Bà Dương Thị Thân – người phụ nữ dành cả đời cho nghề quan trắc viên

Xuất thân từ vùng đất học xứ Nghệ, năm 1988 ra trường xin đi công tác ngành khí tượng tại vùng kinh tế mới Tây Nguyên, đến nay đã 35 năm nhưng bà Dương Thị Thân vẫn không ngừng học hỏi để cống hiến cho ngành.

Gắn bó với ngành khí tượng thủy văn Tây Nguyên đủ dài để nữ quan trắc viên Dương Thị Thân nếm trải hết những gian khó, khổ cực đặc thù của ngành “bắt mạch thời tiết”. Gần hết một đời làm quan trắc viên nhưng bà vẫn không ngừng học tập tiếp thu cái mới của ngành từ khoa học kỹ thuật hiện đại.

Là thế hệ “giao thời” giữa cái cũ và cái mới, giữa đo đạc thủ công và dùng máy móc tự động nên nhiều khi bà Thân thấy đấy cũng là động lực để theo đuổi nghề “bắt mạch thời tiết” này. Bà cũng thừa nhận, ở tuổi của bà, tiếp nhận mọi thứ đã trở nên chậm chạp, những kiến thức liên quan đến công nghệ thông tin lại càng khó khăn.

Thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, ngay cả những người làm trong nghề nhiều khi cũng bất ngờ với chuyện nắng mưa. Dù có 35 năm kinh nghiệm nhưng nếu không tìm hiểu, học hỏi thêm thì sẽ tụt hậu, bà luôn tâm niệm như thế.

Bà Dương Thị Thân bên trạm quan trắc Khu vực Tây Nguyên.

Nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên Tây Nguyên (năm 1988), bà Dương Thị Thân cho rằng đó là thời gian “đoạn trường” nhưng cũng nhiều niềm vui, dấu ấn khó quên. “Hồi đó, lương hai vợ chồng cộng lại chưa tới 100 ngàn đồng. Đến nỗi cưới nhau nhiều năm chúng tôi mới mua được cái mâm nhôm. Chồng tôi về kể cho bà nội ở quê mà mọi người không tin. Còn tôi, do làm ở trạm nơi rừng núi heo hút, bị sốt rét liên miên, người gầy rộc. Năm đó, khi về thăm quê Nghệ An, cả mẹ và chị gái nhìn thấy tôi thì chỉ lặng lẽ khóc. Lúc tôi vào đây là một sinh viên ngành khí tượng vừa ra trường còn căng tràn sức sống, không ai nghĩ môi trường công tác lại khắc nghiệt như vậy.

Gian khổ là vậy, nhưng sự chịu thương, chịu khó vốn có của người miền Trung đã giúp bà thích ứng với điều kiện sống mới. Khi vợ chồng cùng công tác tại Trạm khí tượng Đăk Tô (Kon Tum), xung quanh đất đai rộng nên tranh thủ thời gian, họ khai hoang trồng mì, nấu rượu, nuôi heo, nuôi gà lấy trứng.

Chiêm nghiệm từ cuộc đời mình, bà Dương Thị Thân khẳng định, mỗi người mỗi nghề theo đuổi và làm theo sở thích của mình sẽ thấy bạn thêm yêu cuộc sống và khiến mọi người quý trọng mình hơn.  Chỉ cần các bạn đủ chịu khó, ham học hỏi và thích ứng tốt thì chắc chắn thành công sẽ đến sớm với các bạn thôi.

Dương Hạnh

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com