nước hồng hào công nghiệp/ Không cầm búa, cầm choòng, cầm bút/ Đời vui vẫn hát bao lời về anh…”.
“Y tá địa chất” là một trong số 30 bài thơ mà Dương Soái sáng tác trong 11 năm mưa dầm cơm vắt làm công nhân địa chất đi tìm quặng. Hay những vần thơ lãng mạn hơn cả tình yêu của chàng thanh niên hăm mươi ba tuổi khi ấy (sáng tác năm 1973) trong bài “Đất lạ”: Nơi mở ra bát ngát những cánh đồng/ Nơi khe nước rỉ luồn cũng là nguồn của một dòng sông… Đây hòn than in đậm nét lá cây/ Ba trăm triệu năm bát ngát đầm dương xỉ/ Và đây con thằn lằn bay gợi nhiều nỗi nhớ/ Hóa đá rồi vẫn vỗ cánh thời gian…
Trong cuộc chuyện trò ngắn ngủi, nhà thơ Dương Soái rất ít nói về những sáng tác của mình, càng không muốn tên tuổi mình xuất hiện trên mặt báo. Ông phân trần: Tôi chưa làm được gì nhiều đâu. Thơ thì mới ra được 4 – 5 tập, được độc giả biết đến là quý lắm rồi!.
Như một cơ duyên, đến nghề báo với những chuyến đi đã đưa ông tới nhiều vùng đất, giúp ông có cơ hội tìm hiểu, khám phá về nhiều nền văn hóa, thiên nhiên, cuộc sống, con người. Đó vừa là chất liệu để viết báo, vừa là cảm xúc để ông cho ra đời những tác phẩm thơ dung dị, chứa chan tình đời, tình người, chạm đến cảm xúc của bạn đọc. Tôi được biết, sau nhiều năm làm cộng tác viên, đến năm 1977, ông đã chính thức làm phóng viên của Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc hồi tháng 2 năm 1979, Dương Soái đã có mặt ở hầu hết những nơi bom rơi đạn lửa để ghi lại những dấu mốc thời gian. Từ đó, bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” đã chính thức ra đời và tạo nên tên tuổi của ông cho đến tận bây giờ.
Những thành công có được nhờ sự nỗ lực, cố gắng của một người làm nghệ thuật chân chính, Dương Soái từng giữ chức vụ Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Yên Bái nhưng ông luôn luôn khiêm hạ mỗi khi xuất hiện trước công chúng cả nước. Ông cho rằng, mỗi người có một quan niệm khác nhau về sự nổi tiếng.
Với ông, nổi tiếng không phải là sách của mình in ra được bán chạy hàng ngàn, hàng vạn cuốn. Để gây được tiếng vang trong lòng độc giả, người nghệ sĩ cần phải nghiêm túc trong lao động sáng tạo, phải “cháy” hết mình cho đứa con tinh thần của mình. Lĩnh vực văn học nghệ thuật gắn liền với sự độc lập sáng tạo, lao động trí óc kiên trì mới có thể tạo ra sản phẩm riêng có, tạo nên thương hiệu riêng của mỗi tác giả.
Và khi cái riêng bản thể trở thành cái riêng – chung của cộng đồng thì tác phẩm đó sẽ được công chúng chấp nhận. Và người sáng tạo lúc đó sẽ được xem là người bạn đồng hành, tri kỷ, tâm giao của giới công chúng. Tôi nghĩ Dương Soái đã làm được điều đó! Không dừng lại ở đó, nhà thơ tiếp tục lao mình vào công việc sáng tạo để thổi hơi thở cuộc sống thành tiếng thơ. Năm 2005, ông làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái. Nhà thơ Dương Soái vẫn còn đau đáu với một thực tế “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà đài/ Bốn nhà cộng lại thành hai nhà nghèo”.
Lớp trẻ chịu dấn thân vào nghề văn chương là rất hiếm. Những người có trình độ, tốt nghiệp các trường danh tiếng đều có xu hướng quay sang làm kinh tế. Viết được một truyện ngắn, một bài thơ, gửi đi rồi dài cổ chờ báo đăng, chờ khoản nhuận bút “bèo bọt”… Nhưng đâu có phải bài vở được báo đăng thường xuyên, lâu lâu mới thấy có một bài lên báo thì ai dám theo cái nghề “mang khổ vào thân” này… Nhà thơ tâm sự rất thật!
Cả cuộc đời gắn bó với nghiệp làm thơ, viết báo, ông đã gặt hái được không ít những thành công. Nhưng có lẽ, cái mà ông trân trọng nhất chính là tình cảm của đồng nghiệp, của những người yêu thơ dành cho mình. Những vần thơ của Dương Soái khiến người đọc thấy được sự gần gũi, bình dị nhưng càng đọc lại càng ngấm. Đó cũng là nơi để ông gửi gắm những cảm xúc đời thường dung dị, tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt yêu đời, yêu người…
Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com