Hiệu quả kép từ phát triển cây mắc ca ở Tây Nguyên

Tây Nguyên là một trong hai vùng quy hoạch phát triển cây mắc ca của cả nước. Thực tế, sau quá trình khảo nghiệm cho thấy, phát triển cây mắc ca tại các tỉnh Tây Nguyên ngoài hiệu quả kinh tế, còn có tác dụng về môi trường sinh thái.

Cây mắc ca tên quốc tế là Macadamia, có nguồn gốc tự nhiên từ rừng ở bang Queensland (Australia), thuộc loại cây thân gỗ, quả với hạt vỏ cứng, có tuổi thọ đến 100 năm, trong đó 40-60 năm cho khai thác kinh tế, hiện được xác định là một trong 20 loại cây trồng lâm nghiệp chính của nước ta.

Cùng đoàn công tác của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tham quan lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân tại xã Dliê Ya, huyện Krông Năng (Đắc Lắk), trao đổi với chúng tôi tại buổi tập huấn, ông Dương Thanh Tương, Phó chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho biết: “Dliê Ya được xem như thủ phủ mắc ca của tỉnh Đắc Lắk. Trong tổng diện tích 1.335ha mắc ca toàn tỉnh Đắc Lắc, thì riêng xã Dliê Ya có 900ha. Theo tính toán, mỗi hécta mắc ca chuyên canh trồng 300-350 cây, xen canh trong cà phê trồng 120-150 cây; tổng chi phí đầu tư trong 3 năm kiến thiết cơ bản khoảng 40-60 triệu đồng. Từ năm thứ 4 trở đi, mắc ca bắt đầu cho quả, với năng suất 5-10kg quả tươi (đã bóc vỏ xanh)/cây; từ năm thứ 9 trở lên cho 20-25kg quả tươi/cây, năng suất bình quân đạt 6-7 tấn quả tươi/ha. Với giá 100.000 đồng/kg như hiện nay, thì mỗi hécta cho tổng doanh thu đạt 600 triệu đồng, trừ chi phí, thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng, cao hơn gấp 3 lần so với thu nhập của cây cà phê thời điểm hiện tại”. Tại xã Dliê Ya, nhiều hộ nông dân có thu nhập từ cây mắc ca trồng xen cao hơn thu nhập từ cây trồng chính là cà phê. Tiêu biểu có hộ Phạm Văn Hoàng, thôn Ea Krái, năm 2012 trồng 50 cây mắc ca xen trong 5 sào cà phê, niên vụ 2020 cho thu hơn 1 tấn quả tươi, trị giá hơn 100 triệu đồng.

Tham quan mô hình trồng xen mắc ca trong rẫy cà phê của hộ Ngô Văn Sáu, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Tìm hiểu thực tế việc phát triển cây mắc ca tại tỉnh Lâm Đồng (địa phương có nhiều kinh nghiệm từ việc trồng xen mắc ca trong rẫy cà phê và chè), chúng tôi được Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Tường Vi chia sẻ kinh nghiệm: “Lâm Đồng cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Ban chỉ đạo phát triển cây mắc ca do đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Từ năm 2016, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Quy hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Hiện tại, toàn tỉnh phát triển được hơn 4.863ha mắc ca, dự kiến năm 2021 này phát triển thêm 2.000ha; tỉnh Lâm Đồng khuyến khích bà con nông dân trồng xen mắc ca trong rẫy cà phê và rẫy chè, vừa tạo cây che bóng, nâng cao năng suất, chất lượng cho cà phê và chè, vừa có thêm nguồn thu nhập trong thời điểm cà phê xuống thấp. Lý giải về những lo lắng của người trồng mắc ca trong thời gian thực nghiệm, bà Nguyễn Thị Tường Vi cho rằng, đến nay, địa phương đã giải quyết được vấn đề này, nhất là về giống, vốn, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, về giống, hiện nay có 13 giống mắc ca đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Tại Tây Nguyên đang có 8 doanh nghiệp tham gia phát triển hệ thống vườn ươm, ghép cây giống với số lượng hơn 10 triệu cây, đủ cung cấp cho nhu cầu trong vùng và cung ứng ra các tỉnh Tây Bắc. Đặc biệt, ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, các doanh nghiệp cung cấp giống mắc ca còn ký hợp đồng, cam kết đền bù cho nông dân từ 7 đến 10 lần giá trị cây giống, nếu đến thời kỳ kinh doanh cây không cho quả.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề tiêu thụ sản phẩm và vốn đầu tư phát triển sản xuất mắc ca, ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho biết: “Hiện tại, thị trường mắc ca trong nước và thế giới cung chưa đủ cầu. Để đồng hành cùng người trồng mắc ca, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đang thực hiện cam kết bao tiêu sản phẩm trong vòng 10 năm với giá bằng 85% giá của Australia tại thời điểm thu mua. Đến nay, trên cả nước có khoảng 40 doanh nghiệp chế biến quy mô vừa và nhỏ, cùng hơn 500 hộ kinh doanh cá thể thực hiện thu mua, chế biến, xuất khẩu mắc ca. Chỉ tính trong niên vụ 2021, tuy còn gần 3 tháng nữa mới đến thời điểm thu hoạch mắc ca, nhưng nhiều thương lái ở Tây Nguyên đã tìm đến tận vườn để thỏa thuận thu mua quả tươi. Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt cũng đã và đang đồng hành cùng nông dân trồng mắc ca với nhiều gói cho vay cả thế chấp và tín chấp lên đến 80% nhu cầu vốn đầu tư, thời gian cho vay tối đa 10 năm, thời gian ân hạn gốc và lãi lên đến 5 năm cũng tạo ra thuận lợi lớn cho người trồng mắc ca. Có thể nói, trong thực thi chính sách phát triển nông nghiệp, thì cây mắc ca nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ phía hiệp hội, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học và chính quyền. Hiện nay, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đang quan tâm hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích tại hai vùng quy hoạch chính ở các tỉnh miền núi Tây Bắc và Tây Nguyên. Tính đến nay, cả nước có 24 tỉnh trồng mắc ca với tổng diện tích hơn 16.566ha, trong đó vùng Tây Nguyên có 8.770ha. Mục tiêu đến năm 2025 diện tích mắc ca của cả nước đạt 50 nghìn hécta và đến năm 2030 đạt hơn 100 nghìn héta”.

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com